Bản chất và quy luật của đời sống tinh thần :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Trong lịch sử nhận thức của loài người, do các cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau mà các trường phái triết học đưa ra những quan niệm khác nhau về khái niệm “Tinh thần”.

Các nhà triết học duy tâm khách quan nhìn thấy yếu tố tinh thần từ bên ngoài con người, còn các nhà duy tâm chủ quan lại nhìn thấy yếu tố tinh thần trong chính bản thân con người.

Các nhà duy vật, ngay từ thời cổ đại đã coi tinh thần là sự hoạt động lý luận. Chẳng hạn, Anxtốt đã coi hình thức cao nhất của tinh thần là tư duy về tư duy. Đến thế kỷ XVII-XVIII, các nhà triết học duy vật như Hôpxơ và Lôccơ lại coi tinh thần là sự kết hợp của các cảm giác. Triết học cổ điển Đức lại xem xét tinh thần từ góc độ ý thức và tự ý thức. Hêgen hiểu tinh thần như là sự thống nhất của tự ý thức và ý thức được thực hiện trong lý tính, đồng thời là sự thống nhất hoạt động thực tiễn và lý luận nhằm vượt qua cái tự nhiên, vượt qua bản thân mình trong quá trình tự nhận thức.

Tư tưởng triết học duy vật biện chứng đã nhìn nhận đúng bản chất của tinh thần : Đó là sự phản ánh thế giới khách quan vào trong đầu óc con người. Mác viết : “Ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó” (1). Tư tưởng này cũng được Lênin khẳng định: “Đối với người duy vật, thì “cái đang tồn tại trên thực tế” là thế giới bên ngoài mà cảm giác của chúng ta là hình ảnh của thế giới đó”(2). Các nhà triết học duy vật biện chứng hiện đại cũng khẳng định rằng: “Tinh thần, theo nghĩa rộng của từ là một khái niệm đồng nhất với cái quan niệm, với ý thức là hình thức hoạt động tâm lý cao nhất; theo nghĩa hẹp của từ thì đồng nghĩa với khái niệm tư duy” (3)

Chủ nghĩa duy vật biện chứng không quy cái tinh thần vào một tổng giản đơn những cảm giác; nó cũng bác bỏ quan niệm coi tinh thần là một thực thề thuần tuý độc lập với vật chất và với con người. Bởi vì, nói đến tinh thần là nói đến sự hoạt động của ý thức con người, là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người; đó không phải là một sự phản ánh thụ động, sao chép giản đơn về hiện thực khách quan, mà là sự phản ánh tích cực năng động và sáng tạo.

Quan điểm duy vật biện chứng về tinh thần là cơ sở khoa học cho việc tìm hiểu bản chất và quy luật của đời sống tinh thần của con người và xã hội.

Theo quan điểm mác xít, tính chất đặc trưng của đời sống tinh thần là một hệ thống hoạt động mang tính xã hội, cho nên phạm trù “Đời sống tinh thần xã hội” và phạm trú “ý thức xã hội” là cùng bản chất, do đời sống xã hội quy định. Đời sống tinh thần rộng hơn ý thức xã hội. Bởi ngoài ý thức xã hội thì đời sống tinh thần còn các yếu tố tình cảm, tâm tư, mong muốn chưa phải ý thức. Trong quan hệ khác, ý thức xã hội và ý thức cá nhân luôn luôn tác động qua lại với nhau và có tính mâu thuẫn bởi sự đấu tranh tư tưởng giữa các
nhóm xã hội, sự trao đổi quan điểm, tư tưởng, luận thuyết, v.v. ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và mỗi cá nhân.

Do vậy, nghiên cứu ý thức xã hội, nghiên cứu đời sống tinh thần xã hội phải giải quyết các vấn đề: ý thức xã hội bao hàm ý thức cá nhân như thế nào? Ý thức xã hội có gì khác với ý thức cá nhân? Biện chứng giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân được thể hiện trong đời sống tinh thần của con người và xã hội ra sao? Bản chất, kết cấu và sự vận động của đời sống tinh thần?

Giải quyết những vấn đề trên không phải là đơn giản. Thực tế đã có nhiều khuynh hướng khác nhau khi đề cập đến vấn đề này. Có thể nêu ra những khuynh hướng cơ bản sau đây:

Khuynh hướng thứ nhất cho rằng đời sống tinh thần của con người và xã hội chỉ giới hạn trong “cái tinh thần”, đó là tư tưởng, là ý thức hoặc là tư duy, v.v.. Cách hiểu này chưa thật đầy đủ và chính xác. Bởi vì nó chỉ nhấn mạnh thuộc tính chung vả phổ biến nhất của ý thức để phân biệt ý thức với vật chất, với thực tại khách quan chứ chưa nêu được tính chất, đặc trưng của đời sống tinh thần như một hệ thống đang hoạt động của con người mang tính lịch sử – xã hội.

