Bác sĩ đỡ ca sinh 5 đầu tiên tại VN, “mát tay” đỡ cả 2 con nhà Dương Khắc Linh

Hơn 7 năm trước, ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam đều “mẹ tròn con vuông” đã gây chú ý lớn đến cộng đồng, đây cũng được xem là một bước tiến bộ trong nền y học Việt Nam. Đặc biệt, ngoài sự ngưỡng mộ dành cho người mẹ vất vả mang thai 5 em bé, nhiều người còn rất quan tâm đến vị bác sĩ đã làm nên kì tích này.

Nhắc đến bác sĩ đầu tiên đỡ ca sinh 5 ở Việt Nam hay nhiều người vẫn gọi là “ông đỡ” mát tay, “ông bố đông con nhất nước”… Đều là những danh xưng nói về ThS. BS Cao Hữu Thịnh – hiện là bác sĩ bệnh viên Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Ngoài chuyên môn về sản – phụ khoa, bác sĩ Thịnh đã có nhiều năm nghiên cứu và thực hiện thành công rất nhiều ca thụ tinh, điều trị hiếm muộn, đồng thời có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ đỡ ca sinh 5 đầu tiên tại VN, amp;#34;mát tayamp;#34; đỡ cả 2 con nhà Dương Khắc Linh - 2

Nhân dịp đầu năm mới, dù công việc còn tất tả ngược xuôi, bác sĩ Thịnh vẫn cố gắng sắp xếp ít phút để chia sẻ về hành trình làm nghề cũng như những vui, buồn của một nam bác sĩ sản khoa, đặc biệt là những cái Tết không giống ai của bác sĩ sản khoa nói riêng và những người làm ngành y nói chung.

 

Được biết, bác sĩ theo ngành sản – phụ khoa từ khi ra trường và còn làm thêm tạo hình – phẫu thuật thẩm mĩ. Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với thụ tinh ống nghiệm, điều trị hiếm muộn?

Tôi nhận thấy rằng, nhu cầu khám và chữa hiếm muộn ngày càng nhiều nên mới đi học chuyên sâu về lĩnh vực này. Tính đến thời điểm này, tôi đã làm hiếm muộn được 6 – 7 năm rồi, tất cả cũng là cái “duyên” thôi.

Thời điểm tôi bắt đầu làm hiếm muộn, có những đồng nghiệp của tôi cũng làm lĩnh vực này, họ làm nửa năm không có ai đậu thai và rồi cũng nghỉ luôn. Tôi phải công nhận yếu tố may mắn của mình trong lĩnh vực này là có, nhiều khi tôi còn nói vui là “chắc mình hên, đụng đâu dính đó” (cười).

Nói là ít nhưng cũng không phải là người duy nhất chữa hiếm muộn, phải chăng sau lần bác sĩ đỡ ca sinh 5 thì “độ hot” ngày càng lên?

Tôi thấy cũng không hoàn toàn, bây giờ mạng xã hội cũng phát triển nhiều rồi, chị này đi chữa hiếm muộn thành công thì truyền tai cho người khác, cứ như vậy rồi mọi người biết đến tôi ngày một nhiều. Tôi không cần quảng cáo cho mình, người ta thăm khám, chữa thành công thì cũng tự trao đổi với nhau từ cách thức đến chi phí điều trị thôi.

Như tôi đã nói, cái “duyên” mình đến với lĩnh vực này là là nhờ may mắn khá nhiều. Tỉ lệ thành công của các ca tôi điều trị cao hơn mặt bằng chung, tôi làm với mức chi phí tiết kiệm tối đa cho bệnh nhân, tôi cũng không kinh doanh thuốc mà chỉ kê đúng những loại thuốc cần thiết cho họ, không phải kê đủ loại để “kiếm thêm”… Đó cũng chính là những yếu tố mà bệnh nhân quan tâm hàng đầu, tôi đáp ứng được thì họ tìm đến tôi.

