Ấn phẩm

ThS. Ngô Huy Cương**
Văn phòng Quốc hội

Ở Việt Nam có một quan niệm được thừa nhận rộng rãi rằng Hiến pháp là một văn kiện chính trị- pháp lý hết sức quan trọng khẳng định về thể chế chính trị, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân[1]. Vậy có thể nói, Hiến pháp (hay Bản văn Hiến pháp) là sự quan tâm của cả khoa học chính trị và khoa học luật hiến pháp. Tuy nhiên, Bản văn Hiến pháp chỉ là một bộ phận hay nói cách khác, là một nguồn của luật hiến pháp (mà chúng ta có dịp xem xét ở những phần sau). Cũng như vậy, Bản văn Hiến pháp không bao quát được hoàn toàn bộ môn khoa học chính trị mà nó chỉ đề cập đến các định chế chính trị cơ bản, phương thức tác động của quyền lực nhà nước tới xã hội (và chế độ chính trị, nếu là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa – XHCN) nằm trong phạm vi nghiên cứu của khoa học chính trị.

Vài thập kỷ trước, ở Pháp, chính trị học mới có khuynh hướng tách khỏi bộ môn luật hiến pháp để trở thành một bộ môn riêng biệt[2]. Trong khi đó, nó là một bộ môn độc lập rất được chú trọng ở các nước trong hệ thống Anh- Mỹ. Mặc dù là hai bộ môn độc lập, nhưng luật hiến pháp và chính trị học có chung một đối tượng nghiên cứu là quyền lực nhà nước. Những người theo chủ nghĩa Mác cho rằng chính quyền là vấn đề quan trọng nhất của mọi cuộc cách mạng. Điều đó có nghĩa chính quyền hay quyền lực nhà nước là trung tâm của khoa học chính trị (với tính cách là một bộ môn nghiên cứu các điều kiện của sinh hoạt chính trị). Các hoạt động chính trị cốt yếu giành lấy hay nắm chắc chính quyền, cho nên các học giả chính trị tư sản cũng quan niệm: “Quyền lực là vấn đề căn bản của chính trị. Nó là một trong những toà nhà của khoa học chính trị- ở giữa chúng ta như khái niệm tiền tệ trong kinh tế học”[3].

Qua đây, có thể thấy, luật hiến pháp và chính trị học có mối liên hệ đặc biệt mà khi nghiên cứu luật hiến pháp không thể thiếu được việc tìm hiểu chính trị học và ngược lại. Luật hiến pháp được thấm nhuần vào xã hội thì cũng chính là các vấn đề chính trị được xã hội nhận thức.

Một trong những mảng quan trọng của khoa học chính trị là nghiên cứu phạm vi tác động xã hội của chính trị mà trong đó “văn hoá chính trị” là điểm khởi đầu. Văn hoá chính trị tạo ra thái độ của nhân dân đối với chính quyền. Thái độ đó phụ thuộc vào việc tuyên truyền của những người có hiểu biết về chính trị học và luật hiến pháp. Thật khó lý giải khi người dân đặt vấn đề tìm hiểu nguyên nhân của sự khác biệt rất căn bản giữa Hiến pháp năm 1946 với các Hiến pháp sau này trong khi sự nghiệp cách mạng của nhân dân là một quá trình thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặc dù có các giai đoạn, nhưng mục tiêu cuối cùng không thay đổi? Điều đó cho thấy cần phải nghiên cứu về luật hiến pháp rộng hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của một hay một vài Bản văn Hiến pháp.

Vì những lẽ đó, bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược các vấn đề căn bản về luật hiến pháp, văn hoá chính trị và mối tương tác giữa chúng.

1. Một số vấn đề căn bản của luật Hiến pháp

Luật hiến pháp là một ngành luật liên quan tới vai trò và quyền lực của các định chế nhà nước và liên quan tới mối quan hệ giữa công dân và nhà nước[4]. Khác với chính trị học, luật hiến pháp nghiên cứu những định chế chính trị ở khía cạnh pháp lý. Nhiều luật gia cho rằng tới thế kỷ 19, khi mà người ta đã hình thành một thói quen tập hợp các quy tắc liên quan đến các định chế chính trị trong một văn bản mang tên “Hiến pháp” mới thực sự có tên gọi cho ngành luật này- “luật hiến pháp”.

Khi kiểu loại Hiến pháp XHCN xuất hiện, bao gồm trong nó các tuyên bố về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá… bên cạnh các quy định về các định chế chính trị cơ bản và các nguyên tắc về mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, thì các luật gia xã hội chủ nghĩa tranh luận về việc có hay không có một ngành luật mang tên “luật hiến pháp”[5]. Nhiều luật gia đã quan niệm luật hiến pháp với Bản văn Hiến pháp là một[6], do đó không thừa nhận sự tồn tại của ngành luật hiến pháp hoặc quan niệm về ngành luật hiến pháp quá hạn hẹp.

Đôi khi trong khoa học luật hiến pháp người ta nhắc tới thuật ngữ “Hiến pháp” với nhiều nghĩa khác nhau: có thể là Bản văn Hiến pháp hoặc có thể là ngành luật hiến pháp (nhất là ở những nước có Hiến pháp không thành văn) hoặc có thể là chủ nghĩa lập hiến.

1. Nguồn của luật hiến pháp hay các thành tố của Hiến pháp

Các chuyên gia về hiến pháp của thế giới cho rằng, luật hiến pháp hiện đại có bốn nguồn hay bốn thành tố sau[7]:

1) Một Bản văn Hiến pháp (để phân biệt với các nguồn khác của luật hiến pháp, nên người ta gọi nó là “charter”, có nghĩa là hiến chương, chứ không gọi là “Constitution” như vẫn thường được gọi khi không có mục đích phân biệt các loại nguồn khác nhau của luật hiến pháp) hoặc “một tập hợp” các văn kiện lịch sử (có chứa đựng các nội dung của hiến pháp), bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung của Bản văn Hiến pháp hay tập hợp đó;

2) Các đạo luật quan trọng mang tính hiến pháp, ví dụ như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ của Việt Nam;

3) Các giải thích của toà án về hiến pháp; và

4) Các tập quán và các tiền lệ về hiến pháp.

Ở Việt Nam, các vấn đề về nguồn của luật hiến pháp ít được đề cập đến hoặc nếu có đề cập đến thì cũng không đầy đủ. Chẳng hạn, trong cuốn “Giáo trình luật hiến pháp của các nước tư bản” (của Khoa luật- Đại học Quốc gia Hà Nội) khi trình bày các quan điểm trái ngược nhau về việc có hay không một ngành luật hiến pháp thì các tác giả chỉ đề cập đến hai loại nguồn của luật hiến pháp là Bản văn Hiến pháp và các đạo luật mang tính hiến pháp như đạo luật về tổ chức quốc hội, đạo luật về chính phủ và đạo luật về tự do báo chí[8]… Các loại nguồn hay các thành tố của Hiến pháp nói tại điểm (3) và (4) nêu trên thường không được đề cập đến khi luận bàn về luật hiến pháp ở Việt Nam.

Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 quy định rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn giải thích Hiến pháp. Cho dù chưa lần nào Hiến pháp được giải thích, nhưng việc xem các giải thích là một loại nguồn của luật hiến pháp vẫn phải được đặt ra. Trong trường hợp này có thể nói Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Toà án hiến pháp hay Toà án tối cao (như ở các nước). Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần phải cân nhắc, bởi bản thân Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được giao quyền ban hành những pháp lệnh có tính chất hiến pháp (có ví dụ sau), nên việc xem các nhiệm vụ và quyền hạn này là của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội e rằng không thích hợp, dẫn đến tình trạng vừa ban hành các quy phạm của luật hiến pháp lại vừa giải thích chúng. Ví dụ: Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 (một nguồn quan trọng của luật hiến pháp) tại Điều 6 quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân. Và năm 1996, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân cũng là văn bản có tính chất hiến pháp. Các quy định về giám sát như vậy thể hiện vị trí và quyền lực của các cơ quan trong hệ thống nhà nước- một vấn đề của luật hiến pháp. Do vậy, chúng cần được tập trung vào một đạo luật về giám sát do Quốc hội thông qua[9].

Hệ thống pháp luật ở Việt Nam không công nhận án lệ hay tiền lệ là một nguồn của pháp luật, do đó, có thể coi tiền lệ về hiến pháp không phải là một nguồn của luật hiến pháp ở Việt Nam. Nhưng có một điểm tranh luận là nếu một phán quyết về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (một nội dung của luật hiến pháp) đã được tuyên, rồi sau đó lại xảy ra một tranh chấp tương tự, trong khi các quy định của luật hiến pháp về vấn đề này còn thiếu hoặc có thể được hiểu theo nhiều nghĩa hay luận giải theo nhiều hướng khác nhau, thì việc dẫn đến phán quyết sau khác với phán quyết trước có được chấp nhận không? Đồng ý rằng quan điểm có thể được thay đổi, song có lợi và hại gì cho vấn đề chính trị hoặc xã hội?

Mặc dù tập quán hiến pháp không được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, nhưng tập quán hay thói quen xử sự giữa các định chế chính trị cơ bản vẫn tồn tại mà trong khi đó không có quy định thành văn của luật hiến pháp. Chẳng hạn như quan hệ giữa các cơ quan soạn thảo và trình dự án luật với các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội trong việc soạn thảo, thẩm tra, trình và chỉnh lý văn bản sau khi thông qua; quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Đảng (trong khi Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định có tính chất bao quát); quan hệ của các đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan nhà nước và công dân…

Theo Hiram Miller Stout, ở những nước có Hiến pháp thành văn cũng có nhiều phần không thành văn và trải qua năm tháng, Bản văn Hiến pháp đó được bồi đắp thêm với nhiều văn bản lập pháp, nhiều giải thích tư pháp và nhiều quy tắc tập quán. Và ở những nước có Hiến pháp không thành văn thì năm tháng cũng sẽ bổ sung cho nó nhiều văn bản lập pháp mang tính hiến pháp. Vậy là thời gian làm xích lại gần nhau giữa hai kiểu loại hiến pháp thành văn và không thành văn[10]. Thực tế, Bản văn Hiến pháp Hoa Kỳ (có lịch sử lâu đời nhất của Hiến pháp thành văn) có hiệu lực từ 1789, nay đã đi khá xa từ văn bản gốc được soạn thảo tại Philadelphia năm 1787 với hơn 20 lần sửa đổi, bổ sung. Quốc hội nước này cũng đã thông qua nhiều đạo luật có tính hiến pháp khác. Và Toà án tối cao cũng đã có nhiều phán quyết quan trọng có tính hiến pháp…

Vậy, có thể nói, Bản văn Hiến pháp chỉ là điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu về Hiến pháp hay luật hiến pháp.

2. Chủ nghĩa lập hiến

Vấn đề hiến pháp đã xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, sau đó bị chìm trong bóng tối, cho tới thời kỳ đấu tranh cho tự do ở các thế kỷ trước mới lại được làm sống dậy. Các tư tưởng lập hiến cho rằng chính quyền phải bị ràng buộc bởi pháp luật và coi các nhà cầm quyền như thường dân.

Ngày nay, người ta quan niệm chủ nghĩa lập hiến là một yếu tố quan trọng hàng đầu của nhà nước pháp quyền[11]. Trong khi đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới một nền lập hiến trong “Việt Nam yêu cầu diễn ca” (1922).

Chủ nghĩa lập hiến là một học thuyết chi phối tính hợp pháp hay tính chính đáng (legitimacy) của các hành vi của chính quyền[12]. Tính hợp pháp hay tính chính đáng ở đây có nghĩa rộng hơn thuật ngữ “legality” (cũng được dịch ra tiếng Việt là hợp pháp, hợp lý). Legitimacy (hợp pháp) bắt nguồn từ chữ Latin “lagitimare”, có nghĩa là “tuyên bố về tính hợp pháp”. Legitimacy đề ra một trật tự hay kiềm chế hoặc ràng buộc các đặc tính quyền lực, vì thế mà chuyển giao quyền lực cho nhà cầm quyền[13].

 Theo Hạ viện Nhật Bản thì “Chủ nghĩa lập hiến có thể được định nghĩa như một nền chính trị hiến pháp hay một nền chính trị nghị viện”[14]. Tuy nhiên, định nghĩa trên nhằm giải thích cho chủ nghĩa lập hiến được cụ thể hoá ở Nhật Bản. Thực chất, thuật ngữ chủ nghĩa lập hiến (constitutionalism) có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nghĩa rộng nhất và phù hợp với các vấn đề đang nghiên cứu ở đây là “Chủ nghĩa lập hiến đề cập tới một hệ thống các giá trị về chính trị, những khát vọng mà phản ánh nguyện vọng bảo vệ tự do thông qua việc thiết lập các kiềm chế bên trong và bên ngoài đối với quyền lực của chính quyền. Chủ nghĩa lập hiến được diễn đạt một cách điển hình ủng hộ cho các quy định hiến pháp mà thiết lập nên mục tiêu này, đặc biệt là với vấn đề hiến pháp được pháp điển hoá, đạo luật về quyền của công dân, phân quyền, quốc hội lưỡng viện và chủ nghĩa liên bang hay phân quyền cho địa phương”[15].

Lịch sử loài người đã chứng minh nhiều kẻ đã lạm dụng quyền lực nhà nước gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đau khổ cho nhân dân, do đó đã có nhiều học giả đi tìm cách thức cơ bản để loại bỏ hay ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực như vậy. Vì thế, những nhà cách mạng vĩ đại đã tìm đến chủ nghĩa lập hiến, trong số đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị cách mạng tiền bối của Việt Nam.

Trong một xã hội dân chủ, Hiến pháp cần phải ấn định bốn điều kiện hay bốn hạn chế lớn mà quyền lực nhà nước phải tuân thủ[16]:

Thứ nhất là nguyên tắc cai trị dân chủ hay cai trị đại chúng (đây có thể là cơ sở quan trọng nhất). Nguyên tắc này yêu cầu chính quyền chỉ có thể thực hiện quyền lực nhà nước trong chừng mực còn được sự tín nhiệm hay bằng lòng của dân chúng. Vấn đề này dẫn đến một hệ quả rằng nhân dân có quyền quyết định ai là người quản lý mình.

Thứ hai là phân quyền. Có nghĩa là quyền lực được công thức hoá: việc thông qua và thi hành pháp luật được phân chia; quyền lực được phân ra làm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó (mặc dù mức độ phân chia có khác nhau, ở các nước, giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp), nhưng tư pháp phải là một nhánh quyền độc lập thực sự với hai nhánh quyền kia.

Thứ ba là nguyên tắc phân chia lãnh thổ (ở các nước liên bang), có nghĩa là có sự phân chia giữa quyền lực chính quyền ở trung ương với quyền lực chính quyền ở các địa phương. Nhưng dù sao, quyền lực chính quyền ở các địa phương vẫn phải tuân thủ nguyên tắc liên bang, nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc phân quyền.

Thứ tư là thêm vào việc phân chia quyền lực theo chiều dọc và chiều ngang, luật hiến pháp thường đặt giới hạn tuyệt đối về những gì mà nhà nước và các công chức hay nhân viên của nó có thể làm. Điều đó dẫn đến hệ quả là hầu hết các Bản văn Hiến pháp hiện đại được xây dựng sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai đều chứa đựng một nội dung dài các quyền cơ bản của con người mà chính quyền không được xâm phạm hay vượt qua.

Phát triển cao hơn, các tư tưởng lập hiến của Việt Nam đều khẳng định nhân dân có quyền làm chủ đất nước và đời sống của mình. Các tư tưởng này được thể hiện tương đối rõ nét trong Hiến pháp 1992.

3. Hiến pháp với khế ước xã hội

Các tư tưởng về “khế ước xã hội” đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước với các tên tuổi còn được ghi mãi trong lịch sử xã hội loài người như John Lock (tác phẩm “Two Treatises on Government”- 1690), Jean- Jack Rousseau (tác phẩm “The Social Contract”- 1762) và Thomas Paine (tác phẩm “The Rights of Man”- 1791)[17]. Các nhà tư tưởng này muốn thay đổi xã hội bằng chủ trương xây dựng một xã hội mới mà căn cứ vào ý chí của mọi công dân định ra những nguyên tắc cơ bản mà mọi người phải tuân theo. Điều đó có nghĩa là bản “khế ước xã hội” là nền tảng của một quốc gia. Tuy “khế ước xã hội” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nó lại là hiện thực đối với những người ly hương trên con tầu mang tên “May Flower” đã xây dựng giữa họ một khế ước (1620) về các quyền của con người và về một quốc gia mới[18].

Theo Bary M. Hager thì “Hiến pháp là một tuyên bố cơ sở về những gì mà một tập đoàn người hợp lại cùng nhau như những công dân của một quốc gia cụ thể xem như các quy tắc và giá trị cơ bản mà họ chia sẻ và với chúng mà họ tự mình tuân thủ”[19]. Vậy, có thể xem Bản văn Hiến pháp như một “khế ước xã hội” hay còn gọi là “dân ước”. Các quốc gia, trong  thế kỷ 18, khi giành được tự do thường có một Tuyên ngôn Nhân quyền và tiếp đó là một Bản văn Hiến pháp. Hai văn kiện trọng đại này dường như tạo nên một “khế ước xã hội”.

Quan niệm này dẫn tới một hệ quả rất quan trọng là Bản văn Hiến pháp phải được thông qua theo một trình tự và thủ tục đặc biệt mà ở đó dân chúng phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và đại đa số tán thành. Vậy không dễ gì bác bỏ được quan niệm về Quốc hội lập hiến và thủ tục hết sức khắt khe trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Quốc hội lập hiến thông qua Hiến pháp rồi giải thể để sau đó nhân dân căn cứ vào Hiến pháp tổ chức nên bộ máy nhà nước mà trong đó có Quốc hội lập pháp.

4. Hiến pháp với luật tự nhiên

Ông Vũ Đình Hoè- Nguyên Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời, Chính phủ liên hiệp lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã nhận định: “Sự thật Hiến pháp năm 1946 gắn hữu cơ với Tuyên ngôn Độc lập”[20]. Và Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Các tư tưởng này bắt nguồn từ tư tưởng về luật tự nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Và ông Vũ Đình Hoè cho rằng: “Trước hết vì đạo lý và pháp lý ngàn đời”[21].

Thật vậy, học thuyết về luật tự nhiên bênh vực rằng có một sự liên hệ cốt yếu giữa pháp luật và đạo đức. Và luật tự nhiên là một phần ý nghĩa của pháp luật mà pháp luật phải trải qua một sự thử nghiệm đạo đức. Bản chất của luật tự nhiên được tóm tắt như sau: “Khái niệm chủ yếu của luật tự nhiên là có sự tồn tại của những nguyên tắc đạo đức khách quan mà dựa trên bản chất cốt yếu của vũ trụ, của vạn vật, của nhân loại và có thể được tìm thấy bởi lý do tự nhiên, và luật thông thường của con người chỉ trở thành sự thực trong chừng mực mà nó tuân thủ theo những nguyên tắc đó”[22]. Chính vì vậy mà luật tự nhiên được xem là cao hơn tất cả những luật được làm bởi nhà cầm quyền. Và nó cũng không phải là một hệ thống các nguyên tắc đạo đức của một nhóm người nào đó.

Cùng với việc xem Bản văn Hiến pháp là “khế ước xã hội” hay “dân ước”, tư tưởng luật tự nhiên được phản ánh vào Bản văn Hiến pháp làm cho nó có tính tối cao so với các đạo luật khác, buộc các đạo luật khác phải tuân thủ Hiến pháp, chứ không phải dựa vào việc phân tích các mối quan hệ xã hội trong việc phân chia các ngành luật để kết luận các ngành luật khác phải tuân thủ luật hiến pháp như các chuyên gia về luật hiến pháp của Việt Nam đã tranh luận trong các giáo trình giảng dạy về môn luật nhà nước hay luật hiến pháp[23].

