Bị sốt 38 độ C có phải là sốt không và cần phải làm gì?

Sốt 38 độ có phải là sốt không là vấn đề khá nhiều người nhầm lẫn. Xác định đúng nhiệt độ cơ thể như thế nào được gọi là sốt sẽ giúp bạn tìm cách xử trí đúng để ngăn chặn những biến chứng không đáng có do sốt gây ra.

29/07/2020 | Cha mẹ nên biết: trẻ bị sốt phát ban kiêng gì?
13/07/2020 | Vì sao bé sốt cao và bố mẹ nên chăm sóc như thế nào cho đúng?

1. Sốt 38 độ liệu có phải là sốt?

Sốt là triệu chứng lâm sàng xuất hiện khi nhiệt độ cơ thể trên 37.5 độ C khi cặp nhiệt độ ở miệng hoặc trên 38 độ C nếu đo nhiệt độ ở hậu môn. Nhiệt độ cơ thể cũng thường thay đổi khi vận động nhiều. Sốt là biểu hiện của nhiều lý do: virus, nhiễm khuẩn, dị ứng thuốc, chích ngừa,… Không phải mọi trường hợp sốt đều nguy hiểm. Người bị sốt thường có các biểu hiện: người gai rét, khát nước, da nóng, đỏ hoặc ẩm, rối loạn ý thức, co giật,…

1.1. Sốt ở người lớn

Nhiệt độ bình thường của người lớn thường dao động trong khoảng 36.1 độ C – 37.5 độ C. Vì thế nếu nhiệt độ thấp hoặc cao hơn 37 độ C một chút thì vẫn bình thường. Khi nhiệt độ lên trên 37.8 độ C thì có thể xem là bất thường. Cụ thể, đo nhiệt độ trong miệng trên 37 độ C, trong tai trên 38.1 độ C và trong hậu môn trên 37.6 độ C. Như vậy Sốt 38 độ C có thể xem là sốt nhưng nó không phải là mức nhiệt độ gây nguy hiểm.

sốt 38 độ

Nếu đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không có dấu hiệu hạ thân nhiệt cần đến gặp bác sĩ ngay

Người lớn cần đi sốt khi: 

– Sốt trên 40 độ C và đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không hạ.

– Cơn sốt kéo dài trên 48 hoặc 72 giờ.

– Đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng như: xơ nang, tiểu đường, tim,…

– Ho, đau đầu, đau họng kéo dài.

– Có vết bầm tím hoặc phát ban trên da.

1.2. Sốt ở trẻ em

Trẻ được xem là bình thường khi nhiệt độ đo hậu môn trong khoảng 36.5 – 37.5 độ C và được xem là sốt khi trên 38 độ C. Sự chênh lệch giữa nhiệt độ hậu môn và nhiệt độ nách thường trong khoảng + 0.5 độ C.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi:

– Sốt trên 40 độ C.

– Co giật.

– Có biểu hiện mất nước: khóc không ra nước mắt, mắt trũng, da khô.

– Đầu đau, cổ cứng, nôn nhiều.

– Phát ban.

– Đã dùng thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ không hạ.

– Bất thường về tri giác: li bì, bứt rứt, quấy khóc nhiều, khó đánh thức,…

– Đã làm sạch mũi nhưng không cải thiện tình trạng khó thở.

– Bỏ bú, không thể nuốt thức ăn, không thể uống nước.

2. Dấu hiệu cảnh báo cơn sốt nguy hiểm

Có những trường hợp sốt trên 38.5 độ C có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt thông thường. Tuy nhiên, trong những trường hợp có dấu hiệu sau đâu thì được xem là nguy hiểm, cần đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm hướng xử trí ngay để tránh biến chứng:

– Da xuất hiện vết bầm tím hoặc đốm màu đỏ.

– Có hiện tượng rối loạn chức năng tâm thần như: mê sảng, hôn mê, nhầm lẫn,…

– Cứng cổ, đau đầu dữ dội, cứng hàm.

– Đổ mồ hôi liên tục.

– Cơ bị co thắt.

– Đau bụng nhiều.

– Co giật.

– Thở gấp, thở khó, tim đập nhanh, huyết áp tụt.

– Nhiệt độ dưới 35 độ C hoặc trên 40 độ.

