Ca sĩ và xu hướng làm phim ca nhạc: Lượng nhiều, chất ít
Mới đây, phim ca nhạc “Sky Tour” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã được công chiếu tại các cụm rạp và gây một sự ngạc nhiên lớn khi tạo được doanh thu khủng. Chỉ sau 3 ngày công chiếu, phim bán được 58.000 vé, doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
“Sky Tour” trở thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc, hé mở một cánh cửa mới cho xu hướng làm phim âm nhạc vốn đã rất thịnh hành ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Ca sĩ ồ ạt làm phim ca nhạc
Dòng phim âm nhạc được thực hiện bởi các ca sĩ hay các nhóm nhạc nổi tiếng từ lâu đã trở thành một dòng phim quan trọng ở các nước châu Âu và Mỹ. Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng phát triển mạnh mẽ dòng phim này. Ở Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, các ca sĩ bắt đầu chuyển hướng bắt kịp xu thế này. Nhiều ca sĩ đã bỏ tiền tỷ đầu tư làm phim âm nhạc, thường là phát trên các kênh youtube riêng của ca sĩ là chính.
Đầu tiên phải kể đến Lý Hải. Vào thời điểm tên tuổi không còn hot, anh chàng này bắt đầu nghĩ ra cách làm phim ngắn âm nhạc. “Trọn đời bên em”, bộ phim âm nhạc đầu tiên của Lý Hải có lượt người xem ngất ngưởng. Phim dài đến tập thứ 10 thì Lý Hải “hết vốn” đành dừng lại. Sau Lý Hải là Hồ Việt Trung phối hợp cùng Hồ Quang Hiếu- 2 ca sĩ rất ăn khách trên các trang mạng trực tuyến đã chung vốn làm phim ngắn ca nhạc hài “Giải cứu tiểu thư”.
Sơn Tùng đưa phim ngắn “SkyTour” ra rạp.
Khi phát trên kênh youtube, phim thu hút hơn 112 triệu lượt xem, trở thành bộ phim ngắn âm nhạc được yêu thích bậc nhất. Từ những hiện tượng đó, một số ca sĩ nhanh nhạy nhận ra sức hút của phim ngắn, khi mà những MV ca nhạc đang dần dần bão hòa.
Khởi My với phim “Gửi cho anh”, tiếp đến Noo Phước Thịnh với phim “Chuyện tình Maldives”, Đông Nhi với phim “Giác quan thứ 6”, Sơn Tùng- MTP với phim “Âm thầm bên em”, và có cả nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà với phim “Cả một trời thương nhớ”…
Không chỉ phát hành trên các kênh youtube cá nhân, một vài ca sĩ mạnh bạo hơn, phát hành phim tại các cụm rạp và bước đầu đã có những thành công hơn cả mong đợi, tiêu biểu như Sơn Tùng- MTP và Hà Anh Tuấn. Sơn Tùng- MTP mang phim ngắn ca nhạc ra rạp và thắng lớn là một sự thay đổi lớn trong tư duy phát hành phim âm nhạc.
Trước Sơn Tùng, nam ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng đã mang phim ngắn ca nhạc “Truyện ngắn” của mình. Nhìn từ góc độ điện ảnh, phim ngắn ca nhạc mang chiếu rạp là sự kiện chưa từng có, mở ra một con đường mới đến với công chúng cho các ca sĩ.
Sắp tới đây, một số ca sĩ sẽ tiếp tục ra mắt các dự án phim ca nhạc. Ca sĩ Phạm Phương Thảo đang gấp rút hoàn thành bộ phim “Mong manh em” dự kiến sẽ phát trên truyền hình VTV vào tháng 12. Vừa hát vừa là nhân vật chính trong phim, nữ ca sĩ lần đầu thử sức với công việc diễn xuất. Được biết, bộ phim sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 40 phút, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Dương Lan Hương.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn và dàn diễn viên trong buổi ra mắt phim âm nhạc “Truyện ngắn”.
Nữ ca sĩ Yên Hà cũng vừa phát hành phim ca nhạc song ngữ Việt- Nga mang tên “Đất nước”. Còn ca sĩ Huyền Trang Sao Mai cũng vừa quay trở lại với khán giả bằng bộ phim ca nhạc “Mẹ là điều tuyệt vời nhất”- một bộ phim nói về tình mẫu tử thiêng liêng.
Một dự án phim ca nhạc lớn khác đang được chờ đợi hiện nay, là phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tên gọi “Em và nhạc Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bộ phim đang được ê-kip gấp rút thực hiện để chuẩn bị ra mắt khán giả vào tháng 4/ 2021, kỷ niệm tròn 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Như vậy, có thể thấy, phim âm nhạc đang dần trở thành một xu hướng trong đời sống điện ảnh cũng như âm nhạc Việt.
Chất lượng còn chưa thuyết phục
Mặc dù số lượng phim ca nhạc khá nhiều nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, chất lượng các phim còn chưa đồng đều, chưa thuyết phục đông đảo khán giả. Một vài phim thành công chủ yếu dựa vào thương hiệu cá nhân, tên tuổi của ca sĩ là chính. Chẳng hạn như Sơn Tùng- MTP, phim ra rạp cháy vé là bởi ca sĩ này có lượng fan hâm mộ lớn. Họ chính là đội ngũ những người đã mua vé vào xem phim, chứ khán giả bình thường gần như không quan tâm.
Ca sĩ Hồ Việt Trung chi tiền bạo tay làm phim ca nhạc hài “Giải cứu tiểu thư”.
