Các kiến thức cần biết về lương tính bảo hiểm xã hội – Bravo
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Việc tính toán này dựa trên phần lương tính bảo hiểm xã hội, cụ thể vấn đề này như thế nào chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong nội dung bài dưới đây.
1. Quy định về lương tính bảo hiểm xã hội năm 2016
Theo quy định của nhà nước, từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 mức đóng BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện theo Quyết định 959/QĐ-BHXH. Cụ thể:
- Mức đóng bảo hiểm xã hội: 26%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%.
- Mức đóng bảo hiểm y tế: 4,5%, trong đó người lao động đóng 1,5%; đơn vị đóng 3%.
- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: 2%, trong đó người lao động đóng 1%; đơn vị đóng 1%.
- Kinh phí công đoàn: 2% – doanh nghiệp đóng tất cả.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 được thực hiện theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2015. (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), cụ thể được thống kê ở bảng sau:
2. Quy định về lương tính bảo hiểm xã hội từ ngày 01.01.2018
Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội VN, từ 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định trên cơ sở quy định của Luật BHXH.
Căn cứ theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.
Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ.
Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu.. mức hưởng sẽ cao hơn. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo BHXH VN, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Một số trường hợp khác được quy định cụ thể, như: Công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.