Bác sĩ từng thành công trong rất nhiều ca hiếm muộn, những người nổi tiếng cũng tin tưởng nhờ bác theo dõi thai kỳ đến đỡ đẻ… Có trường hợp nào làm anh ấn tượng mãi không quên không?

Nói để ấn tượng nhất thì chắc không có vì ca nào mình làm thành công thì cũng đều ấn tượng. Ngoài ca sinh 5 mọi người đã biết nhiều thì tôi cũng có những ca mà tôi gọi là kì tích chứ không dám nhận mình giỏi giang. Có trường hợp tìm đến tôi khi tuổi đã ngoài 40, kết hôn hơn 20 năm vẫn không con cái. Ở tuổi đó thì chất lượng trứng cũng không còn tốt, chị ấy còn bị hội chứng đa nang nữa nên xác suất đậu thai càng mong manh. Hơn nữa, nếu có may mắn đậu thai thì cũng rất dễ sảy thai, tôi nghĩ ca này là hết hy vọng rồi.

Bác sĩ Thịnh vẫn đến thăm 5 đứa trẻ mình từng đỡ đẻ, giờ bé nào cũng đã lớn phổng phao.

Vì là chỗ quen biết và vợ chồng cũng quá ao ước có 1 đứa con nên tôi vẫn quyết định làm nhưng phải nói trước để họ không đặt kì vọng nhiều rồi lại thất vọng. Vậy mà kết quả cuối cùng là cả thai kỳ rất bình thường, thai không dị tật không có bất kì điều gì bất thường, đến bây giờ tôi nhớ không nhầm thì đứa bé cũng gần 1 tuổi rồi.

Hay có những trường hợp các chị bao nhiêu năm sống ở nước ngoài, chạy chữa khắp nơi vẫn không có con rồi về tôi điều trị, sau đó quay lại nước ngoài dưỡng thai và sinh con… Còn những lần sinh 2, sinh 3 mà mẹ nhất quyết không chịu giảm thai, có những đứa bé giờ đã 4 – 5 tuổi, mẹ vẫn gửi hình cho tôi xem và thấy bây giờ bé nào cũng xinh trai, đẹp gái rồi.

Bác sĩ Thịnh cũng chính là người đỡ đẻ cặp song sinh cho vợ chồng nhạc sĩ Dương Khắc Linh.

Trong năm vừa qua, bác sĩ Thịnh cũng đỡ đẻ song sinh cho vợ chồng nhạc sĩ Dương Khắc Linh, khi đỡ những ca đa thai, nhất là làm việc với người nổi tiếng thì có áp lực hơn không thưa bác sĩ?

Có là người nổi tiếng hay không thì khi đến với tôi họ cũng là mẹ bầu như bao nhiêu chị em khác thôi mà. Còn nói về áp lực thì đương nhiên những ca khó kể cả đa thai hay thai đơn thì cũng đều có áp lực, nhưng tôi vẫn kiểm soát được vì nó thuộc về chuyên môn công việc.

Ca nào mình biết khó thì sẽ lên kế hoạch và mọi phương án trong đầu trước rồi nên nhìn chung mọi thứ vẫn trong tầm tay thôi. Ở đây áp lực không nhiều bằng trách nhiệm, mổ sản thì phần trách nhiệm nhiều hơn các ca phẫu thuật khác vì nó liên quan đến nhiều hơn 1 sinh mạng, cả mẹ và bé đều phải an toàn chứ không phải như mổ ruột thừa, mổ dạ dày…

Áp lực của một bác sĩ thẩm mĩ có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn bác sĩ sản khoa, anh lại có chuyên môn trong cả 2 lĩnh vực, vậy tại sao không chọn cái “việc nhẹ, lương cao” mà lại làm song song?

