Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: Chẩn đoán sai hại bệnh nhân!

Thuốc vô… co giật, hôn mê?

Bệnh nhân Huỳnh Thị Ng. (SN 1945, ngụ tại TPHCM) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (số 60A, Phan Xích Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TPHCM) khám trong tình trạng tỉnh táo, đi lại, ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc theo toa kê thì dẫn đến tình trạng mờ mắt, co giật, loạn thần khiến người thân bệnh nhân rất bức xúc, lo lắng về trình độ, chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ tại bệnh viện này.

Trong đơn trình báo của chị Trần Thị Ái Lan (SN 1982, quận 11, TPHCM), ký ngày 3/10 gửi đến Báo KH&ĐS cho biết: “Mẹ tôi là bà Huỳnh Thị Ng. (SN 1945) – có tiền sử bị suy thận giai đoạn cuối. Trưa ngày 29/9 mẹ tôi đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đăng ký khám tổng quát do trước đó (3 ngày – PV) trong đờm có ít máu khi khạc ra.

Sau khi nhập viện, tại lầu 8 – khoa Tiêu hóa của bệnh viện thì chiều cùng ngày bác sĩ đề nghị chụp CT lồng ngực và sử dụng thuốc theo chẩn đoán của bác sĩ (thuốc uống và thuốc tiêm – PV) thì dẫn đến tình trạng mờ mắt, co giật nhẹ, loạn thần”.

“Tình trạng mờ mắt, co giật, loạn thần tăng nặng vào ngày tiếp theo (30/9). Đặc biệt, vào lúc 21 giờ cùng ngày khi mẹ tôi vừa được tiêm thuốc vào cơ thể thì khoảng 3-4 phút sau có biểu hiện khó chịu, không thể ngồi yên trên giường bệnh. Mẹ tôi cứ muốn đứng dậy khỏi giường bệnh thì bị ngã và rơi vào trạng thái hôn mê.

Đến sáng ngày 1/10, bác sĩ chuyển mẹ tôi đến phòng Hồi sức trung tâm trong tình trạng mê man, co giật mạnh liên tục, không nhận thức, sống thực vật và phải sử dụng ống ăn”, chị Ái Lan kể.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/bv-ho-c3-a0n-m-e1-bb-b9-405x228.png

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – nơi chị Ái Lan phản ánh.

Phải gửi 8 phiếu góp ý/than phiền

“Từ khám tổng quát, mẹ tôi nhập viện điều trị, viêm phổi, giãn phế quản. Sau khi được chỉ định dùng thuốc theo toa kê của bác sĩ bệnh viện thì dẫn đến loạn thần. Không những vậy, bác sĩ chẩn đoán hôm trước thì độc tố trong máu quá cao, hôm sau lại là viêm não, viêm màng não đến nhiễm trùng máu.

Vậy những ngày tới bác sĩ bệnh viện sẽ còn phát hiện và chẩn đoán ra bệnh lý gì nữa trong khi mẹ tôi rất tỉnh táo và khỏe mạnh khi nhập viện? Tôi phải gửi đến 8 phiếu than phiền để mong thông tin đến với lãnh đạo bệnh viện để trả lời những thắc mắc của gia đình chúng tôi”, chị Ái Lan nói.

Theo chị Ái Lan, việc chẩn đoán bệnh lý ban đầu và sử dụng thuốc điều trị  của bác sĩ phải chăng là có vấn đề, không phù hợp, nếu không thì tại sao mẹ tôi lại rơi vào tình trạng hôn mê, co giật sau khi dùng thuốc? “Bệnh tình mẹ tôi nguy hiểm như vậy nhưng chúng tôi không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ bác sĩ điều trị.

