Bác sĩ Trần Duy Hưng – thị trưởng Hà Nội đầu tiên và lâu năm nhất

ăn hộ của ông Trần Tiến Đức nằm trong một chung cư gần Hồ Tây – một khu vực đẹp nhất Thủ đô. Từ cửa sổ căn hộ nhìn ra phía xa là thôn Hòe Thị, làng Canh (trước kia là phủ Hoài Đức, Hà Đông), nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Trong ký ức nhiều người, nhắc đến Bác sĩ Trần Duy Hưng  – Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội luôn hiện lên hình ảnh một trí thức. Thưa ông, rõ ràng ở đây có câu chuyện về tầm nhìn và phép dùng người của Cụ Hồ khi giao trọng trách Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô cho một trí thức 33 tuổi lúc ấy đang là bác sĩ. Sinh thời, Bác sĩ Trần Duy Hưng có bao giờ tâm sự gì về việc này không? Thiên hướng và tư chất của nhà trí thức yêu nước Trần Duy Hưng đã bộc lộ như thế nào để Hồ Chủ tịch tin rằng đó là người xứng đáng?

– Chuyện Cụ Hồ mời bác sĩ Trần Duy Hưng ra làm Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Nhân dân (lúc ấy gọi là Uỷ ban hành chính) Hà Nội là một câu chuyện thú vị. Cha tôi kể, vào những ngày cuối tháng 8/1945, ông Vũ Đình Huỳnh giới thiệu bác sĩ Trần Duy Hưng trước hết là đến thăm khám sức khoẻ cho Cụ Hồ. Lúc đó ông Cụ mới ở Việt Bắc về và vừa trải qua một trận ốm nặng.

Sau đó, Cụ Hồ đã ngỏ ý mời cha tôi ra làm Thị trưởng Hà Nội. Nghe thế, cha tôi có nói với Cụ Hồ: Thưa cụ, tôi không quen làm việc nhà nước, tôi chỉ quen chữa bệnh thôi. Thì Cụ Hồ trả lời: Tôi cũng đã bao giờ làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cùng học thôi.

Và ngày 30/8/1945, ông Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ cách mạng lâm thời đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Hà Nội.

Việc Cụ Hồ chọn Bác sĩ Trần Duy Hưng chắc cũng có bắt nguồn từ việc, các vị trong Đảng Cộng sản cũng đã theo dõi hoạt động xã hội của cha tôi trước đó. Cha tôi học trường Đại học Y Đông Dương nhưng ngay từ lúc sinh viên đã tham gia các hoạt động xã hội. Ông tham gia phong trào hướng đạo của cụ Hoàng Đạo Thuý. Mặc dù đang là sinh viên trường Y nhưng cha tôi đã tham gia rất tích cực, về sau còn làm trưởng một đoàn hướng đạo là Đoàn Bồ Đề hoạt động ở Văn Miếu. Đoàn có rất nhiều hoạt động xã hội yêu nước. Ví dụ năm 1936, cha tôi đã cùng với một số trí thức thành lập Hội Ánh sáng với mục đích rất nhân đạo, nhân văn, thiết thực. Khi hoạt động hướng đạo thấy đồng bào nhiều nơi sống trong những căn nhà chật hẹp tối tăm, thì nhóm trí thức đó quyết định thành lập Hội Ánh sáng, hiểu một cách đơn giản ánh sáng là xoá được nhà tranh, nhà tạm, nhà tối tăm, để thiết kế những kiểu mẫu nhà hợp với thiên nhiên ở Việt Nam. Đến năm 1945, cha tôi còn tham gia một hội khác nữa cũng cùng với một nhóm trí thức kêu gọi đoàn kết khắp thảy các giới trong xã hội và các khuynh hướng chính trị.

Lúc ấy, thưa ông, bác sĩ Trần Duy Hưng chưa phải là Đảng viên Cộng sản?

