Bán lẻ là gì và các hình thức bán lẻ của doanh nghiệp FDI

Bán lẻ là gì và nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì khi bán lẻ hàng hoá tại Việt Nam? Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Bán lẻ là gì?

Trước hết, phải lưu ý ngay rằng, phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến hoạt động bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mà không đề cập đến hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp nội địa.

Quyền phân phối bán lẻ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài. Điều kiện ở đây thể hiện ở một số quy định về cơ sở bán lẻ, về xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ …..

Vậy bán lẻ là gì?. Theo hướng dẫn tại Điều 3, Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.

Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung đơn giản là, bán lẻ là bán cho người mua về để tiêu dùng, sử dụng mà không phải là mua về để bán lại cho người khác.

Bán lẻ khác với bán buôn, theo đó Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.

Cho dù bạn là một Luật sư tư vấn hoặc một cán bộ pháp chế thì cũng cần nắm rõ điều này để tư vấn và hướng dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký quyền phân phối theo hình thức bán lẻ.

Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mục tiêu phân phối bán lẻ có thể nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, hoặc mua hàng tại Việt Nam để bán lẻ. Điều này khác với hoạt động bán buôn một chút.

Nếu một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mục tiêu thực hiện quyền nhập khẩu thì doanh nghiệp đó vẫn được quyền bán buôn hàng hoá mà mình nhập khẩu, nhưng không được mua hàng hoá sản xuất trong nước để bán buôn. Nếu doanh nghiệp đó đăng ký quyền bán buôn thì được bán buôn hàng hoá do mình nhập khẩu hoặc do mình thu mua từ đơn vị khác.

Các hình thức của bán lẻ là gì?

Có hai hình thức của bán lẻ, là bán lẻ không lập cơ sở bán lẻ và bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ.

Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ, chẳng hạn như cửa hàng, siêu thị, quầy hàng …….

Đối với hình thức bán lẻ không lập cơ sở bán lẻ, thì hàng hoá được nhập về rồi lưu kho của nhà phân phối, sau đó chuyển thẳng tới địa điểm gia hàng mà bên mua lẻ chỉ định. Nói cách khác, hàng hoá không được trưng bày, giới thiệu tại cửa hàng.

Đối với hình thức bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ thì hàng hoá được nhập về rồi lưu kho, trưng bày và bán trực tiếp tại cơ sở bán lẻ. Nghĩa là khách hàng sẽ đến mua hàng tại cơ sở bán lẻ.

Nếu bạn đăng ký quyền phân phối bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ thì bán có thể bán hàng bằng cả hình thức bán lẻ không tại cơ sở bán lẻ và bán hàng tại cơ sở bán lẻ.

Tuy nhiên, nếu bạn đăng ký quyền phân phối bán lẻ không lập cơ sở bán lẻ thì không có quyền bán hàng tại cơ sở bán lẻ.

Các loại giấy phép cần có cho hoạt động bán lẻ là gì?

Để bán lẻ không lập cơ sở bán lẻ, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện các thủ tục gồm: (i) Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và (ii) Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh.

Để bán lẻ hàng hoá tại cơ sở bán lẻ, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện các thủ tục gồm: (i) Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và (ii) Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh; và thủ tục cấp giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký quyền phân phối bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ, thì khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh sẽ đồng thời thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ thứ nhất.

Đối với cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục bổ sung. Điều đó cũng có ý nghĩa rằng, mỗi cơ sở bán lẻ phải có một giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ riêng.

Lưu ý, trong trường hợp lập cơ sở bán lẻ ở tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) khác với tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) mà doanh nghiệp có trụ sở chính thì doanh nghiệp phải lập chi nhánh để quản lý cơ sở bán lẻ đó.

Trong quá trình thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Nếu bạn muốn biết cụ thể hơn về ENT là gì và các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế thì có thể đọc thêm tại bài viết ent là gì trên website này của chúng tôi.

Kết luận: Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu và nắm bắt được những vấn đề cơ bản để giải quyết câu hỏi bán lẻ là gì và những loại giấy phép cần có cho hoạt động bán lẻ là gì. Đây là những vấn đề rất cơ bản mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần nắm rõ. Đối với các Luật sư tư vấn trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cán bộ pháp chế làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì những nội dung này phải nắm hết sức cụ thể và chi tiết vì nó liên quan đến tính hợp pháp và các thủ tục kèm theo mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ.

Nếu bạn còn có điểm nào chưa rõ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.