Bệnh viện YHCT tỉnh: Nghiên cứu ứng dụng của cây Sói rừng hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư – Báo Cao Bằng điện tử

Cây Sói rừng, còn có tên Sói láng, hay Sói nhẵn. Tên khoa học là Sarcandra glabra. Theo Đông y, cây Sói rừng có vị đắng cay, tính hơi ấm, có độc. Có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, giải độc.

 

 Cây Sói rừng ra hoa.

Trong dân gian, người ta lấy rễ cây Sói rừng ngâm rượu, chữa đau tức ngực. Lá tươi giã đắp chữa rắn cắn, hoặc ngâm rượu xoa bóp chữa phong thấp, đau nhức xương, vết thương, mụn nhọt. Theo các nghiên cứu gần đây thì các sesquiterpen trong cây có tác dụng bảo vệ gan. Cũng theo tài liệu, ở Trung Quốc, cây Sói rừng được dùng chữa ung thư tuỵ, dạ dày, gan, trực tràng, cuống họng, viêm não B, viêm ruột thừa cấp tính, lỵ trực khuẩn, nhọt, chấn thương, gẫy xương, thấp khớp, đau lưng.

Từ những công dụng hữu ích của cây, Bệnh viện Y học Cổ truyền Cao Bằng đã triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng cây Sói rừng (sarcandra Glabra) ở Cao Bằng để hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư”.

Đề tài triển khai từ tháng 1/2010, gồm các nội dung: Phân tích xác định thành phần hóa học, thử hoạt tính sinh học invitro của cây Sói rừng; Nghiên cứu quy trình bào chế, dạng bào chế; Nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của dạng thuốc bán thành phẩm và tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư trên động vật thực nghiệm; Sản xuất thử 10.000 viên nang và thử tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư trên người bệnh tình nguyện. Số lượng 60 bệnh nhân x 2 nhóm bệnh.

Đến nay, đề tài đã xác định thành phần hóa học, thử hoạt tính sinh học invitro của cây Sói rừng; Nghiên cứu thành phần các nhóm chất Alcaloid, Glycozid, Flavonoid, Acid amin, acid béo, các nguyên tố vi lượng; Nghiên cứu các hoạt tính kháng các vi sinh vật kiểm định in vitro, các hoạt tính kháng tế bào ung thư người in vitro, hoạt tính kháng các gốc tự do (angti oxidan); Nghiên cứu quy trình bào chế, dạng bào chế thành phẩm từ cây Sói rừng; Nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán trường diễn của cốm khô Sói rừng trên chuột nhắt trắng; Nghiên cứu ảnh hưởng bán trường diễn của cốm khô Sói rừng trên các chức năng sống và các chỉ số huyết học đối với thỏ thí nghiệm; Nghiên cứu ảnh hưởng bán trường diễn của cốm khô Sói rừng trên các chức năng gan thận đối với thỏ trong lô thí nghiệm.

Hiện nay, đơn vị nghiên cứu đề tài đang tiến hành thử nghiệm tiếp trên động vật gây ung thư thực nghiệm.