Bút ký chùa Hương
Một chuyến du xuân của Trung tâm Thư Viện – Đại học Hồng Đức. Xin tri ân đến bạn đọc bài Bút Ký của tác giả Nguyễn Văn Tuấn đăng trên tạp chí: https://phatgiao.org.vn.
Động Hương tích là nơi thờ Phật lớn nhất của di tích Chùa Hương, nói đến trẩy hội chùa Hương tức là nói đến chùa trong động này. Chùa có nhiều tượng quý, đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai (1793)
Mấy năm trôi qua, bao lần dự tính, nay nhân duyên đã tới – đoàn chúng tôi mới có chuyến đi về miền Phật Tích – Hương Sơn kỳ thú. Như đã hẹn từ trước tôi và cô Nguyên đã được xe khách do Trung tâm Thông tin Thư viện – Đại học Hồng Đức đón, đây là chuyến đi đặc biệt do Ban Giám đốc và Công đoàn trung tâm tổ chức.
Cảnh đẹp chùa Hương
Cây Hoa gạo trên đỉnh núi
Xe bắt đầu lăn bánh ngược chiều về Hà Nội, mọi người đều nói chuyện rôm rả, thỉnh thoảng cô Lý lại pha vào chút hài hước của câu chuyện tiếu lâm. Lòng tôi đã thấy tràn ngập niềm vui khi đang hình dung dần ra phong cảnh Hương Sơn mà bấy lâu nay chỉ được nghe qua sách báo và truyền hình.
Không khí mùa xuân mát mẻ và ấm cúng, sương ban mai và nắng sớm vẫn còn ngậm hạt trên cành cây. Hai bên đường quốc lộ vẫn thấy những lá quốc kỳ tung bay trước gió. Cô Nguyên mang theo cơm nắm và muối vừng mời tôi; một món ăn quen thuộc mà trước đây mẹ tôi thường nắm cơm cho tôi khi hồi còn nhỏ.
Mặt trời đã nhô cao dần, không khí trong lành và dễ chịu. Trên suốt chặng đường tôi đã được ngắm nhìn quê hương, làng mạc của mọi miền quê Việt Nam thật tươi đẹp và nên thơ. Bức tranh phong cảnh đã hun đúc tâm hồn tôi tình yêu xứ sở nhiều hơn.
Mặt trời đã về bên gác núi, những đàn cò trắng phau trên đồng lúa non tơ đang bay về cội tổ. Xe cũng đã về tới xã Hương Sơn – huyện Mỹ Đức – Hà Nội. Đoàn chúng tôi đã tìm nơi nghỉ ngơi để ngày mai đi tiếp.
Sau bữa cơm chiều, tôi nhâm nhi chén trà cùng mọi người rồi ra phố dạo một lúc cho thoải mái. Quán xá nơi đây rất nhộn nhịp, du khách thập phương ra vào như trẩy hội, tôi tìm một khoảng phố yên bình để thả tâm mình theo bước chân du khách. Cơn gió thoảng mang theo lời kinh tụng như ru hồn lữ thứ, những lời kinh tụng bằng tiếng miền Tây nghe tha thiết, nhớ thương. Lòng tôi đã khởi lên niềm hoan lạc; vì tôi đã tìm lại được âm thanh trước đây tôi đã từng nghe qua cuốn băng mà vô tình tôi đã làm thất lạc. Đã bao lần tìm kiếm để mua, nhưng tôi đã không tìm thấy. Chuyến du lịch lần này cũng là trợ duyên cho tôi; lời kinh đã đưa bước chân tôi tới một quán bán băng đĩa ngay bên phía trước vệ đường. Tôi hỏi chị chủ quán: “Chị ơi cho tôi hỏi chút! Chị có bán đĩa tụng kinh này không? Chị trả lời tôi! Có em ạ”. Rồi chị lấy một xếp đĩa CD tụng kinh về Phật pháp đưa cho tôi. Tôi đã tìm thấy hai chiếc đĩa mặt A và mặt B về “Đường Giải Thoát”. Tôi trả tiền chị rồi tạm biệt chị ra về.
