Bác sĩ Alexandre Yersin hơn 50 năm gắn bó với người dân Việt – BẠN BÈ BỐN PHƯƠNG – Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội

HAUFO – Một trong những người Pháp được nhiều người Việt Nam biết đến là bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943). Ông là người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Trường Y – Dược Đông Dương, trực thuộc Đại học Đông Dương (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay).

Vị bác sĩ người Pháp, gốc
Thuỵ Sỹ này cũng được biết đến như một nhà thám
hiểm, một nhà nghiên cứu về canh nông và
là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới về vi
trùng học. Sinh năm 1863 tại Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ), Alexandre
Yersin học y khoa tại Lausanne rồi chuyển sang Marburg (Đức), cuối
cùng đến Paris (Pháp).

Năm 1886, ông về làm việc
tại phòng nghiên cứu Louis Pasteur theo lời mời của Emile
Roux, đồng thời tham gia phát triển huyết thanh chống bệnh dại.
Năm 1888, ở tuổi 25, Yersin nhận bằng tiến sĩ. Ông gia nhập Viện
Pasteur thành lập năm 1889, cùng với Roux khám
phá ra độc tố bạch hầu. Tương lai sáng lạn như được định
sẵn cho nhà khoa học trẻ tuổi tài năng. Thế nhưng Yersin
lại suy nghĩ khác. Đối với ông, “đời mà
không đi thì còn gì là đời”
và năm 1890, Yersin nghỉ việc ở Viện Pasteur, lên đường
đến Đông Dương với vai trò là bác sĩ cho
công ty Vận tải Hàng hải trên tuyến Sài
Gòn – Manila và Sài Gòn – Hải
Phòng. Năm 1891, lần đầu đặt chân đến Nha Trang, Yersin
đã yêu mến mảnh đất này và quyết định lưu
trú tại đây. Ông cho dựng nhà ở Xóm
Cồn đồng thời mở phòng khám, trở thành bác
sĩ người Âu đầu tiên hành nghề trong vùng.
Yersin thích sống chung với người dân nghèo. Ở
xóm Cồn, chẳng bao lâu ông trở thành bạn với
đám trẻ con. Ông dành một tủ sách lớn cho
bọn trẻ vào đọc. Ông dạy chúng thiên văn
và dự báo khí tượng. Ông đã
có những hoạt động rất thiết thực giúp đỡ bà con.
Ông thường xuyên khám bệnh, phát thuốc miễn
phí cho người nghèo. Ông thạo tiếng Việt, sống
chan hòa vui buồn cùng bà con. Ông bỏ tiền
riêng thuê kéo ống nước, đặt máy nước nhiều
nơi cho dân sử dụng. Hàng ngày tiếp xúc với
ông, người dân nơi đây không còn cảm
giác như tiếp xúc với người nước ngoài. Nhờ
vào sự cởi mở và tấm lòng nhân từ,
ông rất được người dân yêu quý.
“Ông Năm” là cái tên thân
thương mà người dân xóm Cồn đã gọi
ông như một cách bày tỏ lòng biết ơn.

Năm 1894, chính phủ Pháp
cùng Viện Pasteur yêu cầu Yersin tới Hong Kong
nghiên cứu bệnh dịch. Ở đó, Yersin lập một phòng
thí nghiệm dã chiến và tập trung nghiên cứu
nguồn gốc dịch hạch. Với khả năng chuyên môn về vi
trùng học, chỉ trong một tuần lễ, Yersin đã phát
hiện ra mầm bệnh hạch. Ông là người đầu tiên chứng
minh trực khuẩn này sống trong chuột và có thể
lây sang người. Việc khám phá ra vi trùng
bệnh dịch hạch làm Yersin nổi tiếng; tuy nhiên, điều quan
trọng đối với ông không phải là việc tìm ra
mầm bệnh mà là làm thế nào để tìm
ra thuốc chữa bệnh. Năm 1895, Alexandre Yersin gạt bỏ những dự
tính khác để trở lại Viện Pasteur Paris tìm
cách chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch. Vài
tháng sau khi việc nghiên cứu hoàn tất, Yersin
quay lại Nha Trang thành lập một phòng thí nghiệm
để chế tạo huyết thanh tại Đông Dương. Với uy tín sẵn
có, Yersin xin chính quyền Đông Dương cấp đất để
ông lập một trại nuôi ngựa cho mục đích đó.
Huyết thanh sản xuất từ những trại nuôi ngựa này
đã giúp cứu sống hàng trăm người mắc bệnh dịch
hạch tại Ấn Độ và Trung Hoa trong những năm về sau. Biết được
uy tín của Yersin, năm 1902, Toàn quyền Đông Dương
Paul Doumer yêu cầu Yersin ra Hà Nội và
thành lập Trường Y – dược Đông Dương, trực thuộc Đại học
Đông Dương. Năm 1904, Trường Y – dược Đông Dương
(ngày nay là trường Đại học Y Hà Nội)
khánh thành. Đây là ngôi trường về y
khoa đầu tiên tại Đông Dương. Alexandre Yersin là
Viện Trưởng đầu tiên của trường này. Ông thiết kế
giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp:
sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho
lý thuyết; đích thân giảng dạy các giờ vật
lý, hóa học, phẫu thuật. Hai năm sau, khi mọi thứ
đã vào guồng, ông từ chức để dành trọn thời
gian cho việc nghiên cứu.

           Ông Jacques-Henri Penseyres, GS.TS.BS Thú y, FVH, Chủ tịch Hội ái mộ Bác sĩ A.Yersin Thụy Sĩ

     cùng ông Lý Bá Lin, Chủ tịch Liên hiệp các toỏ chức hữu nghị Khánh Hòa viếng mộ Yersin ở Khánh Hòa

Năm 1905, phòng thí nghiệm của Yersin ở Nha Trang được nâng cấp trở thành Viện Pasteur Đông Dương. Đây là Viện Pasteur thứ hai trên thế giới. Bên cạnh các phòng thí nghiệm tại Nha Trang và Sài Gòn, trong những năm về sau, Yersin mở thêm các trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội (1920) và Đà Lạt (1936). Dành trọn tâm huyết cho khoa học, Yersin không màng đến danh vọng quyền lợi của bản thân. Ông nhận những giải thưởng cao quý trong sự ái ngại bởi “không hề thấy mình xứng đáng”, rồi quyết định dùng toàn bộ tiền từ số giải thưởng ấy vào các công trình nghiên cứu. Năm 1943, trải qua hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất hình chữ S, bác sĩ Alexandre Yersin qua đời tại Nha Trang. Theo ước nguyện của Alexandre Yersin, ông được an táng tại Suối Dầu.

Là một nhà khoa học lớn nhưng với đức tính khiêm nhường, gần gũi với mọi người, Yersin là một tấm gương sáng về lòng say mê khoa học, say mê tìm tòi nghiên cứu, khám phá những mảnh đất mới lạ. Nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ trước những cống hiến to lớn mà ông dành trọn đời phấn đấu. Vẫn còn đó những con đường, vườn hoa, ngôi trường mang tên Yersin ở nhiều thành phố của Việt Nam: Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt… Yersin đã đến đây bằng tấm lòng chân thành và sẽ còn lưu mãi trong ký ức người dân Việt Nam.

                                                                                                                                                Hoàng Dương