Bắc Ninh: Siêu thị Dabaco bán hàng không hạn sử dụng, ai đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?
LTS: Được giới truyền thông giới thiệu, khác với cách làm nông nghiệp truyền thống, chuỗi cung ứng bị ngắt thành nhiều đoạn và bị động, Tập đoàn Dabaco dưới sự chỉ huy của “thuyền trưởng” Nguyễn Như So đã triển khai ngay từ những ngày đầu, khi bước ra thị trường là xác định mục tiêu và xây dựng chuỗi cung ứng khép kín (chuỗi giá trị khép kín 3F: Feed – Farm – Food). Mô hình sản xuất hiện đại và hoàn chỉnh được Dabaco Group dày công xây dựng và phát triển lên hình thái rất cao, sạch từ trang trại, nhà máy tới bàn ăn với bản sắc riêng biệt.
Hệ thống siêu thị Dabaco, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam – Dabaco Group, nổi tiếng với sự uy tín, chất lượng, mặt hàng phong phú, “vừa túi tiền”. Sau hơn 1 thập kỷ phát triển, đến nay, hệ thống siêu thị Dabaco đã có mặt trên khắp tỉnh Bắc Ninh, trở thành 1 trong chuỗi siêu thị lớn nhất cả tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, trái với những tôn chỉ được Dabaco giới thiệu, những tưởng tại “cái nôi” của sản phẩm thức ăn tươi sống từ trang trại tới bàn ăn thì mục sở thị tại hệ thống siêu thị Dabaco Bắc Ninh, người tiêu dùng không khỏi bất ngờ với nhiều thực phẩm, hàng hoá không nhãn mác xuất xứ, nhân viên bán hàng vô tư bán hàng hết hạn sử dụng tới tay người tiêu dùng…
Nhiều sản phẩm không tem nhãn phụ Tiếng Việt
Trong bài viết thứ nhất “Mục sở thị” Dabaco bày, bán thực phẩm “3 không” cho người tiêu dùng”, phóng viên đã phản ánh toàn bộ thực trạng bán hàng tại siêu thị Dabaco tới quý độc giả.
Theo khảo sát của phóng viên, khu vực bày bán hàng hóa tươi sống như cá hồi, cá basa, gà, xương heo, rau củ, nộm… đã được sơ chế sẵn nhưng hoàn toàn “trắng thông tin”, không ngày giết mổ, không hạn sử dụng, thậm chí không cả thông tin xuất xứ, cách bảo quản. Chỉ được bảo quản đơn giản trên khay xốp màu trắng và bọc thủ công bằng màng nilon bọc thực phẩm.
Cá hồi được bày bán không có tem nhãn, thông tin sản phẩm dù là thực phẩm tươi sống.
Thịt gà nguyên con cũng được đóng gói đơn giản trên khay xốp và phủ màng bọc thực phẩm, không hề có thông tin gì về xuất xứ, ngày giết mổ, hạn sử dụng….
Bên cạnh đó, bánh kẹo… cũng không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, không đơn vị nhập khẩu, không hạn sử dụng… khiến cho người tiêu dùng hoang mang không biết sản phẩm này đã “tồn tại” bao lâu, còn có thể đảm bảo để sử dụng được hay không?
Tại khu vực bày bán bánh kẹo cân, rất nhiều sản phẩm như thạch, kẹo gôm, socola, kẹo chuối… được để vào trong những thùng lớn để người tiêu dùng tự lấy theo số lượng mình muốn mua, rồi sẽ tính tiền sau. Thế nhưng ở những thùng bánh kẹo cân này không có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì trực tiếp của sản phẩm, ví như sản phẩm kẹo socola này ghi là “In trên bao bì” nhưng không biết bao bì nào?
Bên cạnh đó, bánh kẹo… cũng không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, không đơn vị nhập khẩu, không hạn sử dụng… khiến cho người tiêu dùng hoang mang không biết sản phẩm này đã “tồn tại” bao lâu, còn có thể đảm bảo để sử dụng được hay không?
Tại khu vực bày bán bánh kẹo cân, rất nhiều sản phẩm như thạch, kẹo gôm, socola, kẹo chuối… được để vào trong những thùng lớn để người tiêu dùng tự lấy theo số lượng mình muốn mua, rồi sẽ tính tiền sau. Thế nhưng ở những thùng bánh kẹo cân này không có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì trực tiếp của sản phẩm, ví như sản phẩm kẹo socola này ghi là “In trên bao bì” nhưng không biết bao bì nào?