Những khoảnh khắc đẹp trên miền Tâm Linh Việt
Trên đường về phòng nghỉ tôi ghé qua hàng lưu niệm mua cho cháu Ngọc Anh và cháu Huyền một chút quà lưu niệm của chuyến đi.
Đêm đã khuya, chú Nhơn cùng mọi người trong đoàn đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chập chờn mãi không ngủ được, có lẽ chén trà ban tối đã làm tôi khó ngủ, hay một cảm giác mới lạ về một đêm xa xứ nơi miền du lịch, hay âm hưởng của lời kinh cứ khắc khoải trong tôi. Tất cả những điều đó chỉ cảm nhận được bằng tâm niệm của chính mình, chứ không thể nói ra.
Cho đến khi chú Nhơn vỗ nhẹ vào vai tôi nói khẽ: “Tuấn ơi! Tỉnh dậy đi cháu để ta chuẩn bị đi lên chùa nào”. Tôi thức dậy cùng mọi người đánh răng rửa mặt rồi điểm tâm nhẹ bằng bánh mỳ rồi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.
Xe bắt đầu chuyển bánh tiến dần về phía danh lam, trời vẫn con nhá nhem tối, ánh đèn xe đã dẫn đoàn chúng tôi đến Đền Trình thì trời cũng vừa tang tảng sáng. Từ xa xa tôi đã trông thấy hai lá cờ Phật giáo và một lá Quốc kỳ tung bay trước gió, làm sáng rực một vùng trời cảnh Bụt. Thắp hương xong ở Đền Trình đoàn chúng tôi đã lên thuyền nhẹ sóng về phía Hương Sơn.
Tiếng lóc cóc của mái chèo khua vào dòng nước, nước bắn lên tạo ra những âm thanh róc ránh và kỳ diệu. Suối Yến đã hiện ra cùng dòng người tứ phương đang xuôi về tiên cảnh. Thuyền đi rất sớm nên nước cũng chưa đục nhiều, vẫn còn vẻ trong xanh, nguyên sơ của một thuở yên bình.
Tôi ngồi trên thuyền ngắm phong cảnh hai bên hiển hiện màu thân thương của tổ quốc mình. Hai bên thỉnh thoảng lại hiện ra những cánh đồng lúa non xanh đang thì con gái mọc lên giữa bạt ngàn non nước hoang sơ. Thuyền vẫn lướt nhẹ, mái chèo vẫn khua vào dòng suối mát; từ xa xa tiếng sáo của trẻ mục đồng vọng lại nghe tha thiết tình quê đã sua tan dần màn sương sớm còn đọng trên ngọn cỏ giữa hai bờ Suối Yến.
Những cây gạo mùa xuân đang khai hoa rực rỡ, tổ điểm cho phong cảnh mùa xuân nơi đây vốn hùng vĩ và thơ mộng nay lại càng hùng vĩ và thơ mông hơn. Thỉnh thoảng những mái nhà rêu phong, hay là Đền – Miếu lại hiện ra thấp thoáng trong những tán cây xanh rợp bóng u hoài.
Xa xa, tôi đã quan sát thấy quán xá theo hướng con đò về bến Thiên Trù cùng tiếng nhạc xập xình, phá tan không gian tĩnh mịch. Những dãy núi thẫm đen lại trong màu sương sớm, nhưng mắt tôi vẫn lờ mờ nhận ra dáng voi phục, mâm xôi con gà, và 99 con voi chầu về động Hương Tích, một con bướng bỉnh quay mông vào bị phạt cụt mông, máu chảy lênh láng hoá dòng Yến bây giờ, lời thuyết minh của chị lái đò càng khiến nơi này trĩu nặng liêu trai, trĩu nặng nỗi lòng nhớ cổ, nhớ người xưa đã dày công mở đường lập cảnh.
Phong cảnh Chùa Hương – Bên bờ suối Yến
Du khách trên dòng suối tâm linh
Tất cả mọi thứ ở đây đều mới lạ đối với tôi, thuyền đã ghé bến Thiên Trù, đoàn chúng tôi lên thuyền và ngồi nghỉ lại một lúc dưới quán nhỏ rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Men theo những bậc đá rêu phong, qua cổng Tam Quan vào lễ Phật ở chùa ngoài. Hương trầm thoang thoảng như đang gội rửa đi những ô trược của cuộc đời. Lòng tôi thấy thanh thản sau những bước đi thong dong trên cõi Phật.
