Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Người truyền lửa!

Giữa năm 2020, Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Phó giám đốc phụ trách chuyên môn tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi hoàn thành nhiệm vụ hơn 30 năm cống hiến cho ngành y tế công và nhận quyết định nghỉ hưu. 

Bệnh viện Từ Dũ đã mời bà ở lại với nhiệm vụ cố vấn chuyên môn, huấn luyện cho các bác sĩ trẻ. Sau 6 tháng đảm nhận nhiệm vụ, bà nhận thấy lớp bác sĩ đàn em thế hệ kế cận bà đã có năng lực tốt, vững vàng nghiệp vụ, bác sĩ Mỹ Nhi quyết định rút lui.

Những tưởng bà lui về làm cố vấn chuyên môn, sống những ngày nhẹ nhàng sau bao năm vất vả. Nhưng không, bà chia sẻ: “Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi như đứng ở “ngã năm”, nhiều đơn vị y tế ngoài công lập ngỏ lời mời bà hợp tác. Sau bao trăn trở, tôi quyết định tham gia làm việc tại  BVĐK Tâm Anh TP.HCM và góp phần xây dựng Trung tâm Sản Phụ khoa lớn mạnh. Tôi muốn tiếp tục hành trình phục vụ bệnh nhân, tiếp tục áp dụng và phát triển các kỹ thuật mới, nhưng đồng thời vẫn có thể tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, huấn luyện, đào tạo liên tục… tại môi trường bệnh viện ngoài công lập”.  

Nói tới BS Mỹ Nhi, có lẽ nhiều sản phụ sinh khó ở khu vực phía Nam chắc hẳn không thể nào quên, bởi nữ bác sĩ này có nụ cười rất hiền và đặc biệt “mát tay”, cứu sống nhiều trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trung tuần tháng 2.2023, tôi gọi điện thoại xin bác sĩ Mỹ Nhi cuộc hẹn. Điện thoại đổ chuông nhưng bắt máy là thư ký báo bác sĩ Mỹ Nhi đang có đông bệnh nhân. 16 giờ kết thúc giờ làm việc, nhưng bà ở tới 17 giờ để khám đến bệnh nhân cuối, xong mới bắt đầu ăn cơm… trưa. Câu chuyện trên tình cờ tôi được một người quen của bác sĩ Mỹ Nhi kể lại.

‘Là bác sĩ phải học ngủ, học kiến thức’

Hôm sau, tôi theo bác sĩ Mỹ Nhi vào phòng mổ. Ít ai nghĩ rằng, nữ bác sĩ 57 tuổi nhưng mổ nội soi nhanh nhẹn và khỏe đến vậy. Tay cầm dụng cụ mổ nội soi, mắt nhìn màn hình, nhưng bà liên tục giảng cho bác sĩ phụ bệnh lý ca phẫu thuật.

Tôi hỏi “năng lượng ở đâu mà bác sĩ làm việc miệt mài như vậy?”, bác sĩ Mỹ Nhi vui vẻ: “Mình cũng không biết sức khỏe mình từ đâu có được. Nhưng từ lúc trẻ ở môi trường bệnh viện Từ Dũ đã được tôi luyện. Một đêm trực chỉ ngủ 1-2 tiếng, còn thì phải chạy tới lui, chạy xuôi ngược cấp cứu, khám bệnh nhân. Sau đó, nếu có được khoảng 3-4 giờ ngủ thật sâu là có thể phục hồi sức khỏe”. 

“Tôi nhớ hoài người Thầy lớn trong ngành Sản Phụ khoa tại bệnh viện Từ Dũ là GS.BS Nguyễn thị Ngọc Phượng đã từng nói khi chúng tôi còn là các bác sĩ trẻ: Các em là bác sĩ trẻ thì không được nề hà cái gì, phải làm hết làm xong hết rồi về phải đi ngủ. Các em cũng không thể đòi hỏi giống như những người ngoài nghề, ngủ đủ 8 giờ một đêm được”, bác sĩ Mỹ Nhi kể.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, học làm quen với giấc ngủ rất quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa đó là học kiến thức từ khi còn trẻ chưa vướng bận gì. “Việc học là một niềm vui, bởi học là mở mang kiến thức, để triển khai và ứng dụng được vào thực tiễn chứ không phải học xong rồi không dám làm. Tất nhiên, cần sự ủng hộ từ lãnh đạo bệnh viện, của đồng nghiệp, và nhất là mình phải làm đúng”, bà nói.