Thật ra cái nào cũng sẽ có cái được và mất. Tôi làm hiếm muộn, gặp nhiều chị em mong con bao nhiêu năm tưởng như là hết hy vọng rồi, đến khi có con được, họ hạnh phúc đến phát khóc, họ cảm ơn và ôm tôi với sự trân trọng, có nhiều cặp vợ chồng về còn ngủ không được vì mừng, họ cứ nhắn tin cảm ơn tôi suốt.

Mấy chị ở quê thì hay gửi trái cây, quà quê lên cảm ơn, có những ca tôi chữa 5 – 6 năm trước, con bây giờ lớn rồi chứ Tết nào cũng vẫn nhớ đến tôi. Chính sự hạnh phúc của họ làm cho tôi không bỏ được nghề, nhiều lúc thấy mình quá bận rộn cũng không còn thời gian cho bản thân nhưng vẫn cứ làm vì biết nhiều người còn cần mình.

Còn làm về thẩm mĩ thì đúng là thu nhập cao hơn nhưng cái tình, cái hậu thì không được nhiều. Làm thẩm mĩ nó chỉ đơn giản là một dịch vụ, mình làm cho người ta đẹp, người ta trả tiền rồi đi. Chưa kể nếu có bất kì lỗi gì hoặc kể cả người ta không kiêng cữ đúng lời dặn để xảy ra rủi ro ngoài ý muốn, họ cũng quay lại kiếm mình, có người còn đòi lại tiền.

Mặt khác, tôi duy trì cả hai lĩnh vực song song vì rõ ràng nó có sự tương tác lẫn nhau. Những ca tôi làm thẩm mĩ, phần lớn là khách hàng từ bên hiếm muộn, thai sản qua. Người ta làm thụ tinh, sau khi mang thai được rồi thì cơ thể cũng sẽ chịu nhiều sự biến đổi trong thai kì, nhất là phần ngực. Với ảnh hưởng của nội tiết, kích thước ngực từ khi mang thai đến sau sinh, cho con bú và ngưng cho bú… Sẽ bị thay đổi kích thước và hình dạng khá nhiều, nhiều trường hợp thì ngực bị teo mất, người thì bị ngực sa trệ… Vì thế họ tìm đến phẫu thuật thẩm mĩ.

Nghe bác sĩ chia sẻ về niềm vui khi làm mảng chữa hiếm muộn, vậy anh nghĩ sao khi bây giờ nhắc đến bác sĩ Thịnh là chị em lại nói “ông bố nhiều con cái nhất nước”?

Làm cái nghề này tôi thấy ngày nào mình cũng có niềm vui. Rất nhiều chị sau khi có được con rồi, ngày nào cũng nhắn tin, chụp hình con gửi qua. Bác sĩ trị hiếm muộn thì ngày nào ngủ dậy cũng nhận được hình ảnh que thử thai và bao nhiêu tin nhắn kiểu: “Bác làm em có thai được rồi”, “Anh ơi, em 2 vạch rồi”… Nhiều người không biết mà đọc được những tin nhắn thế này không biết họ nghĩ tôi thế nào (cười).

Tin nhắn Facebook của tôi ngày nào cũng cả trăm tin nhắn mới, không có thời gian để đọc hết. Nhiều trường hợp có thai rồi, ngày đi khám, cả gia đình kéo đến như đi hội. Và chính vì niềm hạnh phúc khi được có con, nhiều chị cũng cứ lấy tôi làm ba nuôi của con luôn, sau này cũng cứ gửi hình rồi bảo “con giống ba nuôi”, “con giống bác Thịnh lắm”…

Vừa làm ở bệnh viện, làm ở phòng khám riêng còn làm thẩm mĩ. Thời gian bác sĩ dành cho bản thân và gia đình thì thế nào?

Mỗi ngày của tôi đều lặp đi lặp lại như chiếc đồng hồ. Sáng thức dậy đi giao ban, sau đó đi hút trứng, chuyển phôi, ăn cơm trưa xong tiếp tục làm trong bệnh viện. Từ 4 giờ chiều đến 9 – 10 giờ tối thì làm việc ở phòng khám, có những ngày tôi khám ở phòng khám đến 120 ca/ngày.