– Chưa, trước đó cha tôi có tham gia Việt Minh nhưng chưa phải Đảng viên Cộng sản. Việc cha tôi tham gia Việt Minh là thông qua cô em ruột là bà Trần Thị Mỹ. Lúc ấy cha tôi có mở bệnh viện tư ở số 6 Hàng Bông Nhuộm. Cô Mỹ tham gia Việt Minh từ những năm 1943, thân thiết với một số nhà hoạt động cách mạng. Và một số cán bộ Việt Minh bị truy lùng cũng được cô tôi đưa về bệnh viện đóng vai bệnh nhân. Cha tôi biết và ủng hộ Việt Minh qua cách đó. Nghĩa là lúc đó ông là một người yêu nước nhưng chưa phải là Cộng sản.

Tôi nghĩ rằng Cụ Hồ rất sáng suốt khi chọn những người có uy tín rộng rãi trong xã hội tham gia Chính phủ mới, mà ông Trần Duy Hưng là một trong những người đó. Cụ Hồ thấy rằng phải dùng những người này mới tập hợp được dân chúng lại.

Thậm chí sau đó theo chính sách của Cụ Hồ thì không phải nhà trí thức yêu nước nào tham gia vào bộ máy Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ cũng trở thành đảng viên Cộng sản. Bác sĩ Trần Duy Hưng lại là một trường hợp khác, phải không ạ?

– Đúng là như vậy. Cha tôi được kết nạp Đảng năm 1946. Khi Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, ngoài Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Thông tin – Tuyên truyền Trần Huy Liệu là đảng viên Cộng sản, các Bộ trưởng còn lại là người ngoài đảng. 

Đến năm 1946, khi thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Cụ Hồ đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng – một chí sĩ yêu nước người Quảng Nam, không phải là đảng viên Cộng sản, là Bộ trưởng Nội vụ. Năm 1947, cụ Huỳnh sức khoẻ yếu xin về quê rồi mất tại quê nhà. Cụ Hồ đã bổ nhiệm cụ Phan Kế Toại cũng là một nhân sĩ, giữ chức Bộ trưởng Nội vụ – một trong những Bộ quan trọng nhất.

Đấy là cái tài của Cụ Hồ đã chèo chống đất nước vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn đó!

Trong số các bức ảnh tư liệu còn lại, có rất nhiều hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng kề cận bên Bác Hồ. Cụ Hồ cũng đã đến nhà riêng của bác sĩ Trần Duy Hưng nhiều lần. Ông nhớ gì về mối quan hệ thân tình đó và ông có nhớ những lần gặp Bác nào thật đặc biệt không?

 – Lần đầu tiên Cụ Hồ đến nhà tôi là vào tối 30 Tết năm 1946 để cùng với cha tôi lúc ấy là Thị trưởng Hà Nội đi thăm chúc Tết một số gia đình. Những năm sau này việc này trở thành truyền thống, Tết nào Chủ tịch nước cùng với Chủ tịch thành phố cũng đi thăm một số gia đìnhvăn nghệ sĩ trí thức, gia đình cách mạng và bao giờ cũng thăm gia đình nghèo. Cuộc đi thăm gia đình nghèo của đêm 30 Tết đầu tiên nước nhà Độc lập ấy đã được sách báo nói nhiều.

Lúc Cụ Hồ đến, gia đình tôi đang tập hợp bên mâm cơm tất niên. Bà nội tôi đã nói với Cụ: Đây là bữa cơm tất niên xin mời Cụ Chủ tịch cùng ngồi vào mâm cơm với gia đình. Cụ Hồ ngồi xuống rồi nói với bà nội tôi là xin lỗi cụ, tôi với Bác sĩ phải đi thăm một số gia đình. Sau khi Cụ Hồ đi rồi thì bà nội tôi, một người làng Ngọc Hà, sinh ra trong một gia đình Hà Nội rất lâu đời có gia phong nền nếp, đã nói: Thật quý hoá cho nhà mình vì đã được Cụ Chủ tịch đến thăm. Cụ thật là một con người đức độ!

