Bí quyết đạt điểm tuyệt đối môn Hóa học trong 3 tháng cuối

Nếu như môn Vật lý hầu như 90% đều thi trong chương trình lớp 12 thì môn Hoá học lại khiến nhiều học sinh cảm thấy ” sợ hãi” vì kiến thức trải đều cả 3 lớp 10,11,12 với rất nhiều lý thuyết.

Vậy phương pháp học tập nào là phù hợp để đạt 10 điểm môn hoá khi chỉ còn 3 tháng cuối? Sau đây là chia sẻ của Hoàng Đình Quang- Á khoa đại học Ngoại thương Hà Nội, 

Đầu tiên, trong đề thi THPT Quốc gia thì có tới 50% là lý thuyết. Trong đó lý thuyết trải đều cả 3 lớp 10,11,12 nhưng tập trung vào lớp 12. Bởi vậy, các em cần phải học thật kỹ lý thuyết để khi đi thi có thể làm đúng 100% số câu lý thuyết.

Cách học lý thuyết tốt nhất là đọc thật kỹ sách giáo khoa lớp 10,11,12; sau đó luyện nhiều đề, tốt nhất là nên làm lại đề thi Đại học các năm trước vì các câu lý thuyết trong đó rất đa dạng và chính xác.

Khi làm đề, những câu nào lý thuyết chưa rõ hoặc bị sai, các em hãy đánh dấu lại, sau đó giở sách giáo khoa ra đọc lại phần lý thuyết mình chưa rõ, đó chính là cách học lý thuyết tốt nhất. Đừng chỉ quan tâm đến các đáp án A, B, C, D mà bạn cần phải hiểu rõ tại sao ý này lại đúng, ý kia lại sai.

Hãy nhớ rằng, khi đi thi Hoá, lý thuyết phải đúng hết, nếu không đúng hết thì đừng mong có điểm thi cao. Nếu các em mong muốn được 6,7 điểm thi thì chỉ cần học tốt lý thuyết và biết vận dụng những phương pháp cơ bản như Số đếm, Trung bình, Bảo toàn e và Bảo toàn khối lượng là đủ.

Thứ hai, học sinh phải nắm vững các phương pháp cơ bản như Số đếm, Trung bình, Bảo toàn e và Bảo toàn khối lượng. Chỉ cần sử dụng linh hoạt 4 phương pháp này, các em có thể đạt 10 điểm mọi đề thi Đại học từ năm 2007 đến 2013, có thể đạt 9 điểm trong đề Đại học từ 2014 đến 2016 (trong đề thi 2014, 2015 có khoảng 5 câu phải phối hợp 4 phương pháp ở mức độ cao).

Có thể có hàng chục phương pháp giải hoá nhưng 4 phương pháp trên là trọng tâm và chỉ cần học 4 phương pháp đó là đủ. Các em chỉ mất tầm 1 tuần là có thể nắm vững 4 phương pháp đó và sau đó các em có thể vận dụng vào việc làm đề thi.

Khi làm đề thi, các em phải biết cách định hướng cách làm, đừng học thuộc đáp án. Các em phải biết khi đề bài cho như vậy thì phải bắt đầu từ đâu để giải và đâu là mấu chốt của bài toán đó. Có một tư duy rất quan trọng đó chính là “Đếm xem có bao nhiêu ẩn số, nếu có n ẩn số thì ta sẽ đi tìm n phương trình để giải” (tư duy Số đếm).

Ví dụ đề bài cho 1 hỗn hợp có 3 chất thì số mol 3 chất đó là 3 ẩn số a, b, c. Như vậy chúng ta sẽ đọc kỹ đề bài để xác định ra 3 phương trình toán học, đó có thể là một phương trình khối lượng, một phương trình số mol và một phương trình bảo toàn e chẳng hạn.

Nếu vận dụng tốt tư duy này thì 90% bài hoá sẽ được giải ” có định hướng” và khi đi thi, dù đề có thay đổi thế nào chúng ta vẫn có thể áp dụng tư duy này để giải. Như vậy chỉ cần có lý thuyết và 4 phương pháp cơ bản, chúng ta đã có thể đạt được 8 đến 8,5 điểm hoá cực kỳ dễ dàng.

Nếu muốn học nhanh chóng 4 phương pháp này, các em có thể vào trang web anhsanghocduong.com để tham khảo, chỉ cần 3 tiếng học 1 phương pháp là các em sẽ có thể vận dụng tốt vào làm bài tập.

Thứ ba, muốn đạt 10 điểm thì chúng ta cần phải giải quyết được 7-8 câu trắc nghiệm khó có trong đề thi. Chỉ có một cách đó chính là luyện nhiều đề thi thử của các trường chuyên trong cả nước, lọc ra những câu khó, chép vào một cuốn sổ để trước khi đi thi giở ra làm lại cho nhớ.

Lúc làm lại hãy cố gắng tìm ra mấu chốt và định hướng cách làm của bài toán, đừng học thuộc vì khi thi thật thường những câu hỏi đã được biến đổi rồi. Cách nhớ tốt nhất là đếm số ẩn và đi tìm số phương trình phù hợp(tư duy số đếm).

Lúc thi thật, hãy làm thật cẩn thận và chính xác các câu lý thuyết và các câu dễ và trung bình, vì muốn được 10 thì phải được 7,8 điểm trước đã.

Đừng lao đầu vào những câu khó mà quên đi những câu dễ vì câu dễ hay khó thì cũng đều có 0,2 điểm bằng nhau, trong khi những câu dễ chỉ cần cẩn thận làm vài chục giây là ra trong khi có những câu khó mất đến chục phút cũng chưa nghĩ ra.

Khi đi thi, điều tiếc nuối nhất là đã ” làm sai những câu dễ, những câu không đáng sai” chứ chẳng bao giờ ta buồn vì ” những câu khó mà ta không làm ra được”. 

Thứ tư, về kỹ năng làm trắc nghiệm. Khi làm đề thi, chúng ta cần phải gạch vào những chữ ” mẫu chốt” trong đề thi để làm chính xác và tránh làm nhầm.

Ví dụ như “đếm số đồng phân cấu tạo” hoàn toàn khác với “đếm số đồng phân nói chung”, “đếm tổng hệ số các chất tham gia phản ứng” hoàn toàn khác với “đếm tổng hệ số các chất có trong PTHH”, ” phản ứng hoàn toàn ” khác với ” cho phản ứng diễn ra trong một thời gian”,….

Nếu không học cách xác định ” từ mấu chốt” và gạch vào đề thi thì chúng ta sẽ rất dễ làm sai, làm nhầm trắc nghiệm. Khi đi thi, nhớ dành ra 4 phút cuối cùng để chuyển đáp án từ giấy nháp vào phiếu trắc nghiệm vì giám thị sẽ không quan tâm nếu ta không đủ thời gian để điền trắc nghiệm khi trống hết giờ đã vang. Khi đi thi thì tâm lý phải thật ổn định, hãy đến sớm và nói chuyện với các bạn khác trong phòng thi để xoá đi cảm giác lo sợ.

Đừng xem đáp án sau khi thi xong vì thường đáp án trên mạng sẽ sai 4,5 câu trắc nghiệm so với đáp án chuẩn của Bộ GD&ĐT và ngoài ra, khi đọ đáp án nếu không tốt sẽ ảnh hưởng tâm lý đến các môn thi còn lại.

(Hoàng Thanh Quang)