Các món ăn ngon ở Nghệ An (Cập nhật 01/2023) | Ăn gì ở Nghệ An

Các món ăn ngon ở Nghệ An

Nghệ An

Các món ăn ngon ở Nghệ An

(Cập nhật 01/2023)

Cùng Phượt – Nghệ An là mảnh đất non nước hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc. Vẻ đẹp kỳ thú pha lẫn chút nguyên sơ luôn làm say đắm bất cứ ai đã từng đi qua và dừng chân ghé lại nơi này. Không chỉ có thế, trên mảnh đất hồn hậu, địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều đặc sản mà ai “lỡ” nếm thử một lần cũng vương vấn mãi không thôi. Các món ăn ngon ở Nghệ An mang chất riêng đặc biệt đến nỗi bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều nhớ mãi không quên.

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả newtravelex, minhhien_30497, mama.lovenut, i.kun, Nguyễn Thanh Phong, quynhanhchocopie, ngangd8888, huyhuymeo, Toàn Bánh Khô, wintoie, ngvanthuong97, kotzunny, phuongbeole, lykieuthao, Hương HânTrân, duongpisu, hoainhuhuynh, cembibo_2810, Trần Hoài Thương, Đào Thọ, Nhà bè Thọ Ngân, Tuyết Nghệ, Trong Manh Nguyen, gilly.nguyen, vht.bee, hoaianh_90, Đình Tuân, Tường Vi, Bếp nhà Meo Meo, Oanh Võ, rossabella161, ip.168, tuan.do84, tran_caaaaa, Thủy Đoàn nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Các món lươn

Bất cứ ai khi đến xứ Nghệ đều thử ăn đặc sản nổi tiếng nơi này là thịt lươn, nào là súp lươn, cháo lươn, lươn om chuối đậu… Qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, sơ chế, gia giảm và nấu nướng mà con lươn sống trong bùn đất, tanh lại mang hương vị đậm đà, ngon miệng đến vậy.

Súp lươn

Súp lươn Nghệ An (Ảnh – minhhien_30497)

Súp lươn kiểu Nghệ An được nấu khá đơn giản, không sánh đặc như các loại súp khác. Lươn làm sạch được xào với một ít hành tỏi, màu điều và màu cay cho chín tới, xương được ninh làm nước dùng, thêm hành và rau răm là có món súp lươn ăn cùng bánh mì nướng giòn hay bánh đa Đô Lương nữa là đúng vị súp lươn Nghệ An.

Cháo lươn

Cháo lươn (Ảnh – mama.lovenut)

Cháo được nấu nguyên hạt gạo, hầm đến khi chín nhừ, tự nhuyễn ra chứ không phải gạo xay nhỏ như ở nhiều nơi. Lươn được luộc vừa chín, gỡ bỏ xương, xào trên chảo có phi hành tăm cho dậy mùi. Cháo lươn thơm nồng, ấm bụng, có màu vàng của nghệ.

Miến lươn

Cũng giống nhiều nơi khác, miến lươn Nghệ An có miến xào miến nước. Nước dùng trong và ngọt cũng được nấu từ xương thêm gừng đập dập. Thịt lươn được xào mềm chứ không phải lươn giòn như ở miền Bắc.

Lươn xúc bánh đa

Nghệ An có món bánh đa Đô Lương nổi tiếng, món này kết hợp với lươn đã được xào chín mềm, nước sốt đậm đà, hơi cay làm nên món lươn xúc bánh đa nổi tiếng ở xứ Nghệ.

Lươn nướng

Những miếng thăn lươn được dàn mỏng, tẩm ướp với cốt nghệ, sả, ớt… bên trong có thêm sợi mỡ mỏng được cuộn cùng thịt lươn để khi nướng đỡ bị khô, bọc bên ngoài là lá dứa, làm nên món lươn nướng thơm ngon vô cùng.

Cháo canh

Với tên gọi lạ lẫm, chắc chắn du khách sẽ muốn được thưởng thức một lần món cháo này. Nguyên liệu chính để làm món này là bột mỳ, sau khi nhào thật nhuyễn sẽ cán thành bột và cắt thành những sợi nhỏ tròn. Nước dùng để chan được ninh từ xương và sau đó thêm một ít tí tô, hành khô và thịt bằm trộn đều.

