Các món ăn ngon ở Phú Yên và đặc sản xứ Nẫu (Cập nhật 01/2023)

Các món ăn ngon ở Phú Yên

Phú Yên

Các món ăn ngon ở Phú Yên

(Cập nhật 01/2023)

Cùng Phượt – Là vùng đất hội đủ các địa hình miền núi, đồng bằng và ven biển, Phú Yên có nguồn nguyên liệu cực kỳ phong phú, tươi ngon và một kho tàng món ăn truyền thống, mang bản sắc riêng ở khu vực miền Trung. Ngoài những chiến công vang dội, những nét văn hóa đặc trưng được lưu truyền trong sách sử, các món ăn ngon ở Phú Yên có nhiều yếu tố độc đáo, được xem như đặc sản riêng của đất và người xứ Nẫu, không dễ gì tìm thấy ở những nơi khác…

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả gemmy.fox05, h.oanhpham, ringlusm, jean.min.21, keiko_pham, uyenhuynh91, canhbuomxinhdep, trangpinkyy, pham.nguyen.hong.phuc.1992, shinshin.irene, Quỳnh Mai, nthn_1108, Phan Thao, duylinh2015, tiemtaphoacuaca, beooo_store, Nguyễn Thúy Hằng nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Bánh canh hẹ

Bánh canh hẹ Phú Yên (Ảnh – h.oanhpham)

Bánh canh là một món ăn bình dân ở Phú Yên, tuy vậy chủng loại bánh canh ở Phú Yên rất phong phú như: bánh canh bột gạo, bánh canh bột lọc, bánh canh chả cá, bánh canh hẹ,… chỉ cần đi lòng vòng 10 phút cũng có thể đếm được tới 4-5 quán bán bánh canh bên vỉa hè, nhiều nhất là xung quanh bưu điện thành phố Tuy Hòa.

Mỗi món bánh canh là một loại hương vị khác nhau, không quán nào giống quán nào. Bánh canh có thể được nấu với các vị cá dằm, chả cá là phổ biến, đặc biệt người ta dùng lá hẹ như một loại phụ gia đặc biệt thêm vào bánh canh để tăng thêm mùi vị.

Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo thường được ăn trong bữa sáng (Ảnh – ringlusm)

Món ăn này có lẽ đã quá nổi tiếng khi nhắc đến vùng đất xứ Nẫu. Đến nỗi người dân vùng đất này còn bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Một dĩa bánh hỏi được rắc mỡ hành lên ăn kèm với một dĩa thịt quay, thịt nướng, lòng heo… tùy thích. Đây là món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.

Bánh bèo nóng

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Bánh ướt

Ở Phú Yên có cách tráng mỏng tương tự như cách tráng bánh cuốn nóng ở miền Bắc. Bánh ướt thường được phục vụ nóng ngay tại chỗ. Ngoài ra còn có bánh bèo nóng, ăn khi bánh vừa xuống lò. Bánh được hấp cách thủy trong chén nhỏ và được phục vụ tại chỗ. Các loại bánh trên thường được rải chà bông tôm (hay ruốc tôm theo cách gọi ngoài Bắc), phục vụ cùng nước mắm ớt pha ngọt và nếu có yêu cầu có thêm lòng lợn đi kèm và cháo lòng.

Bánh xèo

Cùng với bánh tráng, bánh xèo món ăn truyền thống của người dân ở Phú Yên. Bánh xèo ở Phú Yên được làm từ bột gạo, giá đỗ, thịt băm và tôm hoặc mực; nếu thực khách có yêu cầu thì chủ quán có thể cho trứng vào để tăng thêm hương vị. Khi khuôn đúc nóng, người ta cho mỡ, sau đó là thịt, tôm, giá đỗ và nước bột gạo xay vào, đậy nắp chờ khoảng 1 phút là bánh chín. Bánh đổ xong vừa mềm, vừa nóng, có hương vị của hải sản biển. Người ta ăn bánh xèo với rau sống bao gồm xà lách, giá đỗ và nhiều loại rau thơm khác. Nước chấm gồm có hai loại, người địa phương gọi là mắm đục và mắm trong. Mắm đục gần giống như mắm niêm, cho thêm gia vị và ớt. Mắm trong là nước mắm bình thường có thêm ớt tỏi,… Công thức pha nước mắm cũng là một bí quyết của các quán ăn ở đây vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của món ăn. Bánh xèo có thể ăn bằng đĩa hoặc dùng bánh tráng cuốn lại chấm với nước mắm sẽ rất ngon. Ở Phú Yên đặc biệt là tại Thành phố Tuy Hòa, du khách có thể thưởng thức bánh xèo ở nhiều nơi, từ gánh hàng rong của các chị cho đến những địa điểm có danh tiếng bánh xèo ngon lâu năm tại khu Đại nam cũ trên đường Nguyễn Công Trứ.

