Mẹ bầu rò rỉ nước ối phải làm sao?

Ối là môi trường nước bao bọc và bảo vệ thai nhi tránh khỏi những tác động bên ngoài. Gần đến ngày sinh, mẹ sẽ có hiện tượng rỉ, vỡ ối. Tuy nhiên, ở một số mẹ bầu, hiện tượng rò rỉ nước ối lại đến trước ngày dự sinh khoảng 1 – 2 tháng.
Rò rỉ nước ối được biểu hiện ở việc nước ối xuất ra cửa mình với số lượng ít, dễ khiến mẹ nhầm lẫn với chứng són tiểu.
Làm sao để nhận biết mẹ bị rỉ ối?
– Chất lỏng ra chậm: Nhiều thai phụ không phân biệt được nước ối hay là nước tiểu bởi tử cung nằm ngay trên bàng quang. Nếu để ý kỹ có thể thấy rò rỉ nước ối, chất lỏng vùng kín sẽ chảy ra chậm hơn so với nước tiểu.
– Kiểm tra bằng trực quan: Cách dễ dàng để phân biệt nước ối và nước tiểu là quan sát vùng ẩm ướt trên đồ lót. Nước ối có đặc điểm là không màu, không mùi. Còn nước tiểu có màu vàng hơn nước ối, có mùi nặng hơn và hơi khai.
– Kiểm tra nồng độ pH và Nitrazine: Có thể kiểm tra xem có phải mẹ bầu bị rò rỉ ối hay không bằng cách sử dụng giấy quỳ. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu xanh đen chứng tỏ màng ối đang bị rỉ.
Rò rỉ nước ối có nguy hiểm không?
Rò rỉ nước ối thường xuất hiện ở những phụ nữ có ngôi thai cao, khung xương chậu hẹp, đa thai, đa ối, viêm màng ối, hở eo tử cung.
Rò rỉ nước ối trong thai kỳ là hiện tượng xấu, ảnh hưởng không tốt đến mẹ và thai nhi. Khi rỉ ối xuất hiện, cùng với sự co bóp của tử cung sẽ khiến túi ối bị cạn. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thai nhi, có thể gây ra suy thai hoặc các khiếm khuyết bẩm sinh. Nghiêm trọng hơn, rò rỉ nước ối có thể gây ra thai chết lưu, sảy thai, sinh non.

Rò rỉ nước ối có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và thai nhi

Rò rỉ nước ối còn khiến vùng kín luôn ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm niêm mạc tử cung, nhiễm khuẩn huyết…
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ gấp nếu chất lỏng có màu xanh lục hoặc vàng nâu, có thể đó là dấu hiệu cho thấy em bé đã đi đại tiện trong dạ con. Bé có thể gặp biến chứng về hô hấp khi chào đời.
Nếu thai phụ bị rò nước ối khi chưa đủ 37 tuần thai, bác sĩ có thể can thiệp để giữ lại thai nhi.
Nếu thai đã được 37 tuần trở lên, hãy chuẩn bị cho việc lâm bồn bởi có thể những cơn chuyển dạ sẽ sớm xuất hiện.
Cách phòng tránh rò rỉ nước ối
– Thường xuyên theo dõi những thay đổi của cơ thể để phát hiện và xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
– Nên siêu âm, khám thai định kỳ.
– Nếu bị rò rỉ nước ối, mẹ bầu cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không nên quan hệ tình dục, ngâm mình trong bồn tắm, thụt rửa âm đạo hay kiểm tra vùng kín bằng tay.
– Không nên dùng băng vệ sinh để tránh gây viêm nhiễm.
– Sử dụng giấy chuyên dụng khi đi vệ sinh và lau từ trước ra sau.