Bánh mướt Diễn Châu

Bánh mướt Diễn Châu cũng nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội) vậy. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh được cuộn tròn với hành phi bên trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ – gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh mướt rất dễ ăn, bạn chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi cũng đã thấy ngon miệng. Nếu bạn dùng bánh mướt để đãi khách thì cũng có thể dùng kèm với bò nướng lụi, thịt lợn nướng, bò lá lốt mỡ chài, chả nem rán…

Bánh đa Đô Lương

Bánh đa có ở nhiều tỉnh thành tại nước ta, nhưng nhắc đến bánh đa miền Trung là nhớ ngay đến bánh đa Đô Lương của Xứ Nghệ. Chiếc bánh nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20 cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm. Ở Đô Lương, người dân thường nướng bánh đa bằng than hoa hoặc chiên với dầu ăn, mỡ để tạo nên chiếc bánh mỏng nhẹ.

Bánh Ngào

Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên. Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, múc ra từng bát nhỏ, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị.

Các món hải sản ngon ở Cửa Lò

Ghẹ rang me

Cửa Lò là vùng biển nổi tiếng về đặc sản ghẹ với những con ghẹ to, thịt chắc và thơm ngon khi được chế biến. Ghẹ Cửa Lò có quanh năm mà lúc nào cũng dồi dào. Do vậy, du khách tới du lịch Cửa Lò bất kỳ vào thời gian nào đều có thể thưởng thức các món ăn ngon từ ghẹ, như: ghẹ rang muối, ghẹ hấp me, ghẹ nướng… trong đó, ghẹ rang me là món ăn được du khách ưa chuộng nhất.

Tôm tít

Những con tôm tít (theo cách gọi một số nơi khác là con bề bề) dân dã một thời của những vùng quê miền chân sóng biển Cửa Lò giờ đây trở thành món đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn. Thịt tôm tít ngon, ngọt, dai chắc, đầu tôm cho nhiều gạch vừa bùi, ngậy, vừa đậm đà hương biển. Tôm tít có thể chế biến nhiều món ăn, như: hấp, luộc, nướng…

Mực nháy

“Mực nháy” Cửa Lò Nghệ An được xếp trong Top 10 đặc sản hải sản Việt Nam. Thông thường nhiều người vẫn quen gọi là mực nhảy nhưng tên gọi chính xác là “mực nháy” vì con mực mới bắt lên còn sống, mình trong suốt, làn da lúc nào cũng nhấp nháy những đốm lân tinh. Hai cách gọi trên tuy diễn tả những trạng thái khác nhau của con mực nhưng đều nói lên mức độ tươi ngon của con mực.

“Mực nháy” có nhiều cách chế biến. Nhưng câu mực nhảy và thưởng thức tại chỗ là một loại hình giải trí kết hợp với thưởng thức đặc sản rất thú vị của du khách. Những năm gần đây, kết hợp với sự phát triển du lịch, nghỉ mát, dịch vụ câu mực nhảy bằng thuyền thúng ở Cửa Lò đã trở thành một thú tiêu khiển hấp dẫn. Dịch vụ này đã tạo nên nét độc đáo, đem lại bản sắc riêng cho du lịch Cửa Lò.

Cháo nghêu

Đây là món ăn rất thú vị vào ban đêm khi du khách dạo chơi ở Cửa Lò. Nghêu được luộc lên, lấy nước nấu cháo, ruột nghêu rán lên với các loại gia vị. Khi cháo chín trộn nghêu với cháo rồi đổ vào bát đã bỏ sẵn rau thơm. Mùi thơm của gạo, quyện với mùi vị của nghêu, của rau thơm tạo nên một món ăn thanh nhã. Cháo nghêu cung cấp nhiều chất đạm, tăng thêm sinh lực sau một ngày tham quan mệt mỏi.

Khoai xéo

Tên gọi món khoai xéo đơn giản chỉ bắt nguồn từ một trong những công đoạn làm nên món ăn, đó là dùng đũa “xéo” cho miếng khoai nát ra.

