Bác sĩ – Nghiên cứu viên – Hướng nghiệp Sông An

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 36

  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 10

  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Tiến sĩ y học lâm sàng – chuyên ngành Nhiễm, Bác sĩ Đa Khoa

  • Số giờ làm hằng tuần: 49-50 giờ

  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Hiện công tác tại 2 đơn vị: đơn vị nghiên cứu lâm sàng – 250 nhân viên, phòng khám tư nhân – 20 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Công việc hiện tại của tôi chia làm 3 mảng chính:

  1. Khám chữa bệnh tại phòng khám: 

Trực tiếp khám chữa bệnh chuyên khoa nội nhi, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân từ sơ sinh (em bé mới sinh ra) đến 15 tuổi.

  1. Quản lý và điều hành hoạt động

    của hệ thống phòng khám Nhi (do tôi và nhóm bác sĩ thành lập), cụ thể:

  • Quản lý nhân lực, sắp xếp lịch làm việc cho các bác sĩ cộng tác với phòng khám

  • Quản lý xuất nhập thuốc.

  • Chịu trách nhiệm chuyên môn: kiểm tra chỉ định thuốc phù hợp với chẩn đoán, giải quyết các vấn đề chuyên môn phát sinh.

  1. Tiến hành các nghiên cứu lâm sàng

    :

  • Phát triển ý tưởng nghiên cứu, viết đề cương nghiên cứu, xin tiền tài trợ cho nghiên cứu.

  • Trình bày đề cương cho hội đồng y đức, chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu lâm sàng (bao gồm các phiếu ghi nhận thông tin lâm sàng, các quy trình chuẩn, các thức thu nhận mẫu bệnh phẩm, quy trình xét nghiệm…)

  • Phân tích dữ liệu ghi nhận được, viết báo cáo khoa học

  • Trình bày kết quả nghiên cứu tại các hội nghị khoa học

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi chọn ngành y khoa theo ý của gia đình, và vào thời điểm đó hướng nghiệp còn khá ít ỏi. 6 năm học ở đại học, tôi nhận thấy ngành y rất hay, vì học được nhiều cái mới nhưng không thật sự yêu thích. Năm thứ 4 và 5 đại học, tôi được học chuyên ngành bệnh truyền nhiễm (infection), lao, HIV và cảm thấy thích ngành này, do bệnh truyền nhiễm là một bệnh cấp tính. Nếu bạn có thể tìm được nguyên nhân và can thiệp kịp thời, phần lớn bệnh nhân sẽ được chữa khỏi và hồi phục gần như hoàn toàn. Quyết định theo ngành truyền nhiễm được cho là mạo hiểm, vì các ngành “hot” trong y khoa thường là ngoại, sản, tim mạch, nội tiết… và bệnh truyền nhiễm được xem như bệnh của người nghèo. 

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi về làm tại khoa nhiễm bệnh viện nhi năm 2010, kiêm luôn phụ trách nghiên cứu khoa học (do ngoại ngữ tương đối lưu loát). Khi được giao phụ trách nghiên cứu, thời điểm đó tôi hơi nản, vì mảng nghiên cứu khoa học tại các viện, trường tại Việt Nam còn khá mới, ít người làm, và khi làm thường ít đầu tư do thiếu kinh phí, chỉ làm để báo cáo cuối năm, không có nhiều ý nghĩa. Bản thân tôi lúc đó cũng cảm thấy nghiên cứu không có ý nghĩa lắm trong công việc lâm sàng.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của tôi đến vào năm 2011, khi Việt Nam xảy ra dịch bệnh Tay Chân Miệng (TCM) nghiêm trọng. Các bệnh viện nhi đều quá tải, phòng cấp cứu tràn ngập bệnh nhân TCM nặng, chúng tôi hoang mang vô cùng, vì bệnh nhân tử vong liên tục, và khi tìm kiếm tài liệu về bệnh trong các nguồn sách chính thống thì tìm được rất ít, do bệnh TCM là bệnh mới xuất hiện ở VN năm 2003. Tôi phải tìm thông tin trên các tạp chí khoa học, và đó là lúc tôi nhận ra kiến thức của mình là vô cùng hạn hẹp, chỉ sách giáo khoa là không đủ, và nghiên cứu khoa học là cần thiết. 

