angioNhat – Bột làm bánh, bột nấu ăn đều có: tổng hợp 44 loại bột bán ở siêu thị ở Nhật Bản
Siêu thị ở Nhật nhiều loại bột quá bạn ha?
Chưa kể người ta không bày bán tập trung ở một quầy mà lại hay chia ra nhiều quầy khác nhau tùy theo
cách dùng của loại bột đó nữa.
Thành ra bạn nào không thường đi siêu thị chắc sẽ hơi khó tìm nhỉ?
Trong bài này, mình sẽ giới thiệu 44 loại bột thường được bán ở các siêu thị Nhật Bản nha.
Từ các loại bột thông dụng như bột năng, bột mì, bột ngũ cốc, bột làm bánh xèo Okonomiyaki
cho đến các loại bột hương liệu như bột quế, bột nghệ, bột ớt…
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn tìm mua bột được dễ dàng hơn, nấu được nhiều món ăn mà bạn thích hơn nha!
Các loại bột thông dụng ở quầy bột
Sau đây mình sẽ giới thiệu những loại bột thông dụng thường được bán ở quầy bột (粉もの売り場) trong siêu thị nha.
Riêng một vài loại bột đặc biệt như bột Tapioka hay bột bắp thì không phải siêu thị nào cũng có bán.
Nếu không tìm thấy, bạn có thể tìm ở cửa hàng chuyên đồ nhập khẩu như KALDI hoặc các cửa hàng chuyên đồ làm bánh như TOMIZ… nhé.
Nội Dung Chính
Bột năng của Nhật
Bột năng của Nhật
Bột năng của Nhật gọi là「片栗粉」(Katakuriko).
Ngoài công dụng tạo độ sệt cho món ăn hoặc dùng để phủ các món chiên, các gia đình ở Nhật còn dùng
bột năng để làm bánh Warabi Mochi nữa.
Bột năng vừa dễ tìm, vừa rẻ hơn bột Warabi thật rất nhiều, cách làm cũng đơn giản nữa nên món này được ưa chuộng lắm.
Bánh Warabi Mochi làm từ bột năng
Chia sẻ thêm về bột năng của Nhật:
Bột năng của Nhật là tinh bột từ khoai tây, chứ không phải từ củ mì như của Việt Nam mình.
Bột này nếu chỉ luộc rồi để nguội thì sẽ cứng và đục màu rất nhanh.
Nên nếu dùng bột năng của Nhật để làm bánh bột lọc hay các loại bánh Việt Nam sẽ không được ngon nhé.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên bao bì bột năng của Nhật có in dòng chữ「ばれいしょでん粉」, nghĩa là “tinh bột khoai tây” đó.
Bột năng của Nhật là tinh bột từ khoai tây
Bột sắn Tapioka của Nhật (Tapioka Starch)
Bột sắn Tapioka của Nhật
Bột Tapioka tiếng Nhật gọi là「タピオカスターチ」(Tapioka Sutaachi) hoặc「タピオカ粉」(Tapiokako).
Bột Tapioka là bột gần giống với bột năng của Việt Nam nhất.
Bột này khi nguội cũng ít bị cứng và đục màu nên rất phù hợp dùng làm bánh bột lọc nè.
Bánh bột lọc trần làm bằng bột Tapioka (trái) sẽ trong và mềm hơn làm bằng bột năng của Nhật (phải)
Ngoài dạng bột, các siêu thị ở Nhật cũng có bán bột Tapioka dạng viên (パールタピオカ) nữa.
Nếu cần làm trân châu cho trà sữa thì bạn mua loại này cho tiện nha.
Bột Tapioka dạng viên (パールタピオカ)
Chia sẻ thêm về bột Tapioka của Nhật:
Trường hợp tìm ở quầy bột (粉もの売り場) không thấy, bạn hãy tìm bột Tapioka ở quầy bán đồ làm bánh (製菓材料売り場)
hoặc quầy bán đồ nấu món Hoa (中華食材売り場) trong siêu thị nha.
Nếu siêu thị không có, bạn có thể tìm mua bột Tapioka ở các cửa hàng chuyên đồ làm bánh như TOMIZ hoặc
cửa hàng thực phẩm nhập khẩu như KALDI… chẳng hạn.
Bột sắn dây của Nhật
Bột sắn dây của Nhật
Bột sắn dây tiếng Nhật gọi là「葛粉」(Kuzuko) hoặc「本葛」(Honkuzu).
Bột sắn dây là loại bột cao cấp ở Nhật.
Bột sắn dây loại ngon có giá khoảng 150k tiền Việt cho vỏn vẹn 100g thôi.
Ở Nhật, bột sắn dây được dùng nhiều nhất là để làm các loại bánh Wagashi cao cấp.
Bánh làm bằng bột sắn dây nguyên chất sẽ rất mềm mịn, trong suốt, ăn ngon cực kì.
