Bệnh Viêm Amidan hốc mủ | Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn
Nội Dung Chính
BỆNH VIÊM AMIDAN HỐC MỦ – ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA
THS.BS. Hoàng Long
TS.BS.CKII. Hoàng Lương
Định nghĩa: Viêm Amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan mãn tính, các khe Amidan chứa các hạt nhỏ như bã đậu, rất hôi.
Sơ lược về giải phẫu Amidan
Amidan (nằm trong họng) và VA (nằm ở cửa mũi sau) là tổ chức Lympho ở họng và vòm mũi họng có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên (họng, mũi). Amidan có nhiều khe để tăng bề mặt tiếp xúc với vi khuẩn. Ngăn cách giữa tổ chức Amidan và thành họng là bao xơ Amidan là hàng rào giảm sự xâm nhập qua tiếp xúc.
Hình 1. Cấu trúc giải phẫu Amidan
Nguyên nhân gây viêm Amidan
- Do điều môi trường sinh sống thay đổi như nóng quá, lạnh quá dễ là điều kiện thuận lợi cho Virus, Vi khuẩn thường trú ở họng miệng phát triển gây bệnh viêm họng viêm Amidan.
- Do viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm VA, viêm họng mãn tính cũng gây ra viêm Amidan mãn.
Hình 2. Hình ảnh viêm amidan cấp giả mạc, kèm với hốc mủ trong các khe Amidan
Cơ chế viêm Amidan hốc mủ
Khi vi khuẩn xâm nhập vào họng, vòm mũi họng, hốc mũi các kháng thể được tổ chức Lympho (Amidan, VA) tạo ra bắt các vi khuẩn và vô hiệu hóa chúng. Khi đó Amidan thường sưng đỏ, đau. Khi phải chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lặp đi lặp lại nhiều lần tại các khe amidan các ổ mủ (là mô viêm hoại tử và xác vi khuẩn) màu trắng xám nhỏ bằng nửa hạt cơm, khi đó khi nhìn vào Amidan ta thấy có các cục mủ, người ta gọi là viêm Amidan hốc mủ.
Triệu chứng của bệnh Viêm Amidan hốc mủ
- Đau nhẹ, cảm giác vướng họng.
- Khi khám nội soi hay đè lưỡi sẽ thấy trong các khe Amidan có các cục mủ. Dùng cây đè lưỡi đè vào amidan cục mủ có thể rơi ra.
- Khạc ra cục mủ có màu trắng xám, hôi.
- Trường hợp viêm Amidan hốc mủ đợt cấp có thể đau họng nhiều, sốt, ho, Amidan sưng đỏ.
Hình 3. Amidan hốc mủ bên trái
Chẩn đoán viêm Amidan hốc mủ
- Chẩn đoán đựa vào tiền sử viêm họng, đau họng, có thể sốt, ho, nuốt đau.
- Khám Amidan thấy Amidan sưng đỏ, có mủ trong các khe Amidan.
- Làm xét nghiệm máu thường bạch cầu tăng cao.
Biến chứng của viêm Amidan hốc mủ
Điều trị bệnh viêm Amidan không khó bởi ngày nay có nhiều kháng sinh tốt. Điều đáng ngại là biến chứng do viêm Amidan, viêm họng gây ra. Các biến chứng thường gặp khi Amidan viêm:
a) Viêm Amidan đợt cấp:
Biến chứng thường gặp của viêm Amidan hốc mủ là viêm Amidan đợt cấp: Đau họng, rát cổ, nuốt đau. Sốt cao 39 – 40 độ. Có thể khàn tiếng. Khi Khám Amidan thấy Amidan sưng to, đỏ, các khe Amidan có mủ kèm với bề mặt Amidan có nhiều giả mạc trắng.
b) Biến chứng viêm khớp, biến chứng viêm van tim:
Khi viêm họng thường dẫn đến viêm nhiều khớp gây nhức mỏi ở khớp gối, khớp cổ tay, mệt mỏi.
