Bị thuỷ đậu kiêng làm gì | BvNTP
Nội Dung Chính
1. Những kiêng kỵ khi mắc thủy đậu
Trong quá trình điều trị bệnh thuỷ đậu, chế độ ăn uống cũng như lối sống sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có nhiều trường hợp mắc thuỷ đậu do không điều trị đúng cách và tin vào các mẹo chữa theo kinh nghiệm dân gian đã khiến cho bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn.
Đặc biệt, việc điều trị thuỷ đậu sai cách hay kiêng khem không cẩn thận cũng khiến bệnh nhân dễ gặp phải tình trạng sẹo lồi hoặc sẹo lõm ở khắp nơi trên cơ thể, nhất là vùng da mặt, gây ra nhiều sự tự ti và mặc cảm cho cuộc sống sau này. Dưới đây là lời giải đáp cho thắc mắc thuỷ đậu kiêng gì để tránh bị sẹo và giúp bệnh mau khỏi.
*Kiêng đến những nơi đông người: Do thuỷ đậu có nguy cơ lây truyền cao, vì vậy người bệnh nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh tiếp xúc nơi công cộng nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus. Đây cũng được xem là biện pháp bảo vệ bản thân hiệu quả nhất, đồng thời giúp làm giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh, từ đó tránh thuỷ đậu bùng phát mạnh thành dịch bệnh.
*Kiêng chạm và gãi vào nốt thuỷ đậu: Ngứa ngáy, khó chịu là các tình trạng thường gặp do thuỷ đậu gây ra. Điều này là do các nốt thuỷ đậu thường xuất hiện ở dạng mụn nước lớn, chứa dịch bên trong và khiến người bệnh cảm thấy vô cùng ngứa ngáy. Nếu các nốt mụn nước này bị vỡ ra và không có biện pháp xử lý kịp thời thì có thể lây lan sang các vùng da khỏe mạnh khác, hoặc gây nhiễm trùng và để lại sẹo. Vì vậy, bệnh nhân nên kiêng gãi, chạm, chà xát và nặn các nốt thuỷ đậu này. Ngoài ra, người bệnh cũng nên mặc các loại quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi và thoáng khí nhằm giúp làm giảm ma sát trên da.
*Kiêng sử dụng chung các vật dụng cá nhân: Những đồ dùng cá nhân, khăn mặt và quần áo của người bệnh cũng cần được giặt riêng và kỹ lưỡng. Đồ sau khi giặt cần được phơi nắng hoặc ủi kỹ trước khi dùng hay để chung với đồ của các thành viên khác trong gia đình nhằm tránh lây nhiễm bệnh.
*Kiêng tắm lá: Bạn không nên cho người bệnh (nhất là trẻ nhỏ) tắm nước lá khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Làn da của trẻ nhỏ thường mỏng manh và chưa ổn định nên rất dễ bị dị ứng, tổn thương hoặc nhiễm trùng. Cha mẹ không nên cho trẻ bị thuỷ đậu tắm các loại lá như lá chè xanh hoặc lá bàng vì chúng có chứa chất tanin, dễ gây tổn thương làn da và khiến cho bệnh nặng hơn.
2. Những thực phẩm nên tránh khi bị thủy đậu
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, người mắc bệnh thuỷ đậu cần kiêng ăn những loại thực phẩm gây tăng kích ứng cơ thể, cản trở quá trình phục hồi da, kéo dài thời gian lành bệnh và khó điều trị sẹo về sau, bao gồm:
-
Đồ tanh: Khi bị thuỷ đậu, tốt nhất bạn nên kiêng ăn cua, tôm, hải sản, cá, thịt bò hoặc thịt gà. Đây đều là những thực phẩm có khả năng cao kích thích các phản ứng trên da, làm cho quá trình phục hồi của da trở nên lâu hơn, thậm chí gây sẹo khó chữa.
-
Đồ ăn và gia vị cay nóng: Người bị thuỷ đậu cần kiêng ăn các gia vị cay nóng như tỏi tây, hành, gừng, ớt, cà ri, thì là, mù tạt và một số đồ ăn chứa nhiều chất béo hoặc đã qua chiên rán như hạt dẻ, đậu chiên hay đậu phộng rang. Những loại thực phẩm này đều rất dễ gây ra tình trạng nóng người, tăng tiết mồ hôi trên da, từ đó khiến cho sự viêm nhiễm của cơ thể thêm trầm trọng hơn, kéo theo các cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu cho người bệnh.
-
Thức ăn mặn: Việc tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều muối có thể khiến bệnh nhân thuỷ đậu gặp phải tình trạng mất nước và gia tăng sự ngứa ngáy.