Bánh Kuzu Manjuu làm từ bột sắn dây của Nhật
Chia sẻ thêm về bột sắn dây của Nhật:
Để giảm giá thành, đa phần bột sắn dây được bán ở siêu thị Nhật đều là bột trộn giữa bột sắn dây và
bột khoai lang, bột khoai tây… dù bao bì in chữ「葛粉」(Kuzuko) hoặc「本葛」(Honkuzu).
Nếu cần mua bột sắn dây nguyên chất, bạn nhớ check kĩ mục thành phần, xem chỉ chứa bột sắn dây
thôi hay còn bột nào khác nữa không nha.
Bột sắn dây nguyên chất thì mục nguyên liệu sẽ ghi chỉ chứa mỗi bột sắn dây thôi
Bột bắp của Nhật (Cornmeal)
Bột bắp của Nhật
Bột bắp tiếng Nhật gọi là「コーンミール」(Koonmiiru) hoặc「とうもろこし粉」(Toumorokoshiko).
Bột bắp không được dùng phổ biến trong món ăn Nhật Bản, chủ yếu là được cho vào cùng bột mì để làm bánh
hoặc nấu súp.
Ở Nhật, có rất ít siêu thị có bán bột bắp.
Để chắc chắn tìm thấy, bạn nên ghé các cửa hàng chuyên đồ làm bánh như TOMIZ hoặc cửa hàng đồ nhập khẩu như KALDI… nhé.
Bánh làm từ bột bắp
Chia sẻ thêm về bột bắp của Nhật:
Khi tìm mua bột bắp ở Nhật, đôi khi bạn sẽ thấy bao bì có ghi「コーングリッツ」hay「コーンフラワー」,
thay vì「コーンミール」hay「とうもろこし粉」như mình có giới thiệu ở trên.
「コーングリッツ」hay「コーンフラワー」thật ra cũng là bột bắp bạn nha.
Người ta gọi tên khác nhau là để phân biệt độ nhuyễn của bột thôi.
Cụ thể,「コーンフラワー」là bột bắp nhuyễn nhất, rồi đến「コーンミール」,
thô nhất là「コーングリッツ」nhé.
Bột bắp của Nhật
コーンフラワー
コーンミール
(とうもろこし粉)
コーングリッツ
Koon furawaa
Koonmiiru (Toumorokoshiko)
Koon gurittsu
Hạt rất nhuyễn
Hạt hơi nhuyễn
Hạt hơi thô
Tinh bột bắp của Nhật (Cornstarch)
Tinh bột bắp của Nhật
Tinh bột bắp tiếng Nhật gọi là「コーンスターチ」(Koon Sutaachi).
Không chỉ dùng trong làm bánh, bạn có thể dùng tinh bột bắp để phủ các món chiên chẳng hạn.
Đồ chiên dùng tinh bột bắp vừa giòn vừa ít hút dầu mỡ nên ăn rất ngon mà không bị nặng bụng.
Tinh bột bắp được bán rất nhiều ở các siêu thị ở Nhật.
Bạn cứ ra quầy bột là chắc chắn sẽ tìm thấy nhé!
Bột chiên giòn của Nhật: bột Panko
Bột Panko của Nhật
Bột Panko tiếng Nhật gọi là「パン粉」(Panko).
Bột Panko cũng chính là bột cà mì trong tiếng Việt đó các bạn.
Sau đây là một số cách dùng bột Panko phổ biến của người Nhật nè:
- Dùng để làm các món chiên giòn như Tonkatsu (thịt heo chiên giòn), Aji Furai (cá Aji chiên giòn)…
- Dùng để làm thịt Hambagu ngon hơn.
Bằng cách trộn bột Panko vào cùng, thịt Hambagu làm ra sẽ xốp và mọng nước hơn đó.
Cá Aji chiên giòn phủ bột Panko
Chia sẻ thêm về bột Panko của Nhật:
Bột Panko ở Nhật có 2 loại cơ bản là bột Panko thường (パン粉) và bột Panko tươi (生パン粉).
Nếu dùng bột Panko tươi thì món chiên sẽ phồng to và đẹp mắt hơn nhé.
Tuy nhiên, bột Panko tươi thường có hạn sử dụng tương đối ngắn, sau khi mua về bạn nhớ tranh thủ dùng nha.
Tôm chiên bằng bột Panko thường (trái) ít phồng hơn tôm chiên bằng bột Panko tươi (phải)
Nguồn: https://www.frystar.co.jp/
Bột chiên giòn của Nhật: bột Tempura
Bột Tempura của Nhật
Bột Tempura tiếng Nhật gọi là「天ぷら粉」(Tempurako).
Bột Tempura của Nhật là bột mì đã được điều chỉnh lượng chất đạm và tinh bột
sao cho Tempura chiên lên phồng và giòn lâu nhất có thể.
Nếu bạn hay làm món Tempura thì rất nên dùng bột Tempura nhe.
Tempura tôm chiên bằng bột mì (trái) nhìn “buồn” hơn chiên bằng bột Tempura (phải) nhỉ?
Nguồn: https://www.showa-sangyo.co.jp/
Bột chiên giòn của Nhật: bột Karaage
Bột Karaage của Nhật
Bột Karaage tiếng Nhật gọi là「から揚げ粉」(Karaageko).
Bạn nào thích ăn gà chiên Karaage thì nhất định hãy mua để sẵn nha.
Bột Karaage của Nhật đã được nêm sẵn gia vị rồi, chỉ cần bỏ thịt gà vô rồi lắc lắc
cho bột thấm đều là xong, tiện lắm!
Gà chiên Karaage của Nhật
Bột mì mềm của Nhật (Cake Flour)
Bột mì mềm của Nhật
Bột mì mềm tiếng Nhật gọi là「薄力小麦粉」(Hakuriki komugiko).
Nhưng người ta thường gọi tắt là「薄力粉」(Hakurikiko) thôi.
Nếu khéo léo pha trộn, ngoài làm bánh ngọt, bạn hoàn toàn có thể dùng bột mì mềm để làm
bánh xèo Okonomiyaki, làm món Tempura… nhé.
Cá nhân mình thì hay dùng bột mì mềm phủ lên thịt cá trước khi chiên nướng.
Làm vậy sẽ giúp mặt ngoài thịt cá vàng giòn, bên trong mọng nước hơn đó.
Teriyaki Chicken phủ bột mì mềm trước khi chiên sẽ óng ánh hơn
(Xem cách làm tại đây)
Bột mì cứng của Nhật (Bread Flour)
Bột mì cứng của Nhật
Bột mì cứng tiếng Nhật gọi là「強力小麦粉」(Kyouriki komugiko).
Nhưng người ta thường gọi tắt là「強力粉」(Kyourikiko) thôi.
Ngoài dùng để làm bánh mì, bánh Pizza, ở Nhật người ta còn dùng bột mì cứng để làm vỏ há cảo chiên Gyoza nữa đó.
Vỏ há cảo chiên làm bằng bột mì cứng
Bột mì đa dụng của Nhật (All Purpose Flour)
Bột mì đa dụng của Nhật
Nguồn: https://www.nisshin-seifun-welna.com/
Bột mì đa dụng tiếng Nhật gọi là「中力小麦粉」(Chuuriki komugiko).
Nhưng người ta thường gọi tắt là「中力粉」(Chuurikiko) thôi.
Ở Nhật, người ta thường dùng bột mì đa dụng để làm mì Udon là chính.
Do đó, nếu cần mua bột mì đa dụng mà siêu thị không có bán, bạn có thể tìm mua bột mì làm Udon để thay thế nhé.
Mì Udon làm bằng bột mì đa dụng
Bột mì nguyên cám của Nhật (Whole Wheat Flour)
Bột mì nguyên cám của Nhật
Bột mì nguyên cám tiếng Nhật gọi là「全粒粉」(Zenryuufun).
Bột mì nguyên cám ở Nhật có 2 loại chính là bột mì nguyên cám mềm (薄力全粒粉) và bột mì nguyên cám cứng (強力全粒粉).
Loại mềm thì làm bánh bao, bánh bông lan…, loại cứng thì làm bánh mì…
Tùy mục đích sử dụng mà bạn nhớ check kĩ rồi hẵng mua nhé.
Bột yến mạch của Nhật (Oat Flour)
Bột yến mạch xay nhuyễn của Nhật
Nguồn: https://item.rakuten.co.jp/
Yến mạch tiếng Nhật gọi là「オートミール」(Ootomiiru).
Bột yến mạch xay nhuyễn tiếng Nhật gọi là「オートミールパウダー」(Ootomiiru paudaa).
Thông thường, các siêu thị ở Nhật chỉ có bán bột yến mạch dạng cán dẹt mà thôi.
Bạn cứ tìm quầy ngũ cốc (シリアル売り場) sẽ thấy rất nhiều loại nha.
Trường hợp cần mua bột yến mạch dạng xay nhuyễn thì bạn chịu khó tìm ở các cửa hàng chuyên đồ làm bánh như TOMIZ… nhé.
Bột lúa mạch đen của Nhật (Rye Flour)
Bột lúa mạch đen của Nhật
Bột lúa mạch đen tiếng Nhật gọi là「ライ麦粉」(Raimugiko).
Ở Nhật, bột lúa mạch đen có 2 loại chính là loại xay nhuyễn (細挽き) và loại xay hơi thô (粗挽き hay 中挽き).
Tùy theo nhu cầu mà bạn chọn loại phù hợp nhé.
Bột kiều mạch của Nhật (Buckwheat Flour)
Bột kiều mạch của Nhật
Bột kiều mạch tiếng Nhật gọi là「そば粉」(Sobako).
Bột kiều mạch được người Nhật dùng chủ yếu để làm mì Soba.
Hoặc bạn cũng có thể dùng bột kiều mạch để làm bánh nhé.
Mì Soba làm bằng bột kiều mạch
Bột gạo tẻ của Nhật
Bột gạo tẻ của Nhật
Gạo tẻ tiếng Nhật gọi là「うるち米」(Uruchimai).
Bột gạo tẻ tiếng Nhật gọi là「米粉」(Komeko).
Ở Nhật, bột gạo tẻ được dùng phổ biến nhất là để làm bánh Senbei (bánh gạo nướng).
Ngoài ra, để phục vụ cho những người dị ứng bột mì hoặc người theo chế độ ăn kiêng,
hiện nay ở Nhật mọc lên rất nhiều tiệm bánh mì, bánh kem… chỉ sử dụng bột gạo.
Bạn nào thích ăn bánh Snack mà ngại béo thì có thể tìm mua các loại Snack làm từ bột gạo
ở siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi nhe.
Vừa ngon vừa nhẹ bụng hehe
Bánh Snack làm từ bột gạo tẻ
Nguồn: https://koikeya.co.jp/
Chia sẻ thêm về bột gạo tẻ của Nhật:
Ngoài bột gạo tẻ bình thường là「米粉」(Komeko), tùy hệ thống siêu thị mà bạn sẽ thấy có bột
「上新粉」(Joushinko) hay bột「上用粉」(Jouyouko) nữa.
Đây thực ra cũng là bột gạo tẻ nhé.
Nhưng là loại cao cấp hơn bột gạo tẻ bình thường, chuyên dùng để làm bánh Wagashi của Nhật.
Nếu không tìm thấy bột gạo tẻ bình thường, bạn có thể thay thế bằng 2 loại này cũng được nhé.
Bột gạo nếp của Nhật
Bột gạo nếp của Nhật
Nguồn: https://www.amazon.co.jp/
Gạo nếp tiếng Nhật gọi là「もち米」(Mochigome).
Bột gạo nếp tiếng Nhật gọi là「もち粉」hoặc「餅粉」(đều đọc là “Mochiko”).
Bột gạo nếp là nguyên liệu vô cùng quan trọng để làm ra các món bánh Wagashi của Nhật,
như bánh Daifuku, bánh Manjuu…
Ngoài ra, người Nhật cũng trộn chút bột gạo nếp vào để làm bánh bông lan hay bánh Dorayaki cho bánh dẻo hơn nữa đó.
Bánh Daifuku làm từ bột gạo nếp
Chia sẻ thêm về bột gạo nếp của Nhật:
Nếu muốn làm bánh trôi nước của Việt Nam, thay vì dùng bột gạo nếp Mochiko bình thường,
bạn có thể chọn bột gạo nếp tên là「白玉粉」(Shiratamako) nha.
Dùng bột Shiratamako để làm bánh trôi sẽ giúp bánh trôi mịn và mềm hơn đó.
Bánh trôi làm từ bột nếp Shiratamako (trái) sẽ mịn và mềm hơn bánh trôi làm từ bột nếp Mochiko (phải)
Nguồn: https://www.cotta.jp/
Bột gạo nếp trộn gạo tẻ của Nhật
Dangoko – bột gạo nếp trộn gạo tẻ của Nhật
Bột gạo nếp trộn gạo tẻ phổ biến nhất ở Nhật là bột Dango.
Bột Dango tiếng Nhật gọi là「だんご粉」(Dangoko).
Ở Nhật, bột Dango được dùng nhiều nhất là để làm bánh Dango.
Do tính chất gần với bột nếp nên bạn cũng có thể dùng bột Dango để làm bánh trôi kiểu Việt Nam nhé.
Bánh Dango của Nhật
Chia sẻ thêm về bột Dango của Nhật:
Bột Dango được bán ở siêu thị Nhật thường có tỉ lệ gạo nếp : gạo tẻ là 50 : 50.
Tuy nhiên, tùy thương hiệu mà tỉ lệ này sẽ bị thay đổi 1 chút.
Tùy nhu cầu sử dụng mà bạn nhớ đọc kĩ chỗ thành phần rồi hãy chọn mua nhé.
Muối nở của Nhật (Baking soda)
Muối nở của Nhật
Muối nở (Baking soda) tiếng Nhật gọi là「重曹」(Juusou).
Ngoài dùng để nấu ăn hoặc tẩy rửa, ở Nhật người ta thường dùng muối nở để loại bỏ độc tính của rau rừng trước khi nấu.
Bạn nào có sở thích hái rau dại ở Nhật về ăn thì nhớ là phải ngâm nước với muối nở trước cho an toàn nhe.
Rau Warabi mua ở siêu thị về cũng phải ngâm nước với muối nở trước khi nấu bạn nha
Bột Kinako của Nhật
Bột Kinako của Nhật
Bột Kinako là bột đậu nành rang của Nhật.
Bột Kinako tiếng Nhật gọi là「きな粉」(Kinako).
Bột Kinako rất thơm và nhiều dinh dưỡng.
Ở Nhật, bột Kinako thường được dùng để làm bánh hoặc làm topping cho các món ngọt như bánh Flan, kem…
Đặc biệt, bột Kinako trộn chút xíu đường ăn kèm bánh Mochi là tuyệt phẩm ngày Tết ở Nhật đó nha.
Bánh Mochi phủ bột Kinako
(Xem cách làm tại đây)
Bánh Flan phủ bột Kinako
(Xem cách làm tại đây)
Bột đậu đỏ của Nhật
Bột đậu đỏ của Nhật
Bột đậu đỏ tiếng Nhật gọi là「さらしあん」(Sarashian).
Bột đậu đỏ của Nhật là bột xay từ 100% đậu đỏ, cực kì bổ dưỡng và tiện dụng.
Ở Nhật, người ta thường dùng bột đậu đỏ để làm các loại bánh Wagashi, điển hình nhất là bánh Yokan đậu đỏ đó.
Bánh Yokan đậu đỏ của Nhật
Bột khoai tây nghiền ăn liền của Nhật
Bột khoai tây nghiền ăn liền (Mashed Potato) của Nhật
Khoai tây nghiền tiếng Nhật gọi là「マッシュポテト」(Masshu poteto).
Bột khoai tây nghiền tiếng Nhật thường gọi là「マッシュポテトの素」(Masshu poteto no Moto)
hoặc「マッシュポテトフレーク」(Masshu poteto Fureeku).
Ở Nhật, người ta thường dùng bột khoai tây nghiền để làm bánh Korokke hoặc các món nướng kiểu Gratin nha.
Bánh Korokke được làm từ bột khoai tây nghiền
Các loại bột ở quầy bột làm bánh
Sau đây mình sẽ giới thiệu các loại bột thường được bán ở quầy đồ làm bánh (製菓材料売り場)
trong các siêu thị ở Nhật Bản nha.
Bột Hotcake Mix của Nhật
Bột Hotcake Mix của Nhật
Bột Hotcake Mix tiếng Nhật gọi là「ホットケーキミックス」(Hotto Keeki Mikkusu).
Trong bột Hotcake Mix đã có sẵn bột mì, bột nở, đường… nên không cần phải mua từng món lẻ.
Nếu chỉ thi thoảng làm bánh, bạn dùng bột Hotcake Mix sẽ tiện hơn đó.
Bánh Dorayaki làm từ bột Hotcake Mix
(Xem cách làm tại đây)
Bột Pancake Mix của Nhật
Bột Pancake Mix của Nhật
Nguồn: https://www.amazon.co.jp/
Bột Pancake Mix tiếng Nhật gọi là「パンケーキミックス」(Pan Keeki Mikkusu).
Bột Pancake Mix về cơ bản cũng giống như bột Hotcake Mix nhưng ít ngọt hơn 1 chút.
Bột Pancake Mix của Nhật có 2 loại chính là loại làm bánh Pancake dẹp (hơi dẻo) và loại làm bánh Pancake phồng.
Trên bao bì mỗi loại đều có in hình minh họa rất dễ phân biệt nên bạn cứ theo đó mà lựa chọn nhé.
Còn đây là bánh Pancake phồng mình làm từ bột Pancake Mix nè.
Chỉ trộn với sữa và trứng rồi nướng, tổng cộng chưa đến 10 phút nữa là xong rồi.
Siêu tiện lợi cho bạn nào không có bột nở và máy đánh trứng nha!
(Xem cách làm tại đây)
Men nở của Nhật
Men nở khô của Nhật
Men nở khô tiếng Nhật gọi là「ドライイースト」(Dorai iisuto).
Men nở tươi tiếng Nhật gọi là「生イースト」(Nama iisuto).
Siêu thị ở Nhật thường chỉ bán men nở khô (như hình trên) thôi.
Nếu muốn mua men nở tươi thì bạn cần ra cửa hàng chuyên bán đồ làm bánh như TOMIZ… hoặc mua trên mạng nhé.
Bột nở của Nhật (Baking powder)
Bột nở của Nhật
Bột nở tiếng Nhật gọi là「ベーキングパウダー」(Beekingu paudaa).
Siêu thị ở Nhật thường chỉ bán bột nở dạng lon (như hình trên) thôi.
Nếu ít khi làm bánh, bạn có thể tìm mua bột nở dạng gói nhỏ để dễ bảo quản nhé.
Bánh Pancake phồng to nhờ bột nở
(Xem cách làm tại đây)
Bột Citric Acid của Nhật
Bột Citric Acid của Nhật
Citric Acid tiếng Nhật gọi là「クェン酸」(Kuensan).
Citric Acid là chất tạo chua nên không chỉ dùng trong làm bánh,
ở Nhật người ta còn dùng Citric Acid để pha nước giải nhiệt mùa hè nữa.
Citric Acid có 2 loại chính là loại chỉ dành cho tẩy rửa và loại có thể dùng trong cả nấu ăn.