Chả dông

Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung. Thịt dông được băm nhuyễn trộn với xã và ớt dùng làm nguyên liệu. Trộn đều thịt dông với một ít nấm mèo và bún khô. Dùng bánh tráng mỏng cuốn lại phần thịt đã chuẩn bị thành những cuốn đều bằng ngón tay cái người lớn và đem chiên chín vàng.

Dùng chả dông được ăn với rau sống nước mắm tỏi ớt trộn đâu phụng đăm nhuyễn rất ngon. Món chả dông làm nên dánh tiếng của các cửa hàng ăn trên đường Nguyễn Công Trứ khu Đại Nam cũ ở Thành phố Tuy Hòa. Ở đây thực khách có thể gọi một phần chả dông có thêm nem nướng được phục vụ cùng rau sống và bánh tránh để cuốn ăn kèm.

Cá ngừ đại dương

Phú Yên là“ thủ phủ” cá ngừ đại dương. Loại hải sản này được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng, chấm mù tạt, “đèn pha” chưng cách thủy và các món ngon từ phụ phẩm của cá ngừ như lòng, lườn, vi…. Trong các món quen thuộc từ cá ngừ, ngon nhất là món chấm mù tạt mà người sành ăn gọi là ăn cá ngừ đại dương kiểu sashimi. Thịt cá thái ra thành từng lát, mỗi miếng cỡ bằng 2 hoặc 3 ngón tay người lớn rồi làm đông lạnh. Ăn cá ngừ kiểu sashimi phải có cải xanh và nước chấm pha mù tạt kèm theo chuối chát, khế chua, hành tây; các loại rau thơm kèm theo như ngò tàu, ngổ, é quế, đậu phụng rang, bánh tráng nướng. Người dùng lấy lá cải cuốn với miếng cá kèm theo ít rau thơm chấm vào chén mù tạt rồi ăn. Cảm giác ấn tượng nhất khi ăn món này là mù tạt nồng lên đến đầu. Mùi thơm của rau, cái lạnh của cá, vị cay của ớt, vị nồng của mù tạt xông lên tận đầu óc nghe khoan khoái lâng lâng lạ thường, làm cho người ăn như có cảm giác nước mắt nước mũi chảy ra.

Mắt cá ngừ đại dương

Mắt cá thường to bằng nắm tay, ướp gia vị bảo quản cẩn thận. Khi chế biến, một con mắt cá được ướp cùng với thuốc bắc, sả, ớt, tiêu… sau đó đặt vào một cái thố (om đất) rồi chưng cánh thủy. Đợi nung lửa độ hơn nửa giờ, mắt cá đã chín, thấm gia vị, người dùng có thể ăn kèm rau tía tô xắt ghém. Khi ăn món này ta sẽ cảm nhận được vị béo ngầy ngậy của mắt cá, vị thơm của thuốc bắc, vị cay nồng mằn mặn của gia vị. Có thể nói đây là món ăn có mùi vị độc đáo, độc nhất vô nhị chỉ có ở đất Tuy Hòa.

Các món ngon đầm Ô Loan

Sò huyết đầm Ô Loan

Sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng đã định danh chất lượng trong cả nước, dù không ít địa phương cũng có loại hải sản này. Sò huyết Ô Loan thịt mềm ngọt, mùa nào cũng mập ú, căng mọng. Vị ngon đặc biệt của con sò nơi đây chính là độ ngọt và có hương thơm, bổ dưỡng. Sò huyết Ô Loan được chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã đến cầu kỳ như: sò hấp sả, sò nướng than hồng, sò la-cót, sò ram me, sò rang muối ớt, sò nấu cháo, sò tươi nhúng lẩu chua cũng cực ngon… Dù chế biến món gì thì người đầu bếp phải giữ cho con sò vừa chín tới, không được chín quá làm khô nước huyết bên trong coi như hết giá trị.