Đường vẫn nối liền, những bậc đá vẫn rêu phong như một thuở cha ông khai sinh, dựng nước. Những bậc đá đưa bước chân tôi cùng dòng người và du khách đến thắp hương và chiêm bái những thắng tích linh thiêng nhất ở đây. Đến đây tôi mới thấm hiểu được nhiều hơn lời Phật dạy qua những bước thiền hành ngược về Hương Sơn cảnh.
Những bước chân thiền hành thong thả đã dẫn tôi đến với động thiêng Hương Tích; một không gian kiến trúc kỳ thù mà bàn tay của hóa công đã ban tặng cho đất nước Việt Nam cũng như con người người nơi đây.
Trông động như là Ông Rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Trong động có pho tượng Phật Bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,… Tháng Ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng thăm quan động và đặt tên cho động là “Nam Thiên đệ nhất động” tức động đẹp nhất trời Nam.
Động còn có “đường lên trời” và “lối xuống âm phủ”. Đường lên trời là một sườn đá dốc càng leo cang cao, lối xuống âm phủ là một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất.
Động Hương Tích là điểm đến cuối cùng, sau thời gian khá dài leo núi, người hành hương đặt chân vào động như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Động gắn liền với rất nhiều bài thơ nổi tiếng và các bài ca trù được truyền tụng như:
Hương sơn phong cảnh ca, Hương sơn nhật trình là những giai tác của Chu Mạnh Trinh. Danh thắng Hương Sơn đã đẹp lại càng tuyệt sắc hơn một phần cũng nhờ bài Hương Sơn phong cảnh của ông:
“Bầu trời cảnh Bụt,
Thú hương sơn ao ước, bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động, hỏi rằng đây có phải ?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ, khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hãi giật mình trong giấc mộng
Này suối Giải Oan, này chùa Cửu Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lòng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây ?
Hay tạo hoá khéo ra tay sắp đạt ?
Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật,
Cửa từ bi công đức biết là bao !
Càng trông phong cảnh càng yêu”.
Động Hương tích đã trở thành nơi thờ Phật lớn nhất của di tích Chùa Hương. Nói đến Trẩy hội chùa Hương tức là nói đến chùa trong động này. Chùa có nhiều tượng quý, Đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai(1793). Tượng do viên quan võ tên là Nguyễn Huy Nhật cúng tiến. Vào mùa hội tháng Giêng, tháng Hai hàng năm, động Hương Tích xanh um màn khói hương tỏa ra và rì rào những âm thanh hỗn hợp trầm trầm của khách hành hương.
Tôi đứng trong động lòng hướng về Phật cảnh thầm cầu cho quốc thái dân an, cầu cho đoàn chúng tôi đi và trở về thuận buồm xuôi gió. Từ trong động nhìn lên tôi thấy cả một không gian rộng lớn, cảnh sắc của bầu trời cảnh bụt soi dọi những tia sáng ban mai vào trong động thật huyền ảo lung linh.
Nhưng cũng chạnh lòng một chút bởi cảnh người chen lấn, dành nhau xếp lễ lên ban thờ. Cảnh bán thịt rừng dọc các hàng quán men theo chân núi, dưới bến Thiên Trù.
Ví như tất cả những người dân cư ngụ ở đây, những người hành hương đến chiêm bái cảnh và lễ Phật cũng đều có ý thức và am tường giá trị Phật Pháp và văn hóa tâm linh. Thì ắt hẳn không còn cảnh chen lấn, xô bồ, không còn cảnh thịt thà buôn bán. Để nơi đây mãi là nơi thánh địa hội tụ những giá trị tâm linh, khí âm dương ngũ hành quần tụ; là chốn Phật môn không vướng mùi bi lụy tục trần.
Tôi chiêm bái không gian động và lễ Phật xong lên cửa hang hít một hơi thở thật sâu để đón nhận không khí trong lành trước núi non hùng vĩ.