Khoai sau khi thu hoạch chọn những củ to, có nhiều bột nhất, lựa ngày nắng to, có gió nồm đem khoai ra phơi cho khô trắng, rồi cạo vỏ lụa, rửa sạch, thái lát mỏng, phơi cho tới khi khô giòn. Hạt đậu đen hoặc đỏ, lạc nhân, nếp được đun mềm trước khi đổ mớ khoai khô vào đun sôi. Nồi khoai đun cho tới khi cạn nước, miếng khoai, hạt đậu, hạt lạc mềm nhũn, những hạt nếp chín dẻo, thì cho thêm một chén mật mía (hoặc đường) cho có độ ngọt. Sau đó, công đoạn cuối cùng quan trọng nhất chính là xéo khoai. Để xéo được khoai, phải dùng hai chiếc đũa bếp bản to, đặt chéo nhau rồi liên tục dùng tay ép miếng khoai cho nát. Hoặc nếu không cũng có thể dùng chiếc chày, giã mạnh ngay trong nồi khi khoai còn nóng.

Sau khi xéo khoai xong, lấy đũa dỡ thành từng miếng đặt vào lá chuối rồi gói chặt dành bóc ra ăn như bánh hoặc dùng thìa nén chặt khoai vào bát tô, khi ăn dùng dao xắn thành từng lát mỏng. Ăn khoai xéo thấy rõ vị ngọt của khoai, dẻo thơm của gạo nếp và vị bùi của đậu lạc lại như thấm cả vị mặn mà của miền đất cát pha.

Dê Cầu Đòn

Dê Cầu Đòn thực chất là một thương hiệu thịt dê được nhà hàng Ngân Trình ở Vân Diên, Nam Đàn sáng lập ra. Với hơn 20 năm kinh nghiệm chế biến thịt dê cũng nguồn nguyên liệu tươi ngon, các cách chế biến độc đáo, dê Cầu Đón là một món ăn các bạn nên thử khi tới du lịch Nam Đàn.

Canh gà Thanh Chương

Món canh gà Thanh Chương được chế biến với các gia vị dân dã nhất nên cho hương vị đậm đà mà tinh tế khi thưởng thức. Chế biến món xáo (canh) gà Thanh Chương, thoạt tiên lọc phần xương và phần thịt riêng nhau ra; thịt cắt đều chằn chặn, khổ vừa phải vì thịt gà đồi Thanh Chương nấu hao rất ít; xong, đem ướp ngay với lá chanh, muối trắng, nghệ và ớt tươi giã nhỏ. Trong lúc ướp thịt gà, phần xương được băm nhuyễn, vo viên lại. Khi thịt gà ướp ngấm gia vị rồi, bắc lên bếp rim lên khoảng 5 phút, sau đó cho nước lã vào vừa ngập, đun hai nhịp sôi, mặt nồi canh gà nổi sao vàng ngậy là bắt đầu nếm để “gia” đủ mặn, rải viên xương gà lên trên, sau đó mở vung đun đến khi thực sự dậy mùi lá chanh thơm có cái nồng nồng của ớt tươi là được… Nồi canh gà ấy cứ được giữ hâm hẩm nóng, mỗi lần dọn lên một bát, ăn hết lại múc bát khác. Món canh gà Thanh Chương có viên xương băm nhuyễn sẽ giữ được cái sạch sẽ, điềm đạm tinh tế cho khách khi dùng cơm, vì không phải khó khăn trong xé, gặm lóc thịt ra khỏi xương gà; lại giữ được trọn vẹn những gì tinh túy của thực phẩm từ gà đồi miền trung du này vậy.

Cá còm kho nghệ

Khi đã chọn được những mớ cá còm tươi ngon, người dân xứ Nghệ chế biến ra thành nhiều món ngon như: cá còm nấu canh nhút, cá còm rán, cá còm kho tương… nhưng đặc biệt và ngon nhất vẫn là cá còm kho nghệ. Theo người dân Thanh Chương món cá còm được kho với nghệ ngoài giữ được hương vị thơm ngon của cá, nghệ còn giúp khử mùi tanh, tạo màu sắc hấp dẫn và nhất là giúp món ăn trở nên hài hòa giữa hương vị, bổ dưỡng và dược tính.

Cá tràu Liên Thành

Ai đã từng đặt chân đến vùng đất Liên Thành sẽ được thưởng thức các món ăn từ cá tràu như: cá tràu nướng, cá tràu kho tộ, cá tràu viên, cá tràu nấu canh chua… vô cùng hấp dẫn. Đây là món ăn đặc trưng của vùng đất Liên Thành nói riêng và huyện lúa Yên Thành nói chung. Theo các cụ già trong làng kể lại: Ngày xưa, cá tràu là món ăn để cúng tổ tiên, thiết đãi khách quý, biếu bạn bè, người thân trong những ngày lễ, tết thì nay cá tràu được chế biến trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình và mở rộng quán hàng phục vụ du khách gần xa…

Đặc sản vùng Tây Nghệ An

Trứng kiến Tây Nghệ An

Hàng năm, cứ đến khoảng tháng 3, tháng 4 là đến thời điểm trứng kiến nhiều và to nhất. Đây cũng đang là mùa cao điểm săn trứng kiến làm đặc sản của đồng bào miền Tây xứ Nghệ.