Loại dùng cho nấu ăn sẽ luôn có in chữ「食品添加物」(có chứa phụ gia thực phẩm).
Nếu mua trên mạng thì bạn nhớ kiểm tra kĩ thông tin nhé.
Bột Gelatin của Nhật
Bột Gelatin của Nhật
Gelatin dạng bột tiếng Nhật gọi là「粉ゼラチン」(Kona zerachin).
Gelatin dạng lá tiếng Nhật gọi là「板ゼラチン」(Ita zerachin).
Siêu thị ở Nhật đều bán rộng rãi cả 2 dạng Gelatin này.
Tùy theo sở thích mà bạn chọn lựa nhé.
Làm bánh Flan trà xanh nhanh hơn nhờ bột Gelatin
(Xem cách làm tại đây)
Chia sẻ thêm về bột Gelatin của Nhật:
Các món làm từ bột Gelatin có 1 khuyết điểm là sẽ bị chảy ở nhiệt độ từ 25 độ trở lên.
Ngày hè ở Nhật mà bạn để bánh hay thạch làm từ Gelatin trong phòng thôi là cũng bị chảy đó nha.
Thành ra đối với các món dùng Gelatin, cho đến trước khi ăn bạn hãy lấy ra khỏi tủ lạnh nhé.
Bột rau câu của Nhật
Bột rau câu của Nhật
Bột rau câu tiếng Nhật gọi là「粉寒天」(Kona kanten).
Thạch làm bằng bột rau câu ăn có phần hơi giòn hơn bột Gelatin một chút.
Nói chung mỗi cái có cái ngon riêng, nhưng bột rau câu tiện hơn ở chỗ không cần để tủ lạnh thì thạch vẫn đông.
Nên nếu hôm nào đi dã ngoại hoặc đi bên ngoài (không có tủ lạnh) thì bạn nhớ dùng bột rau câu cho an toàn nhe.
Bột Pectin của Nhật
Bột Pectin của Nhật
Bột Pectin tiếng Nhật gọi là「ペクチン」(Pekuchin).
Bạn nào thích làm mứt, làm kẹo dẻo chắc sẽ hay cần dùng bột này.
Các siêu thị ở Nhật thường chỉ có bán bột LM Pectin (Low Methoxyl Pectin) thôi,
nếu cần bột HM Pectin (High Methoxyl Pectin) thì bạn nên tìm ở các cửa hàng chuyên đồ làm bánh như TOMIZ… nhé.
Xi rô Furuche của Nhật
Xi rô Furuche của Nhật
Xi rô Furuche tiếng Nhật gọi là「フルーチェ」(Furuuche).
Xi rô Furuche là 1 loại xi rô “thần thánh” được sáng tạo bởi người Nhật.
Xi rô này kì diệu ở chỗ, bạn chỉ cần cho sữa vào, khuấy khuấy vài cái là
sẽ có ngay ly thạch sữa tươi vị dâu, vị nho… tùy thích.
Thạch sữa Furuche rất ngon và ngọt, nên người Nhật từ con nít đến người lớn ai ai cũng mê tít món này.
Nếu bạn đang tính ăn thử Furuche thì hãy chọn vị dâu để “mở hàng” nhé.
Cách làm thạch sữa Furuche: cho sữa vào, khuấy đều là xong
Nguồn: https://housefoods.jp/
Đường bột của Nhật
Đường bột của Nhật
Đường bột tiếng Nhật gọi là「粉糖」(Funtou) hoặc「粉砂糖」(Kona zatou).
Bạn lưu ý「粉糖」(Funtou) là đường dạng bột, dùng để trộn làm bánh nhé.
Còn đường tuyết không tan (Snow Icing) dùng để trang trí mặt bánh thì tiếng Nhật
gọi là「溶けない粉糖」(Tokenai funtou) hoặc「溶けない粉砂糖」(Tokenai kona zatou) nha.
Bánh kem sữa chua trông hấp dẫn hơn nhờ rắc thêm đường nè
(Xem cách làm tại đây)
Bột hạnh nhân của Nhật
Bột hạnh nhân của Nhật
Bột hạnh nhân tiếng Nhật gọi là「アーモンドプードル」(Aamondo puudoru) hoặc「アーモンドパウダー」(Aamondo paudaa).
Bột hạnh nhân ở Nhật có 2 loại là bột xay từ hạt hạnh nhân và bột xay từ lõi của hạt hạnh nhân,
tiếng Nhật gọi là「杏仁霜」(Kyouninsou).
Nếu bạn cần bột hạnh nhân để làm bánh thì mua loại bột xay từ hạt hạnh nhân nhé.
Còn nếu bạn muốn làm đậu hũ hạnh nhân ngon và thơm thì mình gợi ý chọn bột Kyouninsou nha.
Nếu bao bì chỉ in “Almond Powder” thì khả năng cao đây là bột xay từ hạt hạnh nhân.
