Benzene thầm lặng gây ung thư
Benzene được xếp vào danh mục chất gây ung thư, có thể tiếp xúc qua đường hô hấp, đường miệng và da, dẫn đến ung thư máu và các loại ung thư khác.
Mới đây, tập đoàn Unilever chủ động thu hồi một số sản phẩm dầu gội khô dạng xịt sản xuất trước tháng 10/2021 bán tại Mỹ và Canada vì nghi chứa benzene.
Trả lời VnExpress, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết benzene là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi ngọt và rất dễ cháy. Đây là hóa chất phổ biến, có trong cao su, nhựa đường, sơn và trong nhiều nguyên liệu tổng hợp. Benzene được dùng để chế tạo thuốc nổ, hóa chất nhiếp ảnh, thuốc nhuộm, keo dán, sơn, chất tẩy rửa, thuốc và hóa chất diệt côn trùng. Trong dầu gội, benzene đóng vai trò là chất dung môi để dầu sủi bọt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, benzene thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghiệp như nilon và nhựa; thải vào không khí thông qua khói thuốc lá và khí đốt than, dầu, xăng.
Tuy nhiên, benzene được xếp vào danh mục chất gây ung thư ở người. Người dùng có thể tiếp xúc với chất này qua đường hô hấp, đường miệng và qua da, dẫn đến ung thư bạch cầu, ung thư máu, tủy xương và một số dạng rối loạn máu có thể đe dọa tính mạng. Benzene cũng có thể gây hại cho cơ quan sinh sản của phụ nữ.
Benzene có trong các vật dụng như keo dán, sơn, các vật bằng cao su, nhựa, plastic… Ảnh: Rubicon
Bộ Y tế khuyến cáo khi hít phải hàm lượng benzene trên 65 mg/l, nạn nhân chết sau vài phút. Với liều thấp hơn, hàm lượng khoảng 20-30 mg/l, nạn nhân có thể bị kích thích thần kinh, trụy tim, hôn mê. Hàm lượng benzene trên l0 mg/l gây nhiễm độc bán cấp, sau vài giờ nạn nhân cảm thấy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, nôn.
Theo ông Thịnh, người làm những ngành nghề phải tiếp xúc với benzene như khai thác, chế biến dầu mỏ… nguy cơ nhiễm cấp tính cao gồm kích ứng da, mắt và đường hô hấp, triệu chứng là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, thậm chí tử vong. Diễn biến thay đổi theo nồng độ benzene trong môi trường lao động và thời gian tiếp xúc. Bệnh có thể khởi phát ngay hoặc sau nhiều năm.
“Nhiễm độc benzene rất khó điều trị và thường để lại hậu quả nặng nề không hồi phục. Vì vậy, công tác dự phòng phải đặt lên hàng đầu”, ông Thịnh nói. Các nhà máy sử dụng benzene làm nguyên liệu cần có hệ thống thông gió hoạt động tốt. Công nhân tiếp xúc với benzene phải có quần áo bảo vệ thích hợp, đeo mặt nạ khi làm việc. Không ăn uống, hút thuốc trong giờ làm.
Trường hợp tiếp xúc qua da như dùng dầu gội, người bệnh có nguy cơ bị ngộ độc trường diễn, tức là ngấm độc từ từ. Do đó, khi chọn sản phẩm chăm sóc cơ thể, nên ưu tiên loại có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Minh An