Không hề tìm thấy thông tin hạn sử dụng “in trên bao bì” của sản phẩm kẹo socola này.
Và còn rất nhiều những hàng hóa được bày bán tại Dabaco đang khiến người tiêu dùng lo lắng khi đảm bảo về uy tín, chất lượng, nhưng thực chất không biết, sự uy tín chất lượng đó thể hiện ở đâu.
Theo ghi nhận của phóng viên, một sản phẩm được bày bán tại siêu thị Dabaco là Đầu râu mực Miền Hạ Long của Công ty CP Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long, có thông tin về nơi sản xuất, cách bảo quản, khối lượng tịnh. Hạn sử dụng chỉ ghi duy nhất “Hạn sử dụng tốt nhất trong 12 tháng”, phía dưới có ghi NSX/HSG: Ghi trên bao bì”, thế nhưng tìm mỏi mắt trên bao bì sản phẩm, không hề thấy ngày sản xuất là ngày nào, hạn sử dụng là ngày nào kiểm tra độ an toàn khi chế biến món ăn.
Sản phẩm khoai tây toàn chữ nước ngoài, không tem mác, nguồn gốc xuất xứ.
Hay khu vực bàn báy rau củ, chỉ được dán thông tin về Tên sản phẩm, mã vạch để thanh toán, giá tiền/kg, trọng lượng sản phẩm, giá tiền theo trọng lượng sản phẩm, ngày đóng gói, nhưng không hề có thông tin về hạn sử dụng, được sử dụng trong thời gian bao lâu, cách bảo quản… khiến người tiêu dùng không biết được sản phẩm đến thời điểm mua hàng có sử dụng được hay không?
Khu vực bán rau củ chỉ có duy nhất tem nhãn giá sản phẩm, còn không có nơi sản xuất, hạn sử dụng…..
Cải thảo này không có hạn sử dụng, không biết sản phẩm sẽ tồn tại trong bao lâu?..
Hay sản phẩm mặt nạ này, hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, có tem nhãn phụ Tiếng Việt, nhưng phần thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng thì ghi in trên bao bì, nhưng bao bì nào thì người tiêu dùng không hề biết. Nếu chẳng may sản phẩm đã hết hạn sử dụng vẫn được bày bán tại siêu thị, người tiêu dùng mua về và sử dụng, sẽ ảnh hưởng đến làn da bởi các thành phần trong mặt nạ đã hết dưỡng chất, thậm chí có thể chuyển hóa thành độc hại.
Chưa dừng lại ở đó, tại quầy gia dụng, rất nhiều sản phẩm toàn tiếng nước ngoài nhưng không hề thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định.
Sản phẩm “Muôi xơi cơm” này chỉ có in tem về giá tiền, còn không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định để người tiêu dùng tham khảo thông tin về sản phẩm. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về xuất xứ của sản phẩm, từ đó hoài nghi về chất lượng của sản phẩm.
Hay sản phẩm túi phủ máy giặt này cũng vậy, hoàn toàn là chữ nước ngoài. Nhìn qua, chỉ có duy nhất tem mã vạch để nhân viên siêu thị tính tiền và giá tiền. Còn nhìn thật kỹ mới thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt nhưng rất bé, lại còn không đủ thông tin về tên công ty, địa chỉ công ty cung cấp… không đúng tiêu chuẩn tem nhãn phụ theo quy định.
Sản phẩm này cũng toàn chữ nước ngoài, thì chỉ có duy nhất tem mã vạch để tính tiền, không thấy có bất cứ thông tin gì về tên sản phẩm, nơi sản xuất, chất liệu, ngày sản xuất….Rất khó để người tiêu dùng có thể tham khảo thông tin sản phẩm và chọn mua.
Cùng với đó là rất nhiều sản phẩm gia dụng khác như nồi, máy sấy, máy say … chỉ có mã vạch tính tiền và giá thành, còn không có tem nhãn Tiếng Việt theo quy định. Thậm chí, tem giá còn in rất mờ, không nhìn rõ tên sản phẩm là gì. Quả thực, người tiêu dùng muốn mua những sản phẩm này cũng rất khó để lựa chọn bởi chẳng có thông tin Tiếng Việt nào mà tham khảo, trong khi quy định về tem nhãn phụ Tiếng Việt đã có rõ ràng.
Tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ: Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt; các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: Trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hàng hóa hết hạn sử dụng?
Không chỉ nhiều hàng hóa không tem nhãn phụ Tiếng Việt bày bán công khai, không ngày sản xuất, hạn sử dụng, siêu thị Dabaco còn bán cả thực phẩm đã hết hạn sử dụng cho người tiêu dùng.
Ngày 07/06/2022, phóng viên đã trực tiếp ghi nhận tại siêu thị Dabaco và ghi nhận sản phẩm Sushi mực ống khế 160g có giá 110.000 đồng. Trên bao bì sản phẩm này có ghi ngày sản xuất là 01/06/2020, hạn sử dụng là 24 tháng kể từ ngày sản xuất, tức là ngày 01/06/2022, thế nhưng ngày 07/06/2022, hàng hóa vẫn còn trên kệ để bán cho người tiêu dùng.
Điều đáng chú ý là khi tính tiền, nhân viên siêu thị thản nhiên check giá và thanh toán cho khách, không hề kiểm tra lại hàng hóa, và cứ thế bán hàng và thu tiền của khách. Và nếu như khách hàng không để ý, cứ thế mang về và chế biến thì không biết “thức ăn an toàn lên tận bàn ăn” của Dabaco này thì ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của khách hàng.
Hạn sử dụng chỉ đến ngày 01/06/2022 nhưng ngày 07/06/2022 sản phẩm này vẫn được bán công khai tại siêu thị Dabaco.
Và nhân viên thu ngân vẫn tính tiền và thu tiền cho khách hàng như bình thường, không check lại hàng hóa có đủ điều kiện bán hàng cho khách hay không?.
Ngay sau đó, phóng viên đã giao lại sản phẩm hết hạn sử dụng này cho Quản lý thị trường Bắc Ninh, sau khi có thông tin phản hồi sẽ thông tin tới bạn đọc.
Tình trạng hàng hóa không tem nhãn phụ Tiếng Việt, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, hay ghi nhãn mác mập mờ, thiếu thông tin đến với người tiêu dùng đang là vấn đề nhức nhối trên thị trường. Với những hàng hóa nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt, quả thực người tiêu dùng không biết có thể tham khảo thông tin trực tiếp ở đâu, không biết đây có phải là hàng chính hãng hay không, hay hàng giả hàng nhái… thì mới không có thông tin nơi sản xuất, đơn vị nhập khẩu, thành phần….
Còn với những hàng hóa là thực phẩm, việc không có ngày sản xuất hay hạn sử dụng quả thực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng do tin tưởng vào các siêu thị bán hàng chất lượng nên không để ý đến hạn sử dụng, nếu chẳng may mua phải hàng hóa thực phẩm hết hạn sử dụng thì không biết hậu quả trước mắt và lâu dài sẽ như thế nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng?
Được giới thiệu là siêu thị Dabaco trực thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Tập đoàn hàng đầu khu vực về dịch vụ Nông nghiệp – Thực phẩm. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi quy trình sản xuất 3F khép kín (Feed – Farm – Food), tức quy trình sản xuất thực phẩm an toàn bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, chế biến tới quá trình nuôi ở các trang trại cho đến khi thực phẩm lên tới bàn ăn của khách hàng. Thế nhưng thực tế, hàng hóa không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không có hạn sử dụng… liệu có được coi là an toàn khi thực phẩm lên tới bàn ăn của khách hàng hay không? Điều này khiến dư luận đặt ra hoài nghi về mức độ uy tín và lời nói hoa mỹ của siêu thị Dabaco khi quảng cáo về mình.
Và, với những hàng hoá “trắng thông tin” có tính hệ thống như vậy, liệu rằng hệ thống siêu thị Dabaco có xứng đáng với slogan tự phong được treo quảng bá rất lớn trên hệ thống siêu thị: Hệ thống siêu thị Dabaco, nơi bạn gửi trọn niềm tin?
Lúc này, có lẽ cần nhất các cơ quan chức năng phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh những rủi ro có thể xảy ra.