Bà bầu khổ vì kiêng
Kiêng ăn, kiêng uống đã đành, kiêng đi kiêng đứng là một nhẽ nhưng kiêng chụp hình, đám cưới, kiêng chúc Tết, mở hàng… đi đến đâu cũng bị xem là đen đủi, bà bầu đúng là khổ vì kiêng.
Nỗi oan bà bầu
“Một bữa lên chợ Bà Chiểu mua đồ, hai vợ chồng vừa xớ rớ tới trước một quầy hàng mới mở, đã thấy chủ hàng đuổi như đuổi hủi: ‘Bầu, bầu đi chỗ khác, chút xíu nữa quay lại nha. Thông cảm chị mới mở hàng’. Từ đó chị cũng cạch đến già không bao giờ đi mua hàng buổi sáng nữa” – chị Hoa (Q.1, TpHCM) ấm ức kể. Là người Bắc vào Nam được 7 năm, chuyện kiêng kỵ ngoài Bắc chị không nhớ, trong Nam lại chẳng biết gì. Thế nên từ ngày mang bầu chị đã gặp không ít chuyện bực mình. Ấm ức mãi lần đi mua hàng bị đuổi như đuổi tà, lại thêm chuyện ông anh họ, là người nhà mà còn mắng xa xả chỉ vì cái tội ngày mồng một đã vác bụng bầu sang thăm anh, chị Hoa quyết tâm tìm hiểu… văn hóa kiêng kỵ của bà bầu.
Theo như lời các bà, các cô thì đầu tháng, đầu năm bà bầu được miễn cho khoản thăm thú họ hàng, mừng tuổi, chúc Tết, cứ nhiệt tình mà đến có khi người ta còn mắng cho. Đám cưới, đám xin chớ có dại mà tới lui, nhìn ngó vào phòng cô dâu, chú rể… rồi mang lại đen đủi cho người ta. Có tình cờ gặp cái đám rước dâu đi ngang đường cũng đừng có liếc mắt mà nhìn, con sinh ra sẽ vô duyên lắm đấy! Chưa hết, buổi sáng đi ngoài đường, gặp người ta, người ta có hằm hằm mặt, quay ngoắt trở lại coi như không biết, không nghe, không thấy dù mình đã cười rõ tươi, chào rõ to thì cũng đừng có tủi thân. Người ta tránh cái vía bà bầu chứ không phải khinh dễ gì mình đâu.
Nghĩ cũng oan uổng cho bà bầu, chả có tội tình gì nhưng cứ bị chụp mũ cho là nguyên nhân của bao nhiêu đen đủi, xui xẻo. Không chỉ có người thời trước mới nghĩ thế mà người thời nay vẫn chưa xóa bỏ được quan niệm đó. Một anh bạn tôi là doanh nhân, suốt một năm làm ăn điêu đứng, liêu xiêu theo anh cũng chỉ tại đầu năm đi chúc Tết gặp ngay cô cháu đang mang bầu.
Thôi thì, có thờ có thiêng…
…có kiêng có lành, lành đâu chưa thấy nhưng không kiêng thì họa thấy rõ rồi. Vì thế nên ngày lễ, ngày Tết, hội hè, đình đám, nhiều bà bầu đã chọn phương án “ở nhà cho nó lành”. Nhưng ở nhà ngày thường cũng đâu đã hết chuyện để kiêng.
Ngày chủ nhật cuối tuần, đại gia đình tụ tập ăn uống, mấy cô cháu mang máy ảnh ra chụp hình kỷ niệm cho cả nhà, Lan Anh tranh thủ góp mặt tí thì mẹ chồng đã cấu cấu vào tay bảo: Bà bầu mà chụp ảnh sau này con sẽ bị nháy mắt đấy. Không dám cãi lời mẹ chồng, Lan Anh vờ xuống bếp lấy thêm ít đồ, trong lòng tủi thân ghê gớm.
