Các món ăn ngon ở Quy Nhơn, Bình Định (Cập nhật 01/2023)
Các món ăn ngon ở Quy Nhơn, Bình Định
Quy Nhơn
Các món ăn ngon ở Quy Nhơn, Bình Định
(Cập nhật 01/2023)
Cùng Phượt – Bình Định được biết đến như một vùng đất thiêng liêng, nơi có sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển tạo ra sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn ngọt, lợ tạo cho Bình Định hệ sinh thái đa dạng với những sản vật vùng miền vô cùng phong phú với nhiều đặc sản ngon, bổ dưỡng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với Bình Định. Trong số đó, có thể kể đến những món ăn nổi tiếng như: nem Chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang, bún chả cá Quy Nhơn, rượu Bàu Đá …Ẩm thực ở Bình Định mang tính chất đặc trưng của “miền đất Võ” thể hiện qua hương vị riêng biệt với những món ăn cay, mặn và ít dầu mỡ.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả hp0t93, Bích Tuyền Phan Diệp, Phương Thảo, Thảo Tây, Rose Blue, daubutocroi, Ti Pu nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Bánh xèo tôm nhảy
Bánh xèo tôm nhảy rau mầm là món phải thử khi đến Quy Nhơn (Ảnh – cungphuot.info)
Thú vị ngay từ tên gọi, bánh xèo tôm nhảy từ lâu đã trở thành một món ăn nổi tiếng và mang hương vị riêng của quê hương Bình Định. Điều hấp dẫn nhất đối với những người đầu tiên thưởng thức món ăn này, đó là nhân bánh chỉ gồm có tôm, mỗi chiếc bánh có chừng 8-9 con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nằm xen lẫn với giá đỗ khiến cho mặt bánh vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn. Loại tôm này nhỏ, nhưng thịt chắc và thơm, khi ăn vào sẽ thấy ngọt bùi đến lạ.
Để chiếc bánh được thơm ngon, giòn đều, người ta thường chiên trên bếp đang rực hồng, dùng miếng mỡ chài xoa đều một lớp mỏng lên mặt chảo, khi lớp mỡ nóng già mới đổ bột bánh vào, nhanh tay cho tôm và rắc vài mầm giá đỗ, hành lá xắt khúc rải lên trên cho thêm phần hấp dẫn. Chỉ chừng 3 phút sau, bánh đã tỏa mùi hương thơm lựng đầy mời gọi. Đến khi mặt dưới của chiếc bánh vàng giòn, viền bánh co lại và giá đỗ tái đi là có thể đem ra dùng nóng.
Món này thường ăn kèm với rau mầm cho bớt ngán. Loại rau xanh mươn mướt ấy ăn hơi the cay nhưng rất mát và bổ, cùng với xoài chua thái sợi và vài thứ rau sống khác. Khi ăn, tất cả được cuộn trong miếng bánh tráng chấm mắm tỏi ớt nữa mới đúng điệu.
Bạn có thể thưởng thức bánh xèo tôm nhảy ngon ở quán Gia Vĩ, số 14 Diên Hồng, Tp Quy Nhơn
Bún chả cá
Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.
Bánh hỏi lòng heo
Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, là một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ản kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.
Các món ăn từ sứa
Nếu bạn sành ăn thì khi đến Quy Nhơn phải thưởng thức ngay các món ăn từ sứa như: bún cá sứa, sứa nước lèo, gỏi sứa … Sứa ở đây là loại sứa trắng xanh vớt từ đầm Thị Nại, làm sạch. Với gỏi sứa phải có chuối chát, xoài xanh, rau mùi các loại, đậu phộng, dừa sợi, mắm ớt tỏi cay nồng trộn với nhau. Miếng sứa mát lạnh, giòn sực với đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm mùi đậu phộng, béo của dừa sợi ấy ăn kèm bánh tráng mè thì chỉ có mà thèm mãi không thôi.
Gà chỉ xôi cháy
Từ thành phố Quy Nhơn, dọc theo quốc lộ 1A (tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu) nếu để ý các bạn sẽ thấy 2 bên đường có rất nhiều các quán gà mọc lên. Đây chính là thung lũng gà chỉ, một món ăn không lạ nhưng là một trong những món nên thử khi du lịch Quy Nhơn. Gọi là gà chỉ, đơn giản bởi khi tới quán, khách sẽ lựa chọn những chú gà đã được nhốt sẵn trong chuồng để quán chế biến, chỉ chú nào thì thịt chú đó, cái tên gà chỉ cũng từ đó mà ra.
Gà có thể được chế biến theo nhiều cách như nướng, chiên mắm, luộc hay hấp, tất cả phụ thuộc vào sở thích của thực khách đến với quán. Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra.
Ngay trong thành phố Quy Nhơn (gần khu Ghềnh Ráng Tiên Sa) có quán gà chỉ Sáu Cao thấy khá nổi tiếng và đông khách, ngoài ra nếu ban ngày có thời gian chạy dọc tuyến Quy Nhơn Sông Cầu thì vô số quán gà chỉ cho bạn lựa chọn (Đường Sơn Quán).
Bún tôm Châu Trúc
Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.
Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị.
Bún rạm Phù Mỹ
Là một trong những món ăn dân dã nổi tiếng của Bình Định nhờ sự hòa quyện giữa những sợi bún tươi với nước rạm đậm đà, giàu hương vị.