Sau này, tôi có may mắn được lên An toàn khu từ tháng 5/1948 đến 8/1951. Ở trên An toàn khu, vì chưa có bác sĩ riêng nên cha tôi lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ vẫn kiêm luôn việc chăm sóc sức khoẻ cho Cụ Hồ. Có lẽ vì vậy nên trong số các Bộ trưởng, Thứ trưởng của Chính phủ kháng chiến, Cụ Hồ rất quý và thân thiết với cha tôi.

Tôi hay được cha tôi đưa đi cùng khi họp Hội đồng Chính phủ, ở huyện Sơn Dương ngay gần cây đa Tân Trào. Chính phủ lúc ấy như một gia đình, họp ban ngày, đến tối lại đốt lửa trại. Cha tôi luôn là hoạt náo viên, dẫn chương trình. Một lần, Cụ Hồ bảo tôi lên đọc bài thơ, tôi đọc xong thì Bác Hồ nói hôm nào Bác sĩ cho cháu lên chơi với tôi.

Lần đầu tôi được đưa đến chỗ Cụ Hồ ở ATK là khi chỗ ở của Cụ còn bên sông Đáy, cách nhà tôi gần chục cây số. Cần vụ của cha tôi đưa tôi đến rồi bàn giao cho bảo vệ của Cụ, chèo thuyền đưa anh trai tôi và tôi qua sông. Suốt trong thời kỳ từ 1948 đến 1951, cứ độ 3 tháng tôi lại đến ở với Cụ Hồ một lần. Trước khi tôi đi học thiếu sinh quân, Cụ bảo cha tôi cho tôi đến ở 3 ngày. Tôi có cảm giác Cụ quý tôi, quý gia đình tôi vì Cụ muốn tìm một không khí gia đình mà Cụ thiếu.

Sau này, hòa bình lập lại về Hà Nội, Cụ vẫn thường đến nhà tôi. Mồng 3 Tết năm 1967 là lần cuối cùng Cụ Hồ đến nhà tôi ở 11 Lê Phụng Hiểu. Đến Tết năm 1968 thì Cụ ốm, phải đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Ở trong gia đình, bác sĩ Trần Duy Hưng đối xử với vợ con như nào, thưa ông?

– Cha tôi không đánh con bao giờ, ông chỉ nêu tấm gương của mình để các con học tập. Qua nếp sống hàng ngày ông đối xử với bà tôi, với mẹ tôi, với các cô các chú họ hàng trong nhà thì thấy rằng ông bao giờ cũng rất chân tình, rất có trên có dưới, rất quý trọng những mối quan hệ họ hàng.

Cũng giống như nhiều trí thức được đào tạo dưới thời Pháp, cha tôi không những chỉ có kiến thức về chuyên môn mà có phông văn hoá rất rộng. Sách báo tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, các tác phẩm cổ điển thế giới ông đều đọc hết. Lớp trí thức hồi ấy đều có hiểu biết về âm nhạc, hội hoạ. Cha tôi chơi violon, mấy anh em trong gia đình, các chú tôi đều chơi đàn. Trong gia đình ông lúc nào cũng như có một ban nhạc nhỏ. Cha tôi chơi thân với các nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phạm Duy là con nuôi của bà nội tôi. Cha tôi cũng rất thân với hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Sau này cần trang bị bàn ghế cho UBND, ông luôn đặt hàng cho ông Trịnh Hữu Ngọc thiết kế.

Ông có nhớ Bác sĩ Trần Duy Hưng khi ấy hay chơi những bản nhạc gì?

– Ông chơi các bản như Thiên thai hoặc Danube xanh… Lúc ra kháng chiến ông có mang theo cây đàn violon, khi Đài tiếng nói Việt Nam không có đàn thì ông đã tặng lại cây đàn đó cho Đài.

Bác sĩ Trần Duy Hưng là người có tâm hồn, có tình yêu với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ. Theo ông tình yêu ấy đã được thể hiện như thế nào trong chính sách của TP. HN những năm Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng nhằm nâng cao và tôn vinh văn hoá?

