Bác sĩ ‘mát tay’ chữa chấn thương cho cầu thủ
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng bên cầu thủ Hùng Dũng – Ảnh: H.T.
Ông “bật mí” những câu chuyện về việc chữa trị cho các tuyển thủ cũng chính là những thần tượng của ông.
Cuộc trò chuyện của phóng viên Tuổi Trẻ với bác sĩ Phạm Quốc Hùng liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc gọi đến dồn dập. Thả nhẹ điện thoại lên bàn, giọng ông chùng xuống:
“Bùi Thị Ngà, đội trưởng đội bóng chuyền của CLB Thông tin LienVietPostBank, và đội bóng chuyền Việt Nam vừa gọi bảo bị chấn thương đứt dây chằng trước. Cô ấy muốn tôi trực tiếp kiểm tra, phẫu thuật để có thể trở lại sân đấu sớm nhất”.
Không cho phép sai số
* Từ lúc nào ông bén duyên với công việc mà người ta vẫn thường gọi là “chữa lành chấn thương cho các cầu thủ”?
– Không phải chỉ phẫu thuật cho các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, tôi còn phẫu thuật cho các cầu thủ đá “phủi”, bóng đá futsal, bóng chuyền, bóng rổ và cả võ thuật…
Với tính chất đối kháng cao, cầu thủ bóng đá thường hay bị chấn thương nhất, như đứt dây chằng, rách sụn… Tôi “ôm” hết, chắc cũng phải tầm 10 năm rồi (cười).
* Nói về ca phẫu thuật cho cầu thủ Hùng Dũng, hẳn nhiên ông cũng phải uy tín lắm nên cả cầu thủ và CLB mới giao cho ông phẫu thuật?
– Tối 24-3, khi Hùng Dũng vừa bị chấn thương đang ở sân vận động, bác sĩ của CLB Hà Nội đã gọi điện cho tôi nói lãnh đạo CLB tin tưởng để tôi phẫu thuật cho Dũng. Lúc đầu CLB có đề nghị nếu được ráng phẫu thuật trong đêm.
Nhưng với tình huống bị động, sau khi kiểm tra kỹ chấn thương, tôi quyết định chỉ sơ cứu ban đầu, dời kế hoạch qua sáng hôm sau chứ không thể mổ chụp giật được. Điều này rất nguy hiểm cho Dũng.
Khi chọn tôi, lãnh đạo CLB và các bác sĩ gửi gắm “đặt niềm tin vào bác sĩ”.
* Đến nay sau hơn một tuần phẫu thuật cho Hùng Dũng, cầu thủ này đã xuất viện về Hà Nội. Ông có thể nói đôi chút về ca phẫu thuật này không?
– Với dân trong nghề như tôi, thực ra ca chấn thương của Dũng (gãy kín 1/3 hai xương cẳng chân dưới bên phải) không đến nỗi nghiêm trọng. Nếu điều này xảy ra với người dân lao động bình thường thì sẽ không có gì để nói. Vấn đề ở đây là phẫu thuật cho cầu thủ quan trọng của đội tuyển quốc gia nên không cho phép sai số, cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tôi cùng với cộng sự của mình đã sử dụng phương tiện tốt nhất, phương pháp phẫu thuật mới nhất. Đó là thay vì mổ hở, Dũng được nắn kín để nhanh lành, đỡ phá hủy xương và nhiễm trùng.
Và bây giờ điều lưu ý nhất với Dũng là phải hết sức cẩn trọng tránh trượt té, chống chân nặng. Nếu cậu ấy tuân thủ, chỉ khoảng 3 tháng sau có thể chạy bộ nhẹ, 5-6 tháng sau có thể tập nặng.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng bên cầu thủ Văn Hậu sau phẫu thuật – Ảnh: H.T.
Cầu thủ hay người dân đều là người bệnh
* Không chỉ Hùng Dũng, ông cũng từng phẫu thuật cho rất nhiều tuyển thủ của đội tuyển Việt Nam như Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh, Hai Long, Huỳnh Tấn Tài… Đâu là điểm giống và khác nhau giữa chấn thương của các cầu thủ này, thưa ông?
– Trong các cầu thủ (kể cả futsal) bị chấn thương tôi từng điều trị, có lẽ Hùng Dũng là cầu thủ gặp chấn thương nặng nhất. Các cầu thủ khác đơn giản hơn, chỉ là đứt dây chằng, rách sụn, trật khớp… Điển hình như Văn Hậu rách sụn, dạng quai xách.
Chấn thương này thuộc dạng khó phẫu thuật. Bởi nếu cắt ra thì dễ, về lâu dài khi va chạm mạnh có thể bị bung, phá hủy sụn. Và để phục hồi tốt nhất cho Hậu, tôi không chỉ cắt mà gọt bớt để khâu lại sụn.
Sau những lần phẫu thuật, thỉnh thoảng các cầu thủ gọi điện hỏi thăm, mời tôi đi uống cà phê hoặc xem đá bóng. Hoặc trong quá trình thi đấu tập luyện có vấn đề chấn thương, các cầu thủ vẫn hay quay video, gọi điện nhờ tư vấn.
* Với cầu thủ, đôi chân là sự nghiệp. Mất đôi chân, sự nghiệp sân cỏ với họ coi như chấm dứt, đặc biệt những cầu thủ mà ông từng phẫu thuật đều là tuyển thủ quốc gia. Ông có áp lực khi phẫu thuật không?
– Thực ra tôi cũng là dân mộ điệu thể thao. Từ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… tôi đều có thể chơi được dù không giỏi lắm (cười). Hồi học đại học tôi cũng nằm trong đội bóng của trường đi đá tranh các giải sinh viên.