-
Sữa và các chế phẩm làm từ sữa: Nhóm thực phẩm này cũng thuộc danh sách các món cần kiêng ăn của người bị thuỷ đậu. Sữa và các sản phẩm từ sữa có khả năng kích thích quá trình sản xuất dịch nhờn trên da, làm cho tình trạng viêm nhiễm của các nốt thuỷ đậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Một trong những điểm gây mất thẩm mỹ nhất của thủy đậu là để lại sẹo, nhất là các mụn nước lại mọc nhiều ở vùng mặt, chân tay. Để tránh tình trạng này, bác sĩ thường chỉ định bôi thuốc Acyclovir để đặc trị nhiễm trùng do virus. Thuốc sẽ ức chế sự phát triển và lan rộng của virus, giúp vết thương mau lành và chống bội nhiễm trên da.
Ngoài ra, xanh Methylen cũng là loại thuốc quen thuộc, dùng để bôi lên các mụn phỏng, có tính sát khuẩn nhẹ, tránh sự lây lan của virus, giúp các vết thương mau đóng vảy và khô nhanh.
Bệnh nhân chú ý không được bôi thuốc đỏ hay penicillin.
Khi các nốt phỏng đã lên da non màu hồng nhạt, bệnh nhân có thể bôi kem nghệ trong 3 – 4 ngày đầu để trị sẹo, tránh để lại vết thâm. Sau đó, có thể dùng nghệ tươi thay cho kem nghệ.
3. Bị thủy đậu có kiêng gió, kiêng quạt, kiêng nước không?
Nhiều người thắc mắc rằng, bị thuỷ đậu có được tắm gội hoặc ngồi quạt hay không?. Thực tế, việc kiêng nước, kiêng quạt khi mắc bệnh thuỷ đậu là một quan điểm sai lầm, lạc hậu và cổ hủ. Khi kiêng bệnh theo những cách này còn khiến cho tình trạng viêm nhiễm của các nốt thuỷ đậu trở nên trầm trọng hơn.
Mặt khác, bệnh thuỷ đậu có xu hướng xuất hiện chủ yếu vào mùa nắng nóng, khi cơ thể bạn đổ nhiều mồ hôi sẽ làm cho lỗ chân lông trên da ứ đọng một lượng lớn bã nhờn, từ đó gây cảm giác bết dính trên da vô cùng khó chịu. Nếu không tắm gội sạch sẽ, các nốt mụn nước rất dễ bị nhiễm trùng và khiến bệnh càng khó chữa khỏi.
Trong khoảng thời gian bị thuỷ đậu, người bệnh nên điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kết hợp với việc giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Bạn vẫn có thể sinh hoạt như bình thường, chỉ nên hạn chế tắm gội quá lâu để tránh bị cảm lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tắm bằng nước ấm để không gây tổn thương cho vùng da bị thuỷ đậu.
Tuy nhiên, người mắc thuỷ đậu cần tránh tiếp xúc với gió trời cho tới khi bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Đối với gió quạt thì không nhất thiết phải kiêng kỵ. Bạn vẫn có thể bật quạt trong thời tiết nắng nóng để tạo không khí dễ chịu, thoáng mát trong phòng.
4. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu
Nhiều người cho rằng, thuỷ đậu chỉ là bệnh ngoài da không đáng lo ngại, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, thuỷ đậu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh, bao gồm:
-
Nhiễm trùng da:
Đây là một biến chứng tương đối nhẹ và không nguy hiểm do bệnh thuỷ đậu gây ra. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn bị nhiễm trùng, các nốt mụn nước sẽ chứa mủ và to hơn, rất dễ để lại sẹo xấu.
-
Viêm não, viêm phổi, viêm tiểu não…:
Đây đều là các biến chứng rất nguy hiểm của thuỷ đậu và dễ để lại di chứng lâu dài.
-
Nhiễm khuẩn huyết:
Vi khuẩn có thể xâm nhập thông qua các nốt mụn nước vào trong máu và gây nhiễm trùng máu.
-
Bệnh zona:
Ngay cả khi thuỷ đậu đã được chữa khỏi, virusthuỷ đậu vẫn có thể tồn tại dưới dạng bất hoạt ở các hạch thần kinh. Thậm chí nhiều năm sau đó, khi gặp được các yếu tố kích hoạt bệnh thuận lợi như hệ miễn dịch yếu hoặc mắc một số bệnh lý nhất định, loại virus này có thể tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh giời leo (hay còn gọi là zona).
Bệnh thuỷ đậu cũng hết sức nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, có thể gây sảy thai hoặc sinh ra trẻ bị các dạng dị tật, chẳng hạn như sẹo bẩm sinh, đầu nhỏ, bại não hoặc co gồng chân tay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp