Các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu tâm lý học tư pháp – Hình sự
Nghiên cứu khách quan các hiện tượng tâm lý là vấn đề có tính chất nguyên tắc. Nghiên cứu một cách khách quan trước hết phải nghiên cứu chính bản thân các hiện tượng, các đặc điểm, các quy luật tâm lý của chủ thể và khách thể trong hoạt động tư pháp. Phải xem xét sự vật, hiện tượng như chúng vốn có trong thực tế, và phản ánh đúng mọi diễn biến và biểu hiện của chúng.
1- Các nguyên tắc nghiên cứu tâm lý học tư pháp
(i) Nguyên tắc khách quan
Nghiên cứu khách quan các hiện tượng tâm lý là vấn đề có tính chất nguyên tắc. Nghiên cứu một cách khách quan trước hết phải nghiên cứu chính bản thân các hiện tượng, các đặc điểm, các quy luật tâm lý của chủ thể và khách thể trong hoạt động tư pháp. Phải xem xẻt sự vật, hiện tượng như chúng vốn có trong thực tế, và phản ánh đúng mọi diễn biến và biểu hiện của chúng. Nguyên tắc này không cho phép các nhà nghiên cứu phán đoán một cách chủ quan, tuỳ tiện đưa ra những kết luận thiếu cơ sở khoa học.
(ii) Nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng
Nguyên tắc này khẳng định tâm lý có nguồn gốc là thế giới khách quan tác động vào bộ não con người thông qua “lăng kính chủ quan” của con người. Các tác động bên ngoài vào con người đóng vai trò quyết định thông qua các điều kiện bên trong.
Các tác động từ bên ngoài đó là thế giới bên ngoài con người, bao gồm những điều kiện, đặc trưng của hoàn cảnh xã hội – lịch sử cụ thể, môi trường xã hội với tất cả các mối quan hệ xã hội mà các cá nhân tham gia vào đó, các điều kiện sống và làm việc của cá nhân, gia đình…
Các điều kiện bên trong chính là những cái quy định đặc điếm tâm, sinh lý cá thể, bao gồm các đặc điểm sinh vật của cá thể, các đặc điểm hoạt động thần kinh cấp cao với các quy luật của nó, các đặc điểm tâm lý của nhân cách biểu hiện ở trình độ hiểu biết, vốn sống, nhu cầu, tính cách, năng lực…
Các điều kiện điều kiện bên ngoài là nguyên nhân quyết định việc nảy sinh các diễn biến tâm lý khác nhau của con người, nhưng cái bên ngoài muốn phát huy tác dụng phải thông qua các điều kiện bên trong của chủ thể. Do đó, nhất thiết phải nghiên cứu các điều kiện, hoàn cảnh mà trong đó các phẩm chất tâm lý của cá nhân được hình thành và phát triển.
(iii) Nguyên tắc thống nhất tâm ký – ý thức và hoạt động
Tâm lý con người được biểu hiện trong hoạt động và đóng vai trò định hướng, điều khiển hoạt động, đồng thời thông qua hoạt động, tâm lý – ý thức con người được nảy sinh, hình thành, phát triển. Tâm lý – ý thức và hoạt động của con người là thống nhất trong mối quan hệ biện chứng.
Nguyên tắc thống nhất giữa tâm lý – ý thức và hoạt động có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong hoạt động tư pháp. Nghiên cứu phán xét tâm lý của những người tham gia tố tụng phải thông qua các biểu hiện trong hành vi và hoạt động cụ thể của họ. V.I. Lênin đã chỉ rõ: “Chúng ta nên dựa vào những tiêu chuẩn nào để phán đoán tư tưởng và tình cảm chân thực của những con người chân thực? Rõ ràng chỉ có một tiêu chuẩn, đó là những hoạt động của họ”; “Phán đoán một con người không phải dựa vào lời nói và phương pháp suy nghĩ của họ mà dựa vào hành vi của họ”.
(iv) Nguyên tắc vận động phát triển
Phải xem xét tâm lý của chủ thể và khách thể trong lĩnh vực hoạt động tư pháp bằng “lăng kính” biện chứng. Đời sống của con người vô cùng sinh động, tâm lý của con người luôn luôn thay đổi không bao giờ cố định. Nghiên cứu tâm lý con người nhất định phải tuân thủ nguyên tắc vận động phát triển. Phải nghiên cửu nhân cách trong sự hình thành, phát triển và biến đổi của nó. Khi nghiên cứu nhân cách cần phải đối chiếu các thông tin về cá nhân trong các thời kỳ khác nhau.
(v) Nguyên tắc tiếp nhận tư cách
Khi nghiên cứu tâm lý con người nói chung và tâm lỵ những người tiến hành, tham gia tố tụng nói riêng phải tiếp cận với từng con người cụ thể với toàn diện các mặt, các phẩm chất thuộc tính của họ từ xu hướng, tính cách, khí chất, năng lực. Phải phân tích để thấy được sự tác động qua lại của các yếu tố xã hội và yếu tố sinh vật trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi một nhân cách cụ thể. Ở đây, cần chú ý làm rõ cả những mặt mạnh và cả những mặt yếu của các nhân cách.
2- Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tư pháp
(i) Phương pháp quan sát
Quan sát là tri giác hiện tượng tâm lý một cách có tổ chức, có chủ định, có mục đích rõ ràng.
Đối tượng quan sát là những biểu hiện bên ngoài của tâm lý (hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ mặt, dáng điệu, quan hệ với người khác v.v.) diễn ra trong điều kiện sinh hoạt tự nhiên bình thường của con người. Trên cơ sở đó có thể kết luận về những hiện tượng tâm lý bên trong.
Nhờ tri giác tinh tế và nhạy bén các trạng thái tâm lý qua nét mặt, cử chỉ, ngữ điệu của lời nói mà chủ thể giao tiếp có thể phát hiện chính xác và đầy đủ thái độ của đối tượng. Ngôn ngữ diễn tả tình cảm hay còn gọi là ngôn ngữ biểu cảm rất phong phú. Nó thể hiện tính cách, trí tuệ, tình cảm, ý chí của con người. Tính chủ động hay thụ động, tính chân thành hay giả dối, tính tin tưởng hay hoài nghi đều in “dấu” trong giọng nói và nhịp điệu của lời nói. Ví dụ: khi xúc động, giọng nói hổn hển, lời nói ngắt quãng; khi vui vẻ, nhịp nói nhanh; khi buồn, giọng trầm và nhịp chậm; khi ra lệnh, giọng cương quyết, sắc, gọn. Trạng thái xúc cảm của con người cũng thường được biểu hiện ở nét mặt, cử chỉ, hành vi. Ví dụ: Khi sợ hãi, mặt người ta trở nên tái nhợt, hành động bị gò bó, khi bối rối, xấu hổ mặt người ta đỏ bừng, toát mồ hôi.
Trong quan sát có thể trực tiếp tiếp xúc với đối tượng (điều tra viên quan sát hành vi, cử chỉ, nét mặt v.v. của bị can trong khi tiến hành hỏi cung họ) hoặc gián tiếp (qua người khác hoặc qua tài liệu. Ví dụ: qua kết quả ghi chép của các giám định viên).
Khi quan sát, cần phải lưu ý:
– Xác định trước những hiện tữợng cần quan sát, lập chương trình quan sát và cách ghi chép kết quả quan sát, cũng như xác định vai trò, vị trí giữa người quan sát với đối tượng nghiên cứu;
– Dùng các phương tiện kỹ thuật, những không để đối tượng quan sát biết;
Phải có những phương pháp khác hỗ trợ để có thể đánh giá bản chất đối tượng quan sát một cách đầy đủ.
(ii) Phương pháp đàm thoại, phỏng vấn
Đây là phương pháp nhận thức đặc điểm tâm lý của con người thông qua giao tiếp ngôn ngữ với họ. Bằng cách đặt ra những câu hỏi và dựa vào trả lời của đối tượng để trao đổi, hỏi thêm nhằm thu nhận những thông tin về vấn đề cần nghiên cứu.
Đàm thoại, phỏng vấn phải được diễn ra trong không khí thân mật chân thành, tin cậy, thoải mái, không gò bó, giữ kẽ và giả tạo. Thông qua đàm thoại, phỏng vấn có thể hiểu được tâm trạng, cậm xúc, trình độ học vấn, hứng thú, nhu cầu, thế giới quan, tính cách, khí chất, và năng lực của đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong hoạt động tư pháp và thường kết hợp với phương pháp quan sát. Ví dụ: Khi tiến hành lấy lời khai của các đương sự, thẩm phán có thể quan sát hành vi, cử chỉ, nét mặt của họ.
