AZ GROUP – Công Ty Nghiên Cứu Thị Trường
shares
Sau khi tập hợp được thông tin về thị trường và phân tích dữ liệu phần cuối cùng của một chương trình nghiên cứu thị trường là bản báo cáo, nó sẽ thể hiện tổng quan về thị trường, đối thủ, khách hàng và các hoạt động giúp chúng ta có thể so sánh, chọn lựa và ra quyết định chính xác về Marketing.
Bản báo cáo nghiên cứu thị trường thường đa dạng và không có mẫu chung, chúng thường được trình bày dưới dạng các con số thống kê, định lượng các tiêu chí đánh giá và thường được mô phỏng bằng những biểu đồ dễ hình dung tránh bị các con số làm nhiễu loạn.
Tuy những bản báo cáo thị trường đa dạng nhưng nội dung của nó phải trả lời được những câu hỏi sau :
1. Tổng cầu, tổng giá trị của thị trường
Tổng cầu là tổng lượng khách hàng có nhu cầu trong thị trường, con số trong báo cáo thường có sai số. Dữ liệu này có được dựa theo thống kê dân số và tỉ lệ % dân số theo độ tuổi và khu vực địa lý.
2. Tổng cung
Là tổng số lượng những doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường, chúng ta thường liệt kê 10 đến 20 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường theo tiêu chí về thị phần, thương hiệu, kênh phân phối và mức độ phổbiến về sản phẩm dịch vụ. Dữ liệu này thường được biểu hiện bằng biểu đồ so sánh các doanh nghiệp với nhau theo năm.
3.Tốc độ tăng trưởng của thị trường
Tốc độ tăng trưởng của thị trường là sự gia tăng của các đối thủ mới, phát triển thị phần của các đối thủcũ theo năm.
Tốc độ tăng trưởng thường được tính theo % các năm và được biểu thị bằng biểu đồ cột.
4.Thị trường chia ra bao nhiêu phân khúc
Trong thị trường hiện tại chia ra bao nhiêu phân khúc, phân khúc là nhóm khách hàng có các nhu cầu khác nhau. Hiểu được phân khúc sẽ giúp doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn về khách hàng và đối thủ.
Phân khúc thường được chia theo khu vực địa lý, độ tuổi, mức thu nhập và giới tính.
5. Các đối thủ dẫn đầu các phân khúc
Trong từng phân khúc thị trường, tùy vào quy mô chúng ta có thể liệt kê từ 3 đến 5 đối thủ dẫn đầu thịtrường theo các tiêu chí về thị phần, kênh phân phối, thương hiệu và mức độ phổ biến, quen thuộc của sản phẩm dịch vụ.
Trong phần này chúng ta cũng có thể trình bày định vị của các đối thủ và sản phẩm dịch vụ của họ đang phục vụ khách hàng như thế nào.
6. Nhu cầu của khách hàng trong từng phân khúc
Dựa theo lý thuyết nhu cầu của khách hàng (Khách hàng có nhu cầu lõi, nhu cầu phát sinh, nhu cầu cảm xúc), phần này chúng ta liệt kê từ 5 đến 10 nhu cầu mà khách hàng ưu tiên cần được đáp ứng.
Chúng ta có thể đặt trọng số ưu tiên của khách hàng vào các nhu cầu từ thấp đến cao. Ngoài ra việc trình bày hành vi và thói quen mua hàng của khách hàng trong thị trường cũng giúp ích rất nhiều cho việc xác định nhu cầu ưu tiên của khách hàng.
7. Các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong phân khúc
Phần này chúng ta trình bày việc sản phẩm dịch vụ của các đối thủ đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thế nào. Phần trình bày chúng ta có thể có bảng so sánh bằng cách cho điểm số xem đối thủ nào đang đáp ứng những nhu cầu của khách hàng tốt hơn.
Phần này chúng ta cũng có thể trình bày định vị của các đối thủ, so sánh giá và chất lượng sản phẩm dịch vụ.
8. So sánh cơ hội ở các phân khúc khác nhau của thị trường
Cuối cùng là việc tổng hợp các bảng nghiên cứu của từng phân khúc và so sánh xem cơ hội của doanh nghiệp khi chọn phân khúc thị trường nào để gia nhập thì có lợi thế hơn dựa trên các tiêu chí :
- Quy mô phân khúc đủ lớn
- Mức cạnh tranh thấp
- Doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu tốt hơn đối thủ
- Doanh nghiệp có khả năng duy trì việc đáp ứng nhu cầu tốt hơn đối thủ trong 1 thời gian dài.
Nguồn: blog.marsal.edu.vn