Bà bầu bị cảm cúm uống thuốc gì? Không uống thuốc được không?
Cảm cúm là một bệnh lý thường gặp ở đường hô hấp với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, sốt,… Cảm cúm trong thai kỳ là một nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ, bởi nếu không điều trị dứt điểm nó tái đi tái lại nhiều lần, và có thể để lại nhiều biến chứng không tốt cho thai nhi. Vậy bà bầu bị cảm cúm uống thuốc gì? và khi nào bị cảm thì cần đi khám bác sĩ? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp các câu hỏi này.
Nội Dung Chính
Những biến chứng của cảm cúm lên thai phụ
Cúm là một bệnh lý của đường hô hấp với biểu hiện điển hình là hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi,… Thai phụ bị mắc cảm cúm sẽ để lại rất nhiều biến chứng nặng nề, đồng thời cũng mất nhiều thời gian để bình phục hơn. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà cảm cúm gây ra trên mẹ bầu đó là viêm phổi do virus. Những biến chứng khác có thể gặp phải là:
- Viêm họng, viêm amidan.
- Cảm cúm lâu ngày có thể gây ra viêm tai giữa, thậm chí là viêm não.
- Nguy cơ sốc nhiễm khuẩn và viêm nội tâm mạc cũng đã được báo cáo.
Đối với thai nhi, sẽ làm tăng nguy cơ dị tật thai, trí tuệ chậm phát triển, thậm chí là sinh non hoặc chết lưu thai trong tử cung. Bên cạnh đó việc tự ý sử dụng các loại thuốc cảm cúm khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu có thể tạo thành dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Làm gì khi thai phụ bị cảm cúm
Bà bầu bị cảm cúm uống thuốc gì? Là nỗi băn khoăn của rất nhiều thai phụ. Khi thấy dấu hiệu của cảm cúm, mẹ bầu cần thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh như rửa mũi, súc họng,… để hạn chế tiến triển của bệnh. Đồng thời cần đeo khẩu trang để hạn chế lây lan cho người khác.
Điều trị cảm cúm không dùng thuốc
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nên việc sử dụng thuốc để điều trị khi bị cảm cúm sẽ được hạn chế, thay vào đó là những phương pháp tự nhiên không cần dùng đến thuốc:
Sử dụng tỏi tươi hoặc tinh dầu tỏi
Trong tỏi có một lượng lớn Alliin khi giã hoặc băm nhỏ sẽ chuyển hóa thành Allicin, đây là một chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng giảm các triệu chứng của tình trạng viêm. Trong tỏi còn rất giàu Vitamin B6, Vitamin C, Mangan,.. giúp hệ miễn dịch của thai phụ được nâng cao, từ đó thiết lập lại trạng thái cân bằng của cơ thể, ngăn ngừa các virus cảm cúm tăng sinh.
Việc đập nát tỏi rồi dùng kèm với nước ấm sẽ cho ra tác dụng rất tốt, nếu bạn sợ vị cay của tỏi bạn cũng có thể sử dụng những loại tinh dầu tỏi để làm giảm các triệu chứng cúm.
Xông tinh dầu
Các loại tinh dầu có tính thăng hoa và nóng, khi dùng để xông sẽ cải thiện được tình trạng nghẹt mũi. Giúp đường thở của bạn dễ chịu và thông thoáng hơn.
Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi và súc họng
Dùng nước muối sinh lý 0.9% để rửa mũi và súc họng sẽ giúp rửa trôi vi khuẩn và virus. Từ đó giúp sát trùng tại chỗ, hạn chế được sự nhân lên của các tác nhân gây bệnh.
Làm giảm cảm giác đau rát họng, ho bằng chanh và mật ong
Chanh kết hợp với mật ong sẽ giúp sát trùng đường họng tại chỗ, làm giảm các cảm giác ngứa rát và khó chịu ở họng. Trong chanh tươi rất giàu Vitamin C, từ đó giúp cho hệ miễn dịch được củng cố, ngăn ngừa tình trạng cảm cúm trở nặng.
Điều trị cảm cúm có dùng thuốc
Khi thai phụ có các dấu hiệu của cảm cúm nhưng đang sử dụng những biện pháp trên mà không thấy thuyên giảm thì cần sử dụng thuốc. Vậy bầu bị cảm cúm uống thuốc gì?