Khuynh hướng thứ hai hiểu đời sống tinh thần của con người và xã hội là ý thức xã hội, là cái đứng trên cá nhân hoặc xem ý thức cá nhân là đồng nhất với ý thức xã hội. Quan điểm này đã đề cập đến những đặc trưng của đời sống tinh thần trong tính hệ thống của lịch sử xã hội, nhưng lại đối lập một cách tuyệt đối ý thức xã hội với ý thức cá nhân.

Ý thức xã hội, đời sống tinh thần là một hiện tượng do xã hội quy định không chỉ về cơ chế phát sinh và phát triển , mà cả về tính chất tồn tại lẫn vai trò của nó trong đời sống xã hội. Nó là một hiện tượng của xã hội, là dạng đặc thù của thực tại . Cho nên, theo chúng tôi, ý thức xã hội , đời sống tinh thần không phải là cái chung thuần tuý, mà được thể hiện trong một hệ thống: “Con người-hoạt động- giao tiếp- xã hội- lịch sử-ngôn ngữ-văn hoá” (4).

Tính hệ thống của ý thức xã hội, của đời sống tinh thần thể hiện trong tiến trình vận động và phát triển của các cá nhân kế tiếp nhau qua các chế độ chính trị -xã hội và các thời đại khác nhau trong tiến trình phát triển của lịch sử. Tất nhiên, không thể xem ý thức xã hội , đời sống tinh thần là một hệ thống phi nhân cách của những tư tưởng trừu tượng, thoát khỏi con người rồi thống trị mặt tinh thần của con người bằng tổng thể lịch sử của nó. Ý thức xã hội không phải là tổng số những ý thức cá nhân được hiểu một cách máy móc,
đơn giản. Cho nên đời sống tinh thần của con người và xã hội cũng không thể đồng nhất với ý thức xã hội như là cái đứng trên cá nhân, không bao hàm ý thức cá nhân…; nó phải được hiểu là một sự thống nhất biện chứng giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân, đời sống tinh thần của xã hội và của cá nhân cùng với tính cộng đồng của các tập đoàn xã hội và toàn xã hội.

Vấn đề này đã được Mác và Enghen khẳng định: “Đời sống tinh thần liên hệ biện chứng với đời sống xã hội, phản ánh những quá trình và những mâu thuẫn xã hội , nó tương ứng với những hình thức muôn màu muôn vẻ của hoạt động xã hội của con người”(5).

Như vậy, việc xác định bản chất, cơ cấu và sự vận động của đời sống tinh thần như là sự phản ánh các quá trình vật chất trong tiến trình phát triển của lịch sử không chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định tính.hệ thống và tính đặc thù của đời sống tinh thần mà còn thể hiện nội dung khách quan của nó.

Sự phân tích trên cho thấy, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội là không đồng nhất. Nội dung phạm trù không chỉ là sự phản ánh hiện thực khách quan, mà còn thể hiện tính chất xã hội của chính quá trình phản ánh đó trong đời sống tinh thần và được thể hiện trong sự tác động qua lại giữa chúng. Việc nghiên cứu tính chất xã hội của đời sống tinh thần buộc chúng ta phải xác định mối quan hệ bản chất chung nhất của đời sống tinh thần thông qua những quy luật vận động.

Việc xác định này không chỉ phải làm rõ tính khác biệt về nội dung và hình thức của các yếu tố, các bộ phận cấu thành.tư tưởng khác nhau của đời sống tinh thần, mà còn phải làm rõ mối quan hệ biện chứng của hoạt động tinh thần giữa các chủ thể xã hội từ góc độ các cá nhân, các tập đoàn xã hội và toàn xã hội.

Không thể xem xét tính đặc thù của đời sống tinh thần như một hiện tượng đặc thù của cái tinh thần cá nhân, ý thức cá nhân, mà như là một hiện tượng tinh thần xã hội trong chỉnh thể toàn vẹn của nó. Tuy nhiên, không thể đồng nhất tính chất xã hội của đời sống tinh thần với quy định xã hội (của đời sống tinh thần ), với tính chất xã hội của ý thức cá nhân. Bởi vì, con người với tính cách là chủ thể của các quá trình nhận thức cá nhân không tương ứng với con người chủ thể của quá trình nhận thức xã hội. Thật vậy, Engen viết: “Đối với từng người riêng lẻ, tất cả những động lực thúc đẩy những hành động của người đó đều nhất định phải đi qua đầu óc, phải biến thành lực đẩy ý chí của anh ta. Toàn bộ nhu cầu của người đó, đều phải chuyển thành động cơ của ý muốn của người đó để làm cho người đó hành động thì tất cả những nhu cầu của xã hội công dân – dù giai cấp nào đang nắm quyền lực cũng vậy – đều nhất định phải thông qua ý muốn của nhà nước để có được giá trị phổ biến dưới hình thức những đạo luật” (6).