“Trước tiên đừng làm gì hại bệnh nhân“

Bác sĩ Mỹ Nhi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận sớm nhất kỹ thuật mổ nội soi trong phụ khoa cách đây gần 30 năm. Từng hơn 2 lần được huấn luyện nội soi trong phụ khoa tại Clermont Ferrand và Paris (Pháp), bác sĩ Mỹ Nhi đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á để giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi.

“Phẫu thuật nội soi có thể được chỉ định cho các ca khó,  cắt tử cung có kích thước lớn bằng thai 14-16 tuần hay là bóc u xơ tử cung có kích thước lớn 8-10 cm. Hơn 20 năm trước, một số đồng nghiệp không ủng hộ, chúng tôi không dễ dàng để có thể mổ được. Nhưng nhờ sự ủng hộ của Ban giám đốc, và khi đó mình phải bảo đảm làm đúng. Chỉ định đúng kỹ thuật, không tai biến, và quan trọng là biết dừng lại đúng lúc để không gây thiệt hại sức khỏe bệnh nhân, thì đó là thành công”, bác sĩ Mỹ Nhi kể. 

Bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ, người xưa đã nói nếu không biết thì “trước tiên đừng làm gì hại bệnh nhân“. Vì vậy cần biết dừng lại đúng lúc, không nên vì cái “tôi” mà cố làm để rồi phải trả giá bằng sinh mạng bệnh nhân. Như vậy thì mới truyền lửa y đạo cho các bác sĩ trẻ để các em luôn làm tốt và không gây tổn hại bệnh nhân.

“Phải nghĩ rằng, một ngày nào đó mình sẽ phải dừng lại việc khám chữa bệnh, việc mổ xẻ, việc dạy… vậy ai là người sẽ thay mình? Thành ra bắt buộc phải huấn luyện bác sĩ trẻ làm được và làm đúng vì đó là đội ngũ kế thừa. Bây giờ, có thể có những cái mình không cập nhật kịp bằng các em, mình càng phải học các em, cùng nhìn nhận đúng sai vấn đề. Nếu đúng và tốt phải ủng hộ các em phát triển, nếu chưa phù hợp sẽ cùng thảo luận tìm giải pháp khả thi hơn. Tuyệt đối không bác bỏ theo quan điểm cá nhân hay do sợ trách nhiệm, vì điều đó sẽ làm lụi tàn đi nhân tài và bệnh viện không phát triển được”, bác sĩ Mỹ Nhi tâm sự.

Từng là bác sĩ điều trị, sau đó là Phó giám đốc bệnh viện, hàng ngày bình thường bà rời bệnh viện lúc 19-20 giờ sau khi hoàn thành mọi việc từ chuyên môn đến hành chính. Về đến nhà, là hàng dài bệnh nhân ngồi chờ khám. Mỗi ca bệnh, bà khám 10 – 15 phút, thậm chí hơn 30 phút khi cần tư vấn ca khó. Những bệnh nhân đến trễ, bác sĩ Mỹ Nhi vẫn cố gắng không từ chối bởi họ ở vùng sâu vùng xa đến và đã đợi bà từ nhiều giờ qua.

“Thật ra mình có quyền từ chối bệnh nhân đến trễ, đến không hẹn trước. Nhưng thử nghĩ, bản thân mình là người bệnh lặn lội từ xa tới, chờ bác sĩ tới gần nửa đêm, bác sĩ để họ chờ một ngày nữa, tức là họ phải về và hôm sau trở lại. Bệnh nhân ở tình xa thì không những phiền vì chưa được khám mà còn tốn kém khi ở lại thành phố. Trong khi đó, bác sĩ chỉ mất thêm 15-20 phút nữa thì bệnh nhân được ra về sớm, đỡ tốn kém. Với tôi, bác sĩ gặp bệnh nhân cần làm sao cho họ yên tâm, về nhà không làm sai lời khuyên y khoa. Không thể để bệnh nhân về nhà rồi còn phải gọi điện thoại hỏi lại bác sĩ dặn vậy bây giờ em làm sao? Đó là điều bản thân tôi thường khó chấp nhận”, bác sĩ Mỹ Nhi nói. 