Hàu sữa Ô Loan

Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ kéo dài vào khoảng xuân hạ. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn như nướng, um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn phải là món cháo. Nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống cùng với một số gia vị thông thường. Cũng nấu như các loại cháo khác, nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị rất riêng. Cháo hàu được ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày: điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà để “chữa cháy” thì “cuộc nhậu” càng trở nên hấp dẫn. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội phải nói ngon hơn nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm đà.

Cá mai đầm Ô Loan

Cá mai xuất hiện nhiều từ tháng 2 âm lịch đến mùa hè. Ngư dân đánh bắt, chế biến nhiều món ngon, trong đó có món gỏi. Sau khi đưa từ đầm về, cá còn tươi. Người chế biến dùng kéo cắt bỏ phần bụng và đầu, con cá chỉ còn lại phần thân mình, thịt nhiều, mập ú trong veo. Sau khi làm cá sạch, cho cá ngâm nước muối vài phút để vừa săn chắc vừa giữ được màu trắng trong. Gia vị ăn kèm với gỏi cá gồm có một tô nước chanh vắt sẵn, khoảng 300g đậu phụng rang và rau thơm nhiều loại như húng, tía tô, ngổ, ngò gai, bắp chuối thái nhỏ, cà chua sống, chuối chát, khế… Không thể thiếu trong bữa ăn này là món mắm gừng giã nhỏ pha nước mắm làng Yến với ớt rừng xanh và bánh tráng Hòa Đa nướng.

Gỏi rong biển

Rong biển sinh trưởng và phát triển ở các rạng, gành đá. Từ lâu, người dân ven biển đã biết đến và sử dụng rong biển tự nhiên làm món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe. Vùng biển gành Đá Đĩa là một môi trường tuyệt vời cho rong biển phát triển. Vì thế thời gian gần đây khi hàng quán mọc lên, các đầu bếp, chủ nhà hàng đã tận dụng ngay nguồn nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên này để làm thành món gỏi rong biển phục vụ du khách.

Rong biển tươi vớt lên từ các rạng đá được ngâm lại nước ngọt và rửa sạch, bỏ gốc, xắt gọn cho vừa đũa gắp. Rong biển được bày ở đĩa riêng hoặc bày chung ở giữa trong một đĩa lớn, xung quanh là rau thơm các loại xắt ghém, dừa nạo, xoài băm, một lát chanh tươi, điểm thêm ít đậu phộng rang giòn; một chén mắm chua ngọt hoặc mắm nguyên chất dằm ớt xiêm xanh (những người ăn chay có thể dùng xì dầu), bánh tráng mè nướng. Chỉ vậy là đã xong món gỏi rong biển. Người ăn chỉ việc bẻ nhỏ bánh tráng mè nướng, cho rong biển cùng các loại kết hợp vào chén, chan một tí nước mắm là có thể thưởng thức. Hương vị biển đặc trưng của rong, mùi thơm hòa quyện của rau, vị béo của dừa, chua chua của xoài băm, gìn thơm của đậu phộng, bánh tráng nướng, nước mắm ngon… quyện vào nhau tạo nên một hương vị đậm đà khó quên.

Cá mương Ngân Sơn

Cá mương có thân hình thon dài, độ 10-15cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn, sống ở sông suối. Trong các món chế biến từ loại cá này, “đỉnh” nhất là món nướng. Cá tươi được nướng trực tiếp trên lửa than hồng. Mùi thơm lan tỏa, thịt dai ngon ngọt, chín con nào ta thưởng thức con đó, ăn lai rai lúc nóng phải nói lạ miệng, thơm giòn, ngọt đặc trưng. Ngoài ra, cá mương chiên xù cũng là món dễ làm. Cá mương cuốn với bánh tráng rau sống chấm nước mắm ngon có thể ăn no bụng mà vẫn còn cảm giác thèm.

