Các chủ đề được thảo luận nhiều nhất vào dịp Tết trên social media | bởi Nhung Nguyễn | Brands Vietnam
Nhung Nguyễn
MarCom Manager @ Buzzmetrics
-
Báo lỗi
Các chủ đề được thảo luận nhiều nhất vào dịp Tết trên social media
Tết là một chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên social media vào những ngày cuối năm. Đây cũng là thời điểm mà các thương hiệu đồng loạt thực hiện các chiến dịch marketing trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhằm giúp các thương hiệu và agencies trong việc lên kế hoạch và chuẩn bị content cho kế hoạch của mình, Social listening của Buzzmetrics đã thống kê các chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên social media vào dịp tết, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến hết Tết 2014.
1. LÀM GÌ VÀO DỊP TẾT
Nghỉ tết có thể được xem là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, và cũng là dịp mà hầu hết mọi người đều có nhiều thời gian rảnh, do đó chủ đề Làm gì vào dịp tết là chủ đề được bàn luận nhiều nhất từ những ngày đầu của kỳ nghỉ này. Theo những gì được chia sẻ trên social media, thì đa số các ý kiến đều cho rằng tết là thời gian dành cho gia đình, do đó các kế hoạch cho kỳ nghỉ này của họ đều là các hoạt động với gia đình (82% số thảo luận về Làm gì vào ngày tết). Tuy nhiên đa số các thảo luận đều chỉ nói rằng họ chỉ cần được ở bên gia đình dù không có hoạt động nào cụ thể. Bên cạnh đó, một số các hoạt động khác cũng được nhắc đến là Đi du lịch, Đi chúc tết (chủ yếu là các bài đăng trên các trang cá nhân của các bạn trẻ và thảo luận về vấn đề thực dụng trong việc đi chúc tết ngày nay), Đi đường hoa/chợ hoa, Đi chơi với bạn bè (ăn uống, xem phim, cà phê), Chơi các trò chơi ngày tết (như đánh bài, các trò chơi dân gian như lô tô, cờ tỷ phú, cờ cá ngựa, bầu cua),….
2. GIAO THỪA
Giao thừa được xem là khoảnh khắc thiêng liêng nhất, nhiều cảm xúc nhất trong cả kỳ nghỉ tết. Nếu như trước giao thừa vài ngày thì đa số các thảo luận chủ yếu xoay quanh vấn đề sẽ đi đâu, với ai vào đêm giao thừa, thì khi thời khắc này sắp đến, các bài đăng lại chủ yếu là về cảm xúc bồi hồi, háo hức trước thềm năm mới.
Trong số các thảo luận về việc đi đâu vào đêm giao thừa, thì có hơn 70% số thảo luận đề cập đến việc đi xem pháo hoa, số còn lại thì nói rằng mình sẽ ở nhà để xem truyền hình trực tiếp hoặc thực hiện các nghi thức cúng kiến. Điều đặc biệt là trong số những người nói rằng họ sẽ ở nhà vào đêm giao thừa, thì có 13% đề cập đến việc xem chương trình Táo quân trên truyền hình.
Chia sẻ về cảm xúc đối với giao thừa, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời khắc họ mong đợi nhất trong năm, và thậm chí nói rằng họ cảm thấy tết đã qua đi từ sau đêm giao thừa.
3. MINIGAME TRÊN CÁC FACEBOOK FANPAGE
Tết cũng là dịp mà hầu hết các Facebook của các thương hiệu tổ chức nhiều minigame, câu đố để thu hút các fan tham gia và nhận quà. Trong khi một số fanpage thường đăng tải những trò chơi, câu đố về ngày tết và các quà tặng là sản phẩm của mình thì một số fanpage khác lại đưa ra các trò chơi, câu đố vế ản phẩm của mình và tặng cho người thắng cuộc những món quà mang đậm chất tết.
4. THỰC PHẨM MÙA TẾT
Việc ăn uống là một trong những hoạt động được nhắc đến nhiều nhất vào ngày tết. Theo những gì được chia sẻ trên social media, có thể thấy rằng những món ăn truyền thống vẫn là những món ăn chính làm nên hương vị cho tết cổ truyền như Bánh chưng, Bánh tét, Củ kiệu, Dưa hành, Thịt kho,… Trong khi đó, Rượu và Bia là hai loại thức uống được đề cập nhiều nhất vào dịp này, với tỷ lệ lần lượt là 24% và 16% trong tổng số thảo luận, cao hơn nhiều so với Nước ngọt (5%), đặc biệt Rượu được xem là một trong những món quà biếu tết phổ biến ngày nay.