Muốn đàm thoại, phỏng vấn thu được kết quả tốt, cần:
– Xác định rõ mục đích yêu cầu nghiên cứu tâm lý qua đàm thoại để đi đúng phương hướng nghiên cứu tránh lan man;
– Phải chủ động dẫn dắt câu chuyện đến chỗ cần tìm hiểu;
– Tránh lối đặt câu hỏi sẵn kiểu vấn đáp, tránh những câu hỏi có thể dẫn đổi tượng đến chỗ trả lời máy móc “có” hoặc “không”;
– Làm cho câu chuyện mang sắc thái tranh luận khi cần thiết.
(iii) Phương pháp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu độc lập
Các đặc trưng tâm lý của đối tượng (một con người cụ thể, một nhóm người, tập thể người…) thường được ghi lại dấu ấn trong các tài liệu độc lập khác nhau (như trong báo cáo tổng kết quí, năm của cơ quan, của ngành…). Khái quát các tài liệu độc lập này có thể giúp ta đưa ra những kết luận nhất định về đối tượng nghiên cứu. Vì các tài liệu thu được là chính thống nên các sự kiện, con số nhận được mang tính chân thực và tạo điều kiện cho người nghiên cứu tiếp tục phân tích các sự kiện, hiện tượng một cách khách quan, có hiệu quả.
(iv) Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp thực nghiệm là phương pháp mà trong đó nhà nghiên cứu chủ động tạo ra các hiện tượng cần nghiên cứu, sau khi đã tạo ra điều kiện cần thiết loại trừ yếu tố ngẫu nhiên.
Phương pháp thực nghiệm có những đặc điểm:
– Tạo ra tình huống riêng biệt để có thể quan sát hiện tượng cần nghiên cứu trong dạng thuần túy của nó;
– Sắp lại hiện tượng đó nhiều lần tùy theo mức độ cần thiết để kết luận;
– Thay đổi những điều kiện gây ra hiện tượng tâm lý theo những quy luật nhất định;
– Dùng máy móc đo lường chính xác để kiểm nghiệm.
Có ba phương pháp thực nghiệm:
– Thực nghiệm trong tự nhiên: Là thực nghiệm dựa vào điều kiện hoạt động bình thường của đối tượng nghiên cứu (hoàn cảnh sinh hoạt, học tập, công tác) để thực hiện chương trình thí nghiệm đã định. Ví dụ: có thể tiến hành thực nghiệm tìm hiểu thái độ của bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn… thông qua giao tiếp được tiến hành tại gia đình hoặc nơi làm việc của họ.
Ưu điểm của phương pháp này là tránh được tính giả tạo có ảnh hưởng đến diễn biến tâm lý của đối tượng.
– Thực nghiệm tâm lý giáo dục: Là những điều kiện giáo dục học tập thường áp dụng trong việc cải tạo nhằm luyện tập cho phạm nhân có thói quen và kỹ xảo trong lao động, thái độ mới đối với tập thể và xã hội và cách nhìn nhận mới trong hành vi.
– Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm: Là nhằm nghiên cứu những đặc điểm của hoạt động tâm lý trong những điều kiện do người nghiên cứu tạo ra. Phương pháp này dựa theo nguyên lý mô hình hóa tâm lý của hoạt động, cho phép tách biệt ra một bộ phận của hoạt động toàn vẹn để có thể đo lường nó đến độ chính xác cần thiết. Đặc trưng của phương pháp này là sử dụng những máy móc tinh vi phức tạp. Ví dụ: có thể dùng máy đo chính xác các biểu hiện nảy sinh bên trong của tâm lý như sự biến đổi điện sinh ở não khi tư duy, hoạt động tim mạch khi cảm xúc.
Phương pháp thực nghiệm có ưu khuyết điểm sau:
Ưu điểm: Người làm thực nghiệm tự tạo ra điều kiện làm nảy sinh, và phát triển đặc điểm tâm lý nào đó để nghiên cứu, vì thế có thể tiến hành nghiên cứu một cách chủ động.