Món cá mương trước đây chỉ là món bình dân của những người ở ven sông. Bây giờ nó đã là đặc sản vào các hàng quán, mà nhiều và tươi ngon nhất là cá mương trong các quán ở huyện miền núi Đồng Xuân, khu vực hạ lưu sông Ngân Sơn. Tuy nhiên, với thương hiệu và sự lan tỏa của món ăn dân dã này, hiện nay cá mương cũng xuất hiện trong nhiều quán xá ở TP Tuy Hòa.

Ghẹ đầm Cù Mông

Một đặc sản ở Phú Yên không thể không nhắc đến là ghẹ đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu). Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có ghẹ nhưng ghẹ Sông Cầu vẫn nổi tiếng và “đóng triện” thương hiệu bởi độ chắc, ngọt. Ghẹ vùng Sông Cầu to bằng nắm tay, mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Ghẹ có thể hấp, luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú vị.

Ghẹ Sông Cầu thịt chắc, vị ngọt thơm là nhờ yếu tố môi trường, nguồn nước ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài rất ổn định về độ mặn, phong phú thực vật thủy sinh (làm nguồn thức ăn cho ghẹ). Nhờ vậy, ghẹ Sông Cầu có quanh năm và bất kể mùa nào cũng không bị xốp. Vùng này còn xuất hiện một loại ghẹ đặc biệt thơm ngon hơn, được gọi là ghẹ lột. Loại ghẹ này ăn cả vỏ, thịt mềm ngọt.

Bún bắp An Dân

Bún bắp chỉ là nguyên liệu chính của món ăn, nếu kết hợp thêm nguyên liệu và cách chế biến sẽ tạo nên các món bún bắp hấp dẫn. Khô thì có bún bắp xào bò, bún bắp xào tim cật, bún bắp thịt nướng. Khách cũng có thể chọn các món nước: bún bắp giò heo, bún bắp chả cá… Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hẹ chấm với nước mắm “rin” dằm ớt hiểm ăn kèm rau sống. Dù chế biến theo cách nào thì món bún bắp luôn làm hài lòng thực khách bởi màu vàng ươm tươi tắn của nó. Ăn miếng bún bắp hương vị khác xa bún gạo, một hương vị rất đặc trưng chỉ có ở bún bắp. Cọng bún to mềm, hơi bột, và thơm thoang thoảng mùi bắp.

Bún bắp cũng có một quá trình sản xuất khá kỳ công, hạt bắp được cho vào cối giã chung với mày cám để bóc phần mày trắng ở cuống . Khi bắp nát ra những hạt nhỏ (gạo bắp) được đem ra sàng sẩy loại bỏ cám mày, sau đó người ta mới đem “gạo bắp” ngâm nước chừng 30 phút. Gạo bắp được vớt ra đưa đi ủ 1 ngày đêm cho lên men chua rồi đem phơi  cho ráo. Gạo bắp lên men được đem ngâm lại với nước cho mềm thêm và loại bỏ hết mùi chua mới cho vào cối quết thành bột. Bột bắp cho vào túi vải nén thành khối rồi cắt ra luộc lại chừng 15 phút trước khi quết nhuyễn lần cuối. Bột được nhồi lại với nước ấm, cho vào dụng cụ nặn đùn sợi, những sợi bún rơi vào nồi nước sôi nấu đến khi bún chín nổi lên mặt nước mới vớt ra bắt thành lọn…

Đặc sản Phú Yên mua về làm quà

Bò một nắng

Để có món này, phải chọn loại bò cỏ, non tơ được chăn thả tự nhiên. Chỉ lấy hai phần là thịt đùi và thịt thăn trong một con bò sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, mỗi miếng nặng độ 0,4kg, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm rồi đem phơi. Nếu trời nắng tốt, chỉ phơi một hoặc hai nắng, nếu trời không nắng hoặc mưa có thể dùng lò than sấy. Làm cách nào để khoảng 2kg bò tươi còn lại độ 1,2kg thành phẩm là tốt nhất. Sau khi chế biến, phơi sấy song, phần thịt còn lại sẽ khô dai, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng. Ăn bò một nắng ngon nhất bằng cách nướng trên lửa than rồi xé dọc ra thành từng miếng nhỏ chấm với muối trứng kiến vàng, ăn kèm với dưa leo, các loại rau thơm.