5. TẾT VÀ F.A (FOREVER ALONE)
Cũng như nhiều dịp lễ khác, Tết cũng được gắn liền với vấn đề tình yêu, mà nổi bật hơn cả là tình trạng cô đơn vào dịp Tết. Tuy nhiên, nếu các dịp lễ khác thì chủ đề về FA thường xoay quanh việc than thở không biết làm gì và không có ai để di chơi cùng, thì tết lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người độc thân vì áp lực từ phía gia đình. Các thảo luận về tết và FA không chỉ về vấn đề Cầu mưa, Tâm trạng buồn bã, cô đơn, mà còn là Cách đối phó với gia đình, người thân khi bị hỏi về vấn đề Tình yêu và hôn nhân. Ngoài ra, Dịch vụ cho thuê người yêu để dẫn về ra mắt gia đình cũng được đề cập nhiều vào dịp tết.
6. CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT
Có thể nói tết được xem là dịp lễ lớn nhất tại nước ta, do đó việc chuẩn bị đón tết là một việc hết sức quan trọng đối với mọi nhà. Thống kê việc Chuẩn bị đón tết của Buzzmetrics cho thấy 3 hoạt động chủ yếu trong quá trình chuẩn bị này là Mua sắm (57%), Dọn dẹp nhà cửa (36%) và Trang trí tết (30%).
- Mua sắm: Việc sắm sửa ngày tết được chia sẻ bao gồm mua sắm quần áo, đồ gia dụng, bánh mứt, các vật trang trí vào ngày tết như câu đối, hoa mai, hoa đào, lồng đèn,… nhưng mua sắm quần áo được nhắc đến nhiều nhất trong những thảo luận về việc sắm sửa cho mùa tết.
- Dọn dẹp nhà cửa: Tết được xem là thời gian để sắp xếp, tổng vệ sinh lại nhà cửa sau một năm bận rộn với công việc và cuộc sống. Trên các mạng xã hội, đặc biệt là các trang Facebook cá nhân, có rất nhiều bài chia sẻ chủ yếu từ các bạn trẻ về việc dọn dẹp nhà cửa đón năm mới của mình với tâm trạng thích thú trước thời khắc hiếm hoi khi những người thân trong gia đình cùng nhau góp phần vào việc chăm sóc tổ ấm của mình.
- Trang trí tết: Trang trí tết gồm có trang trí nhà cửa, trang trí tại những nơi công cộng và công ty,… Tương tự như dọn dẹp nhà cửa, trang trí tết cho căn nhà của mình cũng được chia sẻ là mang lại cảm giác ấm áp và gắn kết cho những người thân trong cùng một gia đình, trong đó những hình ảnh về việc trang trí nhà cửa của người nổi tiếng nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, việc trang trí ở những nơi công cộng cũng được thảo luận nhiều social media, chủ yếu là so sánh giữa những phong cách trang trí ở các trung tâm thương mại và những con đường khác nhau, đồng thời các bạn trẻ cũng rủ nhau đến những địa điểm này để chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp vào năm mới.
7 . THƯỞNG TẾT
Thưởng tết cũng là một trong những vấn đề nổi trội vào dịp cuối năm, chủ yếu là bình luận trong các bài báo về mức thưởng tết của những công ty, ngành hàng khác nhau.
8. LÌ XÌ
Lì xì là một phong tục mang đậm nét văn hóa vào ngày tết, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong các thảo luận về Lì xì ngày tết, thì bên cạnh những chia sẻ của cá nhân về việc nhận hoặc gửi lì xì, thì một số lượng lớn các thảo luận còn lại tập trung ở những bài đăng về Cung hoàng đạo (các chòm sao được lì xì như thế nào?) và các bài viết về sự biến tướng của tục lệ lì xì ngày nay. Nhiều ý kiến cho rằng tục lệ lì xì ngày càng trở nên thực dụng khi mà tiền bạc được coi trọng hơn ý nghĩa thật sự của việc trao nhận những lời chúc tốt đẹp đầu năm.
9. MUA VÉ TÀU XE/MÁY BAY
Việc mua vé tàu xe, máy bay để về quê vào dịp tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người và là một chủ đề được thảo luận khá sôi nổi trên social media vào thời điểm cuối năm. Đa số các thảo luận đều là về việc khó khăn trong vấn đề đặt vé, mua vé và giá vé cao. Nhiều bạn sinh viên chia sẻ rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc về quê đón tết với gia đình vì vấn đề mua vé tàu xe và máy bay. Thấu hiểu được những khó khăn này, một trong những thương hiệu đã động thái tích cực trong việc này là Pepsi với chiến dịch Tết trọn từng giây hỗ trợ 320 vé máy bay miễn phí cho công nhân, sinh viên để giúp họ có được cái tết trọn vẹn cùng gia đình, nhận được nhiều đánh giá tích cực trên social media.