– Có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước khi sốt.

3. Phương hướng xử trí khi bị sốt

3.1. Tìm căn nguyên gây sốt

sốt 38 độ

Xét nghiệm máu giúp tìm ra nguyên nhân gây sốt ở người bệnh

Muốn chấm dứt cơn sốt một cách hiệu quả thì việc đầu tiên cần làm đó là phải tìm ra căn nguyên gây sốt. Việc này chỉ có thể được tiến hành tại cơ sở y tế bằng cách thực hiện kiểm tra do bác sĩ chỉ định. Dựa trên các triệu chứng được người bệnh miêu tả, bác sĩ sẽ tiến hành những kiểm tra cần thiết để tìm kiếm nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Các kiểm tra có thể được thực hiện là: xét nghiệm máu, X-quang,…

3.2. Cách xử trí đối với bệnh nhân bị sốt

Với những bệnh nhân đã có hiện tượng sốt 38 độ trở lên cần:

– Nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng mát, tránh gió lùa, tránh môi trường đông người.

– Cặp nhiệt độ theo dõi thân nhiệt thường xuyên. Có thể đặt nhiệt kế ở hậu môn hoặc dưới nách người bệnh trong vòng ít nhất 3 phút.

– Khi thân nhiệt chưa vượt trên 38.5 độ C hãy:

+ Không đắp chăn; mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, khả năng hút mồ hôi tốt.

+ Thường xuyên theo dõi thân nhiệt bằng cách đo nhiệt kế 1 – 2 giờ/lần.

+ Chườm ấm cho cơ thể bằng cách thấm khăn vào nước ấm, vắt ráo rồi lau ở bẹn, nách, trán. Chờ đến khi nhiệt bốc hơi lại lau tiếp, cứ thế cho đến lúc thân nhiệt xuống dưới 38 độ C, nếu thấy thân nhiệt tăng thì tiếp tục chườm ấm.

sốt 38 độ

Khi bị sốt 38 độ thì chườm ấm đúng cách là phương pháp hạ sốt khá tốt

– Khi thân nhiệt trên 38.5 độ C hãy: uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng, tuân thủ khoảng cách 4 – 6 giờ/lần uống. 

– Bù nước bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước hoa quả, dung dịch điện giải theo đúng liều lượng quy định, nếu là trẻ nhỏ hãy cố gắng cho trẻ bú càng nhiều càng tốt.

– Ăn các loại thức ăn lỏng dễ tiêu như: súp, cháo,… bổ sung các loại trái cây nhiều vitamin C,…

3.3. Phương hướng điều trị

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra sốt mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Ví dụ như: sốt do vi khuẩn trong trường hợp viêm họng, viêm phổi sẽ dùng thuốc kháng sinh để chữa trị. Tuy nhiên, trường hợp sốt do virus thì kháng sinh không có tác dụng nên sẽ không kê thuốc kháng sinh cho người bệnh, việc trị bệnh chỉ nhằm làm thuyên giảm dần dần các triệu chứng mà thôi.

Cũng có trường hợp được dùng một số loại thuốc không kê đơn như ibuprofen  hay acetaminophen do bác sĩ đề nghị. Riêng đối với trẻ em, việc dùng aspirin là không nên bởi nó có thể gây ra rối loạn, hoặc hội chứng Reye dẫn tới tử vong.

Cần lưu ý rằng, dù sốt ở trẻ nhỏ hay người lớn thì những cơn co giật thường vô cùng nguy hiểm. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh cần được nằm úp sao cho theo dõi được nhịp thở hoặc nằm nghiêng trên mặt sàn, nới lỏng quần áo, không đưa bất kỳ thứ gì vào miệng để cố ngăn cơn co. Nếu cơ co giật kéo dài trên 10 phút, hãy lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế uy tín để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời.

Hầu hết các cơn sốt 38 độ C đều không nguy hiểm nhưng khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng này thì hãy theo dõi, nếu có những biểu hiện như đã nói đến trên đây, đừng chần chừ phương án tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu cần được tư vấn hay hỗ trợ y tế, chỉ cần nhấc máy gọi tới tổng đài 1900 56 56 56, bất kỳ lúc nào chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cũng sẵn lòng có mặt để hỗ trợ bạn kịp thời.