Bảo hiểm hưu trí là gì? Quy định bảo hiểm hưu trí tự nguyện?
Bảo hiểm hưu trí là gì? Quy định về sản phẩm bảo hiểm hưu trí? Quy định về quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm hưu trí? Quy định về hợp đồng bảo hiểm hưu trí?
Hưu trí là một trong những chính sách trong an sinh xã hội mà nhà nước đặt ra để đảm bảo thu nhập cho những người khi hết tuổi lao động. Chính sách này không những có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo mức sống cho người già, mà còn có vai trò chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Hiện nay, bên cạnh chế độ hưu trí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì ở các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cũng có những gói sản phẩm bảo hiểm hưu trí, giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Bảo hiểm hưu trí là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 (Sửa đổi, bổ sung năm 2010)
Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Có thể nói, đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 115/2013/TT-BTC (Sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 130/2015/TT-BTC), bảo hiểm hưu trí có những điểm đặc trưng sau:
Thứ nhất, bảo hiểm hưu trí bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động. Trường hợp bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động (sau đây gọi là bảo hiểm hưu trí nhóm), bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 (năm mươi lăm) tuổi đối với nữ và 60 (sáu mươi) tuổi đối với nam, trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện theo quy định tại văn bản pháp luật đó về độ tuổi nghỉ hưu
Thứ ba, quyền lợi bảo hiểm cơ bản bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro.
Thứ tư, mỗi người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân hay hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm có một tài khoản bảo hiểm hưu trí riêng theo quy định
2.
Quy định về quyền lợi bảo hiểm hưu trí:
Theo quy định tại Thông tư 115/2013/TT-BTC, người tham gia gói sản phẩm bảo hiểm hưu trí được hưởng những quyền lợi sau đây:
Thứ nhất, người tham gia được hưởng quyền lợi bảo hiểm cơ bản quy định tại Điều 5 Thông tư 115/2013/TT-BTC, bao gồm:
Một là, quyền lợi hưu trí định kỳ, theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm:
– Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 (mười lăm) năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
– Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí;
– Tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Hai là, quyền lợi bảo hiểm rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi sau:
– Quyền lợi trợ cấp mai táng:
Khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong, bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
– Quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn:
+ Khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
+ Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, ngoài quyền lợi bảo hiểm cơ bản, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp thêm các quyền lợi bảo hiểm bổ trợ quy định tại Điều 6 Thông tư 115/2013/TT-BTC sau đây:
–Quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ;
– Quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp;
– Quyền lợi chăm sóc y tế;
– Quyền lợi hỗ trợ nằm viện;
– Quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc;
– Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo;
– Quyền lợi bổ trợ khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý:
Phương thức đóng phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ sẽ do các bên thỏa thuận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép khấu trừ phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm bổ trợ từ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí.
3. Quy định về phí, phí bảo hiểm hưu trí:
Thứ nhất, về phí bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 115/2013/TT-BTC, phí bảo hiểm là khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện định kỳ hoặc một lần theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí.
Phí bảo hiểm đóng thêm là phần đóng góp ngoài phần phí bảo hiểm định kỳ hoặc một lần đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, để đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện.
Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm được khấu trừ các loại phí sau đây:
– Phí khấu trừ từ phí bảo hiểm thu được, trước khi phân bổ vào tài khoản bảo hiểm hưu trí:
Phí ban đầu là khoản phí dùng để trang trải chi phí phát hành hợp đồng bảo hiểm, chi phí thẩm định bảo hiểm, chi phí kiểm tra y tế, chi hoa hồng đại lý và chi phí khác.
– Các loại phí khấu trừ từ tài khoản bảo hiểm hưu trí:
+ Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động lựa chọn bảng tỷ lệ tử vong và bảng tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn để tính phí bảo hiểm rủi ro. Trong mọi trường hợp, tỷ lệ tử vong áp dụng không cao hơn quy định tại bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 và tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn không cao hơn 10% bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm;
+ Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và tối đa không quá 2% giá trị tài sản đầu tư của quỹ trong năm;
+ Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí là khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang quản lý tài khoản bảo hiểm hưu trí khi thực hiện chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí sang doanh nghiệp bảo hiểm mới.
Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí tối đa không quá 5% giá trị tài khoản chuyển giao đối với hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên, năm thứ 02 (hai) không quá 4%, năm thứ 03 (ba) không quá 3%, năm thứ 04 (tư) không quá 2% và từ năm thứ 05 (năm) trở đi không quá 1%;
+ Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
– Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên, phù hợp với sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hưu trí.
– Hợp đồng bảo hiểm hưu trí phải quy định rõ các khoản phí tối đa áp dụng cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai rõ ràng, đầy đủ các loại phí, cách xác định và tỷ lệ các khoản phí áp dụng cho bên mua bảo hiểm trong các tài liệu giới thiệu sản phẩm và tài liệu minh họa bán hàng.
4. Quy định về hợp đồng bảo hiểm hưu trí:
Người có nhu cầu tham gia gói bảo hiểm hưu trí phải ký hợp đồng bảo hiểm hưu trí với đơn vị kinh doanh bảo hiểm, theo đó, hợp đồng bảo hiểm hưu trí phải phù hợp với quy định của pháp luật và có đầy đủ các thông tin quy định cụ thể tại Điều 18 Thông tư 115/2013/TT-BTC sau đây:
– Các khoản phí bảo hiểm đóng góp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
– Thời hạn hợp đồng bảo hiểm hưu trí bao gồm thời hạn đóng phí, tích lũy các khoản phí bảo hiểm và thời gian nhận quyền lợi bảo hiểm cơ bản;
– Trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp tham gia bảo hiểm hưu trí nhóm;
– Các lựa chọn và quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp tham gia hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm;
– Tỷ lệ, số tiền cụ thể, mức tối đa và cách thức tính toán các khoản phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hưu trí;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định pháp luật;
– Đính kèm bảng minh họa quyền lợi hưu trí tại hợp đồng bảo hiểm;
– Quy định quyền chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí theo quy định
Lưu ý:
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo về tình trạng hợp đồng bảo hiểm, cụ thể:
– Thông báo về tài khoản bảo hiểm hưu trí:
Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc năm hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người được bảo hiểm về tình trạng của hợp đồng bảo hiểm hưu trí theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
– Thông báo về kết quả hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện:
Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm về các nội dung sau:
+ Thông tin tóm tắt về tình hình hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện theo mẫu quy định
+ Tình hình hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện trong 05 (năm) năm gần nhất hoặc thời gian tồn tại thực tế của quỹ nếu thời gian hoạt động của quỹ chưa đủ 05 (năm) năm;
+ Chi tiết về các quyền lợi đầu tư đã chia và dự kiến sẽ phân bổ vào tài khoản bảo hiểm hưu trí trong năm báo cáo;
+ Xác nhận của công ty kiểm toán độc lập về những thông tin nói trên.