Bài báo khoa học và trích dẫn
Xin được trao đổi một chút kiến thức tôi đọc được và suy diễn lại theo cách hiểu của tôi về khái niệm “bài báo khoa học” với mong muốn có những trao đổi thêm để cùng hiểu khái niệm này theo một cách thống nhất. Mặc dù bàn về “khoa học” nhưng bài viết này tôi cố gắng trình bày theo cách hiểu “dân dã” nhất có thể!
Trong bài viết này xin trao đổi về vài vấn đề sau:
- Bài báo khoa học là gì?
- Tính khoa học của bài báo được khẳng định như thế nào?
- Trích dẫn là gì? Trích dẫn thế nào?
- Giới thiệu qua về chuẩn trích dẫn và công cụ quản lý tài liệu, trích dẫn.
Nội Dung Chính
Bài báo khoa học
Một bài báo khoa học luôn nhằm chứng minh một (hoặc một số) giả thuyết nào đó là đúng (hoặc là sai).Theo hướng dẫn cho tác giả và người phản biện của NXB Springer: Bài báo khoa học được tác giả công bố nhằm lấy một bằng cấp nào đó hoặc để “quảng bá” bản thân,… nhưng có hai điểm quan trọng nhất cần lưu ý về việc công bố bài báo khoa học:
- Để tích lũy thêm sự hiểu biết của bản thân
- Để giúp chính bản thân mình và những người khác hiểu thêm về thế giới xung quanh
Một nghiên cứu sẽ không hoàn chỉnh nếu không được công bố (thông qua các bài báo).Hiểu một cách đơn giản: Bài báo khoa học là những bài viết mà nội dung của nó được xây dựng có tính khoa học.
Tính khoa học của bài báo
Có tính khoa học hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là khách quan hay cụ thể là: Có căn cứ, lập luận rõ ràng.
- Có căn cứ tức là phải dẫn ra được các thông tin, dữ liệu được chấp nhận là đúng để làm minh chứng cho điều ta đang muốn chứng minh. Thông tin, dữ liệu có thể trích lại từ các nghiên cứu khác hoặc do tác giả tự thực nghiệm, quan sát, khảo sát,… mà có.
- Lập luận rõ ràng là cách chúng ta liên kết các thông tin, dữ liệu đã được chấp nhận là đúng trên theo một cách hợp lý nhằm chứng minh giả thuyết của ta.
Tính khoa học hiểu theo nghĩa rộng hơn phải bao gồm cả tính mới. Vấn đề nghiên cứu phải có tính mới, mới ở đây có thể là mới về nội dung, mới về phương pháp hoặc mới về phạm vi. Bàn về tính mới khá “loằng ngoằng” nên xin để dịp khác.
Lập luận
Ví dụ kinh điển của Socrat về “tam đoạn luận”: Là người thì phải chết. Socrat là người nên Socrat sẽ chết.
Ở đây thông tin đã được chấp nhận là đúng là: Là người thì phải chết và Socrat là người. Lập luận ở đây là Socrat sẽ chết. Ta thấy lập luận này hợp lý từ cách liên kết hai thông tin đã biết.
Ví dụ khác: Là người thì phải chết. Con chó Bun không phải là người nên nó không chết!
Ở đây hai thông tin đã được chấp nhận là đúng là Là người thì phải chết và Bun là một con chó. Nhưng ta thấy cách lập luận ở đây vô lý – hay nói cách khác là cách liên kết hai thông tin không hợp lý!?
Cũng lưu ý rằng, khái niệm đúng không mang nghĩa tuyệt đối. Một điều là đúng tại thời điểm này nhưng ở thời điểm khác có thể trở thành không hoàn toàn đúng hoặc không đúng nữa; một điều đúng ở phạm vi này nhưng ở phạm vi khác lại không đúng nữa, một điều đúng với nhóm đối tượng này nhưng có thể không đúng với các nhóm đối tượng khác,…
Để khẳng định một giả thuyết nào đó là đúng (hoặc sai), ta có thể:
- Chấp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu của một người khác hoặc tự liên kết các thông tin rời rạc từ các nghiên cứu khác nhau để khẳng định giả thuyết là đúng (hoặc sai).
Ví dụ:
Dựa trên logic về dịch vụ, đào tạo được chấp nhận là một dịch vụ (Ng & Forbes, 2009).
Ở đây ta đã khẳng định rằng Đào tạo là một dịch vụ bằng cách dẫn lại kết quả nghiên cứu của Ng & Forbes năm 2009 (trong đó đã chứng minh rằng đào tạo là một dịch vụ).