Muối kiến vàng

Đây là thức chấm độc đáo của người miền núi Phú Yên. Những con kiến vàng được đặt hàng để người dân ở huyện miền núi đi thu bắt trên cây rừng. Mua kiến vàng về, phải lọc chọn loại kiến nhỏ đem phơi, rang chín rồi trộn với sả, ớt xay, tạo ra món muối chấm tuyệt hảo, khác biệt.

Khô cá đét Sông Cầu

Cá đét là nguồn thực phẩm nhiều chất đạm, canxi, ít chất béo. Cá đét tươi cũng có thể nấu chua, nấu lẩu nhưng hạn chế của loại cá này là thịt hơi bở, có xương nên người ta chủ yếu là phơi khô làm mồi nhắm hoặc ăn cơm. Khác với một số vùng, cách chế biến khô cá đét Sông Cầu đơn giản giữ nguyên vị, không tẩm ướp. Mỗi lứa cá đét khô cần 2 nắng (phơi hai ngày) là vừa khô tới. Khô cá đét nướng (hoặc chiên) lên mềm, ít xương. Cá nhỏ không cần xẻ, phơi nguyên con, khi ăn ngọt thịt và có mùi nồng nồng, hăng hăng khá đặc trưng.

Khô cá đét được chuộng không chỉ bởi vị ngon dân dã mà còn khá tiện dụng. Trong nhà có bịch cá đét được bảo quản nơi thoáng mát hoặc bỏ vào tủ lạnh là không lo thiếu mồi ngon đãi khách đột xuất. Khô cá đét Sông Cầu là một trong những đặc sản của vùng đất xứ Nẫu. Không phải cao lương mỹ vị, khô cá đét ngon cái ngon dân dã, giá cả cũng hết sức bình dân.

Bánh ít lá gai

Cũng là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở Phú Yên vào những ngày giỗ tổ tiên. nhân bánh được làm từ nhiều thứ như: đậu phộng và dừa; đậu xanh; đậu đen…Bánh này được bọc bằng lá gai và khi cho ra lò có màu xanh thẫm và tương tự như bánh gai của miền Bắc. Nhưng người Phú Yên không cho một miếng mỡ vào nhân bánh như bánh gai và bánh ít còn được làm với nhiều loại nhân chứ không chỉ là nhân đậu xanh.

Nước mắm Mỹ Quang

Làng nghề nước mắm truyền thống Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An) hình thành trên trăm năm. Nguồn nguyên liệu dồi dào cùng phương pháp chế biến truyền thống đã tạo ra nước mắm Mỹ Quang thơm ngon đặc trưng.

Rượu Quán Đế

Từ thời xa xưa, Sông Cầu nổi tiếng với cá ngon, dừa ngọt, rượu Quán Đế… Rượu được người dân nấu bằng phương pháp thủ công và tiêu thụ mạnh nhờ bán lẻ trên đường thiên lý Bắc – Nam để phục vụ khách đường xa và quan lại đi công cán, nhờ vậy rượu đế vùng này nhanh chóng nổi tiếng khắp nơi.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Phú Yên
  • đặc sản Phú Yên làm quà
  • ăn gì khi du lịch Phú Yên
  • các quán ăn ngon ở Phú Yên
  • đến Phú Yên nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Phú Yên
  • ẩm thực Phú Yên

5/5 – (1 đánh giá)

PHÚ YÊN

Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam, tỉnh lỵ Phú Yên là thành phố Tuy Hòa, cách thủ đô Hà Nội 1.160 km về phía Nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 560 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.

Phú Yên được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo… Một số danh thắng tiêu biểu là Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn- mũi Điện, di tích lịch sử cấp quốc gia như vũng Rô, núi Nhạn- sông Đà Rằng,..v.v…

Bạn có biết: Dân Phú Yên thường được gọi là dân xứ “nẫu”, đó là tiếng nói đặc trưng của họ, tiếng nẫu (nẫu = người ta).

  • Diện tích: 5.060,5 km²
  • Dân số: 931.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện
  • Mã điện thoại: 257
  • Biển số xe: 78