Cô Thanh – Chủ tịch Công đoàn Trung tâm cùng mọi người cũng vừa lễ Phật trong động ra. Nhìn từ trên xuống động tôi đã thấy mọi người tuy thấm mệt nhưng ai cũng rạng ngời đôi mắt sau những bậc đá thang mây.
Khí trời đã non trưa, đoàn chúng tôi xuôi về đường cũ qua thắp hương và vãng cảnh một số nơi thắng tích nằm trong quần thể khu du lịch chùa Hương. Giữa hai bên bạt ngàn cây cối và bậc đá rêu phong. Tôi lắng lòng nghe những tiếng chim rừng thánh thót từ xa vong lại. Cùng với âm thanh trộn lẫn của tiếng kinh niệm Phật lòng tôi vô cùng khoan thai, một cảm giác chưa bao giờ có được. Vừa bước chân đi tôi vừa suy ngẫm về cuộc đời trần tục và bước chân giữa cõi tiên bồng. Xuân lãng du cùng khí trời khí đất giao hòa cũng khiến cho lòng người thánh thiện, lòng người nở hoa, giây phút thiền tâm kiểm chứng lại mình những gì đã qua mình còn sai sót.
Trên dòng Suối Yến thuyền theo lái đã xa dần non xanh cẩm tú. động Hương Tích. Suối Giải Oan…cũng đã lùi xa. Âm thanh của tiếng kinh cũng lặng dần theo nhịp sóng. Tôi ôm cây Đại Lộc bên phía mạn thuyền mua từ chùa Hương đem về quê trồng để nhớ mãi về một chuyến đi. Những đoàn thuyền ra, những chuyến thuyền vào làm xáo động cả một không gian tĩnh mịch. Trời đã qúa non trưa, những tia nắng chiếu sâu vào lòng suối, hòa quện vào cảnh trời, cảnh đất và những con sóng nhấp nhô làm cho cả không gian nước non lấp lánh màu trời.
Hai bên dòng suối lại hiện ra bạt ngàn màu hoa Gạo đỏ; những thân cây bám vào triền núi đá treo leo, những màu hoa in vào dòng suối. Tất cả những cảnh vật và con người nơi đây đã làm nên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên kỳ thú và thơ mộng.
Một chuyến du xuân chở đầy ước mơ tuổi trẻ. Ngồi trên mạn thuyền tôi miên man tưởng nhớ đến quê hương, tưởng nhớ đến những giây phút tuyệt diệu tôi vừa trải qua… Tất cả những trải nghiệm ấy đã làm lòng tôi thanh tịnh lại để cảm hứng dâng trào khi nghĩ đến Phan Hữu Dương một người bạn luôn đồng hành với tôi trong suốt cuộc hành trình đại học:
“Chùa Hương nắng ấm lên rồi,
Có ăn rau sắng mời về quê tôi.
Động tiên thanh thản sự đời,
Thuyền từ theo nhịp nhẹ về Bồng lai.”
Thuyền đã cập bến kết thúc một chuyến tham quan đầy thú vị, tôi bước chân lên bờ rời khỏi mạn thuyền cùng mọi người đi về phía hàng cây, phía con đường để lên xe về Thanh Hóa. Tự dưng thấy lòng man mác, nhớ thương một cảm giác bâng khuâng khó tả. Đất trời mùa xuân, hoa Gạo đỏ bạt ngàn giữa đôi bờ suối Yến vẫn còn hiển hiện trong tôi. Có lẽ mùa hoa Gạo là điểm nhấn đặc trưng không đâu có được trước phong cảnh thanh tú Hương Sơn.
Suối Yến vẫn ngày đêm soi bóng non xanh. Động Hương Tích vẫn ngàn năm sừng sửng. Chùa Hương mãi là quần thể Khu du lịch văn hóa tâm linh, mãi là danh lam thắng tích đất Việt – trời Nam kỳ thú, linh thiêng.
Nguyễn Văn Tuấn
Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa, ngày 21 tháng 6 năm Quý Tỵ
Nguồn:https://phatgiao.org.vn/but-ky-chua-huong-d11208.html