Bác sĩ pháp y Nguyễn Hồng Long: nghề nói thay người đã khuất – Tạp chí Đẹp

Năm 1996, tôi thi đỗ bác sĩ đa khoa – Đại học Y Hà Nội. Ai học y khoa cũng muốn sau này ra trường trở thành bác sĩ khám chữa bệnh, thành thầy thuốc giỏi, tôi cũng không nằm ngoài số đó. Nhưng đến năm thứ năm, phân chuyên ngành, tôi được thầy giáo khuyên nên theo pháp y vì đây là ngành học hiếm người chọn, cũng ít người đủ kiên trì theo đuổi. Tôi nhớ về ước mơ ngày bé và đồng ý làm theo lời thầy.

Khóa sinh viên đa khoa nhập học năm 1996 có 350 sinh viên thì chỉ mình tôi theo học chuyên ngành pháp y. Tôi được học cùng hai giáo sư đầu ngành là thầy Đinh Gia Đức và thầy Lưu Sĩ Hùng. Ngày nào đến lớp cũng chỉ có một thầy, một trò nên cảm thấy khá buồn. Học một mình có cái lợi là được các thầy kèm cặp tận tình, nhưng tôi không có bạn để cùng ôn bài, so sánh xem mình có tiến bộ hay không. Thi thoảng, bạn bè cũng đùa tôi là đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm. Thầy thì chỉ lo đứa sinh viên duy nhất sẽ bỏ giữa chừng nên ngày nào cũng nhắc: “Càng học sẽ càng thấy hay. Bác sĩ pháp y phải học nhiều hơn bác sĩ khám chữa bệnh vì vừa bắt bệnh vừa tìm ra dấu vết”.

Anh có từng nản lòng?
Có lúc, nhưng tôi không nghĩ đến chuyện từ bỏ vì học pháp y hay lắm, đó là một kho tàng kiến thức rộng lớn mà càng học càng thấy nhiều điều mới mẻ. Trong quá trình học, tôi hiểu được vai trò quan trọng của giám định viên pháp y. Đó là mắt xích trong quá trình điều tra một vụ việc của cơ quan cảnh sát. Kết luận pháp y sẽ là bằng chứng quan trọng quyết định số phận một con người, một gia đình.