Còn bột xay từ lõi hạt hạnh nhân thì bao bì thường in thêm chữ「杏仁霜」(Kyouninsou) cho rõ.
Tuy nhiên tùy thương hiệu mà bao bì sẽ in khác nhau, bạn nhớ kiểm tra kĩ trước khi mua nhé.
Đậu hũ hạnh nhân kiểu Nhật Bản
(Xem cách làm tại đây)
Các loại bột ở quầy bột Okonomiyaki
Sau đây mình sẽ giới thiệu các loại bột thường được bán ở quầy bột Okonomiyaki (お好み焼粉売り場)
trong các siêu thị ở Nhật Bản nha.
Bột bánh xèo Okonomiyaki của Nhật
Bột bánh xèo Okonomiyaki của Nhật
Bột bánh xèo Okonomiyaki tiếng Nhật gọi là「お好み焼粉」(Okonomiyakiko).
Bột bánh xèo Okonomiyaki của Nhật là bột mì có trộn sẵn bột cá, bột nở…
nên chỉ cần trộn thêm bắp cải bào là bạn sẽ có ngay bánh xèo phồng xốp, đậm đà như ngoài tiệm.
Bánh xèo Okonomiyaki của Nhật
Chia sẻ thêm về bột bánh xèo Okonomiyaki của Nhật:
Nếu chỉ thi thoảng muốn làm bánh xèo, mình gợi ý bạn nên mua gói Okonomiyaki Set thay vì gói bột không.
Trong Okonomiyaki Set sẽ có sẵn bột Tenkasu, bột rong biển – vốn là các topping cần thiết cho món Okonomiyaki.
Dùng Set này bạn sẽ đỡ phải mua thêm mỗi thứ 1 chút, tính ra tiết kiệm hơn đó.
Okonomiyaki Set của Nhật
Bột bánh Takoyaki của Nhật
Bột bánh Takoyaki của Nhật
Bột bánh Takoyaki tiếng Nhật gọi là「たこ焼粉」(Takoyakiko).
Về cơ bản, bột Takoyaki chỉ nên dùng để làm bánh Takoyaki thôi.
Nhưng nếu thích, bạn cũng có thể làm thử bánh xèo Okonomiyaki bằng bột Takoyaki cũng được.
Chỉ là bánh xèo làm bằng bột Takoyaki thì dễ bị nhão hơn và ít xốp hơn một chút nha.
Bánh Takoyaki của Nhật
Chia sẻ thêm về bột bánh Takoyaki của Nhật:
Nếu chỉ thi thoảng mới làm bánh Takoyaki, bạn hãy chọn gói Takoyaki Set thay vì gói bột không nhé.
Trong Takoyaki Set sẽ có sẵn bột Tenkasu, gừng đỏ Benishoga – vốn cần thiết để làm nhân bánh Takoyaki.
Dùng Set này bạn sẽ đỡ mắc công mua thêm mỗi thứ 1 chút nên tiện hơn đó.
Takoyaki Set của Nhật
Bột khoai núi của Nhật
Bột khoai núi của Nhật
Bột khoai núi tiếng Nhật gọi là「山芋パウダー」(Yamaimo paudaa).
Bột khoai núi chỉ cần cho thêm xíu nước rồi trộn trộn là sẽ có ngay Tororo – món khoai nghiền nổi tiếng của Nhật Bản.
Tororo – Khoai nghiền của Nhật
Sở dĩ bột khoai núi được bày bán ở quầy bột bánh xèo Okonomiyaki vì
Tororo chính là nguyên liệu giúp bánh xèo trở nên phồng xốp và mềm mịn.
Không chỉ bánh xèo, bạn cũng có thể dùng Tororo để làm trứng cuộn phồng hơn.
Thậm chí một số món bánh Wagashi của Nhật cũng có trộn Tororo để bánh vẫn phồng xốp sau khi hấp và mềm tan trong miệng đó.
Bánh Jouyou Manjuu phồng xốp nhờ có khoai nghiền
Bột bánh Monjayaki của Nhật
Bột bánh Monjayaki của Nhật
Nguồn: https://www.nippn.co.jp/
Bột bánh Monjayaki tiếng Nhật gọi là「もんじゃ焼粉」(Monjayakiko).
Thật tình mà nói, bạn hoàn toàn có thể dùng bột bánh xèo Okonomiyaki để làm bánh Monjayaki,
vì 2 món này rất giống nhau.
Khác là bánh Monjayaki nhiều nước hơn nên bánh sẽ không dày như bánh xèo Okonomiyaki mà sẽ lan rộng ra toàn bộ mặt chảo.
Bánh Monjayaki của Nhật
Ngoài ra, bánh Monjayaki phải có xốt Worcestershire thì mới “đúng bài”.
Nên nếu lâu lâu mới làm thì bạn nên mua gói Monjayaki Set để có xốt sẵn luôn cho tiện nhé.
