Amazon mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh trong năm 2020

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ tư, ngày 14/04/2021 18:57 GMT+7

Rừng Amazon bị tàn phá. (Ảnh: AP)

Đây là nội dung trong báo cáo do Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) công bố vào ngày 13/4.

MAAP đã tiến hành phân tích các dữ liệu và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải 30m ghi nhận tại các vùng lãnh thổ của tất cả những quốc gia nằm trong châu thổ Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Guyana và Surinam.

Cơ quan này ước tính, chỉ riêng diện tích rừng nguyên sinh của Amazon bị mất trong năm qua đã tương đương với diện tích của quốc gia Trung Mỹ El Salvador. Các quốc gia có số lượng rừng nguyên sinh Amazon bị mất nhiều nhất trong năm 2020 theo thứ tự là Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Venezuela và Ecuador.

Amazon mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh trong năm 2020 - Ảnh 1.

Đáng chú ý, hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. (Ảnh: AP)

MAAP cho biết, hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó. Diện tích rừng bị tàn phá ở Brazil gần gấp đôi diện tích Puerto Rico và chủ yếu tập trung ở phía Nam nước này.

Trong khi đó, diện tích rừng bị tàn phá tại Bolivia trong năm 2020 lên tới con số kỷ lục 240.000 ha với nguyên nhân chủ yếu là do các đám cháy xảy ra ở phía Đông Nam nước này đã tàn phá những khu rừng tại các hệ sinh thái Chiquitano và Chaco.

Đối với trường hợp của Peru, nước này đã mất 190.000 ha rừng nguyên sinh trong năm 2020, tăng 18% so với năm 2019 và cũng là con số kỷ lục ghi nhận được. Nguyên nhân chính của tình trạng phá rừng ở Peru được cho là bắt nguồn từ nạn đốt rừng lấy đất canh tác.

Cháy rừng Amazon lan rộng tại Brazil, đe dọa các khu rừng nguyên sinh Cháy rừng Amazon lan rộng tại Brazil, đe dọa các khu rừng nguyên sinh

VTV.vn – Các đám cháy ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil trở nên tồi tệ hơn vào tuần đầu tiên của tháng 9 và ngày càng lan rộng, đe dọa các khu rừng nguyên sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!