– Tôi nghĩ, thời bác sĩ Trần Duy Hưng làm thị trưởng thì các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật Hà Nội đều rất được quan tâm. Cha tôi luôn đến tận nơi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các văn nghệ sĩ. Tôi nhớ có một câu chuyện cụ thể: Đó là có một chị là diễn viên múa Đoàn ca múa Hà Nội có anh chồng là giáo viên phải đi dạy tận trong Thanh Hoá, gia đình rất khó khăn. Chị có đề đạt thẳng nguyện vọng là Chủ tịch có thể giúp được không và cha tôi đã giúp để chồng chị được về Hà Nội dạy học.

Hoặc một câu chuyện khác là nghệ sĩ guitare Hải Thoại. Anh vốn là con của một tình báo viên bên ta cài vào phòng nhì Pháp làm nhân viên đánh máy. Sau năm 1954, để tiếp tục hoạt động tình báo viên này buộc phải đi Nam. Như vậy về mặt công khai nghệ sĩ Hải Thoại có cha là nhân viên của phòng nhì Pháp, cho nên Hải Thoại và các em đang học đại học đều bị cho nghỉ hết. Anh phải quay về quê ở Nam Định. Năm 1963-1964 ông trở lại Hà Nội ở nhờ bạn bè, vì tôi thích âm nhạc nên có chơi trong một nhóm bạn có Hải Thoại. Bọn tôi thường kéo nhau đến nhà một người bạn chỗ bờ sông nghe Hải Thoại chơi guitare, có hôm đến nửa đêm. Khi tôi về nhà muộn cha tôi hỏi, con đi đâu về muộn thế, thì tôi có kể là có người bạn là Hải Thoại chơi guitare rất hay. Cha tôi ngỏ ý muốn tôi mời Hải Thoại đến nhà. Nghe đàn xong, cha tôi rất thích mới hỏi hoàn cảnh. Hải Thoại mới nói thật là cháu ở đây không có hộ khẩu, nay ở nhà người này, mai ở nhà khác, vì không có hộ khẩu nên cũng không xin được việc. Thế là cha tôi đề nghị bố trí cho Hải Thoại một phòng ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, cho nhập hộ khẩu Hà Nội và nhờ thế mà xin Hải Thoại được vào làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Tôi chỉ kể mấy việc cụ thể như vậy để các bạn hình dung sự quan tâm của cha tôi với các văn nghệ sĩ rất cụ thể, thiết thực.

Có nhiều câu chuyện như giai thoại về cách hành xử gần dân, hiểu dân của Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng. Nhưng chúng tôi muốn nghe từ ông, con trai của cụ, kể lại những gì ông đã được chứng kiến hồi ấy?

– Bao trùm lên mọi hành xử của ông vẫn là tinh thần yêu người dân, đồng cảm với người dân. Tôi muốn kể mấy câu chuyện như sau:

Một là trường hợp ông Lê Minh Đức, người miền Nam tập kết, Giám đốc nhà máy xe lửa Gia Lâm, Anh hùng Lao động. Lúc đó, những năm sáu mươi, khu Nhà máy xe lửa Gia Lâm xưởng làm việc rất chật hẹp. Ông Đức mới cho xây thêm vài phòng cấp 4 lấy chỗ cho anh em làm việc. Đang xây thì thanh tra sở kiến trúc đến cho là vi phạm bắt dừng lại. Thế là ông Đức mới đến thẳng nhà tôi ở 11 Lê Phụng Hiểu đứng chờ ở cửa. Cụ Hưng đi làm về hỏi hôm nay có việc gì mà anh đến mà lại không vào nhà thế? Ông Đức bảo hôm nay có việc gấp tôi cần trao đổi với anh, tôi ngại làm phiền gia đình nên chờ anh ở đây. Cha tôi nói thế thì buổi chiều mời anh đến phòng làm việc của tôi. Buổi chiều, cha tôi mời cả đại diện Sở Kiến trúc đến nghe ông Lê Minh Đức trình bày. Nghe xong, đại diện Sở vẫn kiên quyết cho rằng việc xây dựng ấy không có trong quy hoạch, hơn nữa đã có quyết định đình chỉ xây dựng rồi. Cha tôi thấy thế thì nói là tôn trọng quyết định của Sở, cũng không cần huỷ quyết định. Các anh làm theo lý không sai, nhưng cứ để yên cho anh Đức xây nốt mấy phòng cấp 4 cho anh em làm việc, cũng có sao đâu. Thế là Sở cũng đồng ý. Cha tôi không áp đặt phủ quyết cấp dưới, vẫn tôn trọng ý kiến anh em chuyên môn, nhưng giải quyết công việc có lý có tình.

