Bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến
Bác sĩ Phạm Thanh Vũ (34 tuổi), phụ trách Khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện Q.11, TP.HCM) với sáng kiến “Đánh giá kết quả bước đầu và tính an toàn phẫu thuật thay khớp háng bán phần điều trị gãy cổ xương đùi bằng chỏm lưỡng cực” vinh dự nhận được Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019, dành cho những thầy thuốc trẻ tiêu biểu do Thành đoàn TP.HCM tuyên dương.
Đề tài nghiên cứu trong vòng 10 tháng và tính đến nay bác sĩ Vũ đã chữa trị thành công cho gần 200 bệnh nhân bằng phương pháp này.
Nói về những ưu điểm của phương pháp mới, bác sĩ Vũ khẳng định: “Giúp bệnh nhân nhanh phục hồi, vận động sớm sau mổ, không phải chờ thời gian liền xương như các phương pháp KHX như trước đây. Ngoài ra, bệnh nhân được thay khớp vững chắc, ít bị tổn thương vùng mô xung quanh, khắc phục được hạn chế do loãng xương. Đặc biệt, với phương pháp này, chúng ta có thể áp dụng được cho tất cả trường hợp gãy cổ xương đùi, từ đơn giản đến phức tạp…”.
Bác sĩ Vũ từng thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp để thay khớp háng nhân tạo cho cụ ông 98 tuổi (quê Bình Thuận), khi áp dụng phương pháp trên. Bác sĩ Vũ bật mí: “Mình đang nghiên cứu về sáng kiến “Cải tiến phương pháp mổ KHX gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay” và “Thay khớp gối cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối co rút”, cùng nhiều sáng kiến, phương pháp mới khác mà mình đang ấp ủ hướng tới giúp điều trị tốt nhất cho người bệnh với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất”.
Bác sĩ Trần Thị Mai Linh
Cũng vinh dự nhận được Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2019, bác sĩ Trần Thị Mai Linh (36 tuổi), công tác tại Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), cũng có nhiều đề tài sáng kiến, nghiên cứu khoa học, nhưng được chú ý nhất là đề tài “Điều trị phẫu thuật bệnh đầu nước bằng phương pháp chuyển lưu dịch não tủy não thất vào tâm nhĩ”.
Theo bác sĩ Linh, bệnh đầu nước có tên dân gian là não úng thủy, chúng ta thường thấy các em bé có đầu to căng là một dạng của não úng thủy. Đầu nước là bệnh nhân sẽ mang ống này gần như vĩnh viễn. Trong người sẽ có 1 ống dẫn lưu dịch não tủy từ não xuống tim.
Bác sĩ Linh nói: “Hiện tại trong quá trình chữa trị bệnh này, thông dụng nhất là đặt dẫn lưu não thất vào ổ bụng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, việc đặt vào bụng không thể đáp ứng được, chẳng hạn như bệnh nhân đã từng phẫu thuật ổ bụng trước đó hay bụng không hấp thu dịch từ trên não được nên chúng ta phải tìm cách chuyển sang đặt dẫn lưu vào tâm nhĩ của tim. Tức là, đổi vị trí chuyển từ bụng sang tim”.
Cũng theo bác sĩ Linh, phương pháp chuyển lưu dịch não tủy não thất vào tâm nhĩ là phương pháp mới tại VN, vì từ trước đến nay chưa có nghiên cứu nào được thực hiện theo phương pháp này. “Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho ứng dụng thực tiễn không những cho bệnh đầu nước mà sẽ tạo tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến sọ não”, bác sĩ Linh nói.