BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ: Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức
Bệnh nhân của khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TPHCM) đều thương mến vóc dáng gầy gầy, xương xương của vị trưởng khoa, bởi ông luôn hành động để họ được hưởng những quyền lợi xứng đáng nhất. Đó là BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ, người đứng ra thành lập CLB bệnh nhân ung thư, cũng là người đề nghị lập khoa điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc COVID-19.
1. Vì bệnh nhân ung thư xứng đáng…
… được “sống” trọn vẹn với những cung bậc cảm xúc
Năm 2011, BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ là người đã khai sinh câu lạc bộ (CLB) bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Quận Thủ Đức dưới hình thức tự sinh hoạt.
“Khi tôi đọc sách báo, tham khảo tài liệu thì thấy hình thức tổ chức CLB bệnh nhân rất hiệu quả và thực hiện cũng khá đơn giản, từ đó nhen nhóm ý tưởng thành lập CLB ung thư.” – BS Vũ cho biết.
Với 11 thành viên ban đầu, đến nay “mái nhà tinh thần” của các bệnh nhân ung thư đã lên đến gần 200 thành viên.
Bên cạnh những buổi sinh hoạt về các chủ đề như chế độ dinh dưỡng, cách tự chăm sóc, uống thuốc, theo dõi sau điều trị, những sai lầm trong điều trị bệnh ung thư…, ông còn kết hợp với hoạt động dã ngoại để họ được ra khỏi những bức tường gò bó của bệnh viện hay phòng khám.
BS Vũ cho biết, hiếm có cơ hội để bác sĩ dành nhiều thời gian tâm tình với bệnh nhân như thế nên hoạt động này giúp tăng sự thân thiết giữa đôi bên.
“Qua đó, các bác sĩ cũng có dịp chỉnh sửa lại những thông tin gì đó không phù hợp. Bác sĩ cũng biết được bệnh nhân thường dễ hiểu lầm chuyện nào, lo ngại vấn đề gì,… sau đó rút kinh nghiệm để giải đáp cho những bệnh nhân sau này.
Khi bệnh nhân hiểu đúng sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn và còn giúp lan tỏa thông tin đến những người khác.” – BS Vũ lý giải.
Nhiều bệnh nhân không thoải mái khi nói chuyện với bác sĩ nhưng khi chia sẻ với người đồng cảnh ngộ thì lại rất dễ dàng. Có những chị đang điều trị ung thư vú thắc mắc về ngừa thai; có anh hỏi đang bệnh ung thư thì “sinh hoạt” vợ chồng có sao không… Nhất là với một số thông tin có thể do bác sĩ giải thích chưa rõ hoặc bệnh nhân hiểu lầm thì những người đồng bệnh từng trải sẽ giúp họ hiểu đúng.
Hiện tại, các hoạt động của CLB phải tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua. BS Vũ cho biết chương trình đang khởi động lại, song còn “kẹt” vấn đề kinh phí. Dù vậy, đội ngũ y tế “vị nhân sinh” vẫn sẽ tổ chức dã ngoại cho bệnh nhân ung thư ít nhất mỗi năm 1 lần.
“Đây là sân chơi chung cho tất cả các bệnh nhân chứ không chỉ riêng bệnh nhân của Bệnh viện TP Thủ Đức. Vì càng nhiều người biết đến thì sức lan tỏa thông tin càng hiệu quả.” – BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ chia sẻ.
… được hưởng sự chăm sóc như những bệnh nhân COVID-19 khác
“Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ tại Việt Nam, lúc đỉnh dịch, số lượng bệnh dân áp đảo khả năng cấp cứu y tế. Chăm sóc bệnh nhân ung thư bình thường đã khó, trong dịch COVID-19 khó càng chồng khó.” – BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ lắng giọng.
Thời điểm đó, đối với những bệnh nhân giai đoạn cuối, việc duy trì thuốc đặc trị hay thuốc giảm đau dường như bị bỏ ngỏ. Bởi các bác sĩ không phải chuyên khoa ung thư thường ít hoặc không quen cho bệnh nhân thuốc giảm đau, nhất là thuốc có dẫn xuất morphine, BS Vũ giải thích.
Tháng 8/2021, khi đại dịch COVID-19 như ghì chặt sức khoẻ lẫn tinh thần của đội ngũ y tế, vị trưởng khoa Ung bướu vẫn mạnh mẽ giành quyền lợi cho bệnh nhân ung thư. Ông đề nghị Bệnh viện Thành phố Thủ Đức thành lập khoa điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc COVID-19.
Ban đầu dự tính thành lập khoa này ngay tại bệnh viện nhưng vì bệnh nhân quá đông, khoa đã được chuyển sang chung cư Bình Minh, tức Bệnh viện dã chiến số 1 bấy giờ.