Chuyện thứ 2 là hôm cha tôi mất, có một chị tầm 40 tuổi, đến cửa nhà tôi ở Lê Phụng Hiểu xin lên thắp hương. Gia đình có hỏi vì sao chị lại biết cha tôi, chị mới kể: Năm 1972 chiến tranh, nhà chị ở bên bờ sông bị bom phá hết. Chị chạy vào trong phố lên sân thượng một ngôi nhà lợp một cái mái tranh xin ở tạm với một đứa con. Chồng chị thì đang ở chiến trường. Nhưng khu phố kiên quyết đuổi đi. Có người mách cho chị là chỉ có thể kêu lên ông Chủ tịch thành phố may ra mới cứu được gia đình chị. Thế là chị  tìm đến chờ ở cửa nhà tôi. Cha tôi đi làm về thì chị quỳ xuống, cha tôi mời chị đứng dậy trình bày. Nghe xong, cha tôi ngay lập tức viết một bức thư gửi xuống khu (nay là quận) Hoàn Kiếm đề nghị cho chị ấy một chỗ ở. Từ đấy chị không gặp lại cha tôi. Cho đến khi biết cha tôi mất, chị mới tìm đến nhà xin thắp hương.

Chuyện thứ 3 xảy ra năm 1973, lúc đó ở miền Bắc có các trại an dưỡng dành cho cán bộ và thương binh miền Nam. Ở trại an dưỡng Vĩnh Yên có đối xử thế nào đó khiến những cán bộ, thương binh ở đây không bằng lòng. Khoảng 20 thương binh đã tìm về HN, đến nhà tôi. Anh bảo vệ gọi cho cha tôi báo cáo tình hình có vẻ căng, đề nghị đưa một trung đội cảnh sát tới. Cha tôi gạt đi, nói là anh nói với nhà tôi xuống mở cửa mời anh em vào phòng khách uống nước. Rồi cha tôi xuống, hỏi han thân tình các đồng chí hôm nay đến thăm tôi có việc gì. Họ trình bày hết mọi thắc mắc. Nghe xong, cha tôi nói; Cảm ơn các đồng chí đã tin tưởng tôi mà đến đây. Nhưng trước hết tôi nói với các đồng chí là chỗ các đồng chí ở không trên địa phận Thủ đô nên thật ra là không thuộc trách nhiệm của tôi. Nhưng với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi thấy phải có trách nhiệm cùng các đồng chí giải quyết việc này. Bây giờ các đồng chí uống nước rồi mời các đồng chí yên tâm về, tôi hứa ngày mai sẽ gặp các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Thế là anh em hạ hoả luôn, rất vui vẻ ra về.

Qua việc này, tôi thấy thực ra người dân rất cần được lắng nghe. Họ chỉ cần thấy có người lắng nghe họ.

Theo ông, nguyên tắc và phương pháp làm việc được Bác sĩ Trần Duy Hưng thực hiện trong suốt cuộc đời là gì?

