Bi kịch của những đại gia ‘hiếm muộn’

 – Một khi người vợ bị suy buồng trứng hoặc người chồng không có tinh trùng thì cả núi tiền cũng không giúp họ đạt được mong muốn có một đứa con được sinh ra từ chính trứng và tinh trùng của mình. Đây là một trong những bi kịch phổ biến của những cặp vợ chồng hiếm muộn …

 

Khu khám hiếm muộn ngay đầu sảnh bệnh viện Phụ sản Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người. Những lo âu mệt mỏi chen lẫn trong những băn khoăn hằn rõ trên từng gương mặt. Bước qua hành lang những phòng khám, phòng sinh lúc nào cũng đông đúc người ngồi, kẻ nằm.Đằng sau biển báo “Không phận sự miễn vào”, sau những cánh cửa im lìm là những câu chuyện đầy éo le, là tâm trạng giằng xé đau khổ của những cặp vợ chồng đang cố gắng để với tới hạnh phúc được trở thành những ông bố bà mẹ.

Khu khám hiếm muộn ngay đầu sảnh bệnh viện Phụ sản Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người. Những lo âu mệt mỏi chen lẫn trong những băn khoăn hằn rõ trên từng gương mặt. Bước qua hành lang những phòng khám, phòng sinh lúc nào cũng đông đúc người ngồi, kẻ nằm.Đằng sau biển báo “Không phận sự miễn vào”, sau những cánh cửa im lìm là những câu chuyện đầy éo le, là tâm trạng giằng xé đau khổ của những cặp vợ chồng đang cố gắng để với tới hạnh phúc được trở thành những ông bố bà mẹ.

 

 

Những cặp vợ chồng đến khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản – BV Phụ sản TW (Ảnh: C.Q)

Thoáng chút suy tư, trầm ngâm, bác sĩ Tăng Đức Cương (Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện) tâm sự: “Phải vượt qua rất nhiều những áp lực vợ chồng mới có thể đưa nhau đến đây nhận phác đồ điều trị. Nhưng trong quá trình tiến hành điều trị họ vẫn luôn bị đè nặng bởi áp lực tâm lý nhất định phải đậu, nhất định phải có. Đó cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng không tốt đến việc điều trị”.

Rồi anh kể câu chuyện của cặp vợ chồng đã ngoài 40 tuổi (Hà Tây cũ) đến xin được điều trị hiếm muộn. Kết quả xét nghiệm cho thấy chồng chị bị yếu tinh trùng, trong khi đó trứng của vợ cũng không còn tốt vì chị cũng khá lớn tuổi. Từ đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng anh chị nên đi xin trứng để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Nhưng khăng khăng muốn được thụ tinh bằng chính trứng và tinh trùng của cả hai vợ chồng, chị bảo: “Chúng tôi có thể chạy được tiền. Chỉ cần các bác sĩ làm cho đậu là được”.

Với trường hợp này, anh Cương cũng thành thật chia sẻ: “Nhiều khi vấn đề không phải là tiền hay kinh phí điều trị mà là mức độ thành công. Để có thể điều trị được hiếm muộn cho các cặp vợ chồng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhiều khi không phải cứ cố là được. Đối với cặp vợ chồng trên, sau lần điều trị đầu tiên không thành công, họ vẫn tiếp tục theo đuổi với mơ ước “phải có được đứa con trai của chính mình”.

Không phải lúc nào tiền cũng quan trọng nhất

Cũng có khi tập thể bác sĩ gặp phải những ca rất khó. Đã từng có vợ chồng bệnh nhân gần như tìm đến van xin các bác sĩ: “Gia đình chúng em đều nghèo khó nhưng lại bị hiếm muộn. Cả hai gia đình nội ngoại đã vay mượn, chắt bóp để chúng em có đủ tiền vào bệnh viện chữa trị. Nhưng tất cả chúng em cũng chỉ có bấy nhiêu. Chỉ một lần này thôi nếu không được thì chúng em cũng không biết phải làm thế nào”.

“Có bệnh thì vái tứ phương” vợ chồng chị H.T. (Hà Nam) đã cầu cạnh biết bao thầy cô “làm phép”, uống thuốc đông – bắc nhưng đều không có kết quả. Tìm đến bệnh viện với mong ước tột độ có được một mụn con nhưng đang ở giữa quá trình điều trị anh chồng lại đâm ra chán nản, rượu chè không còn muốn hợp tác khiến việc điều trị không thể thành công.

Chị T. chỉ biết thở dài: “Có lần thấy chồng khóc rồi hỏi tôi: “Làm bao nhiêu? Tiền bao nhiêu để làm gì khi không có được đứa con?”