Thiếu nhân sự, song các bác sĩ, điều dưỡng vẫn gồng mình để mỗi bệnh nhân được chăm sóc chuyên khoa đầy đủ nhất có thể, BS Vũ nhớ lại.
Nhờ vậy mà nhiều người bệnh ung thư vẫn được duy trì thuốc đặc trị khi bị COVID-19, bệnh nhân giai đoạn cuối vẫn được sử dụng giảm đau đúng mức. Bệnh nhân tràn dịch màng phổi hay tràn dịch bụng gây khó thở vẫn có thể được rút dịch và giải áp để bớt khó chịu.
Nhưng dù đã cố gắng hết sức, BS Vũ vẫn ngậm ngùi khi không thể giúp bệnh nhân cận tử gặp người thân hay ăn những món mình thích trước lúc trút hơi thở cuối cùng. Khi ấy, vị bác sĩ trưởng khoa cũng tham gia công tác khâm liệm.
“Trước giờ tôi làm chuyên môn thôi chứ chưa từng thực hiện những việc này. Lúc đó, bản thân mình chỉ biết cố gắng làm sao cho tốt nhất, nhẹ nhàng và chu đáo nhất, hi vọng những bệnh nhân đã ra đi cảm thấy được an ủi.” – BS Vũ giãi bày.
… được điều trị ngay tại tỉnh nhà, dễ dàng tiếp cận thuốc mới
Bệnh ung thư được xếp vào bệnh nan y, là một bệnh mãn tính, bác sĩ phải đồng hành bệnh nhân trong thời gian dài, phải nâng đỡ về mặt tinh thần cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Theo Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, không có phương pháp nào hiệu quả 100%, nếu chẳng may việc điều trị không hiệu quả hoặc gặp biến chứng thì bệnh nhân sẽ thất vọng và muốn từ bỏ, khi đó bác sĩ phải tìm cách hỗ trợ.
Với ông, mối quan tâm lớn nhất trong điều trị ung thư hiện nay có lẽ là khả năng tiếp cận của bệnh nhân, bao gồm khả năng chi trả và tính sẵn có của dịch vụ.
“Tôi chỉ mong bệnh nhân ung thư ở đâu thì trị ở đó, khoa ung bướu của các tỉnh phát triển đúng mức, người bệnh giảm bớt được chi phí đi lại và giảm thiểu được tình trạng gián đoạn điều trị.
Hy vọng rằng phía bảo hiểm y tế, các công ty dược hay một số mạnh thường quân sẽ hỗ trợ để những thuốc mới, thuốc sinh học, thuốc nhắm trúng đích có thể giảm giá phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam.” – BS Vũ bày tỏ.
2. Khắc tinh của những định kiến sai lệch về bệnh ung thư
Có những định kiến sai lệch về bệnh ung thư không chỉ ở những người còn hạn chế về kiến thức khoa học mà cả ở giới có học thức.
Một trong những định kiến vẫn còn gây tranh cãi đến tận ngày nay đó là “dao kéo khiến ung thư nhanh tiến triển”. Hậu quả rất tai hại, bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia theo lời “bác sĩ mạng”, vuột mất thời điểm vàng của quá trình điều trị.
Trong thời gian thực tập ở các nước bạn, BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ nhận thấy không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng có tình hình tương tự.
Song, thực tế có rất nhiều loại ung thư cần điều trị bằng phương pháp chính là phẫu thuật như ung thư vú, ung thư ruột già, ung thư da… nếu bệnh nhân hiểu không đúng về phẫu thuật sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều trị.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngoại khoa, BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ đưa ra lời giải thích cho định kiến này.
Thứ nhất, không có bất kỳ loại thuốc hay cuộc phẫu thuật nào an toàn 100% nên khả năng bệnh nhân ung thư gặp biến chứng khi mổ là hoàn toàn có thể xảy ra. Những người gặp biến chứng như chảy máu hoặc nhiễm trùng thì hoang mang, mất đi niềm tin với phẫu thuật.
Thứ hai, một vài trường hợp kết quả hình ảnh học không hoàn toàn chính xác. Do đó, khi phẫu thuật, bác sĩ có thể phát hiện khối u to hơn chẩn đoán hình ảnh trước đó, tất nhiên điều này không do dao kéo gây ra.
Cuối cùng, bệnh nhân có thể được phẫu thuật triệt căn thuận lợi nhưng bệnh vẫn tái phát bởi đó là bản chất của bệnh ung thư. Cụ thể, sau khi phẫu thuật triệt căn, nếu bệnh nhân không được điều trị bổ sung sau mổ một cách bài bản, ung thư cũng có thể tái phát lại. Chính vì thế, bệnh nhân cần hiểu rằng, phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị mà chỉ là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo.
