Báo chí chuyển đổi số – Thích ứng, tồn tại và phát triển
Chuyển đổi số là một hành trình
Công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing…
Tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ VTV Digital cho biết, nếu không chuyển đổi số nhanh thì VTV không đáp ứng được nhu cầu theo dõi thông tin của khán giả trong thời kỳ cách mạng số. Chuyển đổi số phục vụ mục đích chính trị, cố gắng giữ vững mức độ ảnh hưởng của VTV trên các nền tảng phân phối mới, mở rộng tập khán giả; đáp ứng nhu cầu tuyên truyền đường lối chính sách; đấu tranh phản bác thông tin xấu độc. Tạo ra các mô hình kinh doanh, nguồn thu mới đảm bảo tái đầu tư sức sản xuất. Chuyển đổi số không phải dự án mà là một hành trình, trong đó quyết tâm của lãnh đạo cấp cao nhất xuyên suốt đường đi là yếu tố đặt ra hàng đầu.
Bắt kịp “chuyến tàu” chuyển đối số, Báo Nhân Dân đã và đang có nhiều thay đổi như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Quan điểm “digital first” đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức “đa nền tảng”, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… Trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ thực hiện quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism). Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…
Tại TTXVN, việc chuyển đổi số đã được thực hiện từ hơn 10 năm trước trong sản xuất, khai thác thông tin. TTXVN đã đẩy mạnh việc sử dụng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện. Các nền tảng tác nghiệp CMS, NPS được xây dựng và dần hoàn thiện, giúp đẩy nhanh, tạo sự thống nhất và thông suốt cho quy trình sản xuất thông tin. Các đơn vị sản xuất tin đồ họa, tin truyền hình đã ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn từ ban biên tập (Editors Picks); hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…
Sau khi đã có nội dung, vấn đề lớn đặt ra là phân phối tác phẩm báo chí đến độc giả một cách nhanh, đa dạng, toàn diện nhất. Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng giám đốc VCCorp cho biết, VCCorp có công nghệ về phân phối nội dung tự động, đặc biệt là công nghệ AI. Công nghệ này giúp cá nhân hoá nội dung, đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi người. Ngoài ra, VCCorp có công cụ về SEO giúp giải phóng nguồn nhân lực hơn 70%, tất cả các bài viết trước khi xuất bản đều được chuẩn hoá. Nhờ công nghệ, chúng tôi có thể truyền tải thông tin đến các nền tảng mạng xã hội, phân tích được nội dung bài viết, tác phẩm báo chí đó xem có phù hợp với các ứng dụng mạng xã hội hay không, việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người làm biên tập xuất bản.
Không chỉ là vấn đề công nghệ
Theo các chuyên gia, hiện nay, việc chuyển đổi số báo chí còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí hiện nay nhìn chung còn chậm so với xu thế chung và có cả sự lúng túng trong lựa chọn hướng đi.
Tại khóa bồi dưỡng, giảng viên và đại diện các báo, đài truyền hình ở các địa phương phía Nam mới đây, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, các vấn đề được quan tâm về chuyển đổi số là tài chính, nguồn nhân lực cho quá trình số hóa, thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới; vấn đề đổi mới công nghệ, mức độ quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí về chuyển đổi số…
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, chuyển đổi số báo chí là hành trình thay đổi tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số bằng công nghệ số. Các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình cần lưu ý thực hiện ngay các bước để số hóa rồi tiến tới chuyển đổi số gồm: sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin. Đồng thời, cần tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức về tòa soạn, cách vận hành của cơ quan báo chí, chủ động ứng dụng các công nghệ mới, đa dạng các hình thức, sản phẩm báo chí mới, hiện đại; chuyển các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số…
Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 11/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Cùng đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.