Tư tưởng về luật tự nhiên đã xuất hiện từ thời cổ đại với sự thể hiện trong vở bi kịch mang tên Antigone của Sophocle và được phát triển mạnh vào khoảng thế kỷ 18 với tên tuổi của J.J. Rousseau. Theo ông, luật tự nhiên vốn phát sinh ở bản thể và tính tất yếu của nhân loại, nên nó cũng bất di bất dịch và có tính cách phổ biến. Trong học thuyết “khế ước xã hội” của mình, ông nhấn mạnh rằng có một nguyên tắc căn bản không bao giờ được lãng quên: “quyền lực của chính quyền có được là do sự hy sinh một phần tự do của các thành viên trong xã hội mà họ tự ràng buộc mình theo các mệnh lệnh của chính quyền, vì vậy, sự can thiệp của chính quyền vào địa hạt của cá nhân phải hết sức hạn chế”[24].

Vào thế kỷ 19, các trường phái luật thực định và trường phái xã hội tranh luận gay gắt với trường phái luật tự nhiên và cho rằng luật thực định duy trì trật tự xã hội với các đặc điểm riêng về hoàn cảnh… và xã hội đã thay thế cho quan niệm tự do. Song, các tư tưởng về luật tự nhiên vẫn phát triển mà người ta thường sử dụng nó để đánh giá luật thực định.

5. Hiến pháp với học thuyết nhà nước pháp quyền

Sự tồn tại của Hiến pháp được xem là điều kiện cần thiết tiên quyết của một xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền. Các nước từ ách thực dân chuyển sang xây dựng một nền độc lập ở thế kỷ 18, ở thế kỷ 20 hoặc chuyển từ nền độc tài sang nền dân chủ thường xây dựng cho mình một nền lập hiến[25]. Và vấn đề nhà nước pháp quyền là một trong những khái niệm thách thức nhất của Hiến pháp. Nó mang tính chủ quan nhất và cũng mang nặng ý nghĩa nhất. Người ta phải thừa nhận rằng, nhà nước pháp quyền có tiềm năng rất lớn trong việc giới hạn quyền lực của chính quyền và bảo vệ các quyền của cá nhân. Khái niệm về nhà nước pháp quyền được giải thích rất phong phú và khác nhau. Nó không thể được xem xét cô lập với một xã hội chính trị nhất định. Song, nó được nhấn mạnh như một thước đo tiêu chuẩn được sử dụng cho phạm vi hoạt động của chính quyền và các quyền của cá nhân theo pháp luật. Nhà nước pháp quyền là một lĩnh vực thuộc tư tưởng luật tự nhiên cổ và hiện đại mà cốt lõi của truyền thống luật tự nhiên được nhấn mạnh ở một trong những khía cạnh rằng uy quyền của pháp luật không bắt nguồn từ quyền lực của bất kỳ quy tắc chính trị nào mà bắt nguồn từ một nguồn cao cả hơn[26].

 Nhà nước pháp quyền, tuy có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng cũng có những điểm đồng nhất như quyền lực nhà nước phải bị lệ thuộc vào pháp luật, hệ thống tư pháp phải độc lập, pháp luật phải minh bạch, rõ ràng[27]…

Nói tóm lại, nhà nước pháp quyền không phải là hình thức nhà nước mà là một học thuyết để tổ chức và quản lý xã hội dân chủ, một nguyên tắc để tổ chức quyền lực nhà nước, hạn chế và giám sát quyền lực đó, và bảo vệ tự do của con người.

Từ đó, các Hiến pháp đều tập trung thể hiện các tư tưởng về nhà nước pháp quyền. Hiện nay ở Việt Nam đang đề cao học thuyết nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Song, việc làm rõ khái niệm này chưa được truyền bá trong xã hội và ngay cả ở trong giới học thuật. Vậy có thể nói, việc thể hiện nó trong Hiến pháp năm 1992 chưa được đặt ra và ngay tại thời điểm này cũng có thể gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển hoá các tư tưởng này vào trong luật hiến pháp[28]. Nhiều quan niệm chính thống hiện thời chưa cho rằng, dù quan hệ giữa quốc hội và chính phủ được xây dựng như thế nào đi chăng nữa, thì hệ thống toà án vẫn cần phải được tổ chức độc lập để tránh mọi khả năng, dù là nhỏ nhất, chi phối hoạt động xét xử. Bởi nhà nước pháp quyền đòi hỏi chính quyền, trong đó có cả quốc hội và chính phủ phải tuân thủ pháp luật, vậy, cần phải có một hệ thống để xem xét việc có tuân thủ hay không tuân thủ pháp luật của chính quyền trong các tranh chấp xảy ra giữa các cơ quan của chính quyền và giữa công dân với chính quyền. Hệ thống đó chính là hệ thống toà án. Do tính chất đặc biệt của hoạt động xét xử, nên có lẽ toà án là tổ chức thích hợp nhất trong các vấn đề này và bản thân chúng sinh ra để thực hiện các công việc như vậy. Nếu tổ chức như hiện nay ở Việt Nam, Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hoạt động vi phạm Hiến pháp hoặc pháp luật thì không có một cơ chế nào để xem xét sự vi phạm đó (mặc dù có thể chưa xảy ra chuyện này) bởi toà án chịu sự giám sát của Quốc hội và phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Có nhiều ý kiến cho rằng, do Chánh án Toà án nhân dân tối cao được Quốc hội bầu, nên phải chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội. Đây là quan điểm cần xem xét lại ở ba khía cạnh sau:

Thứ nhất là ở nhiều nước, chánh án và các thẩm phán của toà án tối cao do tổng thống bổ nhiệm, không lẽ lại phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước tổng thống? Các vấn đề bầu hay bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc chịu trách nhiệm hay báo cáo là các quy trình riêng rẽ. Ví dụ: ở Canada, Tổng kiểm toán công của Nghị viện do Thủ tướng bổ nhiệm song có quyền hạn kiểm toán Chính phủ và báo cáo với Nghị viện. Đây cũng được xem là một trong những nội dung của sự kiềm chế, đối trọng trong việc tổ chức quyền lực nhà nước.

Thứ hai là Chánh án Toà án tối cao cũng không có quyền can thiệp vào hoạt động xét xử cụ thể của các vụ án, nên không thể phải chịu trách nhiệm về chúng. Hơn nữa, Chánh án Toà án tối cao không phải là một cấp quản lý các toà án địa phương, nên lại càng không thể phải chịu trách nhiệm về hệ thống Toà án. Đối với tổ chức của bản thân hệ thống toà án đã có cơ chế giám sát thông qua các cấp xét xử. Ở đây cũng cần phải lưu ý rằng, việc tổ chức hệ thống toà án phải tuân thủ một nguyên tắc tối thượng là bảo đảm công lý. Và nếu như buộc Chánh án Toà án tối cao phải chịu trách nhiệm trong hoạt động xét xử thì không khác nào khuyến khích cho ông ta can thiệp vào hoạt động xét xử.