Sự tác động qua lại giữa tính chất, mối liên hệ xã hội và kết quả phản ánh của hoạt động tinh thần đã làm xuất hiện đời sống tinh thẩn của con người và xã hội trong một chỉnh thể toàn vẹn các quá trình hoạt động: giao tiếp-ngôn ngữ-văn hoá. Chỉnh thể đó mang tính lịch sử – xã hội, mà bản chất của nó là sự phản ánh các quá trình vật chất và hoạt động vật chất một cách tích cực, năng động và sáng tạo của con người.

Cũng như bất kỳ một hiện tượng xã hội nào khác, đời sống tinh thần của con người và xã hội cũng được nghiên cứu từ bên trong bản thân ý thức xã hội, do đó nó không thể mang tính tuyệt đối. Về kết cấu, đời sống tinh thần được chia theo “chiều dọc” thành những cấp độ và theo “chiều ngang” thành những hình thái. Ở những nét chung nhất, đó là những cấp độ cơ bản của lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Toàn bộ các hình thái của ý thức xã hội hoạt động trong phạm vi những cấp độ ấy. Đó là mối quan hệ giữa ý thức sinh hoạt đời thường và ý thức lý luận, giữa tâm lý xã hội và hệ tư tưởng cũng như sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội như triết học, ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ, ý thức tôn giáo và khoa học. Tuy nhiên, xét đến cùng, kết cấu của đời sống tinh thần hay của ý thức xã hội đều thể hiện trong mối quan hệ với tồn tại xã hội hay đời sống vật chất của xã hội, tức là chúng đều do tồn tại xã hội hay chức năng phản ánh của nó đối với tồn tại xã hội quyết định.

Trong các tài liệu triết học mác xít (7), quy luật của đời sống tinh thần được phân ra làm ba loại phổ biến nhất:

Một là, các quy luật xã hội học chung của hình thái và sự phát triển ý thức xã hội; vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội ; tính độc lập tương đối trong sự phát triển của hệ tư tưởng và đời sống tinh thần nói chung; tính kế thừa và phát triển của đời sống tinh thần…

Hai là, những mối quan hệ mang tính quy luật bên trong của đời sống tinh thần, chúng biểu hiện sự tác động qua lại giữa các mặt, các yếu tố khác nhau của ý thức xã hội, sự hoạt động của chúng giới hạn trong ý thức xã hội.

Ba là, những mối quan hệ mang tính quy luật đặc thù và dấu hiệu của các kiểu ý thức xã hội khác nhau trong lịch sử xã hội.

Vấn đề ở đây là phải tìm hiểu xem những qui luật về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, được thể hiện về hình thức, nội dung và vai trò của nó đối với đời sống tinh thần như thế nào? Sự phân tích ở trên cho thấy, những qui luật thể hiện nguồn gốc, động lực qui định sự phát sinh, tồn tại và phát triển của đời sống tinh thần chính là cái quy định quy luật của đời sống tinh thần chứ không phải quy luật của đời sống tinh thần nằm ngay trong bản thân nó, hoặc ngược lại, phụ thuộc một cách tuyệt đối vào đời sống vật chất xã hội. Trong “Hệ tư tưởng Đức”, Mác và Engen đã nhận xét rằng: “Đạo đức, tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình thái ý thức tương ứng với chúng liền mất ngay mọi vẻ độc lập bề ngoài. Tất cả những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi phát triền sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình”(8). Như vậy, những nguyên nhân qui định qui luật phát triển của đời sống xã hội được xác định với những nội dung cụ thể sau:

