Bác sĩ nước ngoài thi chứng chỉ hành nghề là cần thiết
Việc yêu cầu bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề ở Việt Nam phải thi để cấp chứng chỉ hành nghề là đúng. Thật khó để chúng ta có thể kiểm tra và nắm bắt tường tận các loại giấy tờ, chứng chỉ, văn bằng của họ, chưa kể có khi còn là giả mạo. Do đó, một cuộc thi với mức độ sát hạch đủ độ khó theo từng chuyên khoa là rất cần thiết, nên làm.
Ở các quốc gia khác cũng làm vậy. Con tôi có chứng chỉ hành nghề Việt Nam cấp; có văn bằng cao học (bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú, thạc sĩ) nhưng khi sang một quốc gia châu Âu làm việc, vẫn phải đăng ký thi cấp chứng chỉ hành nghề. Không phải bác sĩ Việt Nam mà bác sĩ từ nước nào đến cũng vậy, trừ một số nước có quy ước công nhận chứng chỉ hành nghề của nhau. Tất nhiên không phải ai vừa đến cũng có ngay chứng chỉ hành nghề nên vẫn được làm việc nhưng sẽ bị giới hạn về nhiều mặt. Ví dụ hầu như chỉ được làm ở hệ thống bệnh viện công dưới sự giám sát của khoa, tuyệt đối không được tham gia phòng khám hay phòng mạch tư nhân.
Riêng với yêu cầu bắt buộc bác sĩ nước ngoài phải thông thạo tiếng Việt là điều khó, chưa cần thiết. Việc biết hay không biết tiếng Việt không phải là vấn đề thuộc phạm trù chuyên môn. Cái chúng ta cần là đánh giá năng lực thật sự của bác sĩ đó, thậm chí nếu thật sự là một bác sĩ giỏi, có y đức, tận tâm, chúng ta cũng sẵn sàng mời gọi họ và cung cấp phiên dịch.
Ngoài ra, nên có quy định về thời gian trong hợp đồng lao động. Cụ thể lần đầu, ký hợp đồng làm việc với bác sĩ không quá 1 năm, tối đa là 2 năm đối với hệ thống y tế tư nhân. Việc này không chỉ nhằm mục đích đánh giá năng lực, hành vi của bác sĩ nước ngoài mà còn nhằm “bảo hộ” cho lực lượng bác sĩ trong nước, tạo sự thông thoáng, công bằng trong môi trường làm việc, hành nghề.