Ta cũng có thể khẳng định Đào tạo là một dịch vụ bằng cách dựa trên khái niệm dịch vụ của Kotler (1987), các thuộc tính cơ bản của dịch vụ (Fisk, Brown, & Bitner, 1993) và phân tích quá trình dạy – học (Pereira & Silva, 2003) để lập luận rằng đào tạo là một dịch vụ – giống như “tam đoạn luận” của Socrat đã nói ở trên.
Khi khẳng định được đào tạo là một dịch vụ, ta lập luận: Đào tạo là một dịch vụ, vì vậy có thể áp dụng các phương pháp đo lường chất lượng dịch vụ để đo lường chất lượng dịch vụ đào tạo…
- Thông qua thí nghiệm, thực nghiệm, khảo sát,… để ta khẳng định giả thuyết đó là đúng (hoặc sai).
Ví dụ: Khảo sát khách hàng bằng bảng hỏi và dùng phân tích mô hình cấu trúc (SEM) để khẳng định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch của khu du lịch ABC.
- Có thể khẳng định giả thuyết là đúng/sai qua kinh nghiệm cá nhân một người hoặc một nhóm người (chuyên gia).
Ví dụ: Chất lượng là sự phù hợp với mục đích sử dụng (Juran & Godfrey, 1999).
Lựa chọn thông tin dẫn chứng (căn cứ)
Việc lựa chọn thông tin, dữ liệu để dẫn chứng cho suy luận là một việc làm không dễ. Điểm quan trọng nhất là thông tin, dữ liệu ta dẫn chứng có độ tin cậy ở mức nào? Để đánh giá mức tin cậy của thông tin, dữ liệu thông thường ta xem nguồn của nó từ đâu.
Một bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện sẽ có giá trị hơn nhiều so với các giáo trình, sách tham khảo hay bài báo đăng trên các tạp chí, tờ báo không có phản biện.
Ta có thể trích dẫn từ bất cứ tài liệu nào có phản biện nghiêm túc. Chúng ta cũng dễ thấy ở Việt Nam, tình trạng “học đại” làm cho một số luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp không có chất lượng nên việc dẫn nguồn từ những tài liệu này có thể không đủ tin cậy.
Một số bài viết dẫn những số liệu làm cho “có vẻ” khoa học nhưng không dẫn nguồn hoặc dùng nguồn không đánh tin cậy thì vẫn không đảm bảo tính khoa học.
Văn phong khoa học
Trong khi trình bày nội dung bài báo khoa học, để thể hiện tính khoa học (khách quan) thường ta dùng văn phong dưới dạng câu bị động.
Ví dụ: Thay vì viết “Chúng tôi đã thực hiện điều tra trong 5 tháng” nên viết “Cuộc điều tra được thực hiện trong 5 tháng”. Ở đây, ai điều tra không quan trọng mà thông tin khoa học là thời gian điều tra là 5 tháng mới quan trọng.Văn phong khoa học phải thể hiện khách quan nội dung khoa học, không thể hiện cảm tính cá nhân.
Ví dụ: “Chúng tôi đã quan sát rất cẩn thận nên đảm bảo không bỏ sót điều gì.” là một câu không thể hiện tính khoa học (chủ quan).
Thay vì vậy, bằng cách mô tả quá trình quan sát, tự người đọc sẽ thấy được tính chính xác, tin cậy của quan sát: “Việc quan sát được thực hiện độc lập bởi hai người và kết quả quan sát của hai người hoàn toàn trùng khớp.”.
Trích dẫn và danh mục tài liệu trích dẫn
Trích dẫn và danh mục tài liệu trích dẫn là gì?
Qua những phân tích trên ta thấy rằng trích dẫn lại thông tin từ các nguồn khác là một phần rất quan trọng trong các bài báo khoa học.
Trích dẫn (citation) có thể hiểu đơn giản là trích lại thông tin và dẫn (chỉ ra) nguồn gốc của thông tin đó.
Việc trích là lấy thông tin làm minh chứng cho suy luận, việc dẫn là chỉ ra nguồn gốc thông tin nhằm minh chứng tính chính xác của thông tin (người đọc có thể kiểm tra nguồn xem thông tin được dẫn tin cậy tới mức nào).
Tại nơi trích thông tin sẽ dẫn tóm tắt nguồn của thông tin đó. Ở cuối bài báo có danh mục tài liệu trích dẫn (references/citations) liệt kê đầy đủ thông tin về các nguồn của các thông tin đã trích trong bài báo.
Một số vấn đề về cách trích dẫn
Có một vài vấn đề cơ bản về trích dẫn như sau:
- Không cần dẫn nguồn các kiến thức phổ thông, đã được chấp nhận rộng rãi
Ví dụ: Biểu đồ tần suất (histogram) của phần dư có hình chuông, trung bình gần 0, độ lệch chuẩn gần 1 cho thấy phần dư có phân phối gần chuẩn.
