Bài viết chi tiết

 Lịch sử Tỉnh Hải Dương – Tập 1

Lịch sử Tỉnh Hải Dương – Tập 2

Lịch sử Tỉnh Hải Dương – Tập 3

Lịch sử tỉnh Hải Dương – Tập 4

Lời giới thiệu

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước trải hàng nghìn năm của dân tộc ta, mảnh đất, con người Xứ Đông – Hải Dương đã có nhiều cống hiến to lớn và giữ vị trí quan trọng. Đây là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, là một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng, của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua hành trình dựng nước và giữ nước, cộng đồng cư dân nơi đây đã chung lưng đấu cật để chinh phục tự nhiên, tổ chức xã hội, lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần xứng đáng viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Là một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, Hải Dương vừa mang những đặc điểm chung, vừa tạo được cho mình một bản sắc “Xứ Đông” độc đáo, góp phần làm phong phú, sinh động thêm cho truyền thống dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, Hải Dương vẫn chưa có một bộ thông sử nào xứng tầm với vị thế của tỉnh đối với lịch sử dân tộc. Chính vì thế, ngày 06/8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2028/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Lịch sử tỉnh Hải Dương (từ khởi thủy đến năm 2015). Theo đó, từ năm 2015, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, việc nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử được triển khai thực hiện. Tham gia biên soạn công trình có các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan như: Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương. Với tinh thần làm việc khoa học, đồng thuận và ý thức trách nhiệm cao, các tác giả đã dày công sưu tầm, khai thác, khảo cứu tài liệu ở địa phương và các kho lưu trữ, thư viện ở Trung ương nhằm bổ sung nguồn tài liệu mới, có giá trị khoa học. Ngoài ra, nhóm tác giả kế thừa có chọn lọc những thành quả của các công trình nghiên cứu vềHải Dương đã được công bố ở trong nước và nước ngoài.

Bộ Lịch sử tỉnh Hải Dương gồm 4 tập, với mong muốn tái hiện quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của con người Xứ Đông trên vùng đất Hải Dương; bước đầu tổng kết và rút ra những bài học lịch sử, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết đấu tranh, anh hùng bất khuất trong chiến đấu, chịu khó, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động của người dân Hải Dương nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Lịch sử tỉnh Hải Dương, tập I (từ khởi thủy đến năm 905) do TS. Lê Đình Phụng và PGS.TS. Lại Văn Tới đồng chủ biên, có sự tham gia biên soạn của các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các nhà nghiên cứu của tỉnh Hải Dương.

Tập I tái dựng chặng đường dài lịch sử, từ buổi đầu dựng nước đến đầu thế kỷ X (năm 905), một thời kỳ lịch sử giữ vị trí quan trọng là tầng nền trên vùng đất Hải Dương, được coi là tiền đề, động lực cho các thời kỳ lịch sử tiếp theo. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vùng đất Hải Dương là một trong những cái nôi sinh sống của con người từ thời tiền sử mà dấu vết để lại tại Nhẫm Dương trong hệ thống núi vùng đất Kinh Thầy (nay thuộc phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn). Theo dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, trên vùng đất Hải Dương đã xuất hiện các cộng đồng cư trú cùng xây dựng cuộc sống, tổ chức xã hội, hình thành nên bản sắc văn hóa, là một trong những hạt nhân có mặt từ buổi đầu dựng nước dưới chính thể của Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc. Sau thời đại Văn Lang – Âu Lạc, cùng chung số phận dân tộc, Hải Dương bước vào thời kỳ chịu sự đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Với tinh thần bất khuất, khát vọng độc lập dân tộc, người Hải Dương đã tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng vào các cuộc nổi dậy giành độc lập dân tộc dưới thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, khởi nghĩa Lý Bí và công cuộc xây dựng Nhà nước Vạn Xuân,… Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập dân tộc được gìn giữ, bồi đắp trong hơn nghìn năm chống Bắc thuộc đã được người dân Hải Dương phát huy trong những thời kỳ tiếp theo, làm nên tính cách điển hình “chuộng nghĩa, giữ tiết… hăng hái việc công”.

Trong đêm trường Bắc thuộc, vượt qua muôn vàn khó khăn khắc nghiệt, người Hải Dương từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Với tri thức kinh nghiệm kế thừa từ các thế hệ dựng nước, việc khai phá đất đai, khai hoang, khẩn hóa đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Cùng với nông nghiệp là sự tiếp thu, chọn lọc những kỹ thuật sản xuất, các nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ bên cạnh những nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đúc kim loại, tạo nên nhiều loại vật dụng phong phú phục vụ cho cuộc sống.

