Bao tử ếch xào lá hẹ – Bao tu ech xao la he – www.viendongdaily.com | Nhật Báo Viễn Đông

advertisements


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Một buổi trưa, nắng đổ như mật, mà cũng có thể là đổ như có ai đó xối nước chè lên các đọt cây, không gian quê kiểng còn sót lại sau các cánh đồng dần phân lô, những ai trải qua thời thơ mộng của làng quê sẽ thấy một nỗi xót xa, tiếc nuối bâng quơ đi qua tâm hồn, tuy nhẹ mà day dứt… Lúc này, tự dưng nhớ tiếng chim quốc quốc, nhớ tiếng chim chích chòe, nhớ tiếng ếch đồng mùa đổ bệ tháng Ba… Mọi thứ chỉ mới đây thôi, mà xa ngái như một giấc chiêm bao.

Xa ngái bởi vì mới đây thôi, đồng ruộng xanh mát, những lũy tre làng kẽo kẹt chứa đầy tiếng chim, đặc biệt là chim chích chòe, có đủ loại, chích chòe lửa, chích chòe bông, chích chòe than… Tiếng hót của chúng lảnh lót, thánh thót, vang lừng trưa hè. Vậy mà trong vòng chưa đầy mười năm, con người đã tiêu diệt chúng, làm cho chúng mất dấu, những ai còn nhớ tới loài chim này, chỉ biết hi vọng rằng chúng vẫn còn sống sót ở một nơi nào đó trên mặt đất, nơi đó lành tính và biết yêu thương chúng.

Nói tới chích chòe, một loài chim bị bẫy ráo riết nhất, bẫy cả trứng, chưa có loài chim nào bị bẫy theo kiểu này. Bởi chào mào có bị bẫy thì cũng bẫy chim lớn, bẫy sập, hoặc tìm hốt ổ, nhưng không dễ gì hốt ổ của nó. Ngược lại, chích chòe lại thích sống gần con người, chúng làm tổ trên các bụi tre, chúng là loài chim hình như sinh ra chỉ để hót, để mua vui cho đất trời, thiên nhiên, nên chưa có loài chim nào sống nghệ sĩ, bầy hầy và lười biếng như chích chòe, thấy cái gì giống với tổ, trong bụi tre thì vào đẻ trứng rồi ấp.

Khi giới quan chức và nhà giàu thích nghe tiếng hót của nó, họ sưu tầm nó về treo trong vườn nhà, vậy là người ta đổ xô đi bẫy, đi hốt tổ chích chòe, việc hốt tổ quá dễ dàng, thay vì đi rình rập, người ta treo một số chiếc hủ trên các bụi tre, cách gì chích chòe cũng vào đó đẻ, ấp, đến khi chim con nở ra thì hốt chim con, sau đó cho chim con vào lồng bẫy, để chúng kêu cứu, chim mẹ tới giải cứu, bị sập bẫy, lại kêu cứu, chim cha tới giải cứu, lại sập bẫy… Cả gia đình chim nằm gọn trong tay con người.

Và chẳng bao lâu, tiếng chim chích chòe vắng lặng, số phận của chim chích chòe cũng gần giống với số phận của lũy tre làng và những con ếch đồng. Chim chích chòe vắng bóng, mất dấu hẳn, sau đó đến những lũy tre bị bứng gốc, nền của nó được chia nhỏ thành các lô, rồi các hàm ếch ở các bụi tre cũng vắng bóng, làm nhớ đến loài rùa và ếch.

Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, chỉ cần mang cây gậy ra bụi tre, thọc gậy vào các cụm lá tre khô dưới đất, quanh đám trối tre, thọc một lúc nghe tiếng cộp khô khốc, giống như tiếng mõ nhà chùa thì cách gì cũng có một con rùa bên dưới lớp lá tre, khui lá tre ra thì thỏa sức là vui đùa. Hồi nhỏ, chúng tôi chỉ vui đùa, chọc bọn rùa một lúc rồi lại thả chúng về bụi tre, ông bà cha mẹ dạy con cháu đừng chọc rùa, đừng giết hại chúng. Thế nhưng trong đám trẻ nít chúng tôi đâu phải ai cũng nghe theo ông bà cha mẹ. Khi quan hệ bang giao với Trung Quốc gắn kết, hầu hết thế hệ chúng tôi và thế hệ sau nghe theo tiếng gọi của thương gia Trung Quốc nhiều hơn nghe lời dạy của cha mẹ, ông bà hay thầy cô. Phải thực tâm mà nói, chẳng có ông bà cha mẹ hay thầy cô nào dạy chúng tôi tàn phá thiên nhiên.