Tương tự các chuyên ngành khác, trong Sản phụ khoa cũng vậy, khi các bác sĩ đã làm đúng và làm hết khả năng nhưng rủi ro y khoa đôi khi vẫn xảy ra, ví dụ như tình huống thuyên tắc ối trong Sản khoa, người nhà hoặc bệnh nhân sẽ không chấp nhận là rủi ro dù các bác sĩ giải thích nhiều lần, rồi phải mất hàng tháng, hàng năm, để người nhà có thể hiểu và chấp nhận về rủi ro y khoa là gì. Điều này luôn là nỗi ám ảnh, nhưng bao giờ cũng vậy, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ cho dù là rủi ro y khoa, nhưng việc trước tiên vẫn phải nhận trách nhiệm là mình chưa làm được mọi điều tốt nhất cho bệnh nhân, nên hãy luôn tận tâm tận lực, để sự cố không mong đợi là thấp nhất!

Vị thế của ngành sản phụ khoa ở Việt Nam

Là bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, bác sĩ Mỹ Nhi nhận định, Việt Nam là nước có nền y học phát triển cao so với các nước trong cùng khu vực, đặc biệt trong ngành Sản Phụ khoa. Có rất nhiều đồng nghiệp trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, rồi Philippines, Indonesia, Malaysia…, đến học tập thường xuyên và nhận chuyển giao kỹ thuật không chỉ là phẫu thuật nội soi, mà còn là chẩn đoán tiền sản, bệnh lý sàn chậu, hỗ trợ sinh sản…

“Trình độ y khoa của các bác sĩ Việt Nam rất cao, nhiều bác sĩ tâm huyết với nghề, có điều tôi băn khoăn và lo lắng là do một số yếu tố khách quan chủ yếu khó khăn về trang thiết bị, nên việc áp dụng các kỹ thuật tân tiến vẫn đang bị trì hoãn tại một số bệnh viện chuyên khoa công lập lớn, đơn cử như các điều trị can thiệp trong bào thai hiện nay”, bác sĩ Mỹ Nhi nói. 

Bác sĩ Mỹ Nhi cũng cho rằng hiện nay lĩnh vực phụ khoa rất phát triển, sự xuất hiện của nội soi robot, nội soi 3D, can thiệp mạch, đốt u xơ bằng sóng cao tần, bằng MRI Hifu… đã thay đổi bộ mật các điều trị xâm lấn trong Phụ khoa. 

“Sẽ đến một lúc, bệnh nhân đi mổ mà cười vui sao chẳng thấy có gì đau đớn khó chịu nhỉ?”, bác sĩ Mỹ Nhi tin tưởng.

Đại gia đình theo nghề y

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết mình sinh ra trong gia đình có mẹ là huấn luyện viên trường Nữ hộ sinh Quốc gia trước đây, cha là giáo viên môn Hóa trường Petrus Ký, sau này là Lê Hồng Phong. Nhà có 4 chị em, nhưng đến 3 người vào y khoa. Bà công tác tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, em gái công tác tại bệnh viện Từ Dũ, em trai làm việc tại bệnh viện Bình Dân. Trong khi đó, chồng bà hiện cũng là Giám đốc BVĐK Sài Gòn. Hai người con đều là sinh viên y khoa. 

Tính đến thời điểm này, đại gia đình bác sĩ Mỹ Nhi đã có đến gần 10 người liên quan đến ngành y. Vì cả gia đình là bác sĩ nên thời gian bác sĩ Mỹ Nhi dành hết cho chuyên môn cũng được sự đồng cảm, ủng hộ vì điều đó là tốt đẹp. Hiện nay, tuy rời môi trường y tế công, nhưng bác sĩ Mỹ Nhi vẫn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn các ca khó, hỗ trợ các đồng nghiệp tuyến dưới một cách tự nguyện.

Tác giả: Duy Tính (báo Thanh niên)