Ngoài món trứng kiến xào với dưa chuột thì trứng kiến còn chế biết được rất nhiều món như: cuốn lá chuối nướng, nấu canh măng chua, lam trong ống nứa… Món trứng kiến không những người dân miền núi mà người dân miền xuôi cũng ưu thích. Khi ăn món này ta có cảm giác trứng kiến vỡ lép bép trong khoang miệng tỏa ra hương thơm dịu, có vị thanh ngọt, béo

Chà Uốm

Trong các cánh rừng tự nhiên ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có một loài cây mà đồng bào người Thái thường gọi là cây chà uốm.

Ngoài công dụng có thể dùng gỗ làm nhà, chất đốt, chà uốm còn cho quả mỗi độ vào mùa thu. Dịp này, quả chà uốm rụng nhiều, vì vậy người dân chỉ việc đi nhặt về. Quả chà uốm có hình tròn, có lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài.

Để có thể sử dụng và chế biến món ăn, sau khi nhặt về, phải đập vỡ lớp vỏ cứng để lấy phần hạt nhân bên trong. Tiếp tục để chế biến thành món ăn phải dùng chày giã thật nhuyễn và cho thêm một ít muối trắng. Với những thao tác đơn giản nhưng loại quả này đã trở thành món ăn kèm với xôi hay còn gọi là Khàu Pằn – món xôi trộn truyền thống, vừa ngon, vừa béo bùi, được đồng bào người Thái ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn rất thích.

Khuộc lám Tây Nghệ An

Trong không gian ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An có một món ăn rất được bà con ưa thích và chỉ khách quý mới được tiếp đãi món này. Đó là ‘khuộc lám” được chế biến kỳ công từ những con nòng nọc dưới khe suối.

Những con nòng nọc mang về sau khi làm sạch ruột bằng 1 thanh nứa vót mỏng sẽ được trộn với sả, ớt, mạc khẻn (hay còn gọi là mắc khén,tiêu rừng), mắm muối và gạo tấm giã nhỏ. Khi các công đoạn xong xuôi, cho tất cả vào 2 ống nứa nút kín đem bỏ lên bếp than hồng. Đây là cách chế biến món ăn truyền thống của người Thái khiến cho thức ăn không bị bay hết mùi. Khi ăn phải ăn kèm với xôi mới ngon”.

Món ‘khuộc lám’ vừa có vị ngọt đặc trưng lại vừa có vị ấm của sả, vị cay của mạc khẻn và mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện với mùi nứa tươi khi đốt trên than hồng.

Cá mát sông Giăng

Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.

Chịn Xồm

Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.

Cơm lam

Cũng như người dân Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người Thái ở Tây Nghệ An cũng coi các món lam (nướng) là một trong các món không thể thiếu trong đời sống của mình. Cơm lam là một trong những món đặc sản đó. Nếp nương được làm sạch rồi cho vào ống nứa cùng với nước, tất cả được nướng trên than hồng. Điểm đặc biệt của các món lam là hương vị của thức ăn thường không bị mất đi mà được giữ nguyên vẹn như vốn có của nó.

Cá bống suối

Vào mùa mưa đến cá, cua, nhái, ốc… có ở khắp các con khe, con suối nhưng nhiều nhất vẫn là cá bống, một loại cá nhỏ mà được người dân miền Tây xứ Nghệ rất ưa chuộng, dùng để chế biến thành các món ăn độc đáo.