Thứ ba là liệu có nên để Quốc hội bổ nhiệm Chánh án Toà án tối cao hay không? Và có nên đề ra nhiệm kỳ của thẩm phán, chánh án hay không? Bởi việc tái bổ nhiệm thẩm phán, chánh án có thể tạo ra khả năng, dù rất nhỏ, cho những người không lành mạnh xen vào hoạt động xét xử, cho nên ở đa số các nước, thẩm phán được bổ nhiệm giữ chức vụ cho đến khi nghỉ hưu, trừ trường hợp bị kỷ luật. Đây cũng là vấn đề mà tư tưởng nhà nước pháp quyền quan tâm tới.

Tuy nhiên, vấn đề phẩm chất, năng lực của thẩm phán, chánh án cũng phải được đặt ra, song chúng lại là một câu chuyện khác.

Việc tổ chức hệ thống toà án độc lập không hề vi phạm nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, bởi quyền lực đó chỉ trở thành hiện thực khi pháp luật được xây dựng vì quyền lợi chung của cộng đồng và được thực hiện nghiêm chỉnh. Hệ thống toà án (kể cả toà án hiến pháp và toà hành chính) là nơi xem xét tính hợp hiến (cũng là tính phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng) của pháp luật và tác động đến việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thông qua việc áp dụng pháp luật cho các trường hợp cụ thể. Đồng thời, toà án cũng là nơi bảo vệ người dân trước sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan công quyền. Dù hệ thống toà án có độc lập thì Nhà nước Việt Nam vẫn là một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở đây cần nhấn mạnh thêm rằng, người ta thường căn cứ vào mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp để phân loại chính thể (tổng thống, nội các hay Quốc hội) hoặc tập quyền hay phân quyền, nên tư pháp độc lập không ảnh hưởng gì đến nguyên tắc tập quyền trong tổ chức nhà nước vì Chính phủ vẫn là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Nói cho cùng, các tư tưởng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xuyên suốt và tác động đến toàn bộ nội dung của luật hiến pháp. Vậy, cần phải nghiên cứu vấn đề nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa một cách rõ ràng và đưa nó vào nội dung của Hiến pháp, kể cả trong quá trình xây dựng mới hay sửa đổi, bổ sung.

6. Phân loại hiến pháp

Dựa vào các đặc tính nổi bật của Hiến pháp, người ta phân loại chúng. Nhưng có nhiều quan điểm khác nhau trong việc phân loại hiến pháp. Giáo sư K.C. Wheare phân loại như sau:

1) Hiến pháp thành văn và Hiến pháp không thành văn;

2) Hiến pháp cương tính và Hiến pháp nhu tính;

3) Hiến pháp tối cao và Hiến pháp phụ thuộc;

4) Hiến pháp liên bang và Hiến pháp đơn nhất;

5) Hiến pháp phân quyền và Hiến pháp tập quyền;

6) Hiến pháp cộng hoà và Hiến pháp quân chủ[29].

Nếu phần cốt yếu của Hiến pháp được thể hiện trong một văn bản được thông qua hoặc ban hành vào một thời điểm cụ thể thì được gọi là Hiến pháp thành văn. Nếu không có một bản văn như vậy thì được gọi là Hiến pháp không thành văn.

Việc phân loại Hiến pháp cương tính và Hiến pháp nhu tính trước hết dựa trên vấn đề Hiến pháp đó có thể được sửa đổi một cách dễ dàng hay không.

Hiến pháp tối cao là Hiến pháp của một quốc gia mà quyền lực lập pháp không bị giới hạn (quyền của liên bang). Ngược lại, Hiến pháp phụ thuộc là Hiến pháp của một quốc gia mà quyền lực đó bị giới hạn bởi một nhà cầm quyền cao hơn (Hiến pháp của các tiểu bang trong liên bang).

Hiến pháp liên bang là Hiến pháp của các nước liên bang, còn Hiến pháp đơn nhất là Hiến pháp của các nước tổ chức theo hình thức đơn nhất.

Hiến pháp phân quyền là Hiến pháp của các nước có phân chia quyền lực, và Hiến pháp tập quyền thì ngược lại.

Hiến pháp cộng hoà và Hiến pháp quân chủ được phân loại dựa trên tiêu chí phân loại chính thể cộng hoà hay quân chủ.

Cách phân loại này có thể áp dụng cho tất cả các Hiến pháp. Ví dụ Hiến pháp của Anh là Hiến pháp không thành văn, nhu tính, tối cao, đơn nhất, phân quyền (nhưng không hoàn toàn), quân chủ.

Bên cạnh cách phân loại mang tính pháp lý này, còn có những cách phân loại theo nội dung chính trị. Chẳng hạn như việc phân các Hiến pháp thành năm loại: thứ nhất, Hiến pháp là một cơ cấu mềm của chính quyền; thứ hai, Hiến pháp là một bộ luật về nhà nước; thứ ba, Hiến pháp là một tuyên ngôn cách mạng; thứ tư, Hiến pháp thiết lập nên các ý tưởng chính trị chưa trở thành hiện thực; thứ năm, Hiến pháp bao gồm nguồn gốc cổ xưa của quyền lực như Hiến pháp không thành văn[30].

 Nếu theo cách phân loại thứ nhất thì Hiến pháp của Việt Nam là Hiến pháp thành văn, nhu tính, tối cao, đơn nhất, tập quyền và cộng hoà.

Nếu theo cách phân loại thứ hai thì Hiến pháp của Việt Nam được xếp vào loại thứ ba.

Vậy, khi xây dựng hoặc sửa đổi Hiến pháp người ta còn phải xem xét đến kiểu loại Hiến pháp để định hướng cho việc xây dựng hay sửa đổi.

7. Bản văn Hiến pháp

Là phần quan trọng nhất hay là nguồn quan trọng nhất của luật hiến pháp, Bản văn Hiến pháp là một cấu trúc pháp lý có các kiểu loại của nó.

Trong cuốn sách “Các quyền của con người” (1791- 1792), Thomas Paine viết: “Hiến pháp không phải là một đạo luật của chính quyền, nhưng là của nhân dân tạo dựng nên chính quyền và một chính quyền không có hiến pháp là quyền lực không có quyền… Hiến pháp là một vấn đề đứng trước chính quyền và chính quyền chỉ là tay sai của hiến pháp”[31].