  • Một là, qui luật phát triển của đời sống tinh thần về cơ bản không nằm trong các nhân tố, yếu tố của chính lĩnh vực ấy, mà nằm trong các qui luật vật chất, trong động lực của tồn tại xã hội hay đời sống vật chất xã hội. Điều đó có nghĩa là, quy luật phát sinh, phát triển của đời sống tinh thần có nguồn gốc và bị qui định bởi hoạt động vật chất, đời sống vật chất xã hội, là một mặt của quá trình lịch sử nói chung. Như vậy, loại qui luật thứ nhất bao gồm những qui luật đời sống vật chất của xã hội. Loại qui luật này chủ yếu xác định nguồn gốc phát sinh của đời sống tinh thần. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu một cách đơn giản đời sống tinh thần chỉ xuất hiện sau khi đã có đời sống vật chất, hoặc đời sống vất chất phải xuất hiện một thời gian rồi mới có đời sống tinh thần, mà là sự xuất hiện đồng thời.
  • Hai là, không thể đồng nhất các qui luật của đời sống tinh thần với các qui luật của các quá trình đời sống vật chất xã hội. Cần thấy rõ sự khác nhau giữa một bên là các qui luật qui định sự phát sinh, phát triển đời sống tinh thần với một bên là các qui luật của chính đời sống tinh thần xét cả về nội dung cũng như hình thức của chúng. Loại qui luật này thể hiện sự tác động qua lại giữa đời sồng vật chất và đời sồng tinh thần. Nhưng vấn đề phức tạp trước hết là ở chỗ, trong mối quan hệ này không thể nói một cách đơn giản về “tính thứ nhất” , “tính thứ hai” trên bình diện triết học nói chung, mà phải hiểu tính qui định của đời sồng vật chất xã hội đối với đời sống tinh thần còn là sự tác động trở lại với tư cách là sự phản ánh và hoạt động tích cực, sáng tạo của đời sống tinh thần đối với đời sống vật chất.
  • Ba là, các qui luật đặc thù bên trong của đời sống tinh thần, kể cả các biểu hiện mang tình qui luật chung giữa các yếu tố, các dạng, các hình thái hay các lĩnh vực khác nhau của ý thức xã hội hay đời sống tinh thần, cũng như các dấu hiệu có tính qui luật thể hiện một cách cụ thể , đặc trưng cho một cộng đồng lịch sử đều là sự biểu hiện của những quá trình đời sống vật chất trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

Dẫn chứng về đặc điểm của sự phát triển của những chuẩn mực pháp quyền đã khẳng định tính độc lập tương đối của đời sống tinh thần xã hội. Có quan điểm cho rằng tính độc lập tương đối là đặc trưng của các quy luật phát triển xã hội và đồng thời cũng là những qui luật đặc thù của đời sống tinh thần. Thực ra, vấn đề không phải hoàn toàn như vậy. Bởi vì tính độc lập tương đối, cái biểu hiện các dấu hiệu chung nhất của đời sống tinh thần, đã đạt tới mức phát triển toàn diện, với tính chất xã hội của đời sống tinh thần như là một chỉnh thể thống nhất đa dạng, phong phú và toàn vẹn của nó. Đồng thời, sự khác biệt về tính chất, nội dung, vai trò và mức độ của những đặc điểm phát triển đời sống tinh thần đối với ý thức xã hội ở các thời đại khác nhau, trong những điều kiện lịch sử khác nhau là có ý nghĩa to lớn.

Tóm lại, cái tinh thần không thuần tuý là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, mà là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan” đã được “cải biến” ở trong bộ óc người.

Cho nên, đời sống tinh thần không chỉ thể hiện ở thuộc tính chung và phổ biến của nó so với “thực tại khách quan” mà phải được xem xét trong hệ thống con người-hoạt động-giao tiếp ngôn ngữ-văn hoá mang tính lịch sử -xã hội. Kết cấu và sự vận động của đời sống tinh thần một mặt, có nguồn gốc sâu xa và trực tiếp từ những qui luật của sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung. Mặt khác, kết cấu và đời sống tinh thần đó còn được thể hiện ở những qui luật đặc thù của bản thân đời sống tinh thần cũng như sự tác động qua lại giữa các quy luật này trong sự vận động, phát triển của đời sống tinh thần xã hội.

(1) C. Mác, F. Engen.. Toàn tập, t 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 35
(2) V. I. Lênin. Toàn tập, t. 18. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 128
(3) Từ điển triết học. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1986, tr. 577
(4) A.G.Xpirkin. Triết học xã hội, t.2. Nxb Tuyên huấn, Hà Nội, 1989. tr. 55.
(5) Trích theo Erích Han. Về tính chất của những qui luật của đời sống tinh thần xã hội. Tạp chí “Những vấn đề Triết học”, số3-1974, tr. 23-31 (tiếng Nga).
(6)C. Mác, F. Engen. Tuyển tập gồm 6 tập, t.VI. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.412
(7) Xem: Erích Han. Về tích chất của những qui luật của đời sống tinh thần xã hội. Tạp chí “Những vấn đề triết học”, số 3-1974, tr. 23-31 (tiếng Nga).
(8) C.Mác, F.Engen. Toàn tập, t.3. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.48.