Sau khi bắt về chọn ra những chú cá bống tươi nhất, tròn trịa nhất, sơ chế bằng cách rửa sạch, để nguyên phần ruột và tẩm ướp một ít gia vị. Cuối cùng được kẹp chặt cùng với nhiều loại cá suối nhỏ khác đưa vào nướng trên than hồng. Ngoài nướng, cá bống suối còn được sử dụng làm nhân cho món mọc, một món ăn thường xuất hiện trên mâm cỗ trong các dịp lễ tết của người Thái nơi đây

Lạp xường

Lạp xường là một món ăn truyền thống của đồng báo Thái vùng cao Nghệ An trong những ngày Tết. Nguyên liệu lạp xường là loại thịt lợn ngon được nuôi trong bản. Hiện nay, món lạp xường không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Thái mà còn trở thành một loại thực phẩm người dân vùng cao rất ưa chuộng.

Bò giàng

Món này ngoài Bắc thường gọi là bò gác bếp hoặc bò sấy khô. Những người vùng xuôi lên miền Tây Nghệ An công tác, sinh sống lâu lài hoặc lên chơi thăm bạn bè nhận thấy sự độc đáo, hấp dẫn của món bò giàng nên thường đưa về quê làm quà, chiêu đãi người thân. Lâu dần, đặc sản bò giàng vượt ra khỏi phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng và thành phố, trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.

Món chẻo

Với người Thái miền Tây xứ Nghệ, đậu tương là một trong những nguyên liệu phổ biến để chế biến món ăn. Từ quả đậu tương, người dân nơi đây đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn, đặc biệt là món chẻo chấm xôi.

Sau khi làm sạch, đậu được cho vào nồi và nấu đến khi nào kiểm tra thấy lớp vỏ ngoài của hạt đậu bong ra thì đưa xuống đãi sạch. Đậu sau khi làm sạch còn phải cho vào chum ngâm 3-4 ngày, lúc nào có mùi lên men thì đưa ra gói vào lá chuối. Đặt cả gói lá chuối nướng trên than hồng, công đoạn cuối cùng là lấy ra cho vào cối giã nguyễn cùng với lá hẹ (đôi khi có thể dùng cá nướng) rồi trộn lẫn những loại gia vị khác như muối, ớt, bột ngọt…Với món chẻo này, có thể chấm xôi hoặc ăn cùng với cơm. Khi ăn có vị bùi của đậu tương, vị thơm của lá hẹ, cay cay của ớt, tiêu.

Tó tàu

Tó tàu là món được chế biến từ nhộng ong đất của đồng bào Thái. Tại huyện Con Cuông, Nghệ An món ăn này được người dân ưa chuộng và vùng đất này có lượng lớn ong đất làm tổ.

Các món từ côn trùng

Từ những con nhộng tằm, dế mèn, châu chấu, cào cào cho đến bọ xít, ve sầu, rắn mối, bọ cạp… với bàn tay khéo léo, sự chế biến tài tình của người miền Tây xứ Nghệ tất cả đã được đưa lên bàn ăn, thậm chí trở thành những món đặc sản.

Các đặc sản Nghệ An mua về làm quà

Nhút Thanh Chương

Được ví như “Kim chi xứ Nghệ”, nhút Thanh Chương là món ăn được làm từ mít non, nó có thể ăn vào mùa đông xào với thịt lăn, hoặc nấu một mình để có vị riêng. Nhút có vị chua chua giòn giòn, ăn rất đưa cơm, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ. Tuy là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình, nhưng đến nay, nhút đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ được nhiều người khắp nơi biết đến.

Tương Nam Đàn

Tương là một trong những đặc sản truyền thống của người dân Nam Đàn. Nguyên liệu chính để làm tương toàn là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày: đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Tương Nam Đàn độc đáo ở chỗ nó là “tương mảnh”, hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành “mảnh đậu” chứ không “nát như tương Bần”. Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng sánh như mật ong. Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm. Tương được dùng để chấm hoặc kho cá, đặc biệt là chấm rau muống hoặc rau lang gừng, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù.

Mực một nắng

Để chế biến ra mực một nắng, ngư dân phải chọn những con mực tươi ngon, mực to thì chất lượng mực càng giá trị. Trước tiên mực được xẻ ra, rửa sạch, sau đó để ráo nước. Công đoạn tiếp theo là phơi sấy mực bằng 2 cách: phơi dưới nắng hoặc sấy trong than củi.

Để đạt yêu cầu, mực sau khi chế biến sẽ được phơi dưới nắng trong khoảng 1 buổi. Nếu phơi lâu, mực sẽ khô dần và không giữ được độ ngọt, ăn sẽ không dai bùi. Còn thời tiết mát mẻ, người dân phải sấy khô bằng than củi, thường thì khoảng 1 ngày mới đạt yêu cầu.