Nhược điểm: Khó sử dụng các kỹ thuật thí nghiệm trong điều kiện hoạt động thực tiễn của các cơ bảo vệ pháp luật, không tránh khỏi được tính giả tạo trong khi tiến hành thực nghiệm. Vì vậy cần phải bổ sung bằng kết quả nghiên cứu của các phương pháp khác.
(v) Phương pháp trắc nghiệm
Test là một hệ thống biện pháp đã được chuẩn hoá về kỹ thuật, được quy định về nội dung và cách làm, nhằm đánh giá ứng xử và kết quả hoạt động của một hay nhiều người, cung cấp một chỉ báo về tâm lý như trí lực, xúc cảm, năng lực, tính cách, khí chất…
Trong tâm lý học đã có một hệ thống test về nhận thức, năng lực, nhân cách như:
– Test trí tuệ của Bi nê – xi mông;
– Test trí tuệ của Raven;
– Test nhân cách của Aysencơ (H. Eysenck) giúp ta tìm hiểu tính cách của con người.
(vi) Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động
Đó là phương pháp dựa vào kết quả, sản phẩm của hoạt động do con người làm ra để nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của con người đó, bởi vì tâm lý – ý thức con người được biểu hiện trong hành vi và hoạt động cụ thể của họ.
Căn cứ vào kết quả đó có thể biết được những hứng thú, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp và trạng thái tâm lý của đối tượng. Chẳng hạn, phân tích đặc điểm các dấu vết hoạt động phạm tội, có thể xác định được động cơ, mục đích, thói quen, trạng thái tâm lý của người phạm tội.
Do những khó khăn nhất định (không biết được quá trình làm ra nó, không biết hoàn cảnh trong đó nó được làm ra…) nên muốn sử dụng tốt phương pháp này cần:
– Tìm cách “dựng lại” càng đầy đủ càng tốt quá trình hoạt động đưa đến sản phẩm mà ta nghiên cứu;
– Tìm cách “phục hồi” lại (có thể bằng đàm thoại, phỏng vấn…) hoàn cảnh trong đó sản phẩm được làm ra;
– Tìm hiểu các mặt tâm lý khác của thể nghiệm ngoài mặt đã thể hiện trong sản phẩm (đàm thoại, phỏng vấn, quan sát, test…).
(vii) Phương pháp điều tra
Phương pháp điều tra là phương pháp dùng một số câu hỏi nhất loạt đặt ra cho một số lớn đối tượng nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến chủ quan của họ về một vấn đề . Câu hỏi dùng để điều tra có thể là câu hỏi đóng, tức là có nhiều đáp án sẵn để đối tượng chọn một trong hai như: “có”, “không”, “đúng”, “không đúng”, “biết”, “không biết”, “đồng ý”, “không đồng ý”; có thể là câu hỏi mở, để người được hỏi tự do diễn đạt ý kiến của mình về vấn đề được hỏi; cũng có thể là câu hỏi nửa đóng, kết hợp danh mục các phương án trả lời dành cho người được hỏi khả năng phủ định chúng và trả lời theo ý mình.
Dùng phương pháp này có thể trong một thời gian ngắn thu thập được một số ý kiến của nhiều người, nhưng là ý kiến chủ quan. Để có tài liệu tương đối chính xác, cần soạn kỹ bản hướng dẫn điều tra (người sẽ phổ biến bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng) vì nếu những người này phổ biến một cách tùy tiện thì kết quả sẽ rất khác nhau và không có giá trị khoa học.
Dựa vào các phiếu điều tra người ta nghiên cứu các phẩm chất tâm lý của những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân), và đặc điểm tâm lý của những người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn…).
(viii) Phương pháp nghiên cứu tiểu sử
Con người là chủ thể của các hoạt động xã hội. Do đó, những tài liệu về đời sống và hoạt động của cá nhân có ý nghĩa nhất định đối với việc nghiên cứu tâm lý của con người. Những tài liệu này có thể là tự thuật, nhật ký, thư từ, hồi ký hoặc có thể là những tư liệu do người khác viết về đối tượng nghiên cứu. Những tài liệu này giúp phát hiện ra những biểu hiện của hoạt động tâm lý đã xảy ra trong quá khứ. Phương pháp nghiên cứu tiểu sử góp phần cung cấp một số tài liệu cho việc chuẩn đoán tâm lý.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp – Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.