– Gần dân. Đối với ông đó là bình thường, không phải là việc ông cố tình thể hiện ra. Ngoài giờ làm việc ông không bao giờ sử dụng lái xe. Ông tự lái xe, hoặc đi xe môtô. Hồi máy bay Mỹ bắn phá cầu Long Biên lần đầu tiên, nghe tin ông lập tức tự lái môtô lên thẳng cầu xem chỗ bắn phá thế nào, thăm các chiến sĩ ở khẩu đại liên phòng không trên cầu. Suốt những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thủ đô chỗ nào có bom đạn cha tôi đều có mặt ngay. Phố Huế năm 1967 bị bom ông kéo tôi đi cùng. Hôm Sứ quán Pháp bị bom năm 1972 ông cũng kéo tôi đi cùng. Đêm An Dương bị đánh bom tháng 12/1972, sáng sớm tôi từ nơi sơ tán Vĩnh Yên về Hà Nội. Về nhà một lúc mới thấy cha tôi về. Tôi hỏi ông đi đâu về. Ông nói với tôi là bố vừa ở An Dương về. Anh sĩ quan cận vệ kể với tôi: Sợ quá anh Đức ạ! Người chết thịt xương tan tác hết cả, thế mà Bác sĩ đi nhặt từng mảnh xương về sắp xếp vào trong từng quan tài. Sau đó cha tôi bị tổ chức phê bình là chỗ của anh không phải ở đó, mà là ở sở chỉ huy. Cha tôi có nói lại là nếu tôi ngồi sở chỉ huy thì tôi không biết tình hình cụ thể thế nào để có phương án lo cho dân của tôi. Hơn nữa tôi là một bác sĩ, khi nào có người bị nạn thì bác sĩ phải có mặt cứu chữa.

Sau ngày 30/4/1975, ông vào Sài Gòn, tham gia đoàn đại biểu hiệp thương. Ngày 15/5/1975 mít tinh chào mừng Thành phố Giải phóng, ông không đứng trên khán đài dinh Độc Lập. Ông xuống dưới đường, đứng cạnh những người dân Sài Gòn. Hôm ấy ở Sài Gòn có hẳn một bài báo viết về việc ông Thị trưởng Hà Nội đứng cùng những người dân Sài Gòn.

Thực ra tôi hiểu cha tôi không phải đang cố làm việc gì đó khác người, mà đấy là tính cách của ông. Ông sống giản dị gần dân, không thể khác được.

Vì sao Bác sĩ Trần Duy Hưng lại làm Chủ tịch Thành phố lâu như vậy, thưa ông?

– Năm 1954 khi trở về tiếp quản Hà Nội, Cụ Hồ nói rõ ràng phải có người tiêu biểu cho Hà Nội làm chính quyền nên chọn ông Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch Uỷ ban Quân quản Hà Nội (ông Vương Thừa Vũ – Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 làm Chủ tịch). Vài tháng sau khi Uỷ ban Quân quản hết nhiệm vụ mới bàn giao cho Uỷ ban Hành chính và lúc ấy ông Hưng mới làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính.

Nhưng chuyện này ít người biết: Tuy làm Chủ tịch lâu thế, bao giờ cũng được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội với số phiếu cao nhưng cha tôi chưa bao giờ là Thường vụ Thành uỷ.

Trong thời gian cha tôi làm Chủ tịch Hà Nội cũng có ý kiến thưa với Cụ Hồ là chuyển Bác sĩ Trần Duy Hưng sang công tác khác như Bộ Ngoại giao chẳng hạn. Nhưng Cụ Hồ trả lời là chừng nào đất nước chưa thống nhất thì Bác sĩ  Trần Duy Hưng còn phải làm Chủ tịch Hà Nội.

Năm 1972, khi cha tôi đúng 60 tuổi, ông có làm đơn xin nghỉ hưu nhưng cũng không được đồng ý. Cho nên đúng đến năm 1977 khi cha tôi đúng 65 tuổi, cụ làm đơn mới được cho nghỉ. Có lẽ vai trò của cha tôi đến lúc ấy là cũng hết rồi, đất nước thống nhất rồi.

Ông – với tư cách một công dân Hà Nội chứ không phải một người con, đánh giá dấu ấn lớn nhất của Chủ tịch Trần Duy Hưng trong một thời gian hơn 20 năm làm Chủ tịch Hà Nội là gì?