Con rạm nhỏ hơn cua đồng với lớp vỏ cứng, mình dẹt, nhiều gạch, thịt ngọt và béo. Để làm món này, rạm phải chọn loại ở đầm Trà Ổ mới có vị ngọt, thơm khác biệt. Thường những người sành ăn sẽ chọn những con rạm cái vì vỏ mềm, nhiều gạch, càng to, thịt chắc. Rạm được ngâm cho sạch đất rồi rửa lại, xay nhuyễn, lọc nước như cách làm cua, nêm nếm gia vị rồi đem đun lên trên bếp lửa liu riu. Hành khô xắt nhỏ được phi thơm cùng mỡ hay dầu ăn rồi đổ vào nước rạm cho dậy vị thơm. Khi sôi, nước rạm sẽ sánh lại và nổi những váng thịt, váng mỡ đặc cả nồi nước.
Đặc sản Quy Nhơn mua về làm quà
Nem Chợ Huyện
Thôn Vinh Thạnh thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (ngày xưa là huyện lỵ Tuy Phước) không chỉ nổi tiếng với hậu tổ tuồng Đào Tấn, mà còn nổi tiếng với món “nem chợ Huyện”. Có thể nói, nem chợ Huyện là tinh hoa, là đặc sản của thú ẩm thực của mỗi người dân nơi đây. Nem chợ Huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính vẫn là thịt. Thịt ở đây được chọn lựa rất kỹ và phải là thịt heo cỏ. Thịt nạc được giã nhuyễn, ướp với nước mắm ngon gói lá vông ta ở trong, và nhiều lớp lá chuối bên ngoài để vài ngày mới lấy ra ăn, hương vị rất thơm và ngon.
Có hai loại nem, nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay. Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Nem tươi ăn liền, ai muốn để dành hoặc làm quà cho người thân thì mua nem chua. Nem chua là nem tươi được gói bằng lá vông, bên ngoài bọc lá chuối. Ngày nay người ta dùng lá ổi thay cho lá vông, nhưng nem được gói bằng lá vông ngon và dịu hơn. Sau khi gói được 3 ngày thì nem đến độ chín, chua như món dưa cay tuyệt vời.
Nem chợ Huyện có thể ăn với rau thơm, có thể cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn độc mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi ăn được chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước mắm pha loãng với đậu phộng giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm quanh quánh ngọt đậm đà.
Bánh ít lá gai
Bánh ít là món bánh rất Bình Định – từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những cụm tháp Chàm cổ kính sừng sững trên chỏm núi của vùng đất An Nhơn
Mè xửng Tam Quan
Mè xửng từ lâu được coi là những sản phẩm đặc trưng của vùng Tam Quan (Hoài Nhơn). Trong đó mè xửng Bà Điền (thị trấn Tam Quan) đã trở thành đặc sản Bình Định, ngày càng được người tiêu dùng trong nước biết đến nhiều hơn.
Bánh hồng Tam Quan
Đây là một đặc sản của Hoài Nhơn, được làm từ nguyên liệu là nếp và dừa. Bánh hồng khi hoàn thiện được phủ lớp bột trong phía ngoài, bánh có màu trắng trong; khi ăn bánh vừa có độ dẻo của bột, vị ngọt, giòn của dừa. Bánh hồng Tam Quan được chọn từ hai nguyên liệu đặc trưng của Hoài Nhơn là nếp ngự Hoài Sơn và dừa tươi, làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản.
Nước mắm nhĩ Tam Quan
Đây là sản phẩm của làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), được chế biến từ cá cơm với công thức truyền thống.
Nếp Chánh Trạch Mỹ Thọ
Nếp Chánh Trạch Mỹ Thọ nổi tiếng thơm, dẻo, hạt to tròn được dùng chế biến nhiều món bánh ngon như bánh ít, bánh hồng, bánh tét; đặc biệt là dùng để ủ rượu rất thơm ngon.
Rượu Bàu Đá
Tên gọi của rượu là do được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, Thị xã An Nhơn. Bàu Đá là tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Bàu nước cổ này ngày nay đã cạn nước, nguồn nước chủ yếu để ủ men, cất rượu bây giờ là từ những mạch nước giếng của làng.
Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 3,5 – 4 lít rượu) phải mất 6 giờ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua. Rượu có nồng độ rất cao, hơn 50 độ.
Tìm trên Google
- các món ăn ngon ở Quy Nhơn
- đặc sản Quy Nhơn làm quà
- ăn gì khi du lịch Quy Nhơn
- các quán ăn ngon ở Quy Nhơn
- đến Quy Nhơn nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Quy Nhơn
- ẩm thực Quy Nhơn
4.8/5 – (220 đánh giá)
QUY NHƠN
Quy Nhơn là thành phố ven biển miền Trung Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Bờ biển Quy Nhơn dài 72 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao. Các ngành kinh tế chính của thành phố gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thuỷ hải sản, du lịch.
Bạn có biết: Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn từng là đất của người Champa nên xung quanh thành phố hiện vẫn tồn tại nhiều di tích Chăm.
- Vùng: Nam Trung Bộ
- Tỉnh: Bình Định
- Diện tích: 280 km2
- Dân số: 457,400 người
- Phân chia hành chính: 16 phường và 5 xã