Phim “Truyện ngắn” của Hà Anh Tuấn cũng ở vào trường hợp tương tự, là một phim tư liệu về nhân vật chính (ca sĩ) được xây dựng trên nền 5 ca khúc âm nhạc ăn khách, chứ chưa có nhiều yếu tố bất ngờ gây ngạc nhiên cho giới mộ điệu. Phần lớn các phim ngắn của các ca sĩ đã công chiếu dù ngoài rạp hay trên các kênh youtube cá nhân đều bộc lộ ít nhiều tính nghiệp dư, ít chất điện ảnh.
Trong khi đã là một bộ phim, thì tính điện ảnh phải cao, phải tạo ra những xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ cho khán giả, thay vì giống như một MV ca nhạc kéo dài và ca sĩ là nhân vật trung tâm trong đó. Lời thoại của các nhân vật trong phim ca nhạc thường rất ít, nhưng nó cũng chưa được chăm chút khiến cho câu chuyện kết nối rời rạc.
Một điều quan trọng nữa là diễn xuất của nhân vật trong phim. Mô-tip chung của phim ca nhạc ngắn thường là ca sĩ sẽ xuất hiện ở tư thế nhân vật chính. Điều này có nghĩa là ngoài khả năng ca hát ra, ca sĩ phải có khả năng diễn xuất tốt mới thu hút được khán giả. Tuy nhiên, không phải ca sĩ nào cũng có khả năng diễn xuất tốt. Chẳng hạn Cao Trung Hiếu rất gượng gạo trong phim của mình. Hà Anh Tuấn dù có thần thái tốt hơn nhưng vẫn bị chê là nghiệp dư.
Để xây dựng một phim âm nhạc, phần lớn các ca sĩ thường tận dụng sức nóng từ sản phẩm phát hành của mình là chính. Chẳng hạn như Sơn Tùng MTP làm phim “Sky Tour” dựa trên những tư liệu về tour diễn nổi tiếng hút khách của mình. Việc lợi dụng thành công từ sản phẩm trước để cộng hưởng cho sản phẩm sau là bước đi khôn ngoan mà nhiều ca sĩ thực hiện.
Tuy nhiên, điều này cũng dễ trở thành lối mòn khiến cho các phim ngắn của ca sĩ không còn mấy sức hấp dẫn, bởi khán giả chưa xem đã có thể đoán định được ít nhiều nội dung của phim rồi. Một khuynh hướng ở các ca sĩ làm phim ca nhạc nữa là, nếu không ăn theo sản phẩm có sức nóng từ trước đó, thì họ lại sa vào kể chuyện tình yêu quanh quẩn với thất tình, bi kịch, tai nạn, cái chết.
Ca sĩ Đông Nhi hòa nhập xu hướng làm phim ca nhạc với phim “Giác quan thứ 6”.
Dường như các ca sĩ trẻ đang “nghiện” kể chuyện tình trên phim ca nhạc, chứ chưa sáng tạo ra các nội dung mới để đổi khẩu vị cho khán giả. Đây cũng là “tử lộ” rất dễ nhìn thấy cho việc khán giả mau chóng chán phim âm nhạc nếu ca sĩ không chịu đầu tư vào nội dung câu chuyện trong phim, tương ứng với đầu tư công phu cho phần âm nhạc.
Để có được một phim âm nhạc từ 20 đến 40 phút, ca sĩ phải đầu tư tiền tỷ. Họ phải tính toán thật tốt, vì nếu phim không ăn khách, mất trắng tiền tỷ là chuyện dễ hiểu. Một số ca sĩ không tự tin về diễn xuất, như Mỹ Tâm, đã khôn ngoan với vai trò làm người hát, và thuê diễn diên đóng vai chính trong phim.
Một điều dễ thấy nữa là, phim ngắn ca nhạc thường có các nhãn hàng đứng sau hỗ trợ ca sĩ. Hình thức quảng cáo trực tiếp trên truyền hình ngày càng nhàm chán nên nhiều nhãn hàng đã chọn cách thức quảng bá sản phẩm của mình trên các phim ngắn của các ca sĩ triệu view.
Doanh nghiệp bỏ tiền làm phim ca nhạc cho ca sĩ, đổi lại, hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp phải được thể hiện trong phim. Giải pháp này giúp cho ca sĩ không phải lo kinh phí đầu tư, không sợ chuyện thua lỗ quá nhiều nhưng đổi lại họ sẽ phải thỏa hiệp với nhãn hàng những điều kiện mà có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng bộ phim.
Nhiều khán giả xem phim ngắn của ca sĩ xong đã than phiền, họ không cảm thấy thoải mái với các shoot quảng cáo chèn ngang của nhãn hàng, hay những pha diễn ca sĩ quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp quá lộ liễu trong phim.
Ở một số phim ngắn của ca sĩ, không khó để nhận ra, hình ảnh sản phẩm công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, rồi mỹ phẩm, giày dép, áo quần thời trang, đồ dùng gia dụng tràn ngập đến mức khán giả thấy phản cảm.
Nhiều khán giả xem phim xong tỏ thái độ bực mình vì phải xem các màn quảng cáo lộ liễu. Đây cũng là một yếu tố cảnh báo các ca sĩ, nếu họ cứ phụ thuộc nhiều vào nhãn hàng, thì phim ngắn của họ không sớm thì muộn sẽ bị khán giả tẩy chay, khó mà trở thành một trào lưu, một xu hướng mạnh mẽ trong tương lai với các tác phẩm có giá trị thực sự về mặt nghệ thuật.