Tôi bắt đầu tham gia vào một số nghiên cứu hợp tác giữa bệnh viện và ĐH Oxford và học được cách làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xuất phát từ một nhu cầu thật sự trong công việc chứ không phải làm cho có để tổng kết cuối năm. Trong năm 2012, tôi có cơ hội được gặp gỡ 1 giáo sư rất nổi tiếng trong ngành truyền nhiễm. Giáo sư hỏi tôi có thích làm nghiên cứu khoa học không, tôi trả lời không, vì tôi thấy nghiên cứu khoa học không thật sự thiết thực cho công việc, và một số nghiên cứu tôi đọc không hiểu gì. 

Ông nói “ thế em nghĩ không có nghiên cứu khoa học thì làm sao thế giới có được ngày hôm nay?”, và “em chưa thấy nghiên cứu khoa học thiết thực vì em chưa đủ giỏi để hiểu nó”. Buổi nói chuyện đó và những gì đã trải qua trong mùa dịch TCM năm 2011 đã thay đổi định hướng nghề nghiệp của tôi. Tôi muốn tiến xa hơn trong nghiên cứu y học, bên cạnh vai trò là một bác sĩ điều trị. Đề tài tiến sĩ của tôi là về bệnh Tay Chân Miệng, và tôi tiếp tục gắn bó với lĩnh vực đó đến hôm nay.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8h – 16h (2, 4, 6) hoặc 17h (3, 5)

Làm việc tại bệnh viện (đơn vị nghiên cứu lâm sàng). 

Thời gian có thể kéo dài hơn nếu cần phải hoàn tất hạn nộp bài.

17h-20h (2, 4, 6)

Khám bệnh thêm tại phòng mạch tư

8h-11h30 (sáng t7)

Làm việc tại nhà.

Kiểm tra thông tin, lịch bác sĩ, toa thuốc, thuốc, tài chính của 2 phòng khám trong hệ thống

Chủ nhật

Nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ cho 1 tuần

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Được học hỏi liên tục

Là một bác sĩ, tôi phải cập nhật kiến thức thường xuyên. Là một nghiên cứu viên, tôi càng phải đọc nhiều hơn, càng đọc càng thấy khâm phục vì thấy nhiều người trên thế giới này sao giỏi quá. Họ nghĩ ra những thứ tuyệt vời quá mà mình chưa từng nghĩ tới. Tôi vui vì thấy y học tiến bộ nhanh chóng, mở ra cơ hội cứu sống nhiều người hơn.

  • Được làm việc với bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em

Tôi thích khi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, đặc biệt thấy các em bé vô cùng dễ thương. Các bé luôn chân thật (không như người lớn đôi khi che giấu cảm xúc, hay giả vờ mệt…). Làm việc với trẻ con, lúc nào cũng nhiều niềm vui.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Rất ít thời gian rảnh

Khi bước vào con đường y khoa, cần phải chấp nhận mình có rất ít thời gian rảnh. Tất cả các bác sĩ, dù sống tại Việt Nam hay nước khác, đều phải làm việc, trực đêm… nhiều hơn các ngành nghề khác. 

Bác sĩ trẻ làm trong bệnh viện có thể phải làm 50-60 giờ/ tuần kể cả ở các nước phát triển. Nghiên cứu viên nếu có việc (chờ kết quả chạy xét nghiệm/viết luận văn…) cũng phải ở trong lab/bệnh viện đến 8-9 giờ tối. 

Với cơ chế tiền lương tại Việt Nam hiện nay, để có thể đảm bảo tài chính theo đuổi điều mình muốn, tôi phải làm thêm khá nhiều thời gian. Bản thân công việc nghiên cứu đôi khi cũng phải làm thêm giờ cho đến khi hoàn thành chứ không tính theo giờ hành chính.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Để là một bác sĩ giỏi cần

    kiến thức vững

    . Do đó, bạn cần kiên nhẫn, không ngại khó, chịu cực, đọc sách nhiều, rèn kỹ năng đọc nhiều và nhanh.

