Báo động ô nhiễm tiếng ồn
Ảnh minh họa.
Mối nguy hại lớn
PGS.TS Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường phân tích, các nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tiếng ồn có thể kể đến như hoạt động giao thông, còi xe; máy móc sản xuất, xây dựng hoặc phát sinh cả ở những hoạt động sinh hoạt, hoạt động tập thể diễn ra thường nhật (nghe nhạc, karaoke…). Đối với sức khỏe con người, nếu phải tiếp xúc tiếng ồn có cường độ cao thường xuyên, các tác động xấu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp ngày càng tăng. Hầu hết đều ảnh hưởng tiêu cực, gây nên tình trạng đau đầu, ù tai, giảm sức nghe tạm thời hoặc vĩnh viễn. Thậm chí, khi những hoạt động bình thường như trò chuyện, nghỉ ngơi bị gây cản trở, rối loạn khiến chất lượng cuộc sống bị giảm đi.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các quốc gia đang phát triển, nạn ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng trở nên bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và chất lượng sống. Vấn đề này được xem là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe của con người không khác gì các hiện tượng ô nhiễm khác.
Ô nhiễm tiếng ồn tỷ lệ thuận với sự phát triển của đô thị. Đặc biệt, tại đô thị hơn 8 triệu dân và gần 7,5 triệu phương tiện như TP Hà Nội, ô nhiễm tiếng ồn càng phức tạp hơn. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Nguyễn Quốc Triều (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân bất khả kháng gây ra tiếng ồn như hoạt động giao thông, xây dựng thì trong cộng đồng người dân cũng tạo ra nhiều phiền toái. “Hàng ngày, bên cạnh việc phải chịu ồn ào đô thị, nạn ô nhiễm tiếng ồn còn theo vào tận trong phòng ngủ. Tôi từng bị hàng xóm tra tấn hát hò, mở nhạc ầm ĩ, làm mất đi thời gian nghỉ ngơi nhưng không biết kêu ai” – anh Nguyễn Quốc Triều chia sẻ.
Việc người dân không tự ý thức còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự công cộng. Sự việc một nhóm thanh niên mang loa kéo bật nhạc đám ma để trả đũa tiếng nhạc khiêu vũ của nhóm người cao tuổi ở quận Hoàng Mai mới đây là một ví dụ điển hình. Vụ việc khiến chính quyền địa phương phải cử cán bộ đô thị kết hợp với công an phường nhắc nhở, chấn chỉnh mới chấm dứt. Thực tế, tình trạng người dân tự mang loa kéo gây ồn ào ở các điểm sinh hoạt cộng đồng vẫn đang diễn ra thường xuyên.
Nâng nhận thức cho người dân
Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư tinh thông luật, hiện nay, mức xử phạt tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn thấp nhất là từ 1 – 5 triệu đồng. Với hành vi này, Chủ tịch UBND xã, phường có thẩm quyền xử phạt. Để xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Với những hành vi vượt quá 40 dBA (đơn vị đo độ ồn âm thanh), mức xử phạt có thể lên đến 160 – 320 triệu đồng (cá nhân – tổ chức). Quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn khá cụ thể. Xác định rõ người có trách nhiệm, có thẩm quyền xử phạt là chính quyền cấp cơ sở. Đồng thời, người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Tuy nhiên, khó khăn của lực lượng chức năng khi xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, cơ quan chức năng là phải thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn nhưng hầu hết địa phương đều thiếu thiết bị, nghiệp vụ bắt quả tang. Mặt khác, việc đo đạc, phân tích còn phải dựa trên mức độ sẵn có tại nơi xảy ra vi phạm. Vấn đề là chính tại vị trí đo đạc, độ ồn nền cũng đã vượt mức cho phép dẫn đến căn cứ xử lý không thuyết phục.
Do đó, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trước mắt, cần tuyên truyền để người dân, các hộ kinh doanh tự ý thức được tác hại của ô nhiễm tiếng ồn với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Sau đó mới dần triển khai xử lý, phạt hành chính với các điểm kinh doanh, nhà xưởng cố định, thường xuyên phát ra tiếng ồn vượt quá quy định.
Riêng đối với nguy cơ ảnh hưởng tới người lao động trong các nhà máy, để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ tiếng ồn, PGS.TS Doãn Ngọc Hải đề xuất các biện pháp như thay thế, sửa chữa thiết bị cũ để giảm tiếng ồn. Đồng thời, chủ DN cần trang bị phương tiện bảo hộ chống ồn cho người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn cao, giám sát người lao động sử dụng đúng cách phương tiện bảo hộ và hàng năm đo thính lực cho số công nhân thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có nguy cơ gây bệnh điếc nghề nghiệp…
Vấn đề gây ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke loa kéo, karaoke gia đình không phải bây giờ mới xuất hiện, mà lâu nay bị xem nhẹ. Hiện nay, việc trang thiết bị đo tiếng ồn tới cấp phường, xã, khu dân cư là chưa thể làm được. Vì vậy, giải pháp tiếp cận từ góc độ văn hóa xã hội, trật tự xã hội, có ứng xử riêng với mỗi loại hình sẽ có tác dụng hơn.
Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT),
TS Hoàng Dương Tùng