Ở đây, không cần dẫn nguồn của nguyên tắc xác định phân phối chuẩn (histogram hình chuông, mean = 0, standard deviation = 1) vì đây là kiến thức phổ thông, ai phân tích thống kê cũng biết – nó là một nguyên tắc cơ bản không ai tranh cãi, giống như 1 + 1 = 2.
Cũng lưu ý rằng, việc xác định cái gì là kiến thức phổ thông không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một thông tin có thể là phổ thông, quá cơ bản đối với người này nhưng lại là mới với người khác.
- Ngược lại, khi dùng những kiến thức, thông tin không phải là phổ biến thì phải trích và dẫn nguồn.
Ví dụ: Nunnally & Bernstein (1994) cho rằng thang đo có Cronbach alpha ≥ 0.60 là thang đo chấp nhận được về mặt độ tin cậy [4]. DeVellis (1990) cho rằng chỉ số Cronbach alpha nên từ 0.70 trở lên, song giá trị tối thiểu để thước đo có thể sử dụng được là 0.63 [5]. Hiện nay đa số các kết quả nghiên cứu hàn lâm được công bố trên các tạp chí uy tín theo quan điểm Nunnally & Bernstein (1994). (Nguyễn Đình Thọ, 2011).
Đây là một thông tin có những quan điểm khác nhau – ở trên có hai quan điểm – nên cần xác định nguồn để người đọc có thể thẩm định tính chính xác của thông tin.
- Có thể trích dẫn trực tiếp hoặc trích dẫn lại
Ví dụ:
+ Trích dẫn trực tiếp (lưu ý phần dẫn nguồn): “Chất lượng là một khái niệm không rõ ràng và mơ hồ” (Parasuraman, Zeithaml, & Berry, 1985)
+ Trích dẫn gián tiếp (lưu ý phần dẫn nguồn): Khách hàng hiểu khái niệm “chất lượng” theo hướng “con người” trong khi đó các nhà nghiên cứu lại nhìn nhận một cách “máy móc” hơn (Holbrook và Corfman, 1985, dẫn theo Parasuraman, Zeithaml, & Berry, 1988)
- Có hai dạng trình bày trích dẫn:
+ Trích nguyên văn nội dung: “Chất lượng là một khái niệm không rõ ràng và mơ hồ” (Parasuraman và c.s., 1985)
Theo cách này, nội dung trích dẫn được để trong cặp ngoặc kép. Nội dung trích nguyên văn thường ngắn gọn.
+ Trích ý, không trích nguyên văn: Theo Parasuraman, Zeithaml, & Berry (1985): Chất lượng là một khái niệm không rõ ràng và mơ hồ.
Theo cách này, phần nội dung trích dẫn cần tách thành một đoạn văn (paragraph) riêng. Nội dung gốc thường dài nên chỉ trích lại ý của nội dung gốc.
- Viết tên tác giả khi dẫn nguồn:
+ Với tên tác giả một số nước xưng hô (lịch sự) bằng họ như người Anh, Mỹ, Úc,… thì chỉ dẫn họ.
Ví dụ: Theo Parasuraman, Zeithaml, & Berry (1985) hoặc (Parasuraman và c.s., 1985).
+ Với tên tác giả người Việt cần dẫn đủ họ, tên:
Ví dụ: Theo Nguyễn Đình Thọ (2011) hoặc (Nguyễn Đình Thọ, 2011).
Chuẩn trích dẫn và danh mục tài liệu trích dẫn
Chuẩn trích dẫn (citation style) quy định cách trình bày trích dẫn và danh mục tài liệu trích dẫn.
Lưu ý: “Danh mục tài liệu trích dẫn” (references/citations) thường được xem như chính là “Danh mục tài liệu tham khảo” (bibliography). Tuy nhiên đôi khi chúng có ý nghĩa khác nhau. Một số người cho rằng danh mục tài liệu trích dẫn là danh mục các nguồn thông tin có trích dẫn trong bài, trong khi danh mục tài liệu tham khảo gồm các nguồn thông tin đã có trích dẫn trong bài và cả những nguồn thông tin không trích dẫn nhưng có tham khảo.
Hiện có rất nhiều chuẩn trích dẫn khác nhau như: MLA, APA, Havard, Chicago, GOST, IEEE, ISO,… Mặc dù trên mạng có một số tài liệu nói rằng có quy định về trích dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nhưng tôi chưa tìm được bất cứ văn bản nào của Bộ GDĐT quy định cụ thể về vấn đề này. Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT (quy chế đào tạo thạc sỹ) và thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (quy chế đào tạo tiến sỹ) đều không quy định cụ thể vấn đề này.