  • Để là một bác sĩ giỏi thật sự, ngoài việc giỏi kiến thức, bạn cần

    khiêm tốn

    (với đồng nghiệp và cả bệnh nhân), tập

    thấu hiểu

    người khác,

    giao tiếp tốt

    (điều này cực kỳ quan trọng, và phải xuất phát từ trái tim chứ không có trường lớp nào dạy được). Xin nhớ là để điều trị bệnh nhân, thuốc men kỹ thuật cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bạn phải làm cho bệnh nhân tin tưởng và an tâm.

  • Ở cả hai vị trí bác sĩ và nhà nghiên cứu, bạn phải

    thật sự đam mê

    thì hãy chọn nghề, vì nghề này rất cực. Thời gian để đạt được vị trí chuyên môn và tài chính vững chắc trung bình là 8-10 năm sau tốt nghiệp.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • “Bác sĩ rất giàu có”

Điều này sai. Bác sĩ có thể làm ra tiền, nhưng để có được sự ổn định về tài chính, bạn phải cố gắng nhiều năm trước đó. Mức độ giàu có của bác sĩ cũng không bằng mức độ giàu có của nhiều người với thời gian kinh nghiệm và số giờ làm việc tương tự (ví dụ CFO, CEO, chủ doanh nghiệp).

  • “Làm nghiên cứu nhàn hạ hơn làm bác sĩ tại các bệnh viện” 

Sai. Có thể khi làm nghiên cứu bạn không phải trực đêm, nhưng mức độ đầu tư về trí óc và cả thời gian đều nhiều như nhau.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Vấn đề thu nhập tùy thuộc vào mức độ “như thế nào là đủ” của mỗi người.

Nhìn chung, một bác sĩ mới ra trường, xem như bạn tìm được việc làm trong 1 bệnh viện công, phải trải qua một quá trình với các mức thu nhập như sau:

  • Giai đoạn học việc (2-3 năm)

     

Mức lương tối thiểu theo quy định nhà nước, đủ trang trải tiền xăng xe, tiền ăn (tự nấu), thuê phòng trọ, mua sắm rất tiết kiệm. Thời gian này bạn phải lăn lóc ở bệnh viện để lấy kinh nghiệm, và gần như không thể kiếm được việc làm thêm.

  • Giai đoạn “cày bừa” (3-4 năm) 

Bạn có thể làm thêm tại các phòng khám, trực thêm,… và kiếm được nhiều tiền gấp 2-3 lần mức lương học việc, có thể nuôi sống gia đình mặc dù phải làm nhiều giờ trong tuần.

  • Giai đoạn ổn định (8-10 năm sau ra trường) 

Bạn có chỗ đứng tương đối về chuyên môn và tài chính nếu phấn đấu, công việc cũng thư thả hơn.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này? 

  • Bác sĩ là một nghề hay, cho bạn một tương lai khá ổn định và sung túc. Tuy nhiên

    đừng quá lý tưởng hóa nghề này

    . Luôn nhớ bạn phải

    trải qua một quá trình rất dài và vất vả

    trước khi đạt đến sự ổn định, dù ở bất kỳ đất nước nào.

  • Nếu gia đình bạn khó khăn, cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành y, bởi khi đó con đường bạn đi lại càng gian khổ hơn các bạn cùng lứa rất nhiều. Học phí y khoa cao, sách vở rất đắt tiền, quá trình học rất bận và bạn có rất ít thời gian đi làm thêm. Sau khi ra trường cũng không thể phụ giúp bố mẹ trong ít nhất 3-4 năm đầu. Vẫn có những tấm gương vượt khó học giỏi nhưng

    đảm bảo tài chính trong ít nhất 10 năm

    là điều bạn cần cân nhắc ngay từ khi lựa chọn ngành y.

  • Một vấn đề rất quan trọng trong việc quyết định bạn có trở thành một người thành công trong ngành hay không là

    khả năng/ sở thích giao tiếp với nhiều người

    . Nhiều bạn nghĩ học giỏi là có thể làm bác sĩ giỏi. Đúng là phải học, nhưng bác sĩ giỏi là phải có khả năng làm việc với người khác nữa. Bạn nên thử tham gia các nhóm công tác xã hội, tiếp xúc với nhiều người để xem mình có khả năng đón nhận, gặp gỡ và làm việc với nhiều kiểu người khác nhau hay không trước khi lựa chọn cày ải để luyện thi y nhé.