Mực một nắng có thể chế biến ra nhiều món ngon, hấp dẫn như mực nướng, mực hấp hành, gừng; mực chiên nước mắm, chiên xù, chiên giòn hay mực một nắng xào, sốt me…

Đến du lịch Nghệ An, các bạn có thể tìm mua mực một nắng về để làm quà cho gia đình và bạn bè tại các khu vực biển Cửa Lò, biển Quỳnh…

Mắm Ruốc Cửa Lò

Mùa con ruốc kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Tư (Âm lịch) hàng năm. Vào mùa ruốc, ngư dân nhà nào nhà nấy tấp nập bận rộn huy động từ già trẻ, trai gái đi kéo ruốc. Là món ăn dân dã song làm mắm ruốc cũng đòi hỏi sự cầy kỳ và kỹ lướng không thua kém những món ăn phức tạp khác. Phải chọn con ruốc tươi, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì ruốc sẽ bị thối rữa..

Mắm ruốc có thể dùng làm nước chấm, ăn kèm với bún hay chế biến nhiều món ăn khác như: nêm canh, cháo ruốc, mắm ruốc rim hay mắm ruốc kho thịt… Tuy vậy mắm ruốc ngon nhất là dùng ăn thô với khế chua và bún, vừa ngon mà lại thấy hết được mùi vị nguyên sơ của mắm. Thêm lát ớt tươi làm món ăn vừa chua vừa cay đem lại cảm giác rất lạ, kích thích mọi giác quan.

Hoặc nếm thử một miếng mắm ruốc, cảm nhận cái ngọt từ thịt ruốc, cái mặn mòi của biển cùng bát cơm trắng nóng thì du khách dù khó tính trong chuyện ăn uống cũng phải tấm tắc khen ngon.

Cam xã Đoài

Đây là loại cam chỉ được trồng ở một vùng diện tích rất nhỏ thuộc xã Nghi Diên, Nghi Lộc. Từ trước đến nay cam Xã Đoài vẫn được người dân quen gọi là cam tiến Vua, vì những người có điều kiện như vua chúa mới ăn được loại cam này. Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt. Khi bổ ra sẽ có vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong. Tại các nhà vườn, ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch thường đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết.

Giò Me Nam Nghĩa

Giò me là một đặc sản mới nổi gần đây của xứ Nghệ. Giò me (giò bê) được làm từ nguyên liệu chính là thịt me (thịt bê), bì me, trứng gà và các loại gia vị khác. Thịt me mềm, thơm ngon mà không khô, lớp bì me giòn kết hợp với vị đậm đà của gia vị, mùi thơm đặc trưng của giò, của hạt tiêu thật hấp dẫn. Ai từng thưởng thức món ăn đặc sản này sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng của nó. Giò me được dùng trong những ngày giỗ, tết, tiệc tùng, hay dùng làm quà biếu.

Bánh gai Xứ Dừa

Dù có mặt ở rất nhiều địa phương trên cả nước nhưng bánh gai vẫn là một đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Nghệ An. Bánh gai Xứ Dừa được sản xuất tại vùng đất miền Tây Anh Sơn. Điều đặc biệt ở món bánh gai này là bánh rất vừa miệng vừa có vị ngon và béo ngậy của dừa trộn lẫn với hạt đậu xanh lại vừa có vị thơm, dẻo của nếp và mùi của lá chuối khô.

Tìm trên Google

  • các món ăn ngon ở nghệ an
  • đặc sản nghệ an mua về làm quà
  • ẩm thực nghệ an
  • ăn gì ở nghệ an
  • các quán ăn ngon ở vinh nghệ an
  • du lịch nghệ an nên ăn gì

5/5 – (1 đánh giá)

NGHỆ AN

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ có trung tâm hành chính là thành phố Vinh. Nghệ An có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Về kinh tế, ngành công nghiệp hiện nay của tỉnh tập trung phát triển ở 3 khu vực Vinh – Cửa Lò, Hoàng Mai và Phủ Quỳ.

Bạn có biết: Thời nhà Hậu Lê, tỉnh Nghệ An có tên gọi là Xứ Nghệ (bao gồm cả tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh của ngày nay).

  • Diện tích: 16.493,7 km²
  • Dân số: 2.978.700
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Mã điện thoại: 238
  • Biển số xe: 37