Bài văn ‘cảm nghĩ của em về ngày Tết’ viết bằng trái tim gây xôn xao dân mạng
Bài văn phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết của một học sinh được giáo viên cho 9 điểm đã nhận được nhiều ý kiến, nhận xét của cộng đồng mạng.
Bài văn “phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết” của một học sinh được giáo viên cho 9 điểm đã được nhà văn Trang Hạ chia sẻ cùng với tâm sự của bản thân về bài văn, về những ngày Tết.
Trên Facebook, nhà văn Trang Hạ viết: “Nếu là cô giáo, tôi sẽ chấm bài văn này cho em 10 điểm!
Thời này hiếm có một bài văn học trò nào không bị sai chính tả, câu văn có ý, ngắt đoạn đúng, và đầy tình cảm như thế này! Tháng trước mình vừa làm talkshow ra mắt cuốn sách “Mẹ” gồm hàng chục bài thơ, truyện ngắn của học trò về tình mẹ, từ gần 3.000 bài dự thi nhưng trong cả chục tác phẩm đoạt giải cũng không có nhiều bài viết có phong vị sâu sắc và quan sát tinh tế như bài văn của em!
Những suy nghĩ non nớt của em bắt đầu từ quan sát bằng mắt, nhưng viết ra lại bằng trái tim. Nhìn thấy vất vả của mẹ mỗi dịp Tết, nhận ra đằng sau gánh nặng công việc ngày Tết của mẹ là một gánh nặng vô hình lên ngoại hình, nhan sắc, tinh thần của mẹ!
Mấy chục năm trước khi còn nhỏ, mình cũng chỉ mong Tết để được nghỉ học dài ngày, được đốt pháo, ăn cỗ suốt ngày và được nhận tiền mừng tuổi! Mình không nhận ra những sự vất vả của mẹ trước Tết hay ngay trong những ngày Xuân, hồi đó mình còn quá bé. Và hồi đó, mẹ ai cũng tất bật vất vả như thế vì Tết!
Sau này mình trở thành con dâu, thành mẹ, mình mới hiểu những gánh nặng Tết mà mẹ từng trải qua suốt bao nhiêu năm trời! Rồi đến khi những người bạn cùng lứa có thể “biến mất” dịp Tết cho chuyến du lịch gia đình, mình mới tự hỏi, vậy thực sự ý nghĩa của sự vất vả dịp Tết có phải là toàn bộ những công việc ta tự nhận lãnh, chứ đâu ai đòi hỏi nhiều đến thế?
Và ý nghĩa Tết là bên nhau chứ ko phải Tết nghĩa là, làm biết bao người phụ nữ gia đình mỏi mệt nhận ra: Sinh ra là phụ nữ đã thiệt thòi! Sau cả năm làm quần quật, Tết cũng không phải dịp nghỉ ngơi. Một cái Tết hoàn hảo có đầy đủ mâm cỗ Tất Niên thịnh soạn, cỗ Giao thừa đủ món, cỗ sáng mùng Một đúng phép tắc, cỗ sáng mùng Hai tươm tất… nghĩ đến việc ăn hết chừng ấy cỗ bàn đã nhọc và sợ, nữa là làm… Tết hoàn hảo trong niềm vui trọn vẹn đón Xuân hơn là chu toàn chỉ trên cỗ bàn. Tết tròn vẹn ý nghĩa sẻ chia như trong bài văn có thể khiến bất kỳ ai rưng rưng khi đã lỡ vô tâm với mẹ bao năm…
Nên một lát bánh chưng thôi, với một ly rượu vang cũng đã là Tết! Nhẹ nhõm cho nhau, bớt câu nệ cho gia đình, thêm thời gian nghỉ ngơi trò chuyện gặp gỡ, đỡ cỗ bàn ăn uống nâng lên đặt xuống… mới thực sự là một cái Tết mà người phụ nữ nội trợ được thanh nhàn, thảnh thơi!
Mình tin em viết được bài văn này, sự sâu sắc của em đáng để người lớn suy ngẫm lại hành trình đi tới một cái Tết hạnh phúc! Các con mình khó mà có suy nghĩ già dặn như thế, có thể vì chúng sống với một bà mẹ… lười như mình, Tết luôn tìm cách cắt bớt những nghi lễ rườm rà! Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, Tết trọn vẹn là sự sẻ chia dưới những mái nhà mùa Xuân!”
Ý kiến khác nhau về ngày Tết
Ngoài ý kiến của nhà văn Trang Hạ về bài văn trên, nhiều giáo viên, độc giả cũng bày tỏ đây là bài văn chân thành viết đúng với những gì mà học trò cảm nhận.
“Thật là dễ thương. Cô giáo cũng có cách nhìn trân trọng cảm xúc của trò dù đây là một bài “phá cách”. Tôi thích nhất câu kết của em “Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi!”, một giáo viên ở TP HCM bày tỏ.
Một giáo viên khác chia sẻ cảm xúc và nhận xét về bài văn của học trò: “Ngày còn nhỏ e háo hức chờ đón Tết khi lớn lên có gd rồi e k thích nữa. Bài văn của trò cảm nhận rất đúng!”.
Đứng ở góc độ độc giả đọc bài văn, bạn Nguyễn Thị Yên nhận xét “Bài văn rất ý nghĩa biết chia sẻ, mình nhất trí với bạn Hạ cho 10 điểm”.
Tuy nhiên, cũng có độc giả lại cho rằng, chữ viết của học trò và chữ viết của giáo viên nhận xét bài văn có vẻ giống nhau, như kiểu tự làm, tự chấm.
Ở một góc độ khác, thông qua bài văn, độc giả Anh Phan bày tỏ cảm xúc: “Tết thực ra không cần phải quá hoàn hảo, quan trọng là tiếng cười trong gia đình”.
Còn bạn Trần Anh Vũ cho rằng, Tết là thời gian mỗi người dù có đi đâu xa đều dành thời gian hướng về gia đình nên rất cần sự đoàn tụ. Để góp phần đưa mỗi gia đình thêm hạnh phúc, ấm cúng, bên cạnh sự lo toan của phụ nữ cho mỗi mâm cơm ngày Tết thì người đàn ông nên cùng với các bà, các mẹ, vợ và chị em vun vén cho bữa cơm tất niên, trang hoàng nhà cửa… Tết là sự chia sẻ yêu thương, cùng nhau xây đắp sự đoàn viên./.