“Từ ngày có bầu, nghén đã khổ, nhớ hết danh sách những thứ cần kiêng do mẹ chồng truyền dạy, mình cũng khổ không kém. Mà toàn là những điều nghe đã thấy vô lý rồi, đại loại: Không được vừa đi xe vừa ăn nếu không con sinh ra sẽ ị đùn; Rửa tay xong thì cấm không được lau tay vào vạt quần nếu không sau này con sẽ bị đẹn hai bên hông; Không vắt khăn qua vai, không bước qua sợi dây vì sợ khi sinh, nhau sẽ quấn ngang cổ con; Không đứng giữa cửa vì sợ sinh nửa chừng… Đi ra ngoài thế nào cũng được nhưng về nhà là phải để ý, hôm nào đãng trí quên mất thế nào cũng bị mẹ chồng nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì cằn nhằn. Vui nhất là chuyện khi mới có bầu nếu muốn chồng ốm nghén giùm chỉ cần nhằm lúc chồng ngủ say thì bước qua bụng chồng ba lần sẽ được toại nguyện. Cái này mình học được của cô hàng xóm, thực hiện luôn nhưng chưa thấy phát huy tác dụng nên mình vẫn là người chịu trận”, Lan Anh cười nói.
Những quan niệm này có thể khẳng định là quá “cổ lổ sĩ” nhưng đều xuất phát từ một điều rất tốt đẹp là muốn dành cho con mình những điều tuyệt vời nhất, mong muốn cho những hài nhi nhỏ bé sẽ thông minh, khỏe mạnh chào cuộc đời. Hơn nữa, những kiêng kỵ tuy khó nhớ vì quá nhiều nhưng không khó để thực hiện. Bởi thế dù biết hình dáng của con đẹp xấu là do tự nhiên đâu phải cầu là được nhưng nhiều bà mẹ ngắm và cầu mặt trăng vào ngày 15 hàng tháng để con sinh ra sẽ xinh đẹp đầy đặn như mặt trăng. Nhiều bà mẹ dù không khoái món chân gà nhưng cũng chịu khó gặm đều đều để sau này con cứng cáp, mạnh khỏe. Và mẹ có thể từ bỏ món cơm cháy yêu thích chỉ vì sợ con sinh ra sót nhau…
Cũng có nhiều khi do sự trùng hợp ngẫu nhiên nên dù biết không có cơ sở khoa học nhưng để an tâm người ta vẫn kiêng. Cái chuyện bà bầu thì kiêng đi thăm bà đẻ (vì sợ trẻ con rủ nhau ra sớm dễ sinh non), chị Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) vốn chẳng tin nên khi mang thai tuần 36 chị vẫn vào bệnh viện thăm bạn vừa sinh ở bệnh viện. Ngay hôm sau lên bàn sinh, sợ quá, chị cấm tiệt những ai đang bầu bí vào thăm mình.
Bà bầu: Kiêng đúng = Kiêng sai
– Không hái quả trên cây không thì sẽ làm chết cây: Không có cơ sở
– Không ra nghĩa trang vì con sinh ra dễ bị sài: Không có cơ sở
– Kiêng đi đám ma vì sợ con hay khóc đêm, chết yểu, ma ám: Vừa đúng vừa sai. Sự thật là: Hơi lạnh và những cú shock về tâm lý thường gặp trong đám tang (đặc biệt là của người thân) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi chứ không phải vì sợ ma ám hay khóc đêm…
– Không chụp hình vì sợ con nháy mắt: Không có cơ sở. Nếu như vậy thì các cô diễn viên, người mẫu khoe bụng bầu chắc con đều bị nháy mắt hết.
– Không đi thăm bà đẻ vì sợ trẻ con gọi nhau ra sớm, khiến đẻ non: Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ điều này.
– Bà bầu kiêng chuyển nhà vì sợ xui xẻo: Vừa đúng, vừa sai. Có thể ngày xưa các cụ kiêng chuyển nhà khi mang bầu là sợ công việc gấp gáp, nặng nhọc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu. Ngày nay đã có dịch vụ chuyển nhà trọn gói nên ngay cả khi có bầu bạn vẫn có thể yên tâm.
Theo Theo SKGĐ