Do cấu tạo của vi khuẩn gây viêm Amidan có cấu trúc tương tự cấu tạo của van tim nên mỗi đợt viêm cơ thể đều tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm Amidan nhưng đồng thời kháng thể cũng tấn công niêm mạc van tim và cấu trúc khớp nên gây thoái hóa khớp và biến đổi van tim.
c) Biến chứng viêm thận:
Các độc tố do vi khuẩn gây viêm họng khi qua thận làm tổn thương chức năng thận nên viêm Amidan thường gây biến chứng nguy hiểm là viêm thận. Biến chứng gây viêm thận thường kéo dài, tiến triển âm ỉ nên ít người quan tâm điều trị nên dễ dẫn đến suy thận.
d) Biến chứng viêm phế quản, viêm phổi
Do Amidan viêm, mủ từ Amidan chảy xuống họng vào phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Người bệnh ho, sốt cao, khó thở. Ở trẻ em và người già dễ dẫn đến viêm phổi.
e) Áp xe bao quanh Amidan:
Khi viêm Amidan vi khuẩn gây viêm bao Amidan, tạo ra các ổ mủ quanh bao amidan tạo ra áp xe quanh bao Amdan, người bệnh sốt cao, bạch cầu tăng cao, đau họng, ho. Nếu không được điều trị tích cực và dẫn lưu mủ khối áp xe có thể dẫn đến vỡ mủ vào phổi gây viêm phổi, áp xe phổi và có thê gây nhiễm trung huyết, có thể tử vong.
Điều trị viêm Amidan hốc mủ
a) Điều trị nội khoa:
Dựa vào chẩn đoán bác sĩ điều trị bệnh viêm Amidan hốc mủ theo phác đồ:
- Kháng sinh.
- Kháng viêm giảm đau, hạ sốt.
- Thuốc sát khuẩn xúc họng.
b) Điều trị ngoại khoa:
- Viêm Amidan mãn thường lặp đi lặp lại nếu nếu một năm viêm trên 04 lần thì cần cắt Amidan.
- Trường hợp đã gây biến chứng vào khớp, vào van tim hay viêm thận cần phải cắt dù viêm một năm ít hơn 04 lần.
- Nên cố gắng giữ Amidan cho các cháu đến 10 tuổi mới cắt sẽ tốt hơn bởi Amidan tham gia vào hệ miễn dịch cho các cháu, trừ trường hợp gây biến chứng.
- Ngày nay có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt Amidan như cắt bằng dao điện, bằng phương pháp bóc tách, bằng Plasma và bằng sóng Radio cao tần. Tuy nhiên cắt bằng sóng Radio cao tần ít tổn thương mô lành bởi nhiệt độ khoảng 70 độ C so với cắt bằng dao điện, Laser, dao Plasma khoảng 1000 độ. Cắt bằng sóng Radio cao tần hầu như không chảy máu do vừa cắt bác sĩ vừa cầm máu, nên lượng máu mất trung bình một ca mổ ít hơn 5 ml so với cắt thông thường mất hơn 50ml. Người bệnh có thể nói chuyện ngay sau khi tỉnh. Tuy nhiên cắt bằng sóng Radio cao tần phải nhập khẩu đầu nên giá thành cao hơn.
Hình 4. Hố mổ Amidan bằng Cob
Chăm sóc họng sau cắt Amidan hốc mủ
Sau cắt Amidan cần lưu ý:
- Nuốt đau từ 7 – 10 ngày tùy theo ngưỡng đau của mỗi người.
- Nói chuyện bình thường.
- Ăn mềm, ăn nguội.
- Khi ngủ nằm nghiêng bên phải hay bên trái, chịu khó nuốt (sẽ giảm ho).
Ngủ nằm nghiêng
- Ngậm nước muối sinh lý này vài lần.
- Không khạc có thể chảy máu vào ngày thứ 7 – 14 sau mổ do bong giả mạc.
- Ở người trưởng thành khi hoạt động thể chất nặng hoặc quan hệ tình dục dễ gây tăng huyết áp, dẫn đến chảy máu hố mổ.
Làm gì để đề phòng bệnh viêm Amidan mãn (Amidan hốc mủ)
- Giữ vệ sinh họng miệng bằng cách súc họng nước muối sinh lý hàng ngày.
Giữ vệ sinh họng miệng
- Điều trị các ổ viêm ở mũi họng như viêm xoang, viêm VA, sâu răng.
- Khi Amidan bị viêm cần được khám và điều trị.