Phẫu thuật cho cầu thủ có áp lực không ư? Đó là tâm lý của trước đây khi lần đầu phẫu thuật, còn bây giờ gặp riết, mổ riết cũng quen. Tất nhiên khi phẫu thuật cho các tuyển thủ tôi có cảm xúc hơi đặc biệt, bởi ít ra họ là người của công chúng và cũng là thần tượng của mình.
Nhưng đó chỉ là cảm xúc, còn khi vào cuộc mổ, dù là ai tôi đều tâm nguyện phải cố gắng tập trung để làm sao mang đến một kết quả tốt nhất. Được thấy họ vui cười, đi lại được, đá bóng trên sân… sau các cuộc phẫu thuật là điều tôi vui nhất.
* Có trường hợp nào ông cảm thấy nuối tiếc khi không còn chữa trị được?
– Có chứ. Như cầu thủ Trần Anh Khoa của CLB SHB Đà Nẵng chẳng hạn. Tôi có được xem phim chụp chấn thương dây chằng của cậu ấy, nhưng cuối cùng Khoa được chuyển qua nước ngoài phẫu thuật và kết quả đến bây giờ, theo tôi biết, không đạt như mong muốn.
Không chỉ riêng Khoa, còn có một số cầu thủ được đưa ra nước ngoài phẫu thuật phục hồi không tốt lắm. Trong khi ở Việt Nam, tôi thấy rằng có rất nhiều bác sĩ mổ chấn thương thể thao rất tốt nhưng có thể niềm tin với các CLB, cầu thủ chưa cao. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi với cầu thủ đôi chân là quý giá, mất đôi chân coi như mất sự nghiệp.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng bên cầu thủ Đình Trọng sau phẫu thuật – Ảnh: H.T.
Phải giữ đôi chân bạn như chân mình
* Cầu thủ Tài Em từng đánh giá sau ca phẫu thuật cho Hùng Dũng: “Phẫu thuật dù có thành công đến mấy, Hùng Dũng cũng sẽ rất khó để lấy lại được 100% phong độ”. Dưới góc độ chuyên môn, là người trực tiếp phẫu thuật, ông nghĩ sao về đánh giá này?
– Với một cầu thủ trải qua chấn thương, đặc biệt gãy xương như Hùng Dũng, không ai dám khẳng định cậu ấy sẽ trở lại phong độ bóng đá đỉnh cao. Bởi điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cơ địa, chiến thuật tập luyện, khả năng tuân thủ các bài tập vật lý trị liệu và khả năng phục hồi của từng cầu thủ.
Thực tế đã có những cầu thủ sau chấn thương trở lại tỏa sáng, nhưng cũng có cầu thủ đánh mất phong độ của chính mình. Còn về góc độ chuyên môn, tôi khẳng định Dũng sẽ lành xương và vững cơ sau phẫu thuật.
* Bóng đá đối kháng, chấn thương không thể tránh khỏi. Có quan niệm “hãy giữ đôi chân của bạn như đôi chân mình”, ông nghĩ sao?
– Tôi có theo dõi trong nhiều trường hợp chấn thương đều xuất phát từ việc cầu thủ có sự ham bóng, có sự quyết liệt quá mức cần thiết, chứ có lẽ cũng không ác ý gì đâu.
Và để không xảy ra những chấn thương đáng tiếc, tôi nghĩ rằng ý thức về giữ đôi chân bạn như đôi chân của chính mình cần phải được thấm nhuần trong giới cầu thủ, đặc biệt các cầu thủ tuổi còn nhỏ. Ý thức đá hay, đá đẹp phải “ăn vào trong máu” từ lúc cầu thủ còn nhỏ.
* Thay vì mổ trong nước, nhiều cầu thủ chọn ra nước ngoài “phẫu thuật cho yên tâm”. Có vẻ niềm tin bác sĩ nội của các cầu thủ còn khiêm tốn…
– Đúng như vậy. Đã có nhiều câu lạc bộ hoặc đội tuyển đưa cầu thủ qua các nước như Singapore hay Hàn Quốc để phẫu thuật.
Nhưng đó là chuyện trước đây, còn bây giờ, theo tôi, trình độ chuyên môn và trang thiết bị phẫu thuật ở Việt Nam không hề thua kém, thậm chí có thể còn tốt hơn ở một số kỹ thuật. Ngoài ra, chi phí đi lại, phẫu thuật điều trị ở nước ngoài cũng là một vấn đề không nhỏ.
Thực tế đã có một số cầu thủ sau mổ ở nước ngoài về vết thương tái phát, thậm chí không còn giữ được phong độ trước đây hoặc giã từ sự nghiệp. Tôi có cơ hội điều trị cho họ và rất tiếc bởi ca phẫu thuật này không hẳn tốt như họ nghĩ.
Bác sĩ Phạm Quốc Hùng sinh năm 1973, quê Phú Yên. Năm 2001, ông tốt nghiệp Trường ĐH Y Huế; năm 2003-2013 học BS CKI, CKII chuyên ngành chấn thương chỉnh hình tại ĐH Y dược TP.HCM; năm 2005-2015 là BS tại khoa y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115.
Từ năm 2015 đến nay, ngoài làm việc tại phòng khám riêng, ông hợp đồng chuyên môn chính với Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh và một số bệnh viện khác trong phẫu thuật, điều trị các chấn thương thể thao.
Bác sĩ phẫu thuật cho Hùng Dũng: ‘Có thể mất 6 tháng để trở lại thi đấu đỉnh cao’