Với vai trò và ý nghĩa to lớn như vậy, Hiến pháp đặt nền móng cho một quốc gia hiện đại, là hiện thân của khế ước cơ bản giữa nhân dân và là hình thức cao nhất của pháp luật. Vậy, Bản văn Hiến pháp thường có những đặc tính sau: thứ nhất là tính tối cao, được ưu tiên trên tất cả những phần khác của các hoạt động pháp lý; thứ hai là có khuynh hướng khác với các đạo luật khác ở tính cứng rắn và cách thức bao quát trong việc diễn đạt. Nó khó thay đổi hơn so với các đạo luật khác (thông thường là đa số tuyệt đối hoặc đa số phức hợp chấp nhận); thứ ba là thường được viết vào những thời điểm gây cảm hứng nhất hoặc thịnh vượng nhất của đất nước. Nên các vấn đề được diễn đạt một cách trang trọng, bao quát, khoa trương, do đó dễ dẫn đến tình trạng tranh luận, nhất là các vấn đề về tự do, bình đẳng… Vì vậy, nó cần được giải thích nhiều; thứ tư là thường không hướng tới những vấn đề tranh chấp cụ thể và bởi vậy, nó ít liên quan tới các ngành luật khác[32].

Bản văn Hiến pháp rất ít khi giúp được cho chính quyền dàn xếp các tranh chấp phát sinh trong đời sống thường nhật. Các nhóm quyền lợi thường lợi dụng các điểm được thể hiện trang trọng, cao siêu hay khoa trương để làm lợi cho họ. Chính vì vậy mà người ta thường ví: “Hiến pháp dường như nói tất cả và cũng dường như không nói gì cả”.

Nếu Bản văn Hiến pháp viết trang trọng và cao siêu thì khó có khả năng giải quyết các vấn đề thực của cuộc sống, nhưng nếu viết cụ thể, chi tiết và ít nhường chỗ cho việc giải thích thì không tạo ra được sự ổn định, vững chắc và phù hợp với đạo đức cho một nhà nước[33].

Qua đây có thể hiểu tranh luận về vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm trong Hiến pháp 1992 ở Việt Nam là vấn đề dễ thông cảm. Song, đó không thể là một trong những lý do để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Một Bản văn Hiến pháp thường chỉ chủ yếu giải quyết vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước và xác định các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa công dân và nhà nước. Việc giải quyết như vậy làm cho Bản văn Hiến pháp có độ ổn định, bền vững và hiện thực hơn.

8. Hiến pháp và vấn đề quyền con người

Ông Vũ Đình Hoè đã nhận định rằng, Tuyên ngôn Độc lập gắn bó hữu cơ với và tạo tiền đề cho Hiến pháp 1946 mà được kế thừa trong các Hiến pháp sau này. Và trong Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định một tiền đề phù hợp với “đạo lý và pháp lý ngàn đời” là các quyền tự nhiên của con người để rồi từ đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên cao hơn thành quyền của các dân tộc[34]. Qua đây có thể thấy, các quyền của con người cần phải được ghi nhận vào Bản văn Hiến pháp.

Thomas Fleiner, một chuyên gia hiến pháp nổi tiếng của Thuỵ Sĩ và của thế giới, định nghĩa: “Các quyền con người là các quyền của con người được sống phù hợp với bản chất của họ và với những người khác”[35].

Xuất phát từ quan niệm rằng quyền con người là các quyền tự nhiên nên chúng là “phổ biến”, “cơ bản” và “tuyệt đối”. Không kể chủng tộc, nòi giống, địa vị xã hội hay quốc tịch… mọi người đều có quyền như nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Đó là đặc tính “phổ biến” của quyền con người. Các quyền này mang đặc tính “cơ bản” là bởi chúng không thể chuyển nhượng được, dù chúng có thể bị từ chối hay vi phạm. Quyền con người mang tính “tuyệt đối” bởi nó là nền tảng căn bản cho đời sống thực sự của con người và không thể bị hạn chế hay giảm bớt. Các quyền này khác với các quyền dân sự ở chỗ nó là các nguyên tắc đạo đức đòi hỏi phạm vi toàn cầu, trong khi các quyền dân sự tuỳ thuộc vào sự tự do hay thân phận được ban cho các công dân trong một xã hội nhất định. Tuy nhiên, các khái niệm tự do dân sự hay các quyền dân sự thường dựa trên vấn đề quyền con người mà được xem như các nguyên tắc đạo đức để tạo nên quyền công dân[36].

Vấn đề quyền con người là một điểm nhạy cảm chính trị và được hiểu, cũng như tranh luận quyết liệt. Nhiều Hiến pháp ghi nhận các quyền này, song không ít các Hiến pháp chưa thể hiện chúng. Nhưng có một điều cần khẳng định rằng không thể áp đặt các giá trị trong quan niệm về chính trị của một quốc gia này cho một quốc gia khác. Các thành viên trong một cộng đồng chính trị sẽ tự lựa chọn cho họ một chế độ chính trị.

9. Chủ quyền

Là đối tượng nghiên cứu của khoa học pháp lý và khoa học chính trị, khái niệm chủ quyền thường được hiểu là nguyên tắc quyền lực hoàn toàn và vô giới hạn, nhưng có sự phân biệt giữa chủ quyền pháp lý và chủ quyền chính trị mà ở đó chủ quyền pháp lý đề cập đến uy quyền pháp lý tối cao được xem như một quyền đòi hỏi tuân thủ không thể bác bỏ do luật quy định; còn chủ quyền chính trị đề cập đến quyền lực chính trị vô giới hạn được xem như khả năng đòi hỏi sự phục tùng mà được bảo đảm bằng sự độc quyền cưỡng bức35.

Chủ quyền tồn tại ở hai trạng thái là chủ quyền bên trong (hay đối nội) và chủ quyền bên ngoài (hay đối ngoại). Chủ quyền bên trong phụ thuộc vào cơ quan lập pháp làm ra luật áp dụng trong lãnh thổ quốc gia thuộc chủ quyền. Chủ quyền bên ngoài được thừa nhận bởi luật quốc tế rằng quốc gia có quyền tài phán (hay uy quyền) trên lãnh thổ của mình. Chủ quyền bên ngoài cho phép quốc gia đòi hỏi sự điều tiết quan hệ giữa nước mình và phần còn lại của thế giới36.

Người ta thường đề cập đến hai học thuyết chủ quyền chính là học thuyết chủ quyền nhân dân (ở đó mỗi công dân nắm giữ một phần của chủ quyền) và học thuyết chủ quyền quốc dân (ở đó quốc gia dân tộc (Nation- State) nắm chủ quyền). Các học thuyết này có các quan niệm khác nhau về việc áp dụng dân chủ37.