Giai đoạn mang thai là một giai đoạn hết sức nhạy cảm do đó việc sử dụng thuốc trong khoảng thời gian này cần phải được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng. Khi bị cúm thai phụ cần đi thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc. Một số thuốc có thể cân nhắc là:
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt, trong trường hợp mẹ bầu sốt trên 38,5 độ C thì có thể cân nhắc sử dụng. Cần đặc biệt thận trọng khi dùng cho người mang thai trong 3 tháng đầu.
- Thuốc kháng Histamin H1: Các thuốc kháng Histamin H1 có tác dụng làm giảm tình trạng dị ứng ở mũi, họng và trên bề mặt da. Từ đó sẽ làm giảm các cơn kích ứng, ngứa ở mũi và họng.
- Thuốc kháng virus: Trong trường hợp cần thiết bạn sẽ phải sử dụng đến Tamiflu, đây là một thuốc kháng siêu Virus nhóm A và B được chứng minh là an toàn khi sử dụng cho thai phụ. Tamiflu chỉ được sử dụng khi các triệu chứng cúm trở nặng, và cần phải được sự đồng ý của bác sĩ trước khi dùng. Thuốc kháng Virus đạt hiệu quả điều trị cao nhất khi dùng sau khi có triệu chứng cúm khoảng 2 ngày.
- Thuốc xịt mũi: Các dòng thuốc xịt mũi có chứa Steroid dùng tại chỗ, có thể được sử dụng cho thai phụ trong trường hợp cần thiết. Trước khi dùng bạn cần tham khảo liều lượng từ bác sĩ chuyên khoa.
Những loại thuốc không được dùng trong thai kỳ
Bên cạnh những thuốc có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai, thì cũng có rất nhiều các loại thuốc làm giảm các triệu chứng cảm cúm chống chỉ định cho giai đoạn này. Dưới đây là một số thuốc điển hình:
- Những loại thuốc giảm đau hạ sốt thuộc nhóm NSAID: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, việc sử dụng NSAID trong thai kỳ có thể gây rối loạn chức năng ở trẻ sơ sinh, gây thiếu ối ở thai phụ và khó khăn trong việc chuyển dạ.
- Phenylephrin: Sử dụng thuốc cho thai phụ trong giai đoạn cuối của thai kỳ có thể làm thai bị thiếu oxy máu, làm giảm cung lượng máu đến tử cung, từ đó làm tăng những biến cố sản khoa.
- Các loại thuốc chứa Oxymetazoline cũng không nên sử dụng cho thai phụ, trong trường hợp quá cần thiết thì chỉ được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ.
==>> Xem thêm: Cách chữa cảm lạnh cho bà bầu đơn giản đến không ngờ
Các biện pháp phòng ngừa cảm cúm cho thai phụ
Các phòng ngừa cảm cúm tốt nhất cho thai phụ là tiêm phòng vắc-xin. Tiêm phòng vắc – xin cảm cúm trước khi mang thai sẽ làm giảm nguy cơ mắc tình trạng này trong thai kỳ. Thai phụ được tiêm phòng vắc – xin còn làm giảm được các biến chứng gây ra do cúm. Không chỉ vậy vắc – xin phòng cúm còn giúp bảo vệ thai nhi khỏi các biến chứng gây ra do cúm, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ.
Một số biện pháp giúp thai phụ hạn chế bị nhiễm cảm cúm:
- Đeo khẩu trang đến nơi đông người, đặc biệt trong thời điểm giao mùa số người mắc các bệnh lý về đường hô hấp tăng cao.
- Tránh tiếp xúc gần, ăn chung với những người đang bị cúm.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc di chuyển từ nơi đông người về nhà.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối loãng 1-2 lần trên ngày.
- Tăng cường ăn các thực phẩm, trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C. Một số loại trái cây giàu vitamin C mà bạn có thể tham khảo là: ổi, cam, ớt chuông,…
Khi thai phụ bị cúm, người bệnh nên chú ý tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh đường họng và mũi sạch sẽ. Nếu bệnh không thuyên giảm thì cần sử dụng thuốc, tuy nhiên sử dụng thuốc tân dược có thể để lại nhiều biến chứng cho mẹ và bé. Do đó nếu thấy tình trạng bệnh trở nặng bạn cần phải đi thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và kê thuốc. Hy vọng qua bài viết giúp bạn đọc biết được “bà bầu bị cảm cúm uống thuốc gì?”. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến dị tật ống thần kinh, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1800 9229 để được hỗ trợ kịp thời.
Tài liệu tham khảo
1. Medicines to Avoid When Pregnant, nguồn WedMD, truy cập ngày 27 tháng 6 2022.
2. Flu Shots and Pregnancy, nguồn WedMD, truy cập ngày 27 tháng 6 2022.