“Trên thực tế, những trường hợp phẫu thuật khiến cho bệnh nhân ung thư gặp biến chứng nặng hơn là rất hiếm. Với những tiến bộ y khoa hiện nay, chúng ta có thể giảm thiểu đến mức rất thấp những rủi ro khi phẫu thuật so với trước đây.” – BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ cho hay.
Không chỉ những định kiến lâu đời mà thông tin mới về điều trị ung thư không chính thống cũng để lại những hậu quả khôn lường.
Ngày nay, một số cơ chế sinh học của ung thư vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhiều điều bí ẩn cần được khám phá và nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu. Bối cảnh này khiến cho thông tin về bệnh ung thư dễ sai lệch, thậm chí phản khoa học khiến nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi.
BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ cho biết, ông hoàn toàn không bài trừ thực dưỡng hay các thực phẩm chức năng trong hỗ trợ cải thiện triệu chứng ung thư: “Cơ thể chúng ta ai cũng có thể có thịt, có mỡ hết, nên không có lý do mình phải loại bỏ hoàn toàn thịt mỡ ra khỏi chế độ ăn. Do đó, nếu trường phái dưỡng mà bệnh nhân thực hiện không quá khắc nghiệt, vẫn đảm bảo được đủ chất, phối hợp với phương pháp dưỡng sinh, vận động thì vẫn có thể áp dụng.
Thực phẩm chức năng cũng vậy, nếu bệnh nhân uống vào cảm thấy tốt, không quá đắt tiền thì có thể sử dụng”.
Tuy nhiên, điều BS Vũ nhấn mạnh là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo bác sĩ, tuyệt đối không bỏ thuốc đặc trị.
“Tôi từng gặp bệnh nhân nghe theo lời của ai đó rồi bỏ thuốc đặc trị, nhịn đói tối đa để “bỏ đói” tế bào ung thư. Đó là những quan điểm hoàn toàn sai lầm và cực kỳ nguy hiểm.” – BS Vũ chia sẻ.
Để đẩy lùi “giặc định kiến” và những quan niệm sai lầm về điều trị ung thư, sau những tua trực hay ca mổ, vị bác sĩ gầy gò vẫn miệt mài chiến đấu bằng những “vũ khí tối tân” hơn như giải đáp thắc mắc qua các chương trình giao lưu trực tuyến, thành lập CLB ung thư để chia sẻ sâu rộng những thông tin chính thống hay tổ chức những buổi hoạt động dã ngoại để người bệnh ung thư bày tỏ nỗi lòng…
3. “Không thấy mặt bệnh nhân, tôi không tư vấn”
Là một trong những “gương mặt thân quen” của bạn đọc AloBacsi trên các chương trình Giao lưu trực tuyến, số điện thoại của BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ cũng “search phát là ra”. Mặc dù thế, vị bác sĩ nhiệt tình, sẵn lòng lăn xả vì bệnh nhân ấy chẳng bao giờ “chịu” tư vấn qua điện thoại, facebook hay các phương tiện khác nếu không được trực tiếp nhìn thấy người bệnh.
“Không phải do tôi khó đâu!” – chuyên gia cười và khẳng định chắc nịch.
Với ông, bác sĩ phải gặp bệnh nhân mới biết được thể trạng và suy nghĩ của họ ra sao, từ đó đưa ra lời tư vấn phù hợp nhất.
Đồng thời, việc quan sát trực tiếp các kết quả xét nghiệm chuyên khoa cũng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác hơn so với việc chỉ dựa vào lời mô tả của người bệnh.
Sau buổi Giao lưu trực tuyến gần đây nhất cùng Kênh Truyền thông – Tư vấn sức khoẻ AloBacsi – “Ung thư vú: Có nên đặt cược gia tài và sự sống vào thuốc sinh học đắt tiền?”, điện thoại của ông tiếp tục reo chuông liên hồi. Vị bác sĩ tận tình giáp đáp từng thắc mắc cho đầu dây bên kia, khuyên người bệnh tìm đến bệnh viện để thăm khám.
Bài và thiết kế: Anh Thi – Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Bạn có thể khám với BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Thành phố Thủ Đức
Địa chỉ: Số 29, Đường Phú Châu, Khu Phố 5, Phường Tam Phú, Quận Thủ Đức, TPHCM
SĐT đăng ký khám: 1900 7292
SĐT Văn phòng khoa: 028 66546146
SĐT Phòng Ung bướu của khoa: 0908341906 (giờ hành chính)
Thời gian làm việc:
– Giờ hành chính:
+ Sáng: 7g30 – 11g30
+ Chiều: 13g30 – 16g30
– Bệnh viện có khám ngoài giờ hành chính đến 21g
– Phòng khám chuyên gia: từ 7g30 – 16g30 các ngày trong tuần (trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, Tết)