Ẩm thực truyền thống Việt Nam ngày Tết Nguyên Đán xưa và nay khác nhau như thế nào?
Ngày Tết chúng ta thường bàn nhau, phân tích những câu chuyện về ẩm thực truyền thống Việt Nam như một thú vui tao nhã trong hưởng thụ vật chất. Theo nhà văn Nguyễn Tuân, yếu tố rường cột của nghệ thuật ăn uống chính là không gian nào, thưởng thức với ai và tâm thế nào, đó chính là văn hóa ẩm thực. Ngày nay, chúng ta lại thích nhìn lại ẩm thực Tết truyền thống đã thay đổi như thế nào so với thời nay. Chìa khóa của sự so sánh này các bạn cùng tìm hiểu nhé!
MỤC LỤC [Hiện]
Ẩm thực tết truyền thống
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Câu thơ đã khắc họa nét đẹp nghìn năm văn hóa hương sắc Tết của người Việt. Ẩm thực xưa thiên vị “thực” (món ăn) nhiều hơn “ẩm” (đồ uống). Trên mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt, những nhân vật chiếm vị thế nhất không bao giờ vắng mặt phải kể đến Bánh chưng (miền Bắc) hay bánh tét (miền Nam), giò chả, gà luộc, xôi, thịt lợn (luộc hay rán), thịt đông, nem rán, măng, miến, dưa hành, nộm,… Mỗi mâm thường là “bốn bát sáu đĩa” đuề huề.
Ẩm thực phong phú chất lượng đến đâu cũng không thể trọn vẹn được nếu thiếu gia vị đặc trưng vùng nhiệt đới gió mùa của đất nước ta: Rau sống (lách, diếp, muống), hành, tỏi, gừng, sả, mùi, húng, ớt, tiêu, chanh, giấm,…Gia vị vừa kích thích ăn ngon lại cũng có khí vị của các bài thuốc nam điều hoà âm dương.
Ẩm (đồ uống) ngày xưa không có gì nhiều hay khác là rượu quê với đặc sản của rượu men lá, rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu ngô Mèo Vạc (Hà Giang), rượu làng Mơ (Kinh kỳ), rượu làng Vân (Bắc Giang), rượu Kim Sơn (Ninh Bình), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Gò Đen (Long An),… món ẩm giải khát thì có nước chè mạn (chè khô) hay chè xanh, nước chanh hay cam (giải rượu).
Đối với món tráng miệng hay các món ngọt tiếp khách ngày Tết, sẽ có bánh khảo, bánh đậu xanh, kẹo lạc, trẻ em đến người lớn ai cũng không chê được chè lam, kẹo lạc hay kẹo dồi chị em sinh đôi; hoặc giả là các loại mứt truyền thống như sen, gừng, lạc, bí, dừa.
Ẩm thực Tết hiện đại
Mâm cỗ Tết các bà nội trợ vẫn thường xuyên theo nguyên tắc truyền thống “4 bát 6 đĩa”, nhưng những năm gần đây canh bóng đã không còn phổ biến nữa vì lo sợ về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở thủ công sản xuất bóng bì không chất lượng.
Văn hóa ẩm thực đã ít nhiều tiếp thu tinh hoa của các nước khu vực Đông Nam Á và cả phương Tây. “Văn hóa rượu vang”, “văn hóa bia” đã xuất hiện nhiều hơn bên cạnh rượu cất bằng gạo truyền thống. Trên ban thờ gia đình, quanh mâm cỗ truyền thống đã không thấy ngự những chai rượu quê “nút lá chuối” nữa. Thay vào đó là những chai rượu vang nhẹ độ (của Ý, Pháp, Tây Ban Nha,…), hay rượụ mạnh cao độ thuộc các dòng Cognac hay Whisky.
Dù có những thay đổi đáng kể nhưng ẩm thực truyền thống Việt Nam vẫn không bao giờ có thể bị lu mờ hay biến mất, chúng ta tùy theo sở thích quan niệm mỗi người có thể làm phong phú hơn bằng những ẩm thực nước ngoài hoặc không, miễn là chúng ta tận hưởng thời gian đầu xuân năm mới.
2