Hiến pháp các nước thường thể hiện một cách rõ ràng nguyên tắc chủ quyền. Ngay cả những nước có Hiến pháp không thành văn như Anh quốc, Israel cũng xác định chủ quyền thuộc Nghị viện38. Và chính đây cũng là nguyên tắc khởi đầu của Hiến pháp, trừ một số nước như CHLB Đức coi nguyên tắc “nhân phẩm” là nguyên tắc khởi đầu.

Chủ quyền có các đặc tính là “duy nhất”, “không thể chuyển nhượng” và “không có thời hiệu”. Do vậy, nguyên tắc chủ quyền nên được xem xét để thể hiện rõ hơn khi nhu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 được đặt ra.

2. Văn hoá chính trị

Giống như bất kỳ một thực thể nhân tạo nào, nhà nước có thể được sử dụng theo cách thức tốt hoặc không tốt, phù hợp hay không phù hợp với lợi ích của nhóm người này hay nhóm người khác. Bởi thế, nhiều người có tình cảm yêu hay ghét nó. Từ đó, việc nghiên cứu thái độ của quần chúng đối với chính trị trở nên rất quan trọng mà trong đó các học giả cho rằng, việc nghiên cứu các định hướng của nhân dân về đời sống chính trị là việc nghiên cứu văn hoá chính trị của một đất nước. Và văn hoá chính trị được hiểu là một khái niệm có bản chất tâm lý. Nó đề cập đến những gì mà nhân dân nghĩ về chính trị và đề cập tới lòng tin, các giá trị và mối xúc cảm chính trị.

Tuy nhiên, khái niệm về văn hoá nói chung chưa đạt tới sự đồng nhất trong cách hiểu. Theo thống kê của nhà văn hoá người Mỹ A.L. Krocber và Chuc Khohu có khoảng 170 định nghĩa về văn hoá trong sách báo phương Tây tính đến năm 1972 và cho đến nay, theo ông Phan Ngọc thì có tới 400 định nghĩa khác nhau về văn hoá. Vì tiếp cận ở các góc độ khác nhau hoặc khi đi vào các lĩnh vực chuyên biệt khác nhau nên định nghĩa về văn hoá thường khác nhau. Một trong những lý do khác dẫn đến sự khác nhau trong định nghĩa về văn hoá là cách thức tiếp cận tới khái niệm văn hoá của các trường phái, các học thuyết khác nhau về triết học, về xã hội học. Chẳng hạn, các nhà văn hoá học của các nước tư bản thường nghiên cứu văn hoá dưới góc độ dân tộc học, nhân học cấu trúc, nhân học xã hội, xã hội học, tâm lý học… Còn các nhà nghiên cứu văn hoá theo trường phái Marx thường xuất phát từ chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nhưng dù sao cũng có những điểm chung trong các quan niệm về văn hoá ở chỗ mọi người đều nhận thức rằng văn hoá là sản vật của con người trong quá trình hoạt động, là kết quả của các hoạt động có tính người39.

Với tính cách là một bộ phận của văn hoá nói chung, văn hoá chính trị đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của hoạt động chính trị và có những đặc thù riêng như biểu hiện tập trung ở thái độ hay cách ứng xử đối với những nhóm quyền lợi đối lập thống trị và tập trung nhất ở thái độ hay cách ứng xử với chính quyền và các hành vi của chính quyền.

Hiện nay, người ta cho rằng có hai trường phái lớn về văn hoá chính trị. Đó là trường phái hành vi và trường phái Marxist40. Trường phái hành vi cho rằng trong các xã hội dân chủ thực sự, có một nền văn hoá chính trị mang tính dân tộc. Đó là sản phẩm của lịch sử, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các định chế xã hội như gia đình… Trường phái Marxist xem xét văn hoá với tính cách là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, nhưng mặt khác, có tính kế thừa và chịu tương tác với các yếu tố cấu thành đời sống tinh thần của xã hội41. Do đó, nhân dân lao động có thái độ bất bình đối với giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột và với công cụ nhà nước của giai cấp này. Nhưng giai cấp thống trị luôn luôn mong muốn áp đặt các giá trị chính trị cho giai cấp bị trị.

Ở đây cũng cần phải phân biệt giữa hành vi chính trị và thái độ chính trị. Nhiều khi, trong thực tế, hành vi chính trị có thể khác biệt với thái độ chính trị.

Hành vi chính trị có thể (do che giấu thái độ chính trị hay do bị lôi kéo, dụ dỗ hoặc bị đe doạ, cưỡng bức) đi theo một xu hướng chính trị khác với thái độ chính trị của chủ thể.

Trong cuốn “The Civic Culture” của Almond and Verba đã phân tích ba kiểu loại văn hoá chính trị: thứ nhất là “văn hoá chính trị thiển cận” mà ở đó con người chỉ hiểu biết lờ mờ về sự tồn tại của một chính quyền trung ương; thứ hai là “văn hoá chính trị phụ thuộc” mà ở đó con người bị phụ thuộc vào chính quyền, không biết đến chuyện tham gia vào quá trình chính trị; thứ ba là “văn hoá chính trị tham gia” mà ở đó con người tin tưởng rằng họ có thể đóng góp vào hệ thống chính quyền và bị ảnh hưởng bởi chính quyền. Vậy, một xã hội dân chủ là một xã hội có các đặc trưng của “văn hoá chính trị tham gia”. Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ các quyền của công dân tham gia vào hệ thống chính trị nói chung và chính quyền nói riêng. Song, việc làm cho người dân hiểu được chính quyền là của họ, do họ và vì họ dường như còn là con đường gập gềnh, khúc khuỷu do năng lực, cách thức và nhiệt huyết vận động quần chúng còn nhiều vấn đề phải bàn. Một trong những vấn đề đó là việc làm cho nhân dân hiểu rõ về Hiến pháp, về chính quyền mà do Hiến pháp hay chính ý chí của nhân dân tạo nên. Nhiều quan niệm phiến diện cho rằng Hiến pháp do Quốc hội làm ra, nên nó được coi như sản phẩm riêng có của Quốc hội. Dù Quốc hội do nhân dân bầu ra và đại diện cho nhân dân, nhưng Quốc hội cũng chỉ là một cấu trúc trong bộ máy nhà nước mà bộ máy đó do ý chí của nhân dân thống nhất biến thành Hiến pháp để tạo dựng nên và kiềm chế các hoạt động của nó.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy các công dân được giáo dục để hiểu về quốc hội, về chính quyền từ khi còn rất nhỏ như ở Úc, Thuỵ Điển, Pháp, Mỹ… Các sự giáo dục này nhằm nâng cao văn hoá chính trị cho toàn xã hội. Ở Mỹ có sự giáo dục và kiểm tra hiểu biết về Hiến pháp Mỹ, chính quyền Mỹ trước khi cho nhập quốc tịch.