Monjayaki Set của Nhật
Bột bánh Chijimi của Nhật
Bột bánh Chijimi của Nhật
Nguồn: http://www.souke.jp/
Bột bánh Chijimi tiếng Nhật gọi là「チヂミ粉」(Chijimiko).
Bột bánh Chijimi là bột mì trộn sẵn bột năng, bột nở… sao cho bánh Chijimi làm ra có phần rìa giòn,
phần nhân dẻo.
Bánh Chijimi – một loại bánh của Hàn Quốc
Nếu khéo léo pha trộn, bạn hoàn toàn có thể tự làm bột Chijimi từ bột mì nhé.
Còn nếu chỉ thỉnh thoảng mới làm bánh Chijimi 1 lần, mình gợi ý bạn nên mua gói Chijimi Set cho tiện.
Gói này có bột pha sẵn, kèm xốt, mực, ruốc… mỗi thứ 1 ít nên đỡ phải mua linh tinh, tiện lợi vô cùng.
Chijimi Set của Nhật
Các loại bột ở quầy bột hương liệu
Sau đây mình sẽ giới thiệu các loại bột thường được bán ở quầy bột hương liệu (スパイス売り場)
trong các siêu thị ở Nhật Bản nha.
Quầy này thường kế quầy bột cà ri hoặc quầy đồ làm món Hoa đó.
Mình chỉ đưa hình 1 số loại bột tiêu biểu như bột quế, bột nghệ, lá sả khô, ngò ta sấy… thôi.
Nhưng thực tế thì quầy hương liệu của Nhật cực kì nhiều loại.
Cần hương liệu gì thì bạn cứ thẳng tiến ra đó, chắc chắn sẽ tìm thấy nha.
Bột quế của Nhật
Bột quế của Nhật
Quế tiếng Nhật gọi là「シナモン」(Shinamon).
Bột quế tiếng Nhật gọi là「シナモンパウダー」(Shinamon paudaa).
Ngoài dạng bột, siêu thị Nhật còn có quế cây nữa.
Quế cây tiếng Nhật gọi là「シナモンスティック」(Shinamon sutikku) nha.
Bột nghệ của Nhật
Bột nghệ của Nhật
Nghệ tiếng Nhật gọi là「うこん」(Ukon).
Tuy nhiên…
Bột nghệ tiếng Nhật gọi là「ターメリックパウダー」(Taamerikku paudaa).
Hơi rối nhưng thôi ráng nhớ để mua đúng bột nghệ bạn nha!
Lá sả khô của Nhật
Lá sả khô của Nhật
Sả tiếng Nhật gọi là「レモングラス」(Remon gurasu).
Siêu thị Nhật thường chỉ có bán lá sả khô đựng trong hũ (như hình trên) thôi, chứ hiếm chỗ nào có sả nguyên cây lắm.
Nếu bí quá thì bạn có thể mua dùng đỡ nhe.
Ngò ta sấy của Nhật
Ngò ta sấy của Nhật
Ngò ta tiếng Nhật gọi là「パクチー」(Pakuchii).
Ngò ta tươi bây giờ cũng hay có bán ở siêu thị Nhật, nhưng tùy hệ thống và tùy ngày chứ không phải lúc nào cũng có.
Nếu hay cần dùng để nấu ăn, bạn mua ngò ta sấy để sẵn cũng tiện lắm đó.
Bột tiêu của Nhật
Bột tiêu đen của Nhật
Tiêu tiếng Nhật gọi là「ペッパー」(Peppaa) hoặc「胡椒」(Koshou).
Siêu thị Nhật có bán đủ thứ tiêu, từ tiêu đen, tiêu trắng tới tiêu xanh, tiêu hồng…
Loại nguyên hột cũng có, loại xay thô cũng có, loại xay nhuyễn cũng có luôn.
Cứ ra quầy hương liệu là tha hồ lựa chọn nha!
Bột ớt của Nhật
Bột ớt của Nhật
Ớt tiếng Nhật gọi là「唐辛子」(Tougarashi).
Cũng ở quầy hương liệu trong siêu thị Nhật, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều loại bột ớt.
Trong đó, phổ biến nhất là bột ớt 1 vị (一味唐辛子) và bột ớt 7 vị (七味唐辛子).
Bột ớt 1 vị cay hơn bột ớt 7 vị nên nếu cần cay nhiều thì bạn chọn loại 1 vị nhe.
Lời kết
Wow, bài dài quá trời quá đất!!
Nhưng biết sao được vì mình muốn giới thiệu đến 44 loại bột phổ biến ở các siêu thị ở Nhật lận mà.
Nếu đọc xong bài này mà bạn tìm mua bột được dễ dàng hơn, nấu được nhiều món ăn hơn là mình vui lắm lắm.
Chang
Dùng bột của Nhật mà nấu được món Việt Nam nào hay hay thì bạn cũng chia sẻ lại mình qua mục bình luận nhé.
Chào thân ái nha