– Công việc của Chủ tịch Thành phố thể hiện trong nhiều mặt nên không thể đánh giá được hết. Nhưng cái dấu ấn lớn nhất, theo tôi, là toàn bộ chính sách của Hà Nội thời ấy đều lấy dân làm gốc. Tất cả mọi việc là đều vì dân! Tôi lấy một ví dụ: Khi chiến tranh phá hoại vừa kết thúc, để giải quyết chỗ ở cho người dân, thành phố đã cho xây dựng những khu tập thể 2 tầng đầu tiên của Hà Nội tuy còn rất đơn sơ như khu Trương Định.

Theo ông, sau ngần ấy năm là Chủ tịch Thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng còn có những điều gì tiếc nuối chưa làm được cho Hà Nội?

– Cha tôi có nhiều hoài bão rất hay. Ví dụ ông cho rằng trong khoảng cách 50 đến 100m đến sát mép nước Hồ Tây nên trồng hoàn toàn thảm cây xanh chạy suốt xung quanh hồ, đến lớp bên ngoài mới tính đến xây dựng nhà cửa.

Hoặc là năm 1962, có một một đoàn kiến trúc sư ở Leningrad (nay là Saint Petersburg) tới Hà Nội. Sau khi đi thăm quan một vòng thành phố, thấy Hà Nội có rất nhiều ao hồ, họ muốn quy hoạch, nối hệ thống ao hồ Hà Nội bằng những con kênh. Họ có nói với cha tôi là nếu đồng chí tán thành, chúng tôi sẽ làm quy hoạch Hà Nội đẹp như Saint Petersburg. Cha tôi rất thích, nhưng sau đó đến thời kỳ chiến tranh phá hoại nên ý tưởng đó không còn được nhắc tới nữa.

Một con đường lớn mới mở của Thủ đô đã được đặt tên Chủ tịch lâu năm nhất của Hà Nội. Thành phố khi đặt tên đường Trần Duy Hưng có hỏi ý kiến gia đình không?

– Không. Gia đình tôi không được tham gia vào việc đặt tên đường. Trước khi có tên đường Trần Duy Hưng gia đình tôi cũng không đề nghị gì. Chúng tôi cũng chỉ biết có tên đường sau khi đã được chọn xong. Có một điều tôi tiếc là đáng lẽ đường đó phải được quy hoạch đẹp hơn, chứ hiện nay nhìn kiến trúc của nó khá lộn xộn, không xứng đáng với một con đường lớn mới mở của Thủ đô.

Hiện giờ tư liệu về bác sĩ Trần Duy Hưng có còn được gia đình lưu giữ nhiều không và ông có nghĩ rằng thành phố nên có một nhà lưu niệm hoặc một phòng trưng bày đặc biệt về vị Thị trưởng đầu tiên và lâu năm nhất của Hà Nội?

– Ở quê Xuân Phương chúng tôi vẫn có mảnh đất, gia đình có xây một cái nhà thờ bày một số kỷ vật tưởng niệm cha tôi. Tại căn nhà 11 Lê Phụng Hiểu, nơi anh em chúng tôi cùng đối tác xây dựng thành một khách sạn, có dành phòng trên cùng để làm phòng lưu niệm Trần Duy Hưng. Nhưng đều là ở quy mô gia đình thôi. Thành phố không đầu tư gì.

Gia đình Bác sĩ Trần Duy Hưng sống rất lâu đời ở Hà Nội. Nền nếp truyền thống gia đình đã được gìn giữ như thế nào?