Chưa kể những ca đột xuất thì bất kể đêm ngày gì cũng phải có mặt. Thời gian biểu của tôi cứ quanh quẩn như vậy, rồi cũng thành quen, gia đình thì các anh chị em cũng có cuộc sống riêng cả rồi, bản thân tôi thì tìm niềm vui cho mình từ trong công việc.

Làm việc cường độ cao như thế, chắc hẳn bác sĩ Thịnh cũng phải rất kĩ trong việc giữ sức khoẻ, chăm chút bản thân?

Bây giờ đến tuổi tôi thì cũng đã đột quỵ khá nhiều, đó cũng là 1 báo động với mình. Vì vậy tôi vẫn cố gắng, thời gian rảnh rỗi 1 chút là tôi đi tập thể dục, đi gym, đi bơi. Tôi ăn uống cũng chủ yếu là rau xanh và cá. Cường độ làm việc dày đặc thế này nên tôi cũng không quen với những chỗ tụ họp bạn bè thâu đêm. Ngày nào cũng bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 – 10 giờ tối mới kết thúc công việc thì việc ý thức giữ sức khoẻ là luôn phải ưu tiên hàng đầu.

Trò chuyện trong những ngày không khí Tết Nguyên đán cận kề, tò mò 1 chút, không biết những ngày Tết của 1 bác sĩ sản sẽ như thế nào thưa anh?

Tết với chúng tôi thì cũng không khác những ngày trong năm là mấy, nhất là bác sĩ sản thì càng cực hơn. Tôi vẫn đi trực đêm, vẫn phải ra vào bệnh viện, thậm chí là có mặt gấp. Năm nay tôi trực đêm giao thừa nên coi như sẽ đón năm mới trong bệnh viện rồi. Sáng mùng 1 giao ca xong còn phải đi phát thuốc cho bệnh nhân trong khoa, sau đó mới tranh thủ chạy về quê nghỉ Tết 2 ngày rồi lại trở lại công việc bình thường.

Làm nghề này thì cũng chấp nhận là không có Tết, không có ngày lễ gì cả. Tôi thấy những ngày lễ Tết mình còn bận bịu hơn vì nhiều chị em cứ phải chọn đúng ngày đẹp, ngày lễ để sinh mổ. Ví dụ 1 ngày lễ mà mổ tầm 3 – 4 ca là coi như tôi hết ngày nghỉ rồi, vì vậy ngày lễ với tôi có lẽ chỉ bận hơn thôi chứ không phải là ngày nghỉ như mọi người.

Ngày nào cũng ngập trong công việc, thậm chí là quá tải, trong năm mới này, bác sĩ có dự định sẽ bớt việc hay kế hoạch phân bổ lại công việc không?

Đúng là càng ngày thì cường độ công việc của tôi càng nhiều, vì vậy tôi cũng dự tính sắp tới mình sẽ làm chuyên về thụ tinh ống nghiệm, chữa hiếm muộn và khám thai thôi còn về phần sau đó thì sẽ chuyển cho các bác sĩ khác để họ đỡ đẻ, mổ. Tôi nghĩ làm như vậy thì cũng chất lượng hơn cho cả bệnh nhân và bản thân mình. Một người nếu phải ôm quá nhiều việc thì sự tập trung cho từng cái cũng sẽ khó hơn.

Ngoài ra thì tôi cũng vừa mua được mảnh đất, đang sửa sang lại để chuyển phòng khám đến đó cho rộng rãi hơn. Chỗ cũ khá chật và bất tiện cho các chị bầu đến khám vì không đủ chỗ cho chồng vào cùng. Vì thế tôi luôn ước mong mở được 1 chỗ khang trang hơn để phục vụ chị em với mức chi phí khám chữa không đổi.

Cảm ơn bác sĩ vì những chia sẻ thú vị này!