Thế nhưng Trung Quốc cần rùa, mua với giá cao, vậy là bọn trẻ lớp chúng tôi lại vác gậy lên đường, không phải để cứu nước mà để lùng sục các bụi tre, tìm cho đến con rùa cuối cùng. Khi rùa trở nên khan hiếm thì có cả các ông kễnh Việt Nam tham gia làm đại lý, mua đi bán lại cho người Trung Quốc. Chim chích chòe cũng vậy, rắn rết cũng vậy. Hầu như thứ gì Trung Quốc cần thì người Việt Nam xông ra đường để đáp ứng cho họ, tiền chưa chắc là nhiều, nhưng làm bất chấp môi trường, mạng sống và đạo đức. Lạ ở chỗ, chính quyền gần như không quan tâm đến chuyện này, hoặc giả họ không nhìn ra, người của chính quyền giờ hành chính mặc áo cán bộ, quan chức, giờ rảnh cũng đi thọc rùa, đi tìm chim gộc, đi săn đồ hiếm để bán cho dân chơi Trung Quốc. Lạ!

Mọi thứ bị tiêu tán nhanh chóng trong cái bao tử ếch tàn nhẫn, sẵn sàng nuốt chửng mọi thứ. Ai từng chế biến món bao tử ếch sẽ hiểu được con ếch, ngoài khả năng mồm mép ỏm tỏi, coi trời bằng vung ra, nó còn có cái bao tử rất kinh khủng. Một cái bao tử nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay út của nó có thể căng phồng lên gấp năm lần để chứa một con cá rô to tướng. Và khi nhìn thấy con cá rô nằm cong queo, đau đớn chết trong cái bao tử con ếch, người ta mới thấy sợ con ếch, một loài vật tưởng chừng như rất hiền lành, không có răng nhọn dữ dằng như cá lóc… không ngờ lại nuốt cả con cá rô và có khi nuốt cả con cá lóc đồng.

Sở dĩ con ếch dám nuốt tất tần tật và có thể phát ra âm thanh ộp ộp rất to so với cơ thể của nó là nhờ vào cái bao tử kì vĩ của nó. Hầu như toàn bộ nội lực có được cũng từ đây mà ra. Sức mạnh con ếch nằm trong cái bao tử. Và tiếng kêu của nó càng to là chứng tỏ lượng hơi thừa do thải axit trong quá trình tiêu hóa thức ăn càng mạnh. Kêu là cách giải phóng lượng hơi thừa này.

Thường thì người ta làm thịt ếch, chẳng mấy ai lấy bao tử, người ta vứt bao tử vào sọt rác hoặc cho gà ăn. Nhưng, thứ ngon nhất của con ếch lại là bao tử, chứ không phải thịt. Có người thích chiên da ếch giòn rụm, hoặc ếch để nguyên, tẩm muối ớt mà nướng, xem như món đặc sản. Nhưng nhìn chung các món này vui thôi, chẳng ngon bằng cháo ếch đậu xanh. Nhưng, nói cho cùng, với con ếch, chịu khó một chút, sẽ có món bao tử ếch xào lá hẹ cực ngon.

Thường người bán ếch ngoài chợ có lấy riêng các thứ bỏ đi thành một bịch, rồi lại phân loại, bao tử ếch riêng, da ếch riêng, mang cá riêng, đầu cá riêng… để bán cho người nuôi gà. Bao tử ếch có giá rất thấp, một ký chừng 30 ngàn đồng (tương đương $1.2 USD), nhưng chẳng ai ăn nổi một ký đâu, chừng nửa ký sau khi chế biến phải đến năm người ăn mới hết. Bởi bao tử ếch khi xào lên nở gấp ba lần.

Bao tử ếch mua về, 100 gram, đeo khẩu trang vào, đeo bao tay vào, dùng một chiếc kéo nhọn, xiên và cắt bung, cắt bỏ đoạn ruột dính bám, sau đó cạo sạch lớp nhớt bên trong, rửa sơ qua vòi nước và khi làm xong thì cho muối bột vào bóp sạch, bóp bao giờ cảm thấy sạch thì rửa qua vòi nước và cho vào lưới hoặc rổ để ráo. Sau đó cho vào bát, cho một chút nước mắm, một chút tiêu, hành tỏi đâm nhuyễn, trộn đều, ướp và đợi. Lá hẹ một bó, chừng 200 gram, rửa sạch, cắt đoạn chừng 3 cm. Việc còn lại là bắc chảo lên bếp, cho một chút dầu phụng, phi hành tỏi, dầu tới thì cho bát bao tử vào xào, đảo đều, cho đến khi lượng thức ăn bung nở gấp ba lần bình thường, mùi thơm ngào ngạt (chừng 2 phút) thì đậy nắp chừng 3 phút rồi mở nắp, cho toàn bộ lá hẹ vào xào tiếp, đến khi nào lá hẹ chín mềm, quyện với bao tử ếch và cho mùi thơm dễ chịu là lúc tắt lửa, việc còn lại là cho ra dĩa.

Món này có thể ăn với cơm, đặc biệt rất hạp với việc nhâm nhi uống bia, và đặc biệt hợp với bia ướp lạnh, bưng chai tu từng ngụm nhỏ…

Kính chúc quí vị có một bữa ăn ý vị, vui vẻ và ấm áp!