Bác sĩ giúp nhau “trị bệnh” tâm lý tại tâm dịch Đà Nẵng
Trước làn sóng thứ hai dịch Covid-19, Bộ Y tế đã thành lập “Bộ Chỉ huy tiền phương” chống dịch Covid-19 và cử cán bộ, y bác sỹ tham gia chi viện cho hệ thống y tế của 2 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.
Bác sĩ nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai) – thành viên Tổ bác sĩ tâm lý tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: BYT
Không chỉ chi viện về con người, Bộ Y tế cũng điều động các bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai để có giải pháp chia sẻ, chăm sóc “sức khỏe tinh thần” của đồng nghiệp tại thành phố Đà Nẵng.
Các thầy thuốc Đà Nẵng trong phút giải lao được lắng nghe, giải tỏa tâm lý. Ảnh: BYT
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn: “Việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Nếu ổn định được tâm lý sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng, không chỉ bằng các bác sĩ mà còn bằng các thông tin cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch”.
Trong suốt 10 ngày qua, các y bác sĩ của thành phố Đà Nẵng làm việc với cường độ cao, thậm chí một số đơn vị các bác sĩ kiệt sức, mệt lả đi với giấc ngủ chập chờn trên manh chiếu mỏng hoặc thùng các – tông.
Dịch bệnh diễn biến bất ngờ và nguy hiểm. Các y bác sĩ là những người phải xung phong tuyến đầu. Những y bác sĩ được Bộ Y tế điều động chi viện cho Đà Nẵng đều quyết tâm ở lại cùng Đà Nẵng đến “ngày chiến thắng”.
Chia sẻ, giải tỏa tâm lý cho thầy thuốc tại Đà Nẵng là chiến lược mới của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống Covid-19 lần này. Bởi trong cuộc chiến chống dịch bệnh, các y bác sĩ ngoài mệt nhọc về thể chất còn cần được chăm sóc về tâm lý.
Bác sĩ nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai) – thành viên của Tổ bác sĩ tâm lý tại thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tâm lý lo lắng, căng thẳng sợ dịch bệnh lây lan không chỉ xảy ra đối với người dân mà còn với cả các y bác sỹ. Chúng tôi hiểu rằng, khi dịch bệnh xảy ra, đội ngũ thầy thuốc phải gồng mình làm việc. Mất ngủ thường xuyên kèm lo lắng dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sẽ rất nguy hiểm”.
Hằng ngày, các thầy thuốc tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai đi khắp các bệnh viện là điểm “nóng” như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Điện Bàn (Quảng Nam), Trung tâm Y tế Hòa Vang… Đơn thuốc đơn giản là lắng nghe, bắt chuyện nhằm nắm được “tâm bệnh” của đồng nghiệp. Từ đó hướng dẫn đồng nghiệp một số tư thế ngồi cho thật thoải mái, khuyên bảo các thầy thuốc suy nghĩ, hướng đến những điều tốt đẹp như đang chơi đùa cùng vợ con hay nghĩ tới trận thi đấu mình thích. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” – “liều thuốc” dân gian thật đúng trong hoàn cảnh này. Các y bác sĩ tâm lý còn chia sẻ, động viên các bệnh nhân để họ cùng chung suy nghĩ tích cực, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của y bác sĩ, cùng thầy thuốc chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.
Theo các chuyên gia tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai, đối diện với căng thẳng thì điều quan trọng là phải biết điều tiết tâm lý, giúp đầu óc trong trạng thái tốt nhất. Đặc biệt là các y bác sĩ làm việc với cường độ cao, thời gian cách ly, ít giao tiếp với xung quanh, cộng với lo lắng về sự lây lan của dịch bệnh. Cuộc chiến chống Covid-19 lần này, chiến thắng còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý vững vàng của các y bác sĩ – những chiến sĩ tuyến đầu.