Ở Việt Nam, việc ra đời của Hiến pháp 1946 được coi là một sự kiện hết sức trọng đại của lịch sử mà ở đó người dân được tuyên truyền và hiểu biết sâu sắc về Hiến pháp, coi đó là thành tựu lớn của cách mạng và thấy mình có vị trí làm chủ đất nước.

Vậy có thể kết luận: việc nhận được sự giáo dục và hiểu biết về Hiến pháp của nhân dân góp phần cải thiện thái độ đối với chính quyền và nâng cao văn hoá chính trị của nhân dân. Các đồng bào dân tộc ít người cần phải được biết rằng chính quyền ở Việt Nam là chính quyền được tạo dựng nên bởi các dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam và họ có thể tham gia vào các công việc của chính quyền. Điều đó ngày càng giúp cho chính quyền thêm vững mạnh.

3. Kiến nghị

Qua những nghiên cứu ở trên, chúng tôi thấy:

1- Cần nghiên cứu kỹ hơn về khoa học luật hiến pháp, về khoa học chính trị, về xã hội học, tâm lý học… trước khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp;

2- Nâng cao hơn nữa văn hoá chính trị thông qua giáo dục, tuyên truyền và để nhân dân tham gia đông đảo vào việc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp;

3- Tìm kiếm những người hiểu biết sâu sắc về luật hiến pháp và chính trị học tham gia trực tiếp vào nghiên cứu, soạn thảo Hiến pháp hay sửa đổi, bổ sung Hiến pháp;

4- Sửa đổi cơ bản Hiến pháp 1992, nếu có nhu cầu sửa đổi./.


 

* Nghiên cứu Lập pháp, Đặc san Chuyên đề Hiến pháp và các luật về nhà nước, số 1, tháng 4/2001.

** Hiện là TS, công tác tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Xem Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc hội khoá I thông qua Hiến pháp 1946.

[2] Xem Lê Đình Chân, Luật hiến pháp- khuôn mẫu dân chủ, Tủ sách đại học, Sài Gòn, 1975, tr. 28.

[3] Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, Political Science- A Comparative Introduction, St. Martin’s Press- New york, 1993, p. 8.

[4] Xem Hilaire Barnett, Constitutional and Administrative Law, Lawman (India) Private Limited, Cavendish Publishing Limited, p. 1.

[5] Xem PGS, PTS. Nguyễn Đăng Dung, Luật hiến pháp- một ngành luật, một khoa học pháp lý và một môn học trong Giáo trình luật hiến pháp của các nước tư bản, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, tr. 7-14.

[6] Xem PSG, PTS. Nguyễn Đăng Dung, tlđd, tr. 11, 12.

[7] Xem Hiram Miller Stout, British Government, New york- oxford University Press, 1953, p. 19.

[8] Xem PGS, PTS. Nguyễn Đăng Dung, tlđd, tr. 12.

[9] Hiện nay, các vấn đề về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã được điều chỉnh trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 (BBT).

[10] Xem Hiram Miller Stout, tlđd, tr. 19.

[11] Xem Barry M. Hager, The Rule of Law- A Lexicon for Policy Maker, The Mansfield Center for Pacific affairs, 1999, p. 19.

[12] Xem Hilaire Barnett, tlđd, p. 3.

[13] Xem Andrew Heywood, Key Concepts in Politics, Mamillan Study Guides, 2000, p. 29.

[14] Xem House of Representatives, Japan, History of Constitutionalism in Japan, p. 7.

[15] Xem Andrrew Heywood, tlđd, p. 124.

[16] Xem David Beatty, Constitution Law in Theory and Pratice, University of Toronto Press- Toronto, Bufalo. London, 1995, p. 4,5.

[17] Xem Hilaire Barnett, tlđd, p. 86.

[18] Xem Lê Đình Chân, tlđd, tr. 71.

[19] Xem Barry M. Hager, tlđd, p.19.

[20] Xem Vũ Đình Hoè, Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam: Một mô hình mới- Hiến pháp dân tộc và dân chủ, trong cuốn: Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 66.

[21] Xem Vũ Đình Hoè, tlđd, tr. 66.

[22] Xem Edmund M.A. Kwaw, The Guide to Legal Analysis, Legal Methodology and Legal Writing, Emond Montgomery Publication Limited, Canada, 1992, p. 6.

[23] Trong “Giáo trình luật hiến pháp của các nước tư bản”, PGS, TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng do các quan hệ xã hội mà luật hiến pháp điều chỉnh là rường cột của xã hội và kể cả cơ quan ban hành luật cũng phải tuân thủ Hiến pháp, nên luật hiến pháp làm cơ sở cho các ngành luật khác (tr. 12)

[24] Xem Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Sài Gòn, 1960, tr. 85.

[25] Xem Barry M. Hager, tlđd, p. 19.

[26] Xem Hilaire Barnett, tlđd, p. 79.

[27] Xem thêm Ngô Huy Cương, Cải cách pháp luật ở Việt Nam: suy nghĩ về sự cần thiết và một số định hướng cơ bản, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8 (12/2000).

[28] Hiện nay, Điều 2, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (BBT).

[29] Xem Hilaire Barnett, tlđd, p. 7.

[30] Xem thêm Ngô Huy Cương, Quốc hội và Chính phủ- Một số luận điểm về tổ chức, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 1 năm 1999.

[31] Xem Hilaire Barnett, tlđd, p. 5, 6.

[32] Xem David Beatty, tlđd, p. 5, 6.

[33] Xem David Beatty, tlđd, p. 5, 6.

[34] Xem Vũ Đình Hoè, tlđd, tr. 66, 67.

[35] Xem Thomas Fleiner, What are Human Rights?, The Federation Press, 1999, p. 8.

[36] Xem Andrew Heywood, tlđd, p. 131.

35 Xem Andrew- Heywood, tlđd, p. 37.

36 Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, tlđd, p. 7; Xem GS. Lê Đình Chân, Luật hiến pháp và các định chế chính trị- lý thuyết tổng quát về quốc gia, hiến pháp và các chánh thể, Tủ sách Đại học, Sài Gòn, 1971, tr. 44.

37 Xem Nguyễn Văn Bông, Luật hiến pháp và chính trị học, Sài Gòn, 1969, tr. 83- 87.

38 Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, tlđd, p. 7.

39 Xem PTS. Hồ Trọng Hoài, Khái niệm văn hoá và các đặc trưng chủ yếu của yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại, trong cuốn: Hướng tới một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 9-19.

40 Xem Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, Political Science- A Comparative introduction, St. Martin’ Press, New york, 1992, p. 136.

41 Xem Hướng tới một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tlđd, tr. 6.