Để hiểu rõ tình trạng bệnh và giảm bớt sự lo lắng của gia đình, tôi viết và gửi đến 8 lần “Phiếu góp ý/than phiền” vào thùng thư góp ý của bệnh viện mới được một cuộc hẹn làm việc với đại diện bệnh viện gồm TS.BS Huỳnh Văn Thiên – Phòng Kế hoạch tổng hợp; ThS.BS Võ Xuân Sang – Khoa Hồi Sức TT&DV lọc thận và bà Đoàn Thị Anh Đào – Bộ phận chăm sóc khách hàng”, chị Ái Lan nói.

Chọc dò tủy sống sớm mới chẩn đoán chính xác nhất

bệnh viêm não màng não 

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết: “Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm não, màng não thì bắt buộc phải chọc dò tủy sống sớm. Chứ đã dùng kháng sinh điều trị thì có chọc dò tủy sống ra thì kết quả sẽ không còn chính xác nữa. Tuy nhiên, khi có các ca bệnh nặng thuộc những chuyên khoa sâu thì nên mời các bệnh viện chuyên khoa để hội chẩn và hỗ trợ điều trị, vì các bệnh viện tuyến cuối họ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân sau khi dùng một số thuốc mới xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, co giật nhẹ… thì cũng chưa chắc đã là bệnh viêm não màng não”.

Do bác sĩ giải thích không nhất quán

Tại buổi tiếp xúc (ngày 5/10) giữa  gia đình và đại diện BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi chị Ái Lan chất vấn về công tác chẩn đoán ban đầu và dùng thuốc theo toa của bác sĩ điều trị như thế nào khiến mẹ tôi bệnh tình trầm trọng hơn…

Lý giải về vấn đề này, TS.BS Huỳnh Văn Thiên – Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Ban đầu bác sĩ chẩn đoán và điều trị viêm phổi. Khi dùng thuốc thì xuất hiện triệu chứng co giật, loạn thần. Đây là các dấu hiệu sớm của viêm não nhưng do ngay từ đầu bác sĩ không phát hiện ra mà nghĩ là động kinh nên mời Nội thần kinh hội chẩn. Bên cạnh đó, do các bác sĩ giải thích không nhất quán khiến cho gia đình người bệnh không thoải mái”.

Theo TS.BS Huỳnh Văn Thiên, các triệu chứng viêm não màng não của  bệnh nhân Ng. ngày thể hiện rõ hơn và bác sĩ yêu cầu cho chọc dò tủy sống để xác định bệnh chính xác. Thế nhưng, gia đình từ chối thực hiện kỹ thuật này nên các bác sĩ đã cho dùng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân. nhiên, sau khi nhận được phiếu than phiền của gia đình bệnh nhân Ng. thì sáng ngày 4/10, bệnh viện đã hội chẩn và đã “vượt qua sách vở” nên đã dùng thêm kháng sinh bao vây cho bệnh nhân mới hy vọng bệnh nhân nhanh hồi phục.

Tại buổi làm việc với gia đình, khi gia đình bệnh nhân thắc mắc “liệu dùng thuốc kháng sinh này có hiệu quả hay không?” thì TS.BS Huỳnh Văn Thiên nói phải chờ sau 72 tiếng đồng hồ mới biết được kết quả.

Và gia đình cũng mong muốn bệnh viện sẽ mời các chuyên gia ở các bệnh viện khác đến để hội chẩn mong sớm tìm ra giải pháp để điều trị kịp thời cho bệnh nhân Ng. TS.BS Huỳnh Văn Thiên cũng đã ghi nhận ý kiến và hứa sẽ cố gắng làm tốt nhất cho bệnh nhân.

Liên quan đến việc bệnh nhân bị co giật, loạn thần, không nhận thức được, phải sử dụng ống ăn… có liên quan đến việc sử dụng thuốc hay không mà bạn đọc phản ánh thì chiều ngày 12/10, BSCK I Nguyễn Hữu Trâm Em – Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn không giải thích cụ thể mà cho rằng tình trạng này thường có thể xảy ra đối với bệnh nhân có tiền sử suy thận giai đoạn cuối (?).

Gia Thanh – Phạm Nhung