10. NHẠC TẾT
Nhạc xuân là một phần không thể thiếu vào dịp tết và từ lâu đã trở thành dấu hiệu cho thấy tết đang về. Việc nghe thấy các bài hát về mùa xuân ở khắp nơi khiến nhiều người cảm thấy rộn ràng và nôn nao đến tết. Nếu như những ngày giáp tết được chia sẻ là những ngày vui nhất và nhiều cảm xúc nhất thì nhạc xuân được nói là một trong những nhân tố chính tạo nên cảm giác này, bên cạnh khí trời se lạnh trong những ngày này.
Năm 2014, một bài hát mới đã được thêm vào danh sách các bản nhạc được nghe nhiều nhất vào dịp tết và trở thành một hiện tượng trên social media là bài hát Con bướm xuân của ca sĩ Hồ Quang Hiếu, khi mà nhiều người chia sẻ rằng đi đâu cũng nghe thấy bài hát này. Điều đáng ngạc nhiên là bài hát đã lọt vào danh sách các bài hát được nhắc đến nhiều nhất vào dịp tết, bên cạnh các bài hát quen thuộc của mọi năm, và đứng ở vị trí thứ 3 chỉ sau Happy New Year và Xuân này con không về.
11. HÀI TẾT
Xét đến các hoạt động ở nhà vào dịp tết, thì có lẽ xem hài tết là một trong những hoạt động phổ biến nhất. Trong những ngày này, khán giả truyền hình lại được xem những tiểu phẩm hài mới nhất được chiếu trên ti vi từ những ngày giáp tết cho đến hết các mùng của kỳ nghỉ tết. Các tên tuổi quen thuộc của hài tết thường được nhắc đến như Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Hinh, Hiệp Gà,… Mặc dù xem hài tết được xem là một hình thức giải trí vào mùa tết, nhưng các thảo luận về chủ đề này lại chủ yếu xoay quanh việc nhận xét các tiểu phẩm hài và các nghệ sĩ hài yêu thích. Một điều đáng chú ý là nhiều người chia sẻ rằng việc xem hài tết là để có không khí tết và là dịp để quây quần cùng gia đình, chứ không hẳn vì mục đích giải trí.
12. PHIM TẾT
Cuối năm và tết là dịp mà các nhà làm phim cho ra mắt nhiều bộ phim mới, nhất là các phim Việt Nam. Tết năm 2014, hàng loạt các phim Việt Nam được công chiếu bao gồm Cô dâu đại chiến 2, Năm sau con lại về, Cưới chạy, Tèo Em, Hai Lúa, Cuộc chiến với chằn tinh và các phim nước ngoài như I, Frankeinstein, Đại náo thiên cung, Bắt em đi, Ôi ma ơi,… Bên cạnh đó, thị trường phim truyền hình cũng hết sức sôi động với nhiều bộ phim được chiếu xuyên suốt vào những ngày tết như Lấy chồng trước tết, Lý bông mai, Mộng ước vẫn còn đây,…
Nhìn chung, phim tết Việt nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng, nhưng đa số các thảo luận đều cho rằng các phim tết ngày càng nhạt, cốt truyện không thật sự thu hút và nhiều vấn đề đáng tiếc khác. Trong những phim chiếu tết 2014, có thể nói Cô dâu đại chiến 2 là phim nhận được đánh giá tích cực nhất từ khán giả.
13. QUẢNG CÁO TẾT
Quảng cáo tết của các thương hiệu được nói là một trong dấu hiệu cho thấy tết sắp về. Trong số các quảng cáo mùa tết thì có các thương hiệu có quảng cáo ấn tượng nhất cũng như được nhắc đến nhiều nhất năm 2014 có thể kể đến như Neptune, Coca-cola, Pepsi, Omo, Omachi,…Trong các thảo luận về quảng cáo tết ở Việt Nam thì điều đặc biệt là nhiều người chia sẻ rằng cứ mỗi năm thấy quảng cáo của Coca-cola là họ lại thấy lòng nôn nao đến tết. Trong khi đó, quảng cáo của Neptune với thông điệp “Về nhà đón tết, gia đình trên hết” lại được đánh giá là cảm động, ý nghĩa và lấy đi nước mắt của nhiều người. Quảng cáo của Omo được nhiều bà mẹ chia sẻ là con cái họ rất thích trong khi quảng cáo tết của Omachi lại nhận nhiều phản hồi tiêu cực vì nội dung quảng cáo và hình ảnh thương hiệu không có sự liên kết với nhau.