Bài học về tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức | meddom.org

Bài học về tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức

08:15 – Thứ Bảy, 29/12/2012

tin từ MEDDOM Ngành Y cũng như nhiều ngành khoa học khác, việc thu thập kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ là rất quan trọng. Tuy nhiên, kinh nghiệm chỉ có giá trị khi nó được biến thành kiến thức, nghĩa là có cơ sở khoa học, có lý luận, có sáng tạo phù hợp. Theo GS Đặng Văn Chung: Kinh nghiệm là sự hiểu biết có tính chất thực hành.

Hình thành và phát triển trong bối cảnh đất nước trải qua nhiều khó khăn, ngành Y nước ta phải vượt qua biết bao thách thức về nhiều mặt, nhất là điều kiện học tập, nghiên cứu còn hạn chế, thiếu thốn so với các nước phát triển khác. Trước hoàn cảnh đó, GS Đặng Văn Chung, trong các buổi sinh hoạt khoa học với đồng nghiệp, đã truyền đạt bài học của bản thân mình về tự học để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức phù hợp với điều kiện của đất nước. Và những kinh nghiệm của bản thân ông đã được kết tinh trong bản thảo Bài giảng về “Phương pháp tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức (hay Vấn đề tự học)”, hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Theo GS Đặng Văn Chung “Kinh nghiệm là sự hiểu biết có tính chất thực hành, đó là những động tác của người kỹ thuật viên sơ cấp, người y tá. Kiến thức cũng là kinh nghiệm nhưng có lý luận, có cơ sở khoa học giúp cho người có kinh nghiệm hiểu sâu, hiểu rộng hơn những kinh nghiệm học được và nhờ đó có khả năng sáng tạo hơn người chỉ biết sử dụng kinh nghiệm của mình”[1].

Nói một cách khác kinh nghiệm là kiến thức còn sơ đẳng nhất, chỉ chú trọng về phần thực tế, thực hành để giải quyết một vấn đề.

Đối với những người mới bước vào nghề, kinh nghiệm của người đi trước là những điều mới mẻ, họ phải thu nhận, ghi nhớ và dần dần những kinh nghiệm của người khác thành những kiến thức của mình nhờ có cơ sở khoa học và sự suy luận, sự tích lũy kéo dài suốt cả đời nghề nghiệp. Đó là điều rất cần thiết. GS Chung viết: “Cũng như người tập thể dục cần phải kiên trì tập liên tục mới thấy kết quả, thấy thích thú và vì thế tiếp tục tập luyện để đạt kết quả tốt hơn”[2].

Để có được kinh nghiệm và kiến thức, trước hết là học thầy, sau đó là học từ sách vở chuyên môn, từ bạn bè, từ thực tế: “Người mới vào nghề giống như tờ giấy trắng, bản thân người đó chưa biết phân biệt đúng sai nên vai trò của người thầy lúc này rất quan trọng”[3]. Thầy là người cố vấn, định hướng, giúp đỡ chúng ta trong việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt trong những trường hợp khó khăn. Việc trao đổi với bạn bè cũng giúp ta có được những kinh nghiệm tốt nhưng kinh nghiệm bao giờ cũng đượm màu sắc cá nhân nên cũng chỉ ghi nhận như tài liệu tham khảo mà không vội vã thu nhận một cách rập khuôn.

 

Giao ban cùng các bác sĩ là sinh hoạt chuyên môn thường nhật vào các buổi sáng,
GS Đặng Văn Chung (ngồi thứ 2 bên phải), tại Bệnh viện Bạch Mai.

Song có lẽ nguồn học hỏi vô tận và đặc biệt nhất trong ngành Y là học thông qua việc khám điều trị bệnh nhân, họ là đối tượng phục vụ và cũng là đối tượng học hỏi của người thầy thuốc, GS Đặng Văn Chung cho rằng: “Bệnh nhân là một kho kinh nghiệm vô cùng phong phú chúng ta phải biết cách mở kho báu đó… nhiều bệnh nhân chừng nào thì tích lũy kinh nghiệm càng tăng chừng ấy”[4].