– Cha tôi giáo dục con cái bằng những lời khuyên chân tình, sẵn sàng trò chuyện với con cái. Dòng họ Trần nhà tôi giữa thế kỷ 19 đã ra ở Hà Nội rồi. Cụ nội tôi là quan triều Nguyễn, cai quản toàn bộ công tác chăm sóc sức khoẻ của bắc Hà Nội, tức phủ Hưng Hoá ngày xưa. Ông nội tôi làm ở sở Hoả Xa, được 2 sắc phong của vua Khải Định và vua Bảo Đại, sắc phong của vua Khải Định đặt cho ông chức Hàn lâm học sĩ, còn sắc phong của vua Bảo Đại đặt ông ngang chức Án sát. Có thể nói dòng dõi gia đình thuộc hàng quyền quý. Ông nội tôi đặt tên cho các anh em tôi theo chuẩn mực của đạo lý sống ngày xưa: Ân – Đức – Tiết – Nghĩa (em tôi vì là con gái nên chữ tiết đã được đặt chệch đi là Tuyết). Đấy là những giá trị của một gia đình Việt Nam, một gia đình Hà Nội.

Thật sự thì bây giờ công việc của các nhà lãnh đạo Thành phố, nhất là như Thủ đô Hà Nội, theo chúng tôi là ở tầm nhìn cho sự phát triển của một đô thị trong tương lai. Rất tiếc, trong nhiều thập kỷ qua, Hà Nội đã không có được những bước đi bài bản cho qui hoạch thành phố. Ký ức của ông về Hà Nội ngày xưa? Và ông nói gì về Hà Nội hôm nay?

– Thật ra người Hà Nội gốc cũng là những người từ nhiều nơi về nhưng phải qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ mới hoà nhập vào cái văn hoá gốc Hà Nội, tạo nên cái văn hoá gọi là người Tràng An. Văn hoá Tràng An thực ra là tinh hoa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhà tôi gốc cũng ở Xuân Phương ngày xưa thuộc phủ Hoài Đức. Để tạo ra văn hoá của Tràng An, nếp sống, nếp nghĩ, nếp ứng xử của Tràng An thì phải qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ, nó hoà nhập dần, thu hút những gì tinh tuý nhất của cả nước, lọc ra những gì không thích hợp. Nhưng chúng ta làm một cách nhân tạo, bắt đầu từ 1954, người Hà Nội đi Nam, người từ kháng chiến về Hà Nội. Một sự phân biệt đối xử giữa người kháng chiến về với người Hà Nội cũ. Rồi người Hà Nội phải trải qua những biến cố như cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Con em của những tầng lớp ấy không được học hành. Nó tạo nên sự phân biệt và hố ngăn cách giữa người Hà Nội cũ, Hà Nội gốc với những người Hà Nội sau này về.

Đến gần đây, việc nhập Hà Tây về Hà Nội vừa làm phai nhạt văn hoá xứ Đoài vừa làm loãng văn hoá Hà Nội. Việc nhập vào một cách cơ học đã phá vỡ quy hoạch Hà Nội. Lúc đầu quy hoạch khu Trung Hoà – Nhân Chính có công viên cây xanh, bây giờ phá vỡ hết. Linh Đàm cũng vậy.

Có lẽ Hà Nội rất cần một vị thị trưởng trí thức. Nói gì thì Hà Nội cũng thanh lịch, là thủ đô, “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”?

– Cha tôi khi bắt tay vào làm Chủ tịch Hà Nội thì có xin với trường Đại học Bách Khoa mở một lớp dạy về quy hoạch đô thị trong 6 tháng để ông và một số cán bộ đi học vào buổi tối. Học chỉ cốt để có kiến thức về quy hoạch đô thị. Tôi nghĩ rằng bây giờ ai làm lãnh đạo Hà Nội thì việc quan trọng là phải thể hiện được quan điểm, quan niệm của họ về Hà Nội. Phải hồi sinh lại Hà Nội, trước hết là cái hồn Hà Nội. Con người Hà Nội, văn hoá Hà Nội. Đó là quan trọng nhất.

Tôi không dám nhận xét về các nhà lãnh đạo Hà Nội bây giờ nhưng với những gì đang diễn ra thì nhân dân sẽ tự đánh giá. Có lẽ thế hệ lãnh đạo hồi xưa người ta làm việc hết mình vì chức trách, bổn phận, không có chuyện tham nhũng, tiêu cực.