 

Trong chữa trị vô sinh, hiếm muộn, không phải cứ có nhiều tiền là sẽ sinh được con từ trứng của vợ và tinh trùng của chồng (Ảnh chụp tại BV Phụ sản HN. Ảnh: C.Q)

Nhưng cũng theo bác sĩ Cương, có những cặp vợ chồng đã rất kiên trì. Họ không phải chỉ thực hiện đến lần thứ 3 thứ 4 mà đến lần thứ 9. Đôi khi tiền không phải là tất cả. Đặc biệt trong quá trình điều trị hiếm muộn vấn đề tâm lý là một điều cực kỳ quan trọng.

Bác sỹ, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết tâm lý lạc quan, hi vọng hay bi quan, tuyệt vọng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng điều trị. Bởi việc stress nhiều gây co thắt tử cung, không thuận lợi cho việc thụ thai của sản phụ.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, bác sỹ Hợi cho rằng điều trị vô sinh tất nhiên tốn kém và có nhiều gia đình đã lấy hết tài sản, thậm chí vay mượn nhiều nơi để đi khám. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền cũng giải quyết được vấn đề này. Bởi một khi người phụ nữ đã bị suy buồng trứng hoặc người đàn ông không có tinh trùng thì họ hết cơ hội sinh con từ trứng và tinh trùng của minh.

“Lúc đó chỉ còn cách xin trứng hoặc xin tinh trùng của người khác mà thôi”, bác sỹ Hợi nói. Nhưng bi kịch nằm ở chỗ có nhiều người không chấp nhận sự thật, nhất định không xin tinh trùng và trứng của người khác mà tiếp tục tìm những cách điều trị khác. Điều đó đẩy họ lún sâu thêm vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng.

Đậu rồi vẫn lo

Hơn 5 năm công tác tại khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện, bác sĩ Cương đã cùng bao cặp vợ chồng đón nhận nỗi đau của thất bại và vỡ òa với niềm hạnh phúc của thành công. Nhưng có những thành công vui đấy mà vẫn để lại những dư âm, những suy nghĩ về sau đối với anh.

Anh chia sẻ: “Cô vợ còn rất trẻ sinh năm 1990, còn anh chồng sinh năm 1982. Họ kết hôn được hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có con. Đến khi vào đây điều trị thì nguyên nhân là do tinh trùng yếu cần phải thực hiện bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Sau những tư vấn của bác sĩ họ lại quyết định sẽ xin tinh trùng của người em trai. Đây thực sự là một vấn đề rất nhạy cảm trong khi đó cậu em trai vẫn chưa có vợ. Cân nhắc cuối cùng họ vẫn quyết định theo kiểu “lọt sàng xuống nia”. Đến nay người vợ đã mang thai được hơn 5 tháng. Và thực sự chúng tôi cũng thấy lo sau này họ sẽ đối diện với nhau như thế nào? Tất cả dường như chưa thể hình dung hết được những phức tạp trong mối quan hệ ấy”.

Có cô con gái đã lên 8 tuổi mà vợ chồng chị H.M. vẫn chưa có được niềm vui thứ 2 nên anh chị cũng cố gắng có thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Nhưng kết quả xét nghiệm ban đầu lại khiến chị giật mình: Chồng chị bị vô sinh bẩm sinh.

Chị đã khóc lóc, cầu xin các bác sĩ rất nhiều để mong có thể giấu chồng kết quả. Nói về những trường hợp này anh Cường chia sẻ: “Dẫu biết sẽ rất khó khăn cho cả người chồng và cả mái ấm của chính họ, nhưng đó cũng là nguyên tắc. Kết quả phải được thông báo cho cả hai”.

Và bên trong những cảnh đời hiếm muộn ấy còn có bao giọt nước mắt mặn đắng của những người phụ nữ không có được tình mẫu tử. Những giọt nước mắt đầy ám ảnh như với Nguyễn Thị Lệ. Tội lỗi đấy mà cũng đầy nhức nhối…

Những con số đáng chú ý về điều trị hiếm muộn, vô sinh:

Năm 2010 tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Trung ương có gần 2.000 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiến hành 25-30 ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), khoảng 20 ca thụ tinh ống nghiệm.

Chỉ tính riêng chuyện khám hiếm muộn thì mỗi ngày cũng có tới vài trăm cặp vợ chồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Tỷ lệ vô sinh của nước ta lên tới 8% dân số, trong đó, nguyên nhân do nam giới chiếm 25-40%, phụ nữ 40-55%, còn lại tại cả hai vợ chồng và không rõ nguyên nhân.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh có xu hướng ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng các chất kích thích, kết hôn quá muộn.

Hiện nay, Việt Nam hầu như đã áp dụng được hết các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị hiếm muộn và vô sinh trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công mới chỉ đạt 30-35%.

 

Hồng Khanh – Cẩm Quyên