Tuy vậy, dường như nhiều trường ĐH trong nước sử dụng kiểu trích dẫn Havard (tôi không chắc về vấn đề này, tôi chỉ chắc chắn ĐH Kinh tế TP. HCM, ĐH Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội dùng dạng trích dẫn Havard).
Dạng trích dẫn Havard thường dùng là dạng Tác giả – Năm mà cụ thể là các chuẩn APA, Chicago (và một vài chuẩn khác).
Ví dụ chuẩn APA 6th (lưu ý phần nguồn trích và các trình bày danh mục tài liệu trích):
Ví dụ chuẩn Chicago (lưu ý phần chữ in đậm):
Phần mềm quản lý tài liệu tham khảo và trích dẫn
Có rất nhiều phần mềm quản lý tài liệu tham khảo như EndNote, Mendeley, Zotero,… Các phần mềm này giúp ta lưu lại các nguồn thông tin mà ta đọc được (bài báo, luận văn, sách, điều luật, trang web,….) và ghi chú những nội dung chính mà ta chú ý đồng thời cho phép ta phân loại theo chủ đề, theo từ khóa,… để dễ dàng tìm kiếm, sử dụng về sau.
Các phần mềm này cũng cho phép ta chèn trích dẫn vào văn bản Ms Word (hoặc OpenOffice) và sau đó tự động tạo danh mục tài liệu trích dẫn cho ta. Ms Word cũng có tính năng cho phép lập danh mục tài liệu, chèn trích dẫn và tự động tạo danh mục tài liệu trích dẫn.
Trong các phần mềm trên, Mendeley, Zotero là phần mềm miễn phí. EndNote là phần mềm thương mại. EndNote có nhiều tính năng khá hay nhưng nhược điểm của nó là phần mềm thương mại, mua khá đắt. Ta cũng có thể dùng đồ “chôm chỉa” (tức là crack) nhưng làm nghiên cứu khoa học mà dùng đồ “chôm” thì có vẻ không khoa học tí nào!? (đồ của mình mà bị người ta “chôm” như vậy thì mình có cảm giác thế nào?)
Cá nhân tôi thì tôi rất thích dùng Zotero.
Cụ thể cách sử dụng Ms Word để quản lý tài liệu trích dẫn tôi sẽ trình bày sau.P/S: Sau một hồi loay hoay thì cũng đã soạn được hướng dẫn dùng Ms Word để quản lý trích dẫn. Vì làm nhanh nên có thể hơi khó hiểu, các thầy, cô, anh, chị xem và nếu có chỗ nào chưa rõ thì trao đổi lại: http://vtvc.edu.vn/su-dung-ms-word-quan-ly-tai-lieu-trich-dan/
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fisk, R. P., Brown, S. W., & Bitner, M. J. (1993). Tracking the evolution of the services marketing literature. Journal of Retailing, 69(1), 61.
2. Juran, J. M., & Godfrey, A. B. (B.t.v). (1999). Juran’s quality handbook (5th ed). New York: McGraw Hill.
3. Ng, I. C., & Forbes, J. (2009). Education as service: The understanding of university experience through the service logic. Journal of Marketing for Higher Education, 19(1), 38–64.
4. Nguyễn Đình Thọ. (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh – Thiết kế và thực hiện. TP. HCM: NXB Lao động – Xã hội.
5. Parasuraman, A., Zeithaml, V. A., & Berry, L. L. (1985). A Conceptual Model of Service Quality and Its Implications for Future Research. Journal of Marketing, 49, 41–50.
6. Parasuraman, A., Zeithaml, V., & Berry, L. (1988). SERVQUAL: A Multiple-Item Scale for Measuring Consumer Perceptions of Service Quality. Journal of Retailing, 64(1), 12–40.
7. Pereira, M. A. C., & Silva, M. T. D. (2003). A key question for higher education: Who are the customers. Trong Proceedings of the 31st Annual Conference of the Production and Operations (tr 1–16). Truy vấn từ http://www.poms.org/archive/conferences/Meeting2003/2003A/Papers/SOM-19.3.pdf
8. Springer. (2018, Tháng Giêng 25). Author & reviewer tutorials. Truy vấn 23 Tháng Giêng 2018, từ https://www.springer.com/us/authors-editors/authorandreviewertutorials?wt_mc=E-Mail.Newsletter.2.AUT514.Tutorial%20takeaway%20&utm_medium=e-mail&utm_source=newsletter&utm_content=8012017&utm_campaign=2_san2600_tutorial%20takeaway%20
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…