BVXA TÂY NINH – CÁCH CẤP CỨU KỊP THỜI KHI BỊ RẮN LỤC ĐUÔI ĐỎ CẮN – Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á | Xuyen A General Hospital

Rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục, nọc độc rắn lục đuôi đỏ có thể gây tổn thương hoặc hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu – tức là làm cho nạn nhân dễ bị chảy máu hơn và khó đông hơn.

Rắn đuôi đỏ có độc tính ra sao?

– Nọc độc rắn lục đuôi đỏ có thể gây tổn thương hoặc hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu – tức là làm cho nạn nhân dễ bị chảy máu hơn và khó đông hơn.

Người bị rắn đuôi đỏ cắn sẽ có những biểu hiện như thế nào?

– Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, chúng ta sẽ thấy tại chỗ bị rắn lục đuôi đỏ cắn có 2 vết răng, kèm sưng to, xuất huyết, bầm tím, đau nhức, tê buốt vùng bị cắn và lan ra xung quanh.

– Khi bị rắn độc cắn thì hầu hết các trường hợp, nọc rắn sẽ xâm nhập vào cơ thể theo đường mạch bạch huyết, tức là không phải theo con đường mạch máu thông thường:

+ Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động.

+ Nếu nạn nhân, đặc biệt là vùng cơ thể bị cắn không hạn chế vận động thì nọc sẽ xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể, nạn nhân sẽ nhanh chóng ngộ độc hơn.

+ Ngộ độc nặng hơn nếu vết thương sâu, nhiều nọc độc, loại rắn độc hơn, hoặc cơ thể nhỏ bé, hoặc sức khỏe của nạn nhân không tốt.

– Các triệu chứng xuất hiện sớm, nhanh chóng và gây nguy hiểm cho nạn nhân, dễ gây tử vong, đó là biểu hiện:

+ Về thần kinh thường: thấy là liệt. Trước tiên thường là mắt không thể mở to được, đau họng, khó nuốt, nói khó, sau đó là khó thở.

+ Về tim mạch: có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim.

Nếu gặp trường hợp một gặp người bị rắn độc cắn, chúng ta cần sơ cứu cho bệnh nhân thế nào là đúng?

– Khi gặp một người bị rắn độc cắn, mục tiêu của sơ cứu đó là làm cho nọc rắn từ vết cắn xâm nhập vào cơ thể chậm hơn và ít hơn, nhờ đó mà nạn nhân có đủ thời gian để kịp vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.

– Mục tiêu thứ hai là bảo vệ tính mạng của nạn nhân, chữa trị các triệu chứng nguy hiểm, xuất hiện sớm và ngăn chặn các biến chứng trước khi nạn nhân đến cơ sở y tế.

– Mục tiêu thứ ba của việc sơ cứu đó là vận chuyển nạn nhân một cách nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện để điều trị thật sự.

– Các bước sơ cứu nên làm đó là:

+ Động viên bệnh nhân yên tâm đỡ lo lắng.

+ Không để bệnh nhân tự đi lại, mà phải bất động chân hoặc tay bị rắn cắn bằng nẹp.

+ Cởi bỏ đồ trang sức ở chân tay bị rắn cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

+ Áp dụng các biện pháp băng ép, bất động để làm chậm sự xuất hiện các triệu chứng.

+ Sau đó vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Các sơ cứu băng ép cho người bị rắn cắn, cũng như những điều không nên làm khi bị rắn cắn:

– Khi bị rắn độc cắn ở chân hoặc tay, nếu dùng kỹ thuật băng ép thì chúng ta dùng băng thun rộng khoảng 10cm chiều dài khoảng 4,5cm, có thể chun giãn; nếu không được chúng ta có thể dùng băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Trong vấn đề băng ép, chúng ta không cố cởi quần áo của bệnh nhân ra vì dễ làm chân tay bệnh nhân vận động khiên độc khuếch tán nhanh hơn, chúng ta có thể đè trực tiếp lên quần áo của bệnh nhân.

– Cách thức băng là:

+ Phải băng tương đối chật nhưng không quá chật, tức là, khi chúng ta băng xong, chúng ta vẫn có thể luồn một ngón tay giữa các nếp băng và chúng ta có thể sờ được mạch máu đập.

+ Bắt đầu thì chúng ta băng từ ngón chân/ tay đến hết toàn bộ chân/ tay bị cắn.

+ Sau đó, chúng ta dùng nẹp cứng để cố định chân/ tay với nẹp.

+ Nếu bị ở thân mình, chúng ta không cố định được bệnh nhân, vì vậy khi vết cắn ở thân mình hoặc đầu mặt cổ, chúng ta khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

– Khi bị rắn độc cắn, chúng ta:

+ Không nên sử dụng các biện pháp như ga-ro, ga-ro làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch thì rất nguy hiểm. Vì nó không cho máu nuôi dưỡng các bộ phận cơ thể, sẽ gây đau và không duy trì được lâu (không quá 40 phút). Và khi chân tay bị thiếu máu thì sẽ nguy hiểm hơn.

+ Không được chích rạch vùng bị rắn cắn, vì các biện pháp này không có lợi rõ ràng, mà còn gây tổn thương thêm cho bệnh nhân.

+ Các phương pháp dân gian như hút nọc độc, gây điện giựt, chườm đá, chườm lạnh cũng không được chứng minh là có lợi, mà còn có thể gây hại thêm cho nạn nhân. Nhiều thuốc y học dân tộc dùng đắp lên vết cắn thì chưa ghi nhận có lợi mà gây nhiễm trùng nặng hơn.

+ Khi bị rắn cắn thì chúng ta không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn, nhưng nếu có rắn đã cắn thì chúng ta có thể đưa đến bệnh viện để bác sĩ có thể biết được loại rắn để nhanh chóng cứu chữa.

Làm thế nào để đề phòng rắn vào nhà, cũng như phòng tránh rắn cắn?

– Trong lao động, để tránh hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó. Các bạn có thể sử dụng các biện pháp sau để giảm nguy cơ bị rắn cắn:

+ Cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi thu hoạch mùa màng và thời gian ban đêm.

+ Khi đi ban đêm cố gắng đi ủng, giày cao cổ, quần dài, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong khu vực nhiều cây cỏ.

+ Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc ban đêm. Càng tránh xa rắn thì càng tốt.

+ Không biểu diễn rắn.

+ Không đe dọa rắn.

+ Không cầm hoặc không treo rắn, ngay cả khi rắn đã chết.

+ Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép trong khu vực kín.

+ Ở nhà, người dân nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, lu nước.

+ Không nằm ngủ trực tiếp trên đất.

+ Không để trẻ em chơi gần khu vực có thể có rắn.

+ Không sinh hoạt và phải cẩn thận khi đến gần các nơi rắn thích cư trú như: đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi tập trung các động vật của gia đình…

+ Thường xuyên kiểm tra xem ở nhà có rắn không, nếu có thì phải tránh các kiểu kiến trúc tạo điều kiện cho rắn như: nhà mái tranh, nhà tường rơm, bùn với nhiều hang hốc hoặc vết nứt, nền có vết vết nứt.

+ Không nên tắm giặt ở những vùng nước đục.

r2

r3