Bác sĩ học ít nhất 6 năm, lương mới ra trường chưa nổi 3 triệu
Y bác sĩ tại TP.HCM đến tận nhà thăm khám và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: THU HIẾN)
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ diễn ra hôm 21-8, bà Đào Hồng Lan – quyền bộ trưởng Bộ Y tế – cho biết thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc dẫn đến đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đề nghị Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.
Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh, do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so các ngành nghề khác.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia y tế về vấn đề này.
Học 6 năm trở lên
Ông Lê Thanh Chiến – khoa y, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm, trong đó mất 6 năm đi học tại nhà trường và 18 tháng thực hành.
Với đề xuất của Bộ Y tế là sẽ xếp lương bậc 2 với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau tuyển dụng, ông Chiến đồng tình và mong muốn đề xuất này sớm đưa vào quy định.
“Điều này rất tốt, cho thấy có một sự quan tâm, ưu đãi đến lực lượng y bác sĩ khi môi trường làm việc rất vất vả, nguy hiểm, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua”, ông Chiến nói.
Chia sẻ về lương khởi điểm cũng như đề xuất lương bậc 2 hiện nay cho các y bác sĩ sau tuyển dụng, ông Chiến nói: “Trong bối cảnh Nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm này làm lực lượng y bác sĩ ấm lòng hơn, có thêm động lực hơn”.
Theo ông Chiến, có nhiều lý do khiến y bác sĩ tại các bệnh viện công nghỉ việc hay chuyển sang bệnh viện tư nhân, trong đó có một phần nguyên nhân là thu nhập, phụ cấp.
Đặc biệt với cơ chế tự chủ khiến nhiều bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Khi nguồn thu giảm, bệnh viện sẽ không đảm bảo các hoạt động chi trả thường xuyên theo cơ chế tự chủ.
Các bác sĩ, điều dưỡng trên xe cứu thương cấp cứu cho bệnh nhân (Ảnh: THU HIẾN)
Bác sĩ mới ra trường lương “chưa nổi 3 triệu”
Giám đốc 1 bệnh viện hạng 2 tại TP.HCM cho biết việc xếp lương bậc 2 đối với các bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau tuyển dụng vào thời điểm này sẽ giúp cho họ có động lực hơn.
Bậc lương của các bác sĩ mới ra trường phải khác với bậc lương của cử nhân vì bác sĩ học 6 năm, cử nhân 4 năm, nếu lương bằng nhau thì sẽ không phù hợp.
“Hiện bác sĩ mới ra trường nếu tính lương trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội lãnh lương cuối tháng chưa được nổi 3 triệu đồng”, vị này nói.
“Lương chỉ là một phần là vấn đề không thể thiếu nhưng không phải là tất cả, một môi trường làm việc tốt cũng sẽ giúp họ có động lực làm việc, để cho các y bác sĩ cống hiến cho người bệnh”, vị này phân tích.
Nâng lương bậc 2 y bác sĩ sẽ được bao nhiêu tiền?
Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản (cơ sở) hiện là 1.490.000 đồng/tháng.
Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34 tức là 2,34 x 1.490 = 486.600 đồng (chưa trừ bảo hiểm), cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00)… Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).
Ở cấp học thạc sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00. Như vậy, nếu mức lương khởi điểm của bác sĩ được nâng lên bậc 2 (2,67), số lương (chưa tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật) sẽ là 3.978.300 đồng, tăng 491.700 đồng/tháng so với hiện nay.