Là một bộ phận trong lịch sử dân tộc, từ khởi thủy con người sinh sống trên địa bàn Hải Dương đã góp phần xây dựng nên bản sắc văn hóa dân tộc. Những phong tục, tập quán sinh hoạt xã hội phù hợp với quan niệm, nhận thức của cộng đồng xuất hiện, hình thành những tín ngưỡng, nghi lễ như tục thờ cúng hiện tượng tự nhiên (thần đất, thần sông, thần núi, thần cây…) hay tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ hôn nhân cưới hỏi, tang ma…, tạo nên nền tảng văn hóa, tư tưởng vững chắc trong các cộng đồng chống lại chính sách đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Trong thời kỳ nghìn năm bị đô hộ, đồng hóa, Hải Dương là nơi đã tiếp thu và dung dưỡng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo hội nhập với truyền thống văn hóa bản địa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng. Những điều kiện kinh tế, văn hóa cùng tinh thần độc lập dân tộc đã hun đúc, tôi rèn bản lĩnh, nhân cách con người Xứ Đông, làm tiền đề để sau này tham gia vào quá trình giành độc lập và phục hưng văn hóa dân tộc trong những thời kỳ lịch sử tiếp theo của dân tộc.

Lịch sử tỉnh Hải Dương,tập II (từ năm 905 đến năm 1883) do PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ chủ biên. Tham gia biên soạn tập II là các nhà nghiên cứu của Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các nhà nghiên cứu của tỉnh Hải Dương. Tập II được bắt đầu từ năm 905 gắn với sự kiện hào trưởng đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân đứng lên giành quyền tự chủ từ chính quyền đô hộ nhà Đường. Dấu mốc năm 905 được coi là khởi đầu cho lịch sử Việt Nam thời trung đại, tạo cơ sở và nền móng cho Ngô Vương Quyền xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc Việt Nam sau đại thắng Bạch Đằng đánh tan quân xâm lược Nam Hán cuối năm Mậu Tuất (năm 938). Tập II cũng tạm kết vào năm 1883, gắn với sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm thành Hải Dương lần thứ hai vào ngày 19/8/1883.

Trong hơn chín thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, sự hưng vong, thịnh suy của các triều đại quân chủ, nhưng quốc gia Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam đến Đại Nam vẫn trường tồn và ngày càng phát triển, cương vực ngày càng mở rộng, khẳng định vị thế của một cường quốc trong khu vực. Trong tiến trình lịch sử ấy, nhân dân Hải Dương đã có những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự chủ. Ngay từ buổi đầu của nền độc lập, tự chủ, người dân Hải Dương đã tích cực tham gia vào cuộc tấn công phủ Tống Bình (thời họ Khúc, họ Dương); đóng góp sức người, sức của làm nên đại thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (năm 938) do Ngô Quyền lãnh đạo. Miền đất Hải Dương từng là đại bản doanh, là cơ sở hậu cần quan trọng của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (năm Tân Tỵ, 981). Thời Lý – Trần, Hải Dương là phên giậu, là bức bình phong che chở cho kinh đô Thăng Long. Đặc biệt, trong thế kỷ XIII, Hải Dương vừa là chiến tuyến, vừa là hậu phương của cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên. Đầu thếkỷ XV, quốc gia Đại Việt chuyển sang một giai đoạn bi hùng với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Cùng với nhân dân cả nước, người dân Hải Dương đã vùng lên tranh đấu với hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra trên địa bàn Xứ Đông. Những địa danh, danh nhân tiêu biểu còn lưu lại trên đất Hải Dương ngày nay là minh chứng sống động về những cống hiến xuất sắc của người dân Hải Dương trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn.

Duy trì và tiếp nối dòng chảy văn hóa từ giai đoạn trước, trong thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ, bên cạnh các sinh hoạt tín ngưỡng đậm đà bản sắc quê hương, sự phát triển của Nho, Phật, Lão đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. Nhiều ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý – Trần và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo mở rộng ở các triều đại sau đã khẳng định đời sống tư tưởng (đặc biệt là tư tưởng Phật giáo) của người Hải Dương rất phong phú, xứng đáng được coi là trung tâm của văn hóa
Phật giáo Xứ Đông. Thiền phái Trúc Lâm ra đời từ thời Trần với người sáng lập là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn non thiêng Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh) làm chốn Tổ. Sự tồn tại bền vững của hệ thống chùa chiền trên đất Hải Dương cho thấy rõ nét, đầy đủ tính hướng thiện, hướng đến chân, thiện, mỹ của người dân Xứ Đông trong trường kỳ lịch sử.Hệ tư tưởng Nho giáo ưu trội từ thế kỷ XV (từ thời Lê sơ) đã tạo điều kiện cho hàng loạt cơ sở tôn giáo thờ Khổng Tử ra đời ở các địa phương Hải Dương, đó là hệ thống văn miếu, văn chỉ, văn từ. Cùng với hệ thống này, giáo dục Nho học ở các làng xã cũng được thổi vào một luồng gió mới. Từ triều Lý, trải qua các triều đại Trần – Hồ đến Lê sơ và về sau, giáo dục Nho học ở Hải Dương đặc biệt phát triển và đã tạo nên một đội ngũ quan lại Nho học rất đông đảo, bổ sung cho bộ máy quan lại ở trung ương và địa phương. Những gương mặt danh nho tiêu biểu đã trở thành trụ cột, lương đống của triều đình qua các thời đại. Họ không chỉ là những chính trị gia xuất sắc, những sứ thần lỗi lạc, nhà giáo dục đạo cao đức trọng mà còn là những tác gia lớn, là tinh hoa văn hóa dân tộc.

Lịch sử tỉnh Hải Dương, tập III (từ năm 1883 đến năm 1945)do GS.TS. Nguyễn Văn Khánh và GS.TS. Phạm Hồng Tung đồng chủ biên, với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các nhà nghiên cứu của tỉnh Hải Dương.

Dấu mốc khởi đầu của lịch sử cận đại Hải Dương gắn với sự kiện thực dân Pháp nổ súng tấn công và chiếm thành Hải Dương vào giữa tháng 8/1883.Cũng từ đây, thực dân Pháp bắt đầu quá trình thiết lập bộ máy thống trị ở Hải Dương cũng như toàn xứ Bắc Kỳ. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Dương bắt đầu cuộc hành trình đầy gian khổ, nhưng cũng hết sức vẻ vang – hành trình đấu tranh tự giải phóng mình khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức xã hội. Từ đầu thập niên 70 thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đưa quân ra xâm lược các tỉnh Bắc Kỳ. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (tháng 7/1885), phong trào vũ trang kháng Pháp lại bùng nổ mạnh mẽ trên khắp cả nước. Dưới sự lãnh đạo của các vị thủ lĩnh như Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Đức Tiết (Đốc Tít), nhân dân Hải Dương kiên cường đứng lên chống giặc, mặc dù cuối cùng vẫn bị thất bại.

Hải Dương thời cận đại đã diễn ra những biến đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực, từ sự thay đổi về chính trị, hành chính, địa giới đến những chuyển biến về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo… Đó là những chuyển biến từ hình thức bên ngoài đến cấu trúc bên trong, đặt trong mối liên hệ đa chiều với những chuyển biến chung của lịch sử dân tộc. Nhìn toàn cảnh, Hải Dương thời kỳ này vẫn là một tỉnh nông nghiệp -nông thôn – nông dân điển hình của châu thổ Bắc Kỳ. Các cơ sở công nghiệp trong tỉnh đều tương đối nhỏ bé, chủ yếu là công nghiệp chế biến với quy mô nhỏ và trình độ kỹ nghệ khá lạc hậu. Khu vực thành thị cũng khá nhỏ hẹp cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng. Các khu vực nông thôn cơ bản vẫn là nông thôn – làng xã đậm tính truyền thống. Chính quyền thuộc địa nhiều lần tìm cách can thiệp sâu vào các vùng nông thôn ở Hải Dương thông qua cải lương hương chính và một số chính sách khác nhưng không làm đổi thay được bao nhiêu. Ở vùng nông thôn, sau các lũy tre và cổng làng, thế lực cường hào và các hủ tục vẫn ngự trị và thao túng các làng xã, thống trị dân nghèo. Dưới tác động của nhiều yếu tố chính trị, kinh tế… dưới thời Pháp thuộc, số lượng người dân Hải Dương ly hương khá đông đảo, bao gồm cả di cư dài hạn và di cư mùa vụ. Hàng vạn nông dân làng xã đã tìm đến các hầm mỏ, nhà máy ở vùng Đông Bắc, thậm chí đến cả các đồn điền xa xôi ở Nam Kỳ, Campuchia hoặc Tân Thế giới, để tìm kiếm không chỉ miếng cơm manh áo mà cả cơ hội đổi đời.

Không cam chịu cuộc đời nô lệ, nhân dân Hải Dương liên tục đứng lên chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, giải phóng quê hương, giành lại độc lập dân tộc. Các cuộc đấu tranh này hết sức phong phú về nội dung, về định hướng chính trị và đa dạng về quy mô và hình thức tổ chức, đồng thời chúng không bao giờ tách biệt, mà trái lại, luôn ở trong mối quan hệ khăng khít, gắn bó với cuộc đấu tranh giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội. Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ đầu thếkỷ XX đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều người con ưu tú của
Hải Dương đã có những đóng góp nổi bật vào các cuộc vận động yêu nước, tiến bộ và cách mạng, như phong trào Đông du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy tânđến các phong trào cải cách xã hội, phong trào nữ quyền, cách mạng văn chương, truyền bá chữ Quốc ngữ…, hay trực tiếp tham gia khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng và dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng theo khuynh hướng cách mạng vô sản, tiêu biểu là Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hới, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình)…

Tháng 8/1945, theo lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Hải Dương đã nhất tề nổi dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[1]. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Dương và phần lớn các huyện trong tỉnh đều đã diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu. Với thắng lợi to lớn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, ngày 02/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập và công bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2]. Đây cũng là dấu mốc kết thúc thời kỳ cận đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Lịch sử tỉnh Hải Dương, tập IV (từ năm 1945 đến năm 2015) do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên, với sự tham gia biên soạn của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các nhà nghiên cứu tỉnh Hải Dương. Tập IV được mở đầu bằng sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 02/9/1945, tuyên bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tạm dừng ở năm 2015.

Nội dung tập IV đã dựng lại một cách khách quan, toàn diện và có hệ thống quá trình lịch sử 70 năm của Hải Dương (1945 – 2015), qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và quá trình thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Trong những năm đầu mới được thành lập, nhà nước non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối phó với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhân dân Hải Dương cùng nhân dân cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đấu tranh chống các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thành lập đảng bộ và chính quyền địa phương, tích cực tham gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hải Dương đã anh dũng đứng lên dựng làng chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân. Trên lĩnh vực quân sự, quân và dân Hải Dương tích cực xây dựng căn cứ kháng chiến, khu du kích vững chắc, xây dựng tiềm lực về mọi mặt, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Chiến thắng của quân và dân Hải Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước, góp phần vào các chiến thắng Đường 5, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Điện Biên Phủ… giải phóng miền Bắc vào năm 1954.

 Sau khi hòa bình lập lại, là địa phương chịu nhiều thiệt hại bởi chiến tranh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, song quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra, nhân dân Hải Dương đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (1954 – 1960), cùng với nhân dân miền Bắc thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965). Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong 10 năm xây dựng quê hương trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh (1965 – 1975), nhân dân Hải Dương đã vượt qua khó khăn, thử thách, lao động sáng tạo, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo đời sống của nhân dân; đảm bảo giao thông vận tải, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới. Nhân dân Hải Dương vượt qua khó khăn, thử thách trong những năm đầu đất nước thống nhất, vừa tham gia các cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, vừa lao động, sản xuất phục hồi kinh tế – xã hội sau chiến tranh. Từ năm 1986, khi cả nước thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Hải Dương đã đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân, lập được những thành tựu đáng tự hào.

Từ năm 1996, đất nước bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và năm 1997 tỉnh Hải Dương chính thức được tái lập, mở ra thời kỳ mới cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Ngay sau khi tái lập, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương từng bước xây dựng và ổn định hệ thống chính quyền địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra. Tuy con đường đổi mới còn nhiều khó khăn, thách thức, song với truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương hăng hái đi đầu trong việc triển khai các chủ trương, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, làm cho bộ mặt kinh tế – xã hội của Hải Dương có những thay đổi rõ rệt. Đến nay, Hải Dương không những phát triển toàn diện, mà còn có nhiều điểm sáng đột phá, góp phần cùng cả nước thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, với hoài bão, ý chí và khát vọng vươn lên, người dân Hải Dương đang từng ngày, từng giờ nỗ lực phấn đấu dựng xây quê hương- miền quê văn hiến, yên bình và mạnh giàu – trong lòng
Tổ quốc Việt Nam.

Bộ sách Lịch sử tỉnh Hải Dương được phát hành, sẽ góp phần cung cấp cho các thế hệ người dân Hải Dương những hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống và ý thức trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương ngày càng giàu mạnh. Bộ sách cũng là nguồn tài liệu tra cứu hữu ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử địa phương.

Để có được công trình nghiên cứu giá trị về Lịch sử tỉnh Hải Dương hôm nay, trước hết thay mặt lãnh đạo tỉnh Hải Dương, tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh,… đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể trong suốt quá trình triển khai thực hiện; sự tham gia cung cấp tư liệu, đóng góp ý kiến nhiệt tình, trách nhiệm của các đơn vị, sở ban ngành, đoàn thể và cá nhân có liên quan, trong đó Hội Sử học tỉnh cũng đã tham gia đọc hiệu đính lần cuối trước khi xuất bản. Đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực với tinh thần làm việc trách nhiệm, khoa học nghiêm túc của chủ biên, đồng chủ biên và các thành viên tham gia nghiên cứu, biên soạn bộ sách.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác sưu tầm tài liệu và biên soạn, song do tái hiện quá trình lịch sử từ khởi thủy, nên nội dung cuốn sách khó tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý của quý độc giả để công trình được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

 Hải Dương, tháng 9 năm 2021

 

 

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.596.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3.