Không chỉ học trên những bệnh nhân đang điều trị mà ông còn rất coi trọng việc học khi tiến hành mổ tử thi: “Khám xét tử thi của bệnh nhân cũng là điều cần thiết để xây dựng kiến thức. Cơ thể bệnh nói tiếng nói cuối cùng của sự thật mà người thầy thuốc tìm hiểu khi bệnh nhân còn sống”[5]. Người thầy thuốc không quan tâm đến mổ tử thi là một điều đáng tiếc. Trong quá trình kiểm điểm tử vong, rút kinh nghiệm mà không có mổ tử thi thì chỉ là sự bàn luận suông, tranh luận không có căn cứ thì không mang lại ích lợi gì, nếu có rút ra được kinh nghiệm thì kinh nghiệm đó cũng chưa chắc chắn. Do đó, khám xét tử thi là một buổi học sinh động, phong phú và luôn đạt được nhiều kết quả nhất.

Với ngành Y, ngoài việc học trên giảng đường thì việc học thực hành ở Bệnh viện là phương pháp học mang lại hiệu quả cao và giúp học trò hiểu sâu được vấn đề, từ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm. GS Đặng Văn Chung nhấn mạnh sự cần thiết của việc học thực hành tại Bệnh viện: “Cơ sở đào tạo Y học quan trọng nhất là Bệnh viện chứ không phải trường như nhiều người còn quan niệm hiện nay, người thầy không thể thiếu được là bệnh nhân… đóng cửa Bệnh viện, trường sẽ đào tạo một số người óc đầy lý thuyết suông mà không biết chữa bệnh”[6]. Bệnh viện mang lại cho thầy thuốc kinh nghiệm còn nhà trường là nơi biến kinh nghiệm đó thành kiến thức vì vậy cần kết hợp nhà trường với Bệnh viện, giảng dạy với điều trị.

Trong phương pháp tự học GS Đặng Văn Chung đưa ra điều kiện cần và đủ để tích lũy kinh nghiệm: “Để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức phải có óc tò mò, muốn biết sự thật, tìm sự thật, phải biết cách quan sát sát bằng ngũ quan của mình… luôn luôn đưa ra những câu hỏi tại sao và tìm cách giải đáp nó”[7]. Sinh viên hiện nay có xu hướng thụ động, học dựa vào sách vở, nghe thầy giảng hơn là bản thân học trên thực tế bệnh nhân. Cách học đó dần dần xa rời thực tế, rơi vào lý thuyết suông, tách rời bệnh nhân nghĩa là xa lánh kho học tập sinh động vô tận.

Bên cạnh sự quan sát, lắng nghe, người thầy thuốc cần phải tìm tòi bổ sung kiến thức một cách kịp thời, thuận lợi bằng cách phải có ngoại ngữ để đọc được tài liệu nước ngoài, bởi thực tế tài liệu tiếng Việt không thể đủ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập. GS Đặng Văn Chung cho rằng: “Muốn có kinh nghiệm kiến thức mà không có ngoại ngữ người thầy thuốc giống như người mù đi giữa ban ngày, người điếc nghe âm nhạc. Tối thiểu phải đọc được, hiểu được một ngoại ngữ chính”[8].

Trong suốt cuộc đời làm thầy của mình GS Đặng Văn Chung đã truyền đạt những bài học thiết thực, bổ ích để rồi những bài học đó luôn được các thế hệ học trò ghi nhớ và coi đó như “kim chỉ nam” trong quá trình làm nghề của mình.

* * *

Bản thảo Bài giảng “Phương pháp tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức (hay Vấn đề tự học)” được GS Đặng Văn Chung soạn và giảng tại Thái Nguyên, Huế, Bệnh viện Việt – Xô vào năm 1978 – 1979. Bản thảo viết tay bằng bút máy mực xanh, chữ dễ đọc, giấy đã ngả vàng, lề dưới các trang đã sờn rách, nhưng giá trị nội dung của nó cho đến nay vẫn thiết thực đối với các thế hệ học trò ngành Y .

Giang Thị Nhung

________________________

[1] Trích bản thảo Bài giảng Phương pháp tích lũy kinh nghiệm và xây dựng kiến thức (hay Vấn đề tự học) của GS Đặng Văn Chung viết 5-4-1977.

[2] – [8] Như trên.