Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Có rất nhiều khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn. Đầu tiên là áp lực giữa phát triển kinh tế, du lịch và bảo tồn; giữa bảo tồn và sinh kế của cộng đồng ngư dân; nhận thức của chính quyền các cấp và người dân địa phương. Nhiều địa phương có khu vực đã được quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển theo Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, nhưng đã 8 năm rồi chưa thành lập và đưa vào hoạt động như: Hòn Mê (Thanh Hóa); Nam Yết (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận). Một số địa phương phát triển kinh tế nhưng chưa quan tâm đến bảo tồn biển như ở Khánh Hòa, doanh nghiệp xây dựng không phép trên đảo Hòn Tằm, đã hủy hoại hệ sinh thái san hô không có khả năng phục hồi; nơi có nhiều rạn san hô như Đảo Bình Ba, Rạn Trào, Vân Phong nhưng địa phương chưa quan tâm bảo tồn các hệ sinh thái san hô khu vực này. Kết quả, hệ sinh thái rạn san hô đang suy giảm nghiêm trọng do tác động du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu chỉ cần 20 loài kinh tế biến mất thì các hệ sinh thái biến mất, lúc đó nghề cá sẽ sụp đổ và chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để phục hồi.
Thứ hai là, cơ cấu tổ chức, bộ máy các khu bảo tồn biển chưa đồng bộ; số lượng biên chế trên khu bảo tồn biển quá ít, có những khu chỉ có 5 – 7 người (Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ), kiêm nhiệm; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về sinh học biển và quản lý bảo tồn biển thì làm sao có thể quản lý hiệu quả một hệ sinh thái rộng 10.000 – 20.000 ha. Hơn nữa, nguồn kinh phí đầu tư cho bảo tồn không được ưu tiên, thiếu phương tiện, trang thiết bị đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý.
Thứ ba là, tình hình vi phạm pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, hiện không có hoặc chưa bố trí lực lượng Kiểm ngư tại các khu bảo tồn biển, mà các khu bảo tồn biển là đơn vị sự nghiệp, không có thẩm quyền xử phạt, như vậy ai sẽ là lực lượng xử phạt? Do đó, các Ban Quản lý Khu bảo tồn biển phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát Biển để thực hiện điều này. Tuy nhiên, sự phối hợp chưa bao giờ là đủ khi chúng ta chưa mạnh. Khi chưa đủ mạnh thì chúng ta mới phối hợp. Việc xử lý chưa quyết liệt nên các hành vi xảy ra liên tục, ngày càng tinh vi và phức tạp.
Thứ tư là nhận thức, chúng ta đã làm nhưng công tác tuyên truyền chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với chính quyền các cấp, cộng đồng ngư dân và xã hội, để hiểu hơn vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong đời sống của con người nói chung và trong sự phát triển kinh tế biển của địa phương.