“Bài thơ của một người yêu nước mình” – Tạp chí Sông Hương

Bài thơ của một người yêu nước mình là điển hình cho phong cách đó của Trần Vàng Sao. Bài thơ đã từng làm xúc động mọi người và tạo cho anh lối đi riêng trong hành trình nghệ thuật chung của nhiều thế hệ nhà thơ từ những năm chiến đấu cho đến hôm nay. Bài thơ dài 155 câu, viết theo lối tự do, được thể hiện theo phương thức điệp từ, điệp cú và khai thác chi tiết, hình ảnh có thật trong kho tình cảm và ấn tượng của chính người thơ nên chân thành và xúc động. Có thể nêu một cách khái quát nét đặc sắc của bài thơ, đó là sự hoà quyện xoắn xuýt cảm xúc trữ tình của nhà thơ với hình tượng Đất nước, được đặt trong liên hệ với mẹ, người thân, người yêu và quê hương nghèo khó cùng khát vọng hoà bình, khát vọng làm người chân chính. Toàn bài thơ là sự hoá giải cho chính nhà thơ và cho mọi người về một tình yêu có sức ám ảnh lớn: Tình yêu Tổ quốc.

Ra đi từ khu vườn đầy tiếng chim ban mai và cảnh vật quê hương với kí ức tuổi thơ nồng ấm, tác giả đã xác lập một cách tự nhiên: “Tôi yêu đất nước này như thế”. Đó là hình ảnh “Gió thổi những bông mía trắng trên sông – Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua – Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà”; đó là hoa cỏ may, là “một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu” và đặc biệt là hình ảnh người mẹ tảo tần, goá bụa ở tuổi ngoài 50, thương con đến tận cùng xa xót, tận cùng cơ cực “Những buổi trưa buổi tối – Ngồi một mình hay khóc”, “Thương con không cha – Hẩm hiu côi cút”. Và tác giả đã liên hệ với tình yêu rộng lớn: “Tôi yêu đất nước này xót xa”, “Tôi yêu đất nước này cay đắng”.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vực dậy những hình ảnh có sức lay động, khiến người đọc nghĩ đến không phải một phận người mà là một kiếp đời, là những người cần lao chung số phận buồn cùng đất nước bị chiến tranh, chia cắt.
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thần
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu
Từ tình yêu quê hương tuổi thơ gắn với bao tủi buồn, xa xót, tác giả đã hướng ra đường chân trời của suy tư và khát vọng. Nỗi đau càng lớn bao nhiêu thì khát vọng làm người, khát vọng được ước mơ thành thật càng lớn bấy nhiêu. Mỗi bước đi của người con theo dặm dài sông núi, nhìn lại khu vườn xưa thấy hẹp với biết bao điều chưa cắt nghĩa được đã hình thành một chiều kích khác, chiều kích của sự trưởng thành, của sự ra đi:
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗt to
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Còn lại đây nỗi lặng im của không gian và thời gian hiện thực:
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Đến nỗi tác giả phải thốt lên “Tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai” nghe có gì như nghẹn ngào, rưng lệ. Và cứ như thế, hành trình của một người yêu nước mình càng gắn chặt với quê hương, xứ sở và người thân không dễ gì xao nhãng, thiêng liêng và bền vững xiết bao:
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đấy nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó, chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Mỗi đoạn thơ là mỗi nỗi niềm, tâm trạng. Bài thơ dẫn dắt người đọc đi qua từng không gian – thời gian, từng trạng thái tình cảm và hoài niệm đẹp. Chân thành trong hình ảnh, xúc động trong liên tưởng, da diết trong tình yêu và đẹp trong tư thế và nhận thức của nhân vật trữ tình đã làm cho bài thơ có sức nội cảm mạnh trong người đọc. Tác giả đã đánh thức những tiềm năng sâu thẳm ở chúng ta một điều gì đó đồng nghĩa với tình yêu nguồn cội và sự chia sẻ, hiến dâng:
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Ao trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Để giờ đây:
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam, cây cải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Ao đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Không ồn ào, to tiếng, bài thơ vẫn trong mạch tâm tình, đồng hiện những ký ức gần và ký ức xa, để triển khai tứ thơ đến chiều sâu của suy tưởng, triết luận. Tình yêu Tổ quốc không có trong mỗi người nếu không xuất phát từ những gì gần gũi, thiêng liêng nhất. Vì vậy mà tác giả đã đẩy liên tưởng lên tầm khái quát để nghĩ suy, tự hào về Đất nước.
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau có rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đẩy hồn Thánh Gióng.

Đất nước với truyền thống ấy nhất định không thể sống quỳ, không thể cúi đầu làm nô lệ. Tình yêu nước phải đồng nghĩa với sự đấu tranh để giành lại sự thống nhất, độc lập, tự do; để được hạnh phúc, để Nam Bắc một nhà. Từ chân trời của quê hương, của một người phải ra đi đến với chân trời của Tổ quốc, của mọi người, “Những người yêu nước mình” đã gặp nhau trong tình đồng chí, đồng bào cao cả, dù họ chưa quen mặt, biết tên, nhưng “Cùng sống chung trên đất / Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam / Cùng có chung tên gọi Việt Nam / Mang vết thương chảy máu ngoài tim”. Và cao hơn tất cả là hành động xả thân để tổ quốc này mãi mãi là Tổ quốc của Nhân dân, của một cuộc diễu binh hùng vĩ: “Cùng anh em cất cao tiếng nói / Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do”. Bình dị mà vững chãi, gian khổ mà tin yêu mãnh liệt biết bao, dù trước mắt vẫn còn cảnh “Mẹ bồng con lên non ngồi cầu ái tử”, nhưng “Đất nước hôm nay đã thấm hồn người”. Ái Tử – Vọng Phu – Hồn Người – Non Cao… là những từ ngữ gây ấn tượng mạnh, có tính ẩn dụ cao để thể hiện tận cùng sâu thẳm nỗi đau chia cắt, khát vọng chiến đấu và chiến thắng.

Đến đây, bài thơ chùng xuống trong nỗi nhớ và niềm tin thống nhất ở ngày mai. Khổ kết như sự đúc kết của tình yêu đất nước. Cái đích của sự ra đi đầu bài thơ giờ sắp viên thành với tình yêu rộng lớn hơn nhiều. Đó là tình yêu của những người yêu nước mình chân chính nhất nhưng cũng giản dị, bình tâm nhất.
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
Nét độc đáo nghệ thuật của bài thơ không phải ở vần điệu ngọt ngào mà chính là ở cách đặt vấn đề và lí giải vấn đề một cách xúc động, thuyết phục. Bài thơ cứ như sự dâng trào của cảm xúc và tâm trạng, nhưng là cảm xúc, tâm trạng đã “thấm hồn người” nên rất logic và chặt chẽ. Với sự vững chắc trong nghề thơ và trong tư duy thơ như thế nên bài thơ dài mà không dàn trải, không thừa chữ, thừa ý. Sự lặp lại những hình ảnh mẹ, quê hương, ngôi nhà, dòng sông, trẻ thơ… là một thủ pháp nghệ thuật để chứng minh cho tình yêu đất nước rộng lớn là có cơ sở. Điệp cú “Tôi yêu đất nước này” được tái hiện sau mỗi hoàn cảnh là một độc đáo của Trần Vàng Sao, thể hiện được hành trình tâm hồn, hành trình yêu nước của không chỉ của nhà thơ mà của tất cả con người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Kết thúc bài thơ mà điệp cú ấy cứ vang lên:
– Tôi yêu đất nước này xót xa
– Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
– Tôi yêu đất nước này như thế
– Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
– Tôi yêu đất nước này lầm than
– Tôi yêu đất nước này chân thật
Bài thơ của một người yêu nước mình đã thành bài thơ của những con người Việt

chân chính yêu nước mình. Cảm ơn thi sĩ Trần Vàng Sao đã cho ta một lẽ sống, một cách làm người cao đẹp.
                    